Trân quý tình yêu với Bác Hồ
Cuộc gặp gỡ vào ngày 28-7-2012 giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các chuyên gia, nhà khoa học Liên bang (LB) Nga-những người có công trong việc giúp đỡ Việt Nam giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn ra trong bầu không khí rất thân mật, ấm cúng. Đại diện các chuyên gia, nhà khoa học LB Nga là: Giáo sư, Viện sĩ Bukov Valery Alekseyevich, Giám đốc Viện Khoa học Quốc gia nghiên cứu dược liệu và tinh dầu LB Nga (GNU VILAR); Giáo sư, Viện sĩ Denisov Nikolskiy Iuri Ivanovich, Phó giám đốc GNU VILAR kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phương pháp đào tạo công nghệ y sinh và bà Polina Vladimirnovna Taskaeva, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp cao su LB Nga đều bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và những thỏa thuận hợp tác đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu bảo quản, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa hai nhà nước LB Nga và Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu quan điểm và định hướng hợp tác với LB Nga, xác định nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là ưu tiên hàng đầu, tranh thủ kinh nghiệm công tác lâu năm của các chuyên gia y tế Nga và Việt Nam; đồng thời hai bên tiến hành giám định các sản phẩm y tế đặc biệt để phục vụ triển khai công nghệ sản xuất các sản phẩm đặc biệt đó tại Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, qua hội đàm, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã tán thành và cam kết chỉ đạo các cơ quan, viện nghiên cứu khoa học của LB Nga hợp tác chặt chẽ với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ khoa học và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam...
    |
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các cựu chiến binh, cựu chuyên gia Nga từng giúp đỡ Việt Nam, tại thành phố Moscow, ngày 26-7-2012. Ảnh ĐÌNH ĐỨC |
Giáo sư, Viện sĩ Bukov Valery Alekseyevich là người chủ trì, tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm để các chuyên gia Nga mang tới ứng dụng bảo quản, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ông chưa có dịp sang Việt Nam. “Chỉ nghe đến tên Bác Hồ, danh nhân văn hóa kiệt xuất, tôi đã rất trân trọng và quý mến, nên tôi nguyện đem hết sức mình để cùng các nhà khoa học Nga thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện dự án hợp tác, tạo sản phẩm chất lượng đưa vào sử dụng ở Việt Nam”, ông nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Quản lý Lăng (nay đã nghỉ hưu) cho biết: Các nhà khoa học, chuyên gia mà Chủ tịch nước gặp gỡ, trao đổi đều là những nhà khoa học hàng đầu của LB Nga. Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, thi hài của Người luôn được giữ gìn, bảo vệ an toàn tuyệt đối. Thành công đó là nhờ sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước và quân đội; sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cán bộ, các nhà khoa học, công nhân viên, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng; đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trước đây, LB Nga ngày nay, trực tiếp là các chuyên gia y tế Nga. Khi đất nước còn chiến tranh, đế quốc Mỹ leo thang ném bom đánh phá miền Bắc và do thiên tai, lũ lụt, thi hài Bác phải 6 lần di chuyển vượt đường xa, sông suối, rừng núi, gặp muôn vàn khó khăn, nhưng bên Bác luôn có những chuyên gia y tế Liên Xô tâm huyết, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của ta chăm sóc, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Người. Năm1991, Liên Xô tan rã, song các nhà khoa học Nga vẫn sẵn lòng giúp đỡ chúng ta. Ngày 28-12-1992, bản thỏa thuận làm việc trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Moscow được ký kết, quan hệ hợp tác giữa ta và bạn từ đây bước sang một thời kỳ mới. Sau đó là các cuộc gặp gỡ cấp cao của hai nhà nước LB Nga và Việt Nam vào tháng 7-2012 (và cuộc họp sau này vào tháng 6-2017), đã khẳng định sự hợp tác toàn diện trong việc bảo quản, chăm sóc, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Người.
