Vang mãi bài ca đi cùng năm tháng
Ra đời nơi núi rừng Việt Bắc ngày 31-10-1947, Đoàn VCQK 1 là một trong những đơn vị hoạt động VHVN đầu tiên của LLVT-nơi tập hợp những con người tài hoa vừa có thể sáng tác nhạc, viết kịch, đánh đàn vừa có thể ca múa giỏi. Ban ngày, họ mở đường chiến đấu, tham gia tiễu phỉ, đêm đến lại đốt lửa biểu diễn văn nghệ cổ vũ tinh thần kháng chiến cho bà con các dân tộc và chiến sĩ ta đang làm nhiệm vụ suốt một dải từ Thượng Lào qua Sơn La, Lai Châu, Lào Cai... Nhiều nghệ sĩ của đoàn đã trở thành tên tuổi lớn, những “cây đại thụ” trong lĩnh vực VHVN như các nhạc sĩ: Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Nhuận, Quế Loan, Xuân Hòa, Văn Chung; các nhà thơ: Hoàng Cầm, Thanh Tịnh, Bàng Sỹ Nguyên...
Bà Đặng Trịnh Anh Thư, 83 tuổi, nguyên là diễn viên kịch của đoàn, hiện sống tại Khu tập thể 28B Điện Biên Phủ (Hà Nội) vẫn nhớ về lần đầu tiên được biểu diễn mừng sinh nhật lần thứ 60 của Bác: “Hôm ấy, đoàn tập ca cảnh “Thiếu nhi với Bác Hồ” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác. Tôi lúc đó 11 tuổi, người thấp bé, cùng hai bạn Loan và Lan đóng vai lâu la, chạy cờ. Buổi biểu diễn thành công, Bác Hồ rất vui. Người khen ngợi đoàn, tặng kẹo các diễn viên nhí. Chúng tôi còn được chụp ảnh với Bác...”.
Tháng 10-1950, Chiến dịch Biên giới diễn ra, ngay lập tức đoàn thành lập các đội xung kích đến các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Ca khúc nổi tiếng “Vào Đông Khê” do nhạc sĩ Văn Chung sáng tác ra đời chính trong chiến dịch này. Nối tiếp sau đó là các chiến dịch: Tây Bắc, Thượng Lào và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đều có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn. Họ đến tận chiến hào, vừa biểu diễn vừa sẵn sàng chiến đấu. Quân Pháp, quân ngụy Lào và bọn phỉ luôn rình rập, lại thêm điều kiện công tác vô cùng khó khăn, gian khổ. Thế nhưng, vượt lên tất cả, những ca khúc, những vở kịch như: “Trên đường lưu động” (kịch ngắn của Thế Lữ), “Nụ cười sơn cước” (kịch thơ của Hoài Niệm), “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận), “Trường ca sông Lô” (Văn Cao)... và nhiều tác phẩm khác do các nghệ sĩ tự biên, tự diễn vẫn vút lên giữa đại ngàn trong đêm tối, giữa tiếng súng nổ chát chúa để cổ vũ, đem lại niềm tin chiến thắng cho nhân dân và bộ đội.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn VCQK 1 đã đầu tư sáng tác và đưa nhiều tác phẩm giàu tính nghệ thuật, nội dung đa dạng đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Việt Bắc cũng như chiến trường miền Nam. Đoàn có riêng một tổ sáng tác, duy nhất có trong toàn quân lúc bấy giờ, thường xuyên cung cấp cho đoàn đến 2/3 chương trình biểu diễn. Những tác phẩm đi cùng năm tháng đã ra đời trong giai đoạn này. Đó là các ca khúc: “Trước ngày hội bắn” (Trịnh Quý); “Lời Bác Hồ rung chuyển bốn phương” (Nguyễn Lầy-Tuấn Long); “Tôi là Lê Anh Nuôi”, “Anh quân bưu vui tính”, “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh); hay những vở kịch: “Nửa đất nước đứng lên” và “Loạt đạn đầu tiên” (Nguyễn Vũ); “Chân trời xa” và “Rừng Khuôn Mánh” (Tuấn Long)...
Chúng tôi gặp Trung tá Trần Tuấn Long (nghệ sĩ Tuấn Long), nguyên Phó đoàn trưởng Đoàn VCQK 1 tại nhà riêng ở phố Hào Nam, Hà Nội. Chúng tôi may mắn được tiếp cận nhiều tài liệu quý khi ông đang sắp xếp những kỷ vật chuẩn bị cho cuộc gặp mặt ban liên lạc truyền thống. Ông kể: “Tôi về đoàn từ tháng 12-1954, cho đến khi nghỉ hưu là 35 năm công tác, nhiều kỷ niệm lắm. Nhớ nhất là lần tôi cùng nhạc sĩ Nguyễn Lầy viết hợp xướng “Lời Bác Hồ rung chuyển bốn phương”, tháng 7-1967. Hôm ấy, tại nơi đoàn đóng quân ở làng Lai (Võ Nhai, Thái Nguyên), qua Đài Tiếng nói Việt Nam nghe được lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc Mỹ xâm lược của Bác, tôi và Nguyễn Lầy có chung cảm xúc nên đã bắt tay cùng sáng tác. Người cầm đàn ghi ta, người cầm bút chụm đầu bên nhau dưới ánh sáng mờ ảo của cây đèn bão, thức trắng đêm thì hoàn thành tác phẩm. Ngay sau lần biểu diễn báo cáo, tác phẩm đã được thông qua và đưa đi thu âm. Từ hôm đó cho đến gần hai năm sau, bài hát liên tục được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Hòa cùng khí thế ra trận, từ năm 1965 đến 1975, các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn đã không quản gian khổ, hy sinh, đoàn nối đoàn vào chiến trường, chủ yếu phục vụ tại Mặt trận B3-Tây Nguyên. “Thật tự hào khi chúng tôi là đoàn văn công đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa mang chương trình hiện đại, chính quy, mang cả sân khấu gỗ, máy nổ to vào Tây Nguyên phục vụ đồng bào và bộ đội. Từ thành công của những đợt hoạt động ở Tây Nguyên mà đoàn đã được tặng thưởng hai Huân chương Giải phóng hạng Ba”, nghệ sĩ Tuấn Long cho biết.
Viết tiếp chiến công trên chặng đường mới
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đất nước thống nhất nhưng chưa im tiếng súng khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc nổ ra. Trên tuyến biên giới từ Quảng Ninh đến Lai Châu, cán bộ, diễn viên của đoàn chia thành những tốp nhỏ đến các chốt tiền tiêu biểu diễn động viên bộ đội anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với thành tích trong phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 10-12-1984, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công cho Đoàn VCQK 1.
Những năm sau này, mặc dù đoàn trải qua những lần sáp nhập, đổi tên, thậm chí là giải thể nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp trên và sự cố gắng bằng nội lực, đoàn ngày một củng cố và hoạt động ổn định, có nhiều thành tích xuất sắc. Trong các đợt tham gia liên hoan VHVN, đoàn liên tục đạt kết quả cao, như: Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc (năm 1999, 2004, 2012, 2015); huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân (năm 2014, 2018). Vào những ngày lễ lớn của đất nước, của quân đội, đoàn có nhiều chương trình đặc sắc để lại ấn tượng trong lòng người xem. Các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn có nhiều chuyến đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 cùng hàng chục buổi diễn phục vụ nhân dân Lào, giao lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc...
Những tiết mục của đoàn đã góp phần gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào Việt Bắc, truyền thống của quân đội, làm lan tỏa phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Thượng tá, NSƯT Dương Thị Kim Ngân, Đoàn trưởng Đoàn VCQK 1 bày tỏ: “Trong bối cảnh hoạt động nghệ thuật đang có xu hướng đổi mới, đa dạng hình thức thể hiện thì truyền thống chính là tài sản tinh thần, là động lực, đồng thời là hành trang tiếp sức cho mỗi cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên, chiến sĩ của đoàn hôm nay vững bước trên chặng đường mới”.
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có điều kiện trực tiếp đến các đơn vị biểu diễn, đoàn đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, chủ động phối hợp với các đài truyền hình và tận dụng các nền tảng đa phương tiện, ghi hình, phát sóng hàng chục tiết mục, chương trình phục vụ bộ đội và nhân dân, tạo hiệu quả xã hội tích cực. Đồng thời, đoàn cũng tham mưu, xây dựng chương trình biểu diễn theo nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và quân khu; chủ công xây dựng kế hoạch, dàn dựng chương trình, cử lực lượng tham dự Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021...
“Chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để có một tác phẩm tốt, một chương trình mà khi biểu diễn đạt giá trị nghệ thuật và chạm đến trái tim khán giả. Hiện đoàn có một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, có tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm. Sự trưởng thành của những NSƯT Ngô Kiên, Tuấn Bình; nhạc sĩ Lê Thủy, Dương Hà, Đào Hà, Minh Khang, Hồng Quân và các ca sĩ Lâm Bảo Ngọc, Giàng Hoa, Thu Thủy, Khánh Tùng... ở nhiều sân khấu âm nhạc cũng như các cuộc thi nghệ thuật cả trong và ngoài quân đội là minh chứng sống động. Tuổi trẻ hôm nay sẽ viết tiếp trang sử vàng mà các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn đã dày công xây dựng trong gần 75 năm qua”, NSƯT Dương Thị Kim Ngân tự hào chia sẻ.
TUẤN TÚ