Năm 1984, tôi mang quân hàm thiếu úy, là trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Đoàn Quân sự 9903, làm nhiệm vụ giúp bạn tại tỉnh Pursat, Campuchia. Tháng 5-1984, tôi được giao thêm nhiệm vụ Đội trưởng Đội văn nghệ xung kích. Đội gồm 18 chiến sĩ văn nghệ mà tôi được phân công trực tiếp xuống các đơn vị tuyển chọn.

Sáng 26 tháng Chạp năm Ất Sửu 1985, tôi được Chủ nhiệm Chính trị gọi lên giao nhiệm vụ dẫn đội văn nghệ vào chốt đón Tết với Tiểu đoàn Giồng Dứa. Chúng tôi nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, sáng hôm sau hành quân. Ngoài súng đạn, ba lô, đạo cụ... mỗi người còn cõng thêm 10kg gạo. Cùng đi với đội còn có hơn 100 dân công là người dân tỉnh Pursat, họ có nhiệm vụ tải lương thực, thực phẩm vào căn cứ Arai để tiếp tế cho tiểu đoàn. Lực lượng dân công toàn là những chàng trai địa phương khỏe mạnh, họ toàn đi chân đất, trên lưng mỗi người cõng nào là gạo, bánh kẹo, trà, mứt, gà, vịt... có đến hơn 40kg, vậy mà bước chân cứ thoăn thoắt.

leftcenterrightdel

Đội văn nghệ Đoàn Quân sự 9903 (năm 1986). Ảnh tư liệu 

Sau gần 4 ngày vượt rừng vất vả, 4 giờ chiều Ba mươi Tết, chúng tôi đến căn cứ Arai. Thấy chúng tôi, bộ đội rất vui mừng. Sau này mới biết, gạo dự trữ của tiểu đoàn đã hết gần một tuần lễ, anh em phải đào khoai mì (sắn) ăn tạm qua ngày chờ tiếp tế.

Nghe tiếng anh em lao xao, anh Tám Hơ, Tham mưu trưởng, chỉ huy tăng cường của Đoàn Quân sự 9903 từ trong lều bước ra hầm hầm hỏi tôi: “Mầy đi đâu đây?”. Tôi mỉm cười trả lời: “Em dẫn đội văn nghệ vô đây ăn Tết với mấy anh”. “Ở đây cần gạo chứ không cần văn nghệ mầy!”, anh Tám Hơ nói như tạt gáo nước lạnh vào mặt tôi rồi quay trở vô lều. Có lẽ do một thời gian dài lo lắng cho tiểu đoàn vì hết lương thực nên anh cáu kỉnh như thế.

Đội văn nghệ chúng tôi rất gọn nhẹ, toàn con trai nên không cần son phấn hóa trang, cũng chẳng có máy móc âm thanh, toàn đàn thùng, hát miệng. Đến khi biểu diễn, sau tiết mục mở màn, anh em vỗ tay rần rần. Anh Tám Hơ trong lều nghe chắc cũng thấy nóng trong bụng nên kê ghế ra ngồi xem. Một tiết mục rồi đến hai, ba... tới tiết mục kịch câm tôi thấy anh ngã ngửa vỗ tay cười ha hả.

Trời sụp tối, bộ đội ai nấy đều trở về hầm trú ẩn. Anh Tám Hơ cho liên lạc mời tôi đến lều của anh nói chuyện. Biết anh đã lâu nhưng chưa có dịp gần gũi, đêm ấy chúng tôi cùng nhau tâm sự đợi Giao thừa. Bất chợt anh hỏi: “Ê! Cái thằng đờn cò hồi chiều tên là gì mầy?”. Tôi nói: “Huyện! Huỳnh Tấn Huyện, lính Tiểu đoàn Trương Định”. “Mầy kêu nó qua đây, nhớ xách theo cây đờn cò, kéo ò e cho nhớ nhà chơi!”.

Theo yêu cầu của anh Tám Hơ, Huyện so dây rồi cùng cây đàn cất lên những âm thanh từ căn lều xuyên thấu màn đêm. Tiếng đàn len lỏi vào từng chiếc lều dã chiến, đến từng ngóc ngách chiến hào, len vào trái tim người lính. Tiếng đàn dẫn dắt chúng tôi về lại quê nhà, nơi có mái ấm gia đình, có những người thân yêu quây quần bên nồi bánh tét chờ đón giây phút Giao thừa của những mùa xuân bé dại. Bỗng có tiếng sột soạt bên ngoài, dưới ánh đèn dầu lờ mờ từ trong lều hắt ra, tôi thấy lô nhô anh em bộ đội tìm đến tự bao giờ. Họ ngồi bên nhau, im lặng lắng nghe như nuốt từng tiếng đàn vào trong tim. Đêm Giao thừa năm ấy, ở căn cứ Arai có nhiều người lính thao thức vì nhớ quê nhà.

Sáng mồng Một Tết, anh em dân công trở về thị xã, đội văn nghệ chúng tôi tiếp tục đến từng chiến hào phục vụ bộ đội. Nhìn anh em, người nào người nấy xanh xao, gầy guộc nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm lạc quan, yêu đời. Rồi những câu chuyện vui, buồn từ hậu phương đến chiến trường dẫu đã lâu nhưng vẫn được anh em góp nhặt để chia nhau bên chiến hào ngày đầu xuân. Tình cảm những người lính xa nhà thật đơn sơ, mộc mạc nhưng đầm ấm đến lạ. Ai cũng nhớ quê hương, vào những ngày Tết, nỗi nhớ càng thêm da diết, vậy mà tất cả đều nén lại, chúng tôi cùng vỗ tay hòa nhịp hát những hành khúc hào hùng của người lính vang dội cả khu rừng.

PHAN HIẾU LỄ