Bị thương không rời chiến trường

Đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Hải Hiệp ở nhà riêng, số 191, đường Trần Phú, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi được ông kể: “Tôi ở “Binh đoàn Than”, nhưng không xuất thân từ ngành than. Song bây giờ, gia đình tôi có 8 người con cả dâu, rể đều công tác trong ngành than. Gia đình tôi có thể thành lập chi bộ bầu được “cấp ủy” và tôi đã được tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng...”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Hải Hiệp và vợ, bà Nguyễn Thị Nga. Ảnh: THU THỦY 

Ngược lại thời gian vào năm 1967, để chi viện cho chiến trường miền Nam, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn gần 2.000 cán bộ, công nhân, đa số đang công tác ở ngành than lên đường nhập ngũ. “Khi ấy, tôi là Cửa hàng trưởng Cửa hàng lương thực thuộc Phòng Lương thực thị xã Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả), Ty Lương thực Quảng Ninh. Làm ở ngành lương thực là mơ ước của nhiều người. Song đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, vì miền Nam ruột thịt, tôi tình nguyện nhập ngũ. Trong ngành lương thực Quảng Ninh còn có 5 người cùng nhập ngũ đợt ấy. Các chiến sĩ vùng than Quảng Ninh được biên chế vào hai Tiểu đoàn 385 và 386. Trong buổi tập trung lên đường, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đến thăm, động viên và tặng danh hiệu “Binh đoàn Than” cho các đơn vị của vùng than Quảng Ninh. Từ ấy, tên “Binh đoàn Than” trở thành niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ chúng tôi và mang truyền thống đến hôm nay.

Sau 3 tháng huấn luyện, chúng tôi được lệnh hành quân qua dãy Trường Sơn vào miền Nam. Tiểu đoàn 385 vào chiến đấu ở Quảng Trị. Tiểu đoàn 386 hướng thẳng về Sài Gòn, chi viện cho các đơn vị miền Đông Nam Bộ. Tôi được biên chế vào Trung đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn 385. Khi vào đến Quảng Trị, chúng tôi bước vào chiến đấu ngay. Tôi tham gia trận đánh đầu tiên ở Đường 9-Khe Sanh (năm 1968). Đơn vị tôi phối hợp với Sư đoàn 320B đánh vào cứ điểm 845, 869, Tà Cơn, Làng Vây, lập công xuất sắc. Tiêu biểu có chiến sĩ Phạm Xuân Hùng, công nhân Xí nghiệp tuyển than Cửa Ông, đã bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Sau chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 385 được bổ sung cho các đơn vị của Mặt trận Tây Nguyên (B3). Quá trình chiến đấu ở Quảng Trị và Tây Nguyên, tôi bị thương 4 lần, nhưng quyết không rời chiến trường. Lần bị thương thứ nhất, tôi bị bom Mỹ đánh sập hầm ở Quảng Trị; lần thứ hai, tôi bị máy bay C-130 Mỹ bắn bị thương khi đang hành quân qua sông Mê Công; lần bị thương thứ ba khi tham gia chiến đấu ở khu vực các tỉnh Kratie, Stung Treng (Campuchia) và lần bị thương thứ tư trong lúc phá bom vướng nổ ở Ngọc Hồi (Kon Tum), khi tham gia Chiến dịch Tây Nguyên năm 1972. Sau mỗi lần bị thương, điều trị khỏi, tôi lại tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu”, ông Hiệp nhớ lại. 

Đến đầu năm 1973, ông Nguyễn Hải Hiệp được trên cử từ chiến trường ra miền Bắc đào tạo sĩ quan chính trị tại Trường Sĩ quan Công binh. Ra trường khi đất nước thống nhất, ông về công tác tại Phòng Chính trị (Cục Hậu cần, Binh chủng Công binh). Sau đó, ông chuyển về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Hải Dương, được bổ nhiệm Phó chỉ huy trưởng về chính trị Ban CHQS huyện Nam Sách. Năm 1988, ông chuyển ngành về công tác tại Ty Lương thực thị xã Cẩm Phả và nghỉ hưu năm 1993 trên cương vị Phó giám đốc.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ "Binh đoàn Than" trong lễ xuất quân, tháng 12-1967. Ảnh tư liệu 

Chuyện tình với cô giáo làng

Năm 1973, trước khi nhập Trường Sĩ quan Công binh, ông Hiệp được nghỉ phép về quê, thăm gia đình. Trong ba lô người lính từ chiến trường trở về có lá thư của đồng đội gửi cho vợ, nhờ ông chuyển giúp. Lá thư của anh Tâm, cùng đơn vị ông, gửi cho cô giáo Trần Thị Y, khi đó đang dạy học ở trường cấp 1 xã Quốc Tuấn. Hôm ông đến, cô Y rủ thêm bạn gái là cô giáo Nguyễn Thị Nga cùng tiếp chuyện. Nhìn anh bộ đội vừa vượt Trường Sơn trở về, nước da xanh tái, hai cô thấy thương mến. Cô Y hỏi thăm nhiều về chồng và cuộc sống của người lính ở chiến trường. Ông Hiệp kể chuyện rành rọt, cô Nga chỉ lặng yên nghe. Có đâu ngờ, dù không nói gì nhiều, song cô Nga đã lọt vào “mắt xanh” của người lính.

Sau buổi gặp ấy, ông Hiệp vận dụng kỹ năng trinh sát, hỏi thăm hoàn cảnh của cô Nga. Biết cô Nga ở xã Nam Hồng (Nam Sách), ông tìm đến nhà cô. Dù có vòng vo lý do, song cô Nga nhận ra tình cảm của ông và đem lòng cảm mến. Gần đến ngày trả phép, ông Hiệp mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình, muốn được thương cô trọn đời và nếu cô đồng ý, cha mẹ ông sẽ mang lễ sang nhà dạm hỏi. Cô Nga ban đầu lúng túng vì ông ngỏ lời quá nhanh. Nhưng cô tin ông, tin người lính ở chiến trường, yêu mến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ  trong các bài văn cô đã giảng cho học trò nên cô nhận lời. Lễ cưới tổ chức ngay trong năm 1973. Cưới xong, ông về trường tiếp tục học tập. Ra trường công tác, ông luân chuyển qua nhiều đơn vị với các cương vị khác nhau.

Mối tình “sét đánh” giữa người lính từ chiến trường trở về và cô giáo thật nên thơ, thắm thiết. “Những năm tháng xa anh, tôi càng yêu, càng nhớ và thương anh hơn, nên những ngày anh về phép hay tranh thủ, với chúng tôi đều là tuần trăng mật”, bà Nga thổ lộ. Đến nay, đã chung sống bên nhau gần 50 năm, có 8 người con cả dâu, rể, nhưng hai ông bà chưa từng to tiếng với nhau, dù những khi khó khăn nhất. “Vợ tôi luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm công tác. Nay nghỉ hưu, tôi vẫn tham gia công tác xã hội, làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cẩm Phả; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Cẩm Tây, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh “Binh đoàn Than” Quảng Ninh. Vợ tôi luôn chia sẻ công việc và động viên tôi nỗ lực, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Hiệp tâm sự.    

DƯƠNG HÀ