Ông Bùi Duy Thinh (hiện ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là chiến sĩ trong "Binh đoàn Than" có mặt ở Sài Gòn trưa 30-4-1975 kể: "Năm 1967, trước tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, Trung ương quyết định tuyển quân trong các đơn vị ngành than. Trước đó, công nhân mỏ vì làm nhiệm vụ sản xuất than cho Tổ quốc nên không được ra trận. Lúc ấy, tôi 23 tuổi đã tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ để lên đường vào Nam. Ở Hòn Gai năm ấy, công nhân cơ khí, công nhân mỏ than Hà Tu, Hà Lầm... đã thành lập Tiểu đoàn 385. Còn ở Cẩm Phả, công nhân các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, cơ khí Cẩm Phả cũng thành lập Tiểu đoàn 386. Hai tiểu đoàn này được giao cho Quân khu Hữu Ngạn huấn luyện. Cũng vào cuối tháng 7 năm đó, Tiểu đoàn 9 được thành lập giao cho Quân khu Đông Bắc huấn luyện. Riêng Tiểu đoàn 9 thì xuất quân sau chúng tôi mấy ngày, hành quân vào Kon Tum để thành lập Tiểu đoàn Đặc công 406. Tổng cộng đợt đó, vùng mỏ đưa vào miền Nam khoảng 2.000 chiến sĩ...”.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ "Binh đoàn Than" xuất quân ngày 27-7-1967. Ảnh tư liệu

Ông Bùi Duy Thinh cho biết, hôm xuất quân vào Nam chiến đấu, chiến sĩ "Binh đoàn Than" mặc quần áo thợ mỏ (lúc đó anh em chưa được phát quân phục) ngồi suốt từ bến phà về đến tận chỗ Công ty Xổ số kiến thiết Quảng Ninh bây giờ. Khi ấy, máy bay Mỹ còn đánh phá miền Bắc nên cũng không tổ chức mít tinh để chia tay các chiến sĩ vào Nam. Quà lưu niệm thì mỗi người được tặng một chiếc khăn và một chiếc bút máy.

Ông Thinh kể tiếp: "Sau đó, anh em được đưa về Đông Triều. Sau 10 ngày học tập, công tác và nhận quân trang, chúng tôi được biên chế về thành từng đại đội, rồi đi bộ sang Hòa Bình để huấn luyện. Ngày 15-12-1967, tại Hòa Bình, chúng tôi được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh đội, Tổng công ty Than và lãnh đạo công đoàn đến động viên trước khi lên đường. Thực ra lúc đó, cái tên "Binh đoàn Than" mới được đề xuất và lưu truyền trong anh em”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, người đại diện lãnh đạo tỉnh tiễn chân các chiến sĩ năm đó, nhớ lại: “Cái tên "Binh đoàn Than" chưa có trong lịch sử. Đây cũng không phải là một phiên hiệu trong quân đội. Thực chất những người lính xuất thân từ thợ mỏ năm ấy tập hợp lại được 3 tiểu đoàn nên tôi đề xuất gọi là “Binh đoàn Than”. Ông bảo đặt tên đó cho rõ cái khí thế vùng mỏ và cũng là để đánh lừa địch, bởi vì khi nghe vùng mỏ có "Binh đoàn Than" xuất quân, địch sẽ không hiểu binh đoàn này là thế nào, quân số ra sao...".

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh "Binh đoàn Than" thắp hương viếng đồng đội. Ảnh tư liệu

Nhuệ khí của "Binh đoàn Than" được thể hiện trong trận đánh sân bay Tà Cơn (Quảng Trị) năm 1968 trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. "Binh đoàn Than" đánh trận đầu tiên đã giành chiến thắng. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến sĩ "Binh đoàn Than" được chia ra bổ sung cho các đơn vị trong chiến trường. Anh em đồng đội trong "Binh đoàn Than" bắt đầu phân tán theo từng trung đội, tiểu đội để về đơn vị mới. Ông Thinh cùng 49 đồng chí khác về Đại đội 78 trực thuộc Mặt trận B5, sau về Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 ngày nay). Họ chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên liên tục, đến năm 1975 thì tham gia trận đánh vào Buôn Ma Thuột, rồi đánh xuống Nha Trang và tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong những năm tháng đó, ông Thinh cùng với gần 2.000 công nhân mỏ đã có mặt ở những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến. Trên các chiến trường như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên... đã có nhiều người con đất mỏ hy sinh. Trong đó có 1 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là thợ mỏ Nguyễn Xuân Việt.

Từ chiến trường trở về, những người lính thợ mỏ tập hợp nhau lại thành lập Ban liên lạc "Binh đoàn Than". Hằng năm, cứ đến dịp 27-7, họ lại tổ chức gặp mặt. Họ đã thực hiện nhiều hoạt động chính sách như: Đi tìm hài cốt đồng đội, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm lại chiến trường xưa...

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng ban liên lạc "Binh đoàn Than" là người vẫn mải miết trên những chuyến xe trở về chiến trường xưa để tìm và quy tập hài cốt đồng đội đưa về quê hương theo nguyện vọng của các gia đình. Đối với ông: “Một thời cùng vào sinh ra tử, sướng khổ có nhau nên ăn ở phải có trước có sau. Cái nghĩa này những người còn sống như chúng tôi phải cố gắng thực hiện cho chu đáo...”.

Theo ông Thinh, tinh thần kỷ luật và sự đoàn kết, anh dũng trong chiến đấu... là những phẩm chất đáng quý của những người lính "Binh đoàn Than". Bây giờ, trở về với đời thường, hầu hết các cựu chiến binh "Binh đoàn Than" đều có kinh tế ổn định, nhiều người làm ăn khấm khá. Những người lính trong "Binh đoàn Than" năm xưa vẫn gắn bó với nhau, tương trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn...

 PHẠM HỌC