Các nhà khoa học, chuyên gia y tế Liên Xô trước đây và LB Nga sau này đã làm việc với tất cả tấm lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, luôn coi đây là nhiệm vụ quốc tế cao cả và thiêng liêng. Họ làm việc vô tư, chí tình, chí nghĩa, không đòi hỏi đãi ngộ gì nhiều. Khi còn Nhà nước Liên Xô, các chuyên gia, nhà khoa học của bạn chỉ nhận phụ cấp 100 đồng/tháng, tương đương với lương của một sĩ quan cấp đại úy, mà mức phụ cấp này do Liên Xô đề xuất chứ không phải do thỏa thuận của hai bên. Từ sau năm 1994, khi chuyển sang cơ chế hợp tác trực tiếp, dù phía LB Nga rất khó khăn nhưng với tinh thần trọng tình nghĩa, các chuyên gia y tế LB Nga đã đề nghị mức lương rất hữu nghị. Tấm lòng của các nhà khoa học Nga đối với Bác Hồ, với đất nước và con người Việt Nam khiến chúng ta rất cảm phục và biết ơn.
Thời gian ở Việt Nam thật ý nghĩa
Buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các chuyên gia, cựu chiến binh Nga từng công tác ở Việt Nam vào chiều 26-7-2012, diễn ra thật xúc động. Tại đây, tôi đã gặp được nhiều cựu chuyên gia quân sự Liên Xô (trước đây) và nghe họ kể chuyện về những ngày ở Việt Nam.
Đại tá Nikolai Nikolaevich Kolesnik, Chủ tịch Hội Cựu chuyên gia quân sự LB Nga giúp Việt Nam trải lòng: "Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, hàng nghìn chuyên gia quân sự Liên Xô với tinh thần vì nhiệm vụ quốc tế cao cả đã sang giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều chuyên gia Nga đã huấn luyện, hướng dẫn bộ đội Việt Nam nắm vững và sử dụng thành thạo vũ khí tên lửa phòng không, đánh trả và đập tan các cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các cựu chiến binh, chuyên gia quân sự Liên Xô trở về nước, xa Việt Nam mấy chục năm rồi, song chúng tôi vẫn luôn nhớ đến đất nước và con người Việt Nam. Những năm tháng ở Việt Nam tuy gian khổ, khó khăn, cận kề với cái chết nhưng đó là quãng thời gian ý nghĩa và đáng nhớ nhất với chúng tôi”.
Đại tá Nikolai Nikolaevich Kolesnik sang làm chuyên gia quân sự và từng tham gia chiến đấu tại Việt Nam hơn 7 năm (từ 1965 đến 1972). Từ tháng 7-1965 đến tháng 3-1966, ông là chuyên gia của hai Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 và 261. Ông luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam trong các trận đánh trả máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc nước ta, góp phần vào chiến công chung của bộ đội phòng không-không quân. Ngày 21-8-1965, chỉ sau một tháng làm việc ở Việt Nam, Nikolai Nikolaevich Kolesnik đã trực tiếp tham gia chiến đấu cùng Tiểu đoàn 61 (Trung đoàn 236) tại xã Gia Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trận đánh này, chỉ với 3 quả tên lửa, Tiểu đoàn 61 đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ.
Thiếu tướng Anatoly Pozdeev, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt, nguyên là chuyên gia quân sự ở Việt Nam trong những năm 1970-1971, nhớ lại: "Ấn tượng sâu sắc với tôi là sự thông minh, sáng tạo và dũng cảm của bộ đội tên lửa Việt Nam. Họ đã làm những trận địa giả, tên lửa giả bằng cót ép để nghi binh, lừa máy bay Mỹ. Trong Điều lệ tác chiến tên lửa phòng không của Liên Xô quy định, mỗi tiểu đoàn SAM-2 cần từ 1 đến 2 trận địa dự bị trong phạm vi bán kính cơ động 5-10km. Song để phù hợp với chiến trường, bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã bố trí mỗi tiểu đoàn SAM-2 có từ 4 đến 6 trận địa dự bị, phạm vi cơ động tên lửa đến các trận địa lên tới hàng trăm cây số, trên các địa hình khác nhau. Sau mỗi trận đánh, khí tài, bệ phóng tên lửa được tháo dỡ, cơ động đến trận địa khác. Sự sáng tạo đó đã phát huy hiệu quả chiến đấu của tên lửa, giúp các bạn chiến thắng. Những năm công tác ở Việt Nam đem lại cho tôi sự trải nghiệm quý giá. Tôi đã mang những kinh nghiệm của các chuyên gia Liên Xô, cùng những người bạn Việt Nam trong sử dụng các hệ thống phòng không và radar để truyền thụ lại cho các sĩ quan trẻ, góp phần giúp họ kỹ năng chiến đấu, thuần thục chiến thuật, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Vì thế, thời gian ở Việt Nam với tôi là những gì ấm áp nhất".
HƯƠNG NGÂN