QĐND - Theo lời hẹn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thái-người tham gia giành chính quyền tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên tháng 8-1945, cựu chiến binh Trung đoàn 101, Mặt trận Bình Trị Thiên, nguyên Cục trưởng Cục Tài vụ, Tổng cục Hậu cần quân đội. Khi kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày “mũ nan ống túm” được nhân dân nuôi dưỡng ở “Bình Trị Thiên khói lửa”, ông cân nhắc từng chi tiết, chỗ nào không chắc chắn, ông bảo chúng tôi dứt khoát phải “thẩm tra” kỹ trước khi sử dụng làm tư liệu. Tác phong làm việc như thế, một phần là do ông được rèn luyện qua hơn nửa thế kỷ gắn với ngành tài chính hậu cần; trong đó, có “5 năm đặc biệt” (từ 1947 đến cuối 1952) ông làm quản lý đại đội, Quản trị trưởng đại đội rồi Trưởng tiểu ban Tài lương, thuộc Ban Hậu cần Trung đoàn 101 (Thừa Thiên).
|
Ông Nguyễn Văn Thái, hiện sinh sống ở phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
|
…Sau Cách mạng tháng 8-1945, Mặt trận Thừa Thiên do Trung đoàn Trần Cao Vân đảm trách. Năm 1946, quân Pháp lấy danh nghĩa quân Đồng minh tiến vào TP Huế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung đoàn Trần Cao Vân cầm cự, chiến đấu với quân địch. Đến tháng 2-1947, mặt trận bị “vỡ”, bộ đội di tản về vùng nông thôn. Hai tháng sau, Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu và Chính ủy Trần Quý Hai thu thập số quân còn lại, thành lập chiến khu tại làng Hòa Mỹ dưới chân dãy Trường Sơn, thuộc huyện Phong Điền, đồng thời củng cố lại trung đoàn với phiên hiệu 101, thuộc Mặt trận Bình Trị Thiên. Trong hoàn cảnh đó, cơ sở hậu cần của trung đoàn như là con số 0.
Hồi ấy, thực hiện chính sách của Nhà nước ta, nhân dân đóng thuế nông nghiệp bằng thóc theo diện tích đất sở hữu của từng hộ. Điều kiện kháng chiến, giặc Pháp chiếm đóng các thôn xã, nên chính quyền cách mạng giao cho dân bảo quản thóc thuế tại gia đình mà không để tập trung. Khi có lệnh của xã, từng hộ dân xay giã thóc thành gạo để dân công vận chuyển lên chiến khu, cũng như bảo đảm lương thực tại chỗ khi bộ đội hành quân đến. Sau một vài tháng củng cố, huấn luyện, bộ đội Trung
đoàn 101 nhận nhiệm vụ tỏa về đồng bằng để chống địch đi càn, bảo vệ nhân dân, tiêu hao sinh lực địch. Trước khi hành quân, Ban tham mưu Trung đoàn thông báo cho bộ phận tài lương về quân số, thời gian, địa điểm hoạt động để quân lương đến gặp các xã, hiệp đồng chuẩn bị bảo đảm.
Đề phòng giặc đến càn quét, nhân dân chôn giấu thóc dưới đất. Thời tiết khô hanh thì chất lượng thóc vẫn bảo đảm. Lo nhất là vào mùa mưa. Mùa mưa ở Bình Trị Thiên thật khủng khiếp! Ngoài những trận lũ lớn, mưa lai rai suốt từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đứng trong mưa, nghĩ đến thóc mà lòng người như có lửa đốt. Thóc nằm dưới đất bị ẩm, mốc, thối; khi xay giã, chỉ tách lớp trấu ở ngoài, lớp cám vẫn bám vào hạt gạo. Rửa gạo, phải cho vào chiếc rá tre, đặt dưới dòng suối lững lờ trôi. Đưa 5 ngón tay xuống gạo khua nhè nhẹ như làm phép để chỉ có phần cám thối ngoài cùng hạt gạo bợt ra theo dòng nước trôi đi, giữ lấy phần còn lại mang nấu thành cơm. Nếu làm mạnh tay, toàn bộ hạt gạo sẽ nát bươm. Cơm có mùi khó chịu. Đưa vào miệng phải nhắm mắt mà nuốt. Sau rút kinh nghiệm, cơm vừa chín, phải được xới ra mẹt tre, dàn mỏng rồi quạt cho bay hơi. Cơm thật nguội mới đỡ hôi… Mặc dù lực lượng bảo đảm hậu cần đã cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ có gạo cho 2 bữa chính. Bữa sáng phải dựa tất thảy vào dân. Dân thiếu gạo nhưng ngô, khoai, sắn thì luôn có sẵn. Bà con mời bộ đội ăn như nuôi chính con em mình.
