Xếp bút nghiên lên đường

Cựu chiến binh, nhà giáo Nguyễn Quang Khuyên sinh năm 1945, hiện ở xóm Vân Cốc 3, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc. Năm nào gặp mặt, ông cũng đều đến từ rất sớm. Ông thông tin: Gọi là Đại đội Ngô Gia Tự 2 vì trước đó, năm 1967, theo sáng kiến của lãnh đạo Ty Giáo dục tỉnh Hà Bắc, tỉnh đã thành lập Đại đội Ngô Gia Tự, gồm các nhà giáo, giáo sinh đang học ở các trường sư phạm tỉnh nhập ngũ để bổ sung cho Quân đội. Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc thành lập ngày 18-2-1968, gồm phần lớn là giáo viên cấp 1, 2, 3, cùng giáo sinh từ hai trường sư phạm của tỉnh và một số cán bộ Ty Giáo dục tỉnh, Phòng Giáo dục huyện, thị xã tỉnh Hà Bắc, quân số 175 người. Ngay đêm 18-2-1968, sau khi làm lễ giao nhận quân xong, Đại đội hành quân ngay, vượt quãng đường 30km từ rừng Lộc Ninh (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên) qua đò Quang Biểu, vượt sông Cầu về đóng quân huấn luyện ở thôn Tự Thôn, xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay là phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Các nhà giáo Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc được biên chế về Đại đội 7 và Đại đội 8, Tiểu đoàn 702, Sư đoàn 338, Quân khu Tả Ngạn.

leftcenterrightdel
Các cựu chiến binh - nhà giáo Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc gặp mặt đầu xuân 2023. Ảnh: HỒNG HƯƠNG 

Nhớ về ngày nhập ngũ, ông Nguyễn Chí Thu sinh năm 1942, quê ở thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa, Bắc Giang) kể: “Đầu năm 1968, tôi đang là giáo viên, dạy học ở Trường cấp 2 Nhã Nam (nay là Trường THCS thị trấn Nhã Nam), huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Khi ấy, phong trào tòng quân ở địa phương và ngành giáo dục rất sôi nổi. Tôi giấu vợ viết đơn xung phong nhập ngũ. Lúc ấy, vợ tôi đang có thai cháu đầu mới được hơn 3 tháng. Khi đến đơn vị, tôi mới biên thư về cho vợ, cho gia đình. Sau này trở về, vợ tôi mừng mừng tủi tủi, cứ trách việc hệ trọng thế mà không bàn với vợ và gia đình”.

Còn ông Ngô Đức Vũ sinh năm 1946, hiện ở tổ dân phố Vụ Bản, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhớ lại: “Trước khi nhập ngũ, tôi là giáo viên Trường cấp 1 Xuân Cẩm (nay là Trường Tiểu học Xuân Cẩm), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) và mới cưới vợ được hơn 3 tháng. Vợ tôi là Nguyễn Thị Bình, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Cẩm. Hôm tôi lên đường, vợ tôi đi theo cùng đội hình hành quân (chúng tôi hành quân bộ) đến bến đò Quang Biểu. Khi chúng tôi qua sông sang bờ bên kia, vợ tôi vẫn đứng nhìn theo đến khi đoàn quân đi khuất hẳn mới trở về nhà. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ dáng đứng và ánh mắt dõi theo của vợ. Thương cô ấy, tôi viết thư về nhà động viên và bảo: “Nếu 3 năm nữa, anh không trở về thì em cứ đi lấy chồng, đừng chờ anh mà lỡ thì xuân xanh...”.

Là những nhà giáo, khi đứng trên bục giảng truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống quê hương nên khi bước vào huấn luyện quân sự, ai cũng gương mẫu, chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội. “Chúng tôi đan sọt đeo đá, khối lượng khoảng 25kg. Ngày học chính trị, quân sự, đêm đeo đá leo núi Dạm. Rồi hành quân dã ngoại đường dài qua Phả Lại, Kiếp Bạc, leo dãy núi Huyền Đinh, qua phía Tây dãy núi Yên Tử... Chúng tôi luyện tập chiến thuật đánh địch ở các địa hình đồng bằng, đồi núi, thành thị. Vất vả là thế, nhưng suốt 3 tháng huấn luyện, không có nhà giáo-chiến sĩ nào của Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc thoái thác nhiệm vụ”, cựu chiến binh Nguyễn Quang Khuyên nói.

Bản lĩnh nhà giáo - chiến sĩ

Ngày 18-5-1968, sau Lễ tuyên thệ dưới Quân kỳ, Đại đội 7 và Đại đội 8 (gồm các nhà giáo của Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc) lên đường vào miền Nam chiến đấu. Họ hành quân qua các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Dấu chân họ in trên những trọng điểm Truông Bồn, Đồng Lộc, vượt phà Xuân Sơn, Đường 20 Quyết Thắng; những đèo Ngang, Đá Đẽo, Ba Dội, Mụ Giạ... rồi sang phía Tây Trường Sơn, hướng về Mặt trận Quảng Trị. Dọc đường hành quân, các nhà giáo Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, dưới làn bom, đạn máy bay Mỹ đánh phá, rồi sốt rét, bệnh tật... “Ngày 12-7-1968, chúng tôi được bàn giao và bổ sung cho các đơn vị đang chiến đấu và công tác ở Mặt trận B4, B5 (Quảng Trị-Thừa Thiên). Quá trình hành quân vào miền Nam, có nhiều nhà giáo-chiến sĩ được kết nạp Đảng”, ông Khuyên cho biết.

