Trong ngôi nhà ở phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), câu chuyện của ông Nguyễn Hải Hiệp đưa chúng tôi trở lại không khí sôi nổi, tưng bừng, náo nhiệt ở vùng mỏ Quảng Ninh những ngày cuối tháng 7-1967. “Đó thực sự là ngày hội của toàn dân vùng mỏ!”, giọng ông Hiệp phấn chấn.
Dường như thấy chúng tôi còn phân vân về cái tên gọi vừa lạ vừa quen-“Binh đoàn Than”, ông Hiệp giải thích: “Binh đoàn Than” không phải là một phiên hiệu trong quân đội nhưng thật nhiều ý nghĩa. Cái tên đó là do lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và ngành than thống nhất gọi chung cho lực lượng này. Cũng chính tên gọi đó đã làm cho địch hoang mang, không đoán định được binh đoàn đó là thế nào, có bao nhiêu quân, biên chế ra sao? Đài của địch tuyên truyền cảnh giác rằng, có một lực lượng đặc nhiệm toàn những thợ mỏ khỏe mạnh, tinh nhuệ đang hành quân vào Nam...”.
Theo ông Hiệp, ngày đó, ở Hòn Gai, công nhân cơ khí, công nhân mỏ than Hà Tu, Hà Lầm... đã thành lập Tiểu đoàn 385. Còn ở Cẩm Phả, công nhân các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Cơ khí Cẩm Phả cũng thành lập Tiểu đoàn 386. Cuối tháng 7-1967, Tiểu đoàn 9 cũng được thành lập gồm cả thợ mỏ và những lực lượng khác. Khi 3 tiểu đoàn hành quân đến Quảng Trị, những người lính “Binh đoàn Than” phải đối đầu với lực lượng tinh nhuệ của Mỹ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều đồng chí đã chiến đấu ngoan cường, không sợ hy sinh.
Tiêu biểu là chiến sĩ Phạm Xuân Hùng (thợ mỏ Cửa Ông) được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới; chiến sĩ Nguyễn Đức Bình (thợ mỏ Đèo Nai) cùng đồng đội thiêu cháy hàng vạn lít xăng dầu ở Kho xăng Nhà Bè... Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng của “Binh đoàn Than” hy sinh nhiều, quân số còn lại không đủ duy trì biên chế 3 tiểu đoàn nên cấp trên quyết định chia lẻ, bổ sung cho các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương trên các chiến trường miền Nam.
Đặc biệt, ngày 16-3-1971, trận đánh chiếm sân bay Kon Tum, Thượng úy Nguyễn Xuân Việt (thợ mỏ Hà Lầm), trên cương vị Đại đội trưởng đã chỉ huy đơn vị lập công xuất sắc, phá hủy hàng chục máy bay các loại của địch. Cũng trong trận đánh đó, người con ưu tú của vùng mỏ đã anh dũng hy sinh và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1997”.
Sau năm 1975, phần lớn chiến sĩ "Binh đoàn Than" trở về quê hương, tiếp tục theo nghề thợ mỏ, số ít được giữ lại phục vụ lâu dài trong quân đội. “Năm 1977, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng ban Cán bộ, Cục Hậu cần, Binh chủng Công binh. Năm 1982, tôi có nguyện vọng hợp lý hóa gia đình nên cấp trên trên điều động về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Hải Hưng (sau này là Bộ CHQS tỉnh Hải Dương). Năm 1988, tôi được thăng quân hàm thiếu tá, đến năm 1990, tôi chuyển ngành về làm việc tại Công ty Lương thực thị xã Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) với cương vị phó giám đốc đến cuối năm 1993 thì nghỉ hưu. Tôi có 8 người con cả trai, gái, dâu, rể thì có 7 người công tác trong ngành than...”, ông Hiệp kể.
Rồi giọng ông Hiệp rưng rưng xúc động: “Những người con ưu tú của đất mỏ Quảng Ninh ra trận ngày ấy, hơn một nửa đã anh dũng hy sinh, đến nay nhiều người vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Trong khoảng 200 người còn sống hiện nay, có tới gần 80% thương binh, số còn lại là bệnh binh, nhiễm chất độc da cam/dioxin. Tuy chúng tôi đều tuổi đã cao, nhiều người ngoài 80 nhưng mỗi lần nhắc tới “Binh đoàn Than”, trong lòng ai cũng tự hào. Nguyện vọng của chúng tôi là lãnh đạo ngành than, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền sớm cho xây dựng tấm bia tưởng niệm để tri ân những người con ưu tú của vùng mỏ đã hy sinh vì Tổ quốc và khắc ghi dấu ấn nơi xuất phát ở TP Cẩm Phả...”.
AN THÁI