Năm nay đã 83 tuổi, song khi biết chúng tôi quan tâm đến chuyện ngày xưa, ca sĩ Thu Hồng hào hứng kể: “Khi có chủ trương thành lập Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên, tôi xung phong lên đường nhận nhiệm vụ. Hằng ngày, bên cạnh luyện tập tiết mục biểu diễn, chị em được tăng cường rèn luyện sức khỏe bằng cách đeo gạch hành quân lên, xuống chùa Hương; tập kỹ năng sinh tồn, bắt cá, nhận dạng rau rừng... Sau khoảng 3 tháng kiên trì rèn luyện, đến tháng 12-1964, chúng tôi được lệnh bí mật hành quân vào Trị Thiên”.

Vào chiến trường, cuộc sống nơi “rừng thiêng nước độc”, thường xuyên bị côn trùng, đỉa, vắt cắn; những cuộc hành quân xuyên đêm; nỗi ám ảnh sau những trận sốt rét và có cả nỗi sợ hãi khi hằng ngày phải chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết là những điều quá sức tưởng tượng với những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi. Bà Thu Hồng cho biết: “Có lúc máy bay địch rải chất độc da cam trúng đội hình, chị em đầu tóc, quần áo bám đầy thứ chất độc quái ác. Hay có lần máy bay B-52 ném bom, chúng tôi được lệnh xuống hầm trú ẩn; bom nổ kinh hoàng, hầm rung lên bần bật; khi không còn nghe tiếng bom nổ, lên kiểm tra phát hiện xung quanh chi chít hố bom, suýt nữa thì bom đánh trúng hầm, lúc đó 6 chị em chỉ biết ôm nhau khóc nức nở”.

leftcenterrightdel

6 nữ chiến sĩ văn công đầu tiên của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên

(từ trái qua: Bích Lộc, Kim Anh, Thanh Hương, Thu Hồng, Phương Nhi, Hồng Nhung). Ảnh tư liệu 

Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương năm nay đã 80 tuổi, cầm bức ảnh chụp “6 nàng tiên” trong đó có mình, bà khoe về tên gọi thân thương bộ đội dành cho những nữ văn công đầu tiên. Thời điểm đó, chiến trường Trị Thiên ác liệt, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên là đơn vị văn công đầu tiên và duy nhất vào chiến trường Trị Thiên... Qua lời kể của các nữ chiến sĩ văn công năm xưa, ngoài việc xây dựng tiết mục, tập luyện, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, chị em còn tham gia tải thương, tải lương, tải đạn; phải thường xuyên tự túc lương thực, thực phẩm, phát nương làm rẫy, tăng gia sản xuất, phụ nuôi quân. “Do điều kiện chiến trường nên công tác bảo đảm khó khăn, vẫn có bữa đói, bữa no, nhiều khi bữa ăn chỉ có lương khô và những ngọn rau rừng. Song những năm tháng phục vụ tại chiến trường Trị Thiên, chúng tôi được sống trong vòng tay bao bọc, che chở, yêu thương của bộ đội và nhân dân. Gian khổ thế nhưng thật kỳ diệu, 6 chị em ai nấy đều rắn rỏi, khỏe mạnh. Có lẽ nhờ tắm và uống nước suối rừng”, nghệ sĩ Thanh Hương xúc động nhớ lại.

Từ trong thiếu thốn, gian khổ, dù được đào tạo chuyên ngành khác nhau, nhưng diễn viên kịch Kim Anh; nhạc công Thanh Hương; ca sĩ Thu Hồng, Bích Lộc; diễn viên múa Phương Nhi, Hồng Nhung-mỗi chị em đều phải tự học tập để có thể cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Không chỉ làm tròn vai của mình mà họ còn có thể vừa là nhạc công, vừa là diễn viên, ca sĩ, múa... khi bộ đội và nhân dân có yêu cầu. Nghệ sĩ Thanh Hương ngậm ngùi chia sẻ: “Từ năm 1964 đến 1967, chiến trường Trị Thiên rất ác liệt, bộ đội thương vong nhiều. Ngoài việc biểu diễn phục vụ bộ đội, chị em còn tình nguyện làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Nấu cơm, cháo, giúp thương binh ăn uống, giặt quần áo cho thương binh, chị em còn hát cho thương binh nghe. Xúc động nhất là những lần biểu diễn theo yêu cầu của thương binh nặng, chị em vừa diễn vừa khóc; kết thúc phần biểu diễn, lại gần thì anh thương binh đã trút hơi thở cuối cùng”...

Chiến tranh kết thúc, 6 nữ chiến sĩ văn công về với đời thường, tiếp tục lao động nghệ thuật cống hiến cho đất nước, quân đội. Ngoài diễn viên Phương Nhi đã mất, 5 người còn lại nay đều tuổi cao, sức yếu. Có người cuộc sống gia đình êm ấm, con cái thành đạt, nhưng cũng có người cuộc đời không may mắn, luôn phải gồng mình chống chọi với bệnh tật và cuộc sống cơm áo gạo tiền. Nhưng những nữ chiến sĩ văn công năm xưa vẫn khẳng định: Nếu thời gian quay trở lại, họ vẫn chọn được làm chiến sĩ văn công đem lời ca, tiếng hát, điệu múa phục vụ, cổ vũ chiến sĩ, đồng bào vượt mọi khó khăn, gian khổ chiến thắng quân xâm lược.

Bài và ảnh: VŨ HOÀNG