Về bảo đảm thực phẩm, cấp trên có chuyển vào cho trung đoàn một lượng tiền Cụ Hồ để mua rau, mắm muối; thỉnh thoảng có chút thịt, cá. Khi bộ đội về đồng bằng, dọc phá Tam Giang, đầm Cầu Hai…, bờ biển trải dài từ Nam Quảng Trị đến đèo Hải Vân thì đúng là về với “biển bạc”. Nhân dân đánh bắt được nhiều hải sản, thường tặng hoặc bán rất rẻ cho bộ đội. Nhờ đó, bữa ăn của anh em được cải thiện đáng kể. Dân coi việc tham gia nuôi dưỡng bộ đội là nhiệm vụ thiêng liêng, giữ bí mật tuyệt đối. Do các vùng có thóc đều ở đồng bằng, vận chuyển lên chiến khu phải vượt qua Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam nên phải làm vào ban đêm để tránh giặc phục kích đánh phá.
Khi còn ở chiến khu, bộ đội tự làm lán trại che mưa nắng. Khi về đồng bằng, phân tán vào nhà dân ngay trong vùng tạm bị địch chiếm, mỗi nhà ít nhất vài ba người. Bà con dành chỗ tốt nhất cho bộ đội. Phần lớn anh em rời gia đình nhập ngũ với bàn chân trần, đôi bộ quần áo bà ba vải thô, nhuộm nâu và chiếc đệm đan bằng cói dùng để đắp thay chiếu. Không ai có màn. Khổ nhất là chống chọi với muỗi rừng. Không chỉ ban đêm mà ngay cả ban ngày. Muỗi kềnh càng, nghênh ngang lượn như “máy bay”, chí vòi vào bất cứ chỗ da thịt nào hở ra, hút máu và gây sưng tấy. “Cái khó ló cái khôn”. Bộ đội nằm trên một sạp dài bằng tre nứa. Mỗi tiểu đội cử vài ba người luân phiên nhau, cầm bó thanh hao (cây lá kim thường được dùng làm chổi quét nhà), xua qua, xua lại liên tục từ đầu dãy đến cuối dãy. Bộ đội cũng có được những giấc ngủ ngon. Anh em chân trần đạp đất đã quen, vào bộ đội phải hành quân đêm, qua địa hình phức tạp. Từ đây “đôi dép Bình Trị Thiên” ra đời. Nhưng không phải do hậu cần cung cấp, mà do anh em tự mua hoặc gia đình gửi cho.
Trung đoàn mới được củng cố lại. Mọi mặt đều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng công tác quân y được ban chỉ huy rất chú ý. Đại đội có một y tá, hai đồng chí cứu thương. Trung đoàn tổ chức ở chiến khu một bệnh viện, một xưởng dược, có một y sĩ được đào tạo bài bản, anh em gọi là “bác sĩ” Thắng, rất giỏi về chuyên môn, nhất là ngoại khoa. Cuối năm 1948, cấp trên bổ sung cho một bác sĩ; thuốc chữa bệnh hết sức eo hẹp. Bệnh sốt rét khá phổ biến, điều trị chủ yếu bằng viên ký ninh mua ở vùng tạm chiếm mang ra, nhưng phải pha loãng để uống vì số lượng cũng ít ỏi. Bệnh ngoài da phát triển, chỉ rửa thuốc tím, rồi bôi thuốc đỏ và xanh methylen. Lo ngại nhất là bộ đội bị ghẻ lở khắp chân tay. Có những mụn rộng đến 3cm, sâu tới 1cm. Dân địa phương gọi là ghẻ hùm. Mỗi sáng dậy, người bệnh được các cô cứu thương đè cả chân tay để y tá dùng thìa cạo mủ rồi bôi thuốc. Đau tận óc. Chưa khỏi vẫn phải hành quân, lội suối băng rừng. Với sức đề kháng của tuổi trẻ, vài tháng rồi cũng khỏi. Kiết lỵ kéo dài, thuốc không đủ. Bà con sở tại bày cho cách chữa, lấy một loại lá rừng nấu uống mới khỏi…
Khó khăn gian khổ là thế. Nhưng lòng yêu nước và chí căm thù giặc cùng với tình quân dân cá nước đã tiếp sức cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng quân thù như một kỳ tích.
Hơn 60 năm đã trôi qua, trong tâm trí của những cựu chiến binh ở Mặt trận Bình Trị Thiên ngày ấy còn đang sống, trong đó có ông Thái, vẫn ngời lên khí phách của Trung đoàn 101 và vùng đất kiêu hùng-khúc ruột miền Trung yêu quý.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG