Những lần chết hụt

Năm 1971, đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), chàng trai quê Gia Lâm, Hà Nội Phùng Huy Thịnh tình nguyện nhập ngũ. Sau đó, ông được điều về Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 325, vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ông nhớ lại: “Tháng 7-1972, tôi tham gia trận đầu bảo vệ Thành cổ ở Bích La Đông. Đứng dưới hầm, đạn nổ chát chúa trên đầu, cánh lính sinh viên còn... run cầm cập, sợ đến toát mồ hôi. Nhưng đến trận thứ hai, thứ ba thì không còn cảm giác sợ sệt nữa!”.

leftcenterrightdel
 Nhà báo, cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh (hàng thứ ba, thứ tư, từ trái sang) và đồng đội trong chuyến thăm Thành cổ Quảng Trị, tháng 4-2022. Ảnh nhân vật cung cấp.

Với nhiệm vụ trinh sát trong tiểu đoàn pháo khi mới 19 tuổi, ông cùng đồng đội đã đi qua những địa danh vô cùng ác liệt ở Quảng Trị và nhiều lần đối diện với cái chết. Như lần ở đài quan sát Xuân An, tháng 10-1972, tổ 3 người gồm Phùng Huy Thịnh, Nguyễn Văn Cường (trinh sát viên) và Nguyễn Văn Khanh (thông tin viên 2W), đều là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã thoát chết trong gang tấc. Hôm ấy, sau khi ăn cơm trưa, ông vừa lên đài quan sát thì nghe tiếng pháo nổ ran trên đầu. Ông hét lớn: “Nó bắn pháo chơm đấy, xuống hầm ngay”. Sau đó gần một giờ, địch bắn đủ các loại đạn pháo. Dưới hầm, 3 người bạn ôm nhau thì thầm: “Nếu pháo rơi trúng hầm thì sẽ chết cùng nhau”. Dứt tiếng pháo, ông vội trèo lên quan sát: Toàn bộ làng Xuân An đã bị san phẳng.?May mắn là không có quả đạn nào lạc vào hầm của họ.

Lần khác là trận ở đài quan sát Thượng Phước, bờ nam sông Thạch Hãn. Lúc ấy, không phải trực đài, Phùng Huy Thịnh đang đi đào rau má để cải thiện bữa ăn. Bỗng ông nghe tiếng uỳnh, tấm tôn ở sau lưng bị hất tung lên, đạn pháo nổ như sấm trên đầu. Ngớt tiếng pháo, đồng đội rất ngạc nhiên khi thấy tấm tôn bị xé toạc từng mảng, còn anh lính sinh viên khoa Văn thì không mất... một mảng da nào. “Đó là lần thoát chết mà cho đến giờ tôi vẫn cảm ơn... số mệnh đã cho tôi được trở về. Nhưng nhiều đồng đội thì không có được may mắn ấy!”-giọng ông bùi ngùi. Rồi ông kể về lần ông cùng 5 đồng đội đang ngồi ăn cơm, chuẩn bị đi trinh sát ở Nhan Biều thì bị pháo kích. Ba người hy sinh tại chỗ, một người bị thương nặng. Nén đau thương, ông cùng đồng đội còn lại khiêng đồng chí bị thương về hậu cứ rồi quay lại chôn cất đồng đội và tiếp tục đi trinh sát theo lệnh mới!

Bén duyên nghề báo

Tháng 10-1973, Phùng Huy Thịnh được điều lên sư đoàn bộ để tham gia văn công và làm tờ tin Quyết thắng. Ông bắt đầu sáng tác thơ, viết báo, viết kịch... Giữa khói lửa đạn bom, chết chóc, những vần thơ của ông toát lên tinh thần lạc quan và khát khao cống hiến. Ví như bài thơ “Đêm văn nghệ chi đoàn” mà trong lúc cao hứng ông đã ngâm nga cho tôi nghe: “Đêm vui văn nghệ chi đoàn/ Lòng hòa theo những tiếng đàn vút cao/ Tiếng ca bát ngát trời sao/ Muốn thành một phím trong bao phím đàn”.

Tháng 7-1974, ông được điều về làm phóng viên Báo Chiến sĩ Giải phóng của Quân đoàn 2. Hàng trăm bài viết của ông đã ra đời trong những chuyến tác nghiệp ở rừng núi Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), ở Thừa Thiên Huế... khi theo các đơn vị trong các chiến dịch. Mùa xuân năm 1975, ông đi theo các đơn vị giải phóng Huế-Đà Nẵng rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau ngày giải phóng, Phùng Huy Thịnh lại trở về giảng đường Đại học Tổng hợp. Ra trường làm giảng viên đại học, nhưng vì duyên nợ với nghề báo nên ông chuyển ngành, về công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Gần 9 năm làm phóng viên thường trú tại Campuchia đã cho ông những tích lũy quý giá để những năm 90 của thế kỷ 20, với nguồn tư liệu phong phú và những kinh nghiệm tác nghiệp, vừa là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, ông đồng thời cộng tác và bảo đảm bài vở cho hàng chục tờ báo Trung ương và địa phương. Ông trở thành “cộng tác viên bấm nút” của nhiều tòa soạn khi có thể viết đa dạng thể loại từ ghi chép, bình luận đến bút ký, phóng sự. Có giai đoạn một ngày chưa viết được 3-5 bài báo, ông coi như mình “chưa làm gì cả!”.

Từ ngày về hưu, ông gắn bó với Ban liên lạc Hội Sinh viên-Chiến sĩ 6971. Năm 2002, hội đã xây dựng “Đài chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972” tại Thành cổ bằng nguồn vốn xã hội hóa. Năm 2021, “Đài kỷ niệm sự kiện cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc” trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng được khánh thành. Đây là những công trình ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân những sinh viên-chiến sĩ đã xả thân vì Tổ quốc! Rồi ông lại kể về những đồng đội còn khó khăn, vất vả. Có lần 3-4 đồng đội rủ nhau vào viện thăm bạn ốm. Thấy hoàn cảnh của bạn, các ông bảo nhau... vét đến đồng cuối cùng trong ví để ủng hộ bạn. “Tấm lòng của những cựu chiến binh-sinh viên là như thế đấy, cô ạ!”-nhà báo Phùng Huy Thịnh khảng khái nói.

KHÁNH AN