Một trong những người được kết nạp Đảng sau khi hành quân vào chiến trường là nhà giáo-chiến sĩ Nguyễn Chí Thu. Nhớ về giờ phút vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cựu chiến binh Nguyễn Chí Thu rất xúc động. Ông kể: “Buổi kết nạp Đảng hôm ấy, cùng với tôi còn có 6 đồng chí nữa, tại khu rừng ở Bản Búc. Dưới cờ Đảng, chúng tôi đã xin thề nguyện phấn đấu vì Đảng, chiến đấu dũng cảm, không quản ngại hy sinh, gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”. Thực hiện lời thề, nhà giáo Nguyễn Chí Thu đã chiến đấu dũng cảm trong đội hình của Trung đoàn 246 (Quân khu Việt Bắc). Năm 1972, ông được biên chế về trung đội trinh sát trực thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn 312. Tháng 6-1972, trong một lần đi trinh sát địch ở khu vực Hướng Hóa (Quảng Trị), không may ông bị vướng phải mìn của địch, bị thương nặng, gãy giập một đoạn xương chân. Đồng đội đưa ông về tuyến sau điều trị. Sau này, ông được xếp hạng thương tật 2/4.

leftcenterrightdel

Các cựu chiến binh - nhà giáo Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc gặp mặt đầu xuân 2023. Ảnh: HỒNG HƯƠNG 

Trong cuộc hành quân vào chiến trường Quảng Trị năm 1968 của Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc, ai cũng nhớ và nhắc đến nhà giáo-chiến sĩ Nguyễn Văn Tụ, nguyên là giáo viên Trường cấp 2 xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), người có biệt danh “lạc đà của đơn vị”. Đó là vì trên đường hành quân, nhiều đồng đội bị sốt rét hoặc bị thương do bom đạn địch bắn phá, thầy Tụ luôn xung phong cõng đồng đội hoặc mang vác giúp ba lô, súng đạn cho người bị ốm, bị thương. Khi qua những dốc Sáu Thang, Thung Mây, đèo Gió, Cổng Trời... thầy Tụ không chỉ mang vũ khí, vật chất hậu cần của mình mà còn mang giúp đồng đội để góp phần bảo đảm tốc độ hành quân của đơn vị. Nay cựu chiến binh Nguyễn Văn Tụ đã 77 tuổi, đang trú tại thôn An Thịnh, xã Tiền Phong (Yên Dũng, Bắc Giang).

Kể về những ngày hành quân vào chiến đấu ở Quảng Trị, ông nhỏ nhẹ: “Tôi có sức khỏe tốt hơn thì giúp đồng đội. Vào chiến trường, tôi được biên chế về K26 vận tải của Trung đoàn 246. Ở trong đội xung kích của đơn vị, tôi luôn đạt năng suất cao trong công việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực và tải thương, đưa thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Gian khổ nhất là băng rừng, vượt đèo và lội suối. Sự nỗ lực của tôi được ghi nhận nên chỉ sau 9 tháng ở chiến trường, tôi vinh dự được kết nạp Đảng”...

Trở về với mái trường

Sau những năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Mặt trận B4, B5, từ năm 1973 đến năm 1975, phần lớn các nhà giáo-chiến sĩ Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc phục viên và trở lại giảng dạy tại các mái trường quê hương. “Sau hơn 10 năm sưu tầm, tìm kiếm thông tin, tôi sơ bộ thống kê trong 175 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và giáo sinh của Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc nhập ngũ có 87 liệt sĩ, 52 người là thương binh; hầu hết người còn sống trở về đều nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin”, cựu chiến binh Nguyễn Quang Khuyên cho biết.

Các nhà giáo-chiến sĩ thuộc Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc khi trở về với ngành giáo dục, họ tiếp tục giảng dạy và đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều nhà giáo trở thành giáo viên dạy giỏi, đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường cấp 1, 2 ở địa phương. Điển hình như nhà giáo Nguyễn Xuân Chúc, khi ở chiến trường chiến đấu dũng cảm, trở về giảng dạy, thầy Chúc hết lòng vì học sinh thân yêu, trở thành nhà giáo ưu tú của huyện Tân Yên. Cựu chiến binh Nguyễn Chí Thu phục viên năm 1975, trở về giảng dạy, lần lượt đảm nhiệm Phó hiệu trưởng Trường cấp 2 Bắc Lý (nay là Trường THCS Bắc Lý) rồi Hiệu trưởng Trường THCS Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa)...

Nhà giáo Nguyễn Quang Khuyên ở chiến trường từ năm 1968 đến 1973, 4 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ (“Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và 2 lần “Dũng sĩ Quyết thắng”) khi chiến đấu ở Quảng Trị, trở về làm giáo viên và phấn đấu, được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THCS Vân Trung. “Thực tiễn ở chiến trường gian khổ đã giúp tôi có bản lĩnh vững vàng, hiểu sâu hơn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sự hy sinh, chiến đấu dũng cảm, nhất là 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, trong đó có các nhà giáo-chiến sĩ Đại đội Ngô Gia Tự 2 Hà Bắc là bài học sinh động để tôi giảng giải, giáo dục các thế hệ học sinh về truyền thống, lòng yêu nước, giúp các em thêm trân trọng những thành quả cách mạng mà cha ông đã tạo dựng...”, nhà giáo, cựu chiến binh Nguyễn Quang Khuyên cho biết.  

XUÂN GIANG