Sau trận đánh mở màn Chiến dịch Trị-Thiên ngày 30-3-1972, Trung đoàn 27 (Mặt trận B5) lật cánh về phía đông. Thời điểm này, tôi mới từ quân y viện về, vết thương vỡ ổ khớp vai trái chưa lành, nên được giao nhiệm vụ làm trợ lý chính trị cho chỉ huy tiểu đoàn tổ chức vượt sông Thạch Hãn, đoạn qua bến Dương Xuân tiến công giải phóng các xã Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Hòa... trong kế hoạch hiệp đồng với các đơn vị bạn từ các hướng với mục tiêu giải phóng huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị.

leftcenterrightdel

Đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Ảnh: TRẦN HOÀNG 

Khoảng cuối tháng 4-1972, sau một ngày đánh dồn đẩy địch, đến sẩm tối, đơn vị vừa tạm dừng chân ở thôn Cổ Lũy, chưa kịp ổn định đội hình thì nhận lệnh cấp tốc tiến về trung tâm quận Hải Lăng phối hợp với đơn vị bạn tấn công, làm chủ chi khu quân sự cuối cùng của địch ở tỉnh Quảng Trị. Nồi cơm dang dở chưa kịp chín, chúng tôi đành bỏ lại, nhanh chóng ráp đội hình, vừa hành quân vừa nhai trệu trạo phong lương khô đến mờ sáng 1-5-1972 thì dừng lại ở thôn Cù Hoan chờ lệnh hiệp đồng. Vậy nhưng chưa kịp vào trận thì trưa cùng ngày nhận tin Tiểu đoàn 3 cùng đơn vị xe tăng bạn và du kích địa phương đã tấn công ào ạt, khiến địch bỏ trận địa tháo chạy tan tác, ta làm chủ hoàn toàn chi khu.

Lúc này nghe anh em báo tin phát hiện có nhiều lính ngụy bỏ chạy từ hướng chi khu, đang ẩn nấp tại cánh đồng lúa Cù Hoan. Được chỉ huy chấp thuận, tôi vơ cái “loa địch vận” cùng mấy anh em tổ trinh sát tiểu đoàn nhào ra bìa làng, hướng loa về phía cánh đồng Cù Hoan kêu gọi binh sĩ ngụy buông súng đầu hàng, vừa gọi vừa cảnh giác, đề phòng đám lính ngụy đường cùng phản ứng bắn trả. Nhưng chỉ vài lần phát loa, từ cánh đồng trước mặt, lần lượt hàng trăm lính ngụy đội lúa đứng dậy giơ tay hàng. Dù chủ động gọi địch ra hàng, nhưng việc tiếp nhận hàng trăm lính ngụy đầu hàng trong điều kiện này thực sự nằm ngoài mọi dự tính của anh em chúng tôi. Thời may, ngay sau đó, chỉ huy tiểu đoàn sau khi liên lạc với chỉ huy trung đoàn đã kịp liên hệ với anh em cốt cán địa phương tiếp nhận. Nhất cử lưỡng tiện, hơn 300 lính ngụy trắng tay đầu hàng đó được dồn lại thành một “đơn vị” hàng binh do một ban chỉ huy hỗn hợp, gồm một cán bộ an ninh địa phương có tên là Trần Lý Tưởng làm chỉ huy và một cán bộ địch vận của trung đoàn là anh Nguyễn Thanh Đồng, chỉ huy làm công việc vận chuyển hậu cần phục vụ chiến dịch.

Cũng không riêng việc gọi hàng, tiếp nhận hàng binh một cách bất ngờ thế này, ngay trong ngày đầu “chính quyền về tay quân và dân ta” là giải quyết những việc nằm ngoài dự kiến. Ấy là việc nhiều người dân mới được giải phóng với nhu cầu ổn định cuộc sống trước mắt, cần phải được di chuyển để lo chuyện cơm gạo, mắm muối. Thôi thì cứ thực tế, bà con có nhu cầu... anh em bộ đội giải phóng cứ viết đại cái giấy “chứng nhận đi đường”, ký cái tên mình vào đó để bà con yên tâm... Vậy mà trong bối cảnh “không thể khác” đó, mọi việc đều suôn sẻ cho đến khi đơn vị được lệnh tiếp tục chuyển hướng về phía Hải Hòa (nay là xã Hải Phong), Hải Dương (Hải Lăng, Quảng Trị) để vượt sông, tiến công vào phía Phong Điền, Thừa Thiên. Lần đó, trong một lần tôi tiếp một cụ già đến xin “cấp giấy” để đưa gia đình về nhà cũ, thấy tôi, ông cụ úp mũ khom người “chào ông thiếu tá chi khu trưởng” làm tôi phát hoảng, cứ phải giải thích: “Chúng con là bộ đội giải phóng, là con em của các cụ thôi”. Vậy mà sau khi làm cái việc tương tự như chủ tịch quân quản là “cấp” cho cụ cái giấy viết tay, ông cụ lại khom người: “Dạ đội ơn ông thiếu tá... à quên, ông chỉ huy giải phóng”.

Ngày ấy, bên cạnh niềm vui chiến thắng, những người lính trận mạc chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhận ra quanh mình thiếu vắng nhiều đồng đội từng cùng mình vào chiến dịch đã lần lượt nằm lại qua từng trận đánh. Cũng trong tâm trạng đó, vào đầu tháng 5-1972, đại đội cũ của tôi vượt sông Ô Lâu vào Phong Chương, Phong Điền (Thừa Thiên), sau mấy lần chạm súng giữa bom thảm, pháo chùm, đội hình đại đội ngót trăm tay súng chỉ còn vỏn vẹn hơn một tiểu đội. Lúc này, tôi được điều từ vị trí trợ lý chính trị về lại đại đội cũ với cương vị chính trị viên phó đại đội, tiếp nhận thêm những cán bộ, chiến sĩ của các đại đội bạn bổ sung tiếp tục thực hiện nhiệm vụ qua bắc Ô Lâu, chuyển hướng từ làng An Thơ (Hải Hòa) đánh vào làng Lương Mai, xã Phong Chương, trước khi đảo hướng về tuyến đánh chặn phía đông Thành cổ Quảng Trị.

Chiều trước khi vượt sông, tình cờ bước vào một lớp học, nhìn dãy bàn ghế trống vắng học trò... tôi bước lên cái bục, nhặt viên phấn, lẳng lặng viết lên góc bảng: Sĩ số 104, có mặt 47, đến dòng vắng... thì dừng lại, thắt lòng buông rơi viên phấn!

Vâng, vẫn biết cuộc chiến khốc liệt không có chỗ để xao lòng, nhụt chí, nhưng với những người lính từng sinh tử bên nhau, tôi và hẳn rằng những người lính chúng ta thương nhớ khôn nguôi với những câu chuyện sống còn của đồng đội, đồng bào từng cùng mình đội bom hứng đạn hiển hiện thành hình ảnh mãi hằn sâu vào ký ức!

Vâng, ngày ấy, là những ngày cả tuyến chốt như bị phủ trùm đặc quánh từ những đợt pháo bầy của địch từ Đại Hào bắn cấp tập vào đội hình đơn vị. Có cảm giác như có thể đưa tay lên vo từng mảng khói pháo mà vắt thành từng... giọt khói.

Là những khi chưa đầy một giờ trong đêm tại bãi cát Tường Vân, tự tay mình lần lượt vuốt mắt cho 24 thương binh chưa kịp chuyển về tuyến sau, bị nhiễm trùng uốn ván lên cơn co giật rồi hy sinh trong sự bất lực của đồng chí y sĩ tiểu đoàn.

Là đêm vượt sông Ô Lâu, qua quầng sáng của pháo sáng vàng chát mặt sông, là hình ảnh chiến sĩ Nguyễn Văn Huân bị trúng đạn, bàn tay từ từ vuột khỏi chiếc gùi ni lông làm phao rồi chìm hẳn vào lòng sông cùng những đồng đội khác khi chưa thể tiếp cận bờ. Hình ảnh xót xa đó, sau này cùng với những ký ức về những đêm hàng trăm đồng đội các đơn vị từ các bến vượt dọc bờ Thạch Hãn, khi trở ra chỉ vỏn vẹn vài chiếc thuyền chở thương binh, tử sĩ... được một cựu chiến binh lão thành của trung đoàn dẫn trong bài văn tế đồng đội đôi bờ Thạch Hãn: ...“Sực nhớ khi ôm bè chuối qua sông, bao đồng đội trúng đạn giữa dòng, xin đừng hỏi đâu mồ chôn liệt sĩ!”.

Năm 1976, ngay cái phép đầu tiên của một người lính, tôi đã dành gần trọn thời gian nghỉ phép của mình để trở lại Quảng Trị, và cho đến nay, lần lượt mỗi năm một đôi lần, thậm chí có năm hàng chục lần trở lại chiến trường xưa, lên đồi thắp hương, xuống sông thả hoa vọng nhớ những đồng đội của mình còn nằm lại nơi đầu suối cuối sông. Những cuộc trở về như vậy bao giờ cũng bắt đầu từ những đồi núi, suối sông trên chiến trường Gio Cam, nơi tôi có gần 4 năm cầm súng trực tiếp chiến đấu từ năm 1968, nhưng bao giờ điểm kết, cũng là điểm nhấn cuối hành trình đều dừng lại ở đôi bờ Thạch Hãn, Nơi ấy vốn dĩ là biểu trưng của không gian chiến dịch giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nơi tôi từng tham gia chiến đấu. Cho dù chỉ là một quãng thời gian ngắn, từ đầu chiến dịch cho đến giữa tháng 8-1972 tôi bị thương lần tiếp theo phải rời đơn vị về tuyến sau. Chính từ một trong những lần trở về trong tâm khảm nhớ về đồng đội như vậy, tôi đã từng thốt lên tiếng lòng mình:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sâu còn đó bạn tôi nằm

Tan chợ chiều xuôi đò có vội

Xin... xin đừng khuấy đục

dòng trong. 

Sau này, khi công bố trên một tạp chí, để bớt những từ “xin” ủy mị, tôi đã viết lại thành khổ thơ tứ tuyệt như đang được ghi lại trên bia thơ bến thả hoa cả đôi bờ Thạch Hãn:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...

Tháng 5 này, đã lại thêm một mùa lễ nhắc nhớ những điều chưa xa... Giữa những bồi hồi, nao nức cho ngày lễ trọng, bất chợt lại trở về trong tôi một chặng đường xưa, và tôi lặng lẽ chọn trong những khuôn hình ghi chép chưa xưa ấy, mấy tấm ảnh như những mảnh vụn ghép nên bức tranh: Quảng Trị ngày ấy tôi về!

Bài và ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG