“90 trên tổng số gần 100 sinh viên của lớp em ngày ấy hiện nay đang làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông”, tôi tự hào khoe với thầy thông tin trên ngay khi vừa bước vào căn nhà ấm cúng của gia đình thầy nằm trên phố Liễu Giai, Hà Nội. Phải mất khá lâu để hồi tưởng, thầy mới nhớ lại những học trò cũ của mình bởi đã gần 20 năm trôi qua. Những năm tháng còn công tác, biết bao lứa sinh viên đã được thầy giảng dạy, khó có thể nhớ hết, âu cũng là lẽ thường. Còn với tôi, gặp thầy giáo cũ, lại được nghe kể chuyện xưa và nay của những cựu chiến binh-lính sinh viên 6971 thì chưa bao giờ cũ...

Chuyện của trai thời chiến

“Hôm nay, tôi sẽ là nhân vật trong bài viết của em phải không nhỉ? Nếu có lúc nào không rõ, em cứ hỏi thật to nhé. Thính lực của thầy giờ yếu hơn xưa nhiều”, vẫn với giọng nhẹ nhàng, trầm ấm, nụ cười hiền và ánh mắt đôn hậu, thầy bắt đầu câu chuyện.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Phạm Thành Hưng những ngày đầu quân ngũ.

Ngày 6-9-1971, chàng sinh viên Khoa Ngữ văn K15 Phạm Thành Hưng cùng gần 400 sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tình nguyện nhập ngũ đúng vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước ngày lên đường đi chiến đấu, Hưng được về thăm nhà và báo tin cho gia đình. Trong thâm tâm, Phạm Thành Hưng sẵn sàng chờ đón sự phản đối, thậm chí cả nước mắt thương con của mẹ. “Thế nhưng mẹ tôi không khóc. Bà còn nói với tôi đây là chuyện phải làm của trai thời chiến. Giống như bao người phụ nữ Việt Nam khác, mẹ tôi hiểu chiến tranh, bom đạn sẽ không tránh khỏi hy sinh, nhưng vì đất nước, quê hương, giấu những cảm xúc lo lắng cá nhân vào trong, bà mạnh mẽ hơn tôi tưởng rất nhiều!”, thầy Phạm Thành Hưng chia sẻ.

Sinh năm 1953 tại Nga Sơn, Thanh Hóa, đang là sinh viên đầy triển vọng, Phạm Thành Hưng quyết tâm xếp bút nghiên ra trận trong một ngày mùa thu trong xanh. Hôm ấy, thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum đã đến tận nơi động viên, tiễn những cán bộ, sinh viên của mình lên đường. Cùng đồng đội, Hưng được bổ sung về Đại đội 6, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 58, Sư đoàn 308 (nay thuộc Quân đoàn 1), chi viện cho chiến trường Quảng Trị đang bước vào chiến dịch lớn vô cùng ác liệt.

Đến tận bây giờ, ký ức ngày 23-4-1972 vẫn chưa phai mờ trong tâm trí ông. Đơn vị bị địch tấn công, 1/3 quân số hy sinh ngay loạt pháo đầu tiên của địch. Trần Văn Biển, một đồng đội quê ở Thái Bình, cũng là lính sinh viên mới nhập ngũ như Phạm Thành Hưng, hôm qua còn đọc thơ cho nhau nghe, giờ bị thương nặng nằm trên tay ông. “Máu đồng đội chảy ào ạt, còn tôi cũng bị thương. Lo cho cả bạn và mình mà tôi bật khóc nức nở. Chiến tranh thực sự quá khốc liệt với bao tổn thất cho cả hai phía. Gần 400 sinh viên lên đường ra trận ngày ấy, nhiều người đã ngã xuống, nằm rải rác trên khắp chiến trường miền Nam. Họ đã ra đi ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời”, kể đến đây, giọng thầy nghẹn lại, ánh mắt ầng ậc nước.

Bản thân thầy 3 lần bị thương, lần nặng nhất là khi tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa. Đó là một ngày tháng 8-1972. Chiến sĩ Phạm Thành Hưng cùng đơn vị đang cơ động chiến đấu thì bom B-52 giội xuống. Mảnh bom văng vào đầu và nay vẫn nằm sâu trong đầu khiến thính giác của thầy ngày một yếu đi. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương và mảnh bom hành hạ khiến thầy đau đớn vô cùng. Nhưng nén nỗi đau thể xác và cả nỗi buồn nhớ đồng đội vào sâu thẳm trái tim, thầy tự nhắc mình cố xóa đi nỗi ám ảnh chiến tranh, hướng tới tương lai.

Nghị lực của người thầy giáo thương binh

Cuộc sống quân ngũ và những năm tháng thử lửa nơi chiến trường đã khiến Phạm Thành Hưng nuôi hoài bão trở thành một quân nhân thực thụ, cống hiến lâu dài cho quân đội. Nhưng 3 lần bị thương cùng mảnh bom vẫn còn găm trong đầu khiến ông dù đã khai giảm tỷ lệ thương tật xuống dưới 20% vẫn không được cấp trên đồng ý cho ở lại phục vụ quân đội. Sau ngày miền Nam giải phóng, Phạm Thành Hưng trở về tiếp tục hoàn thành chương trình đại học.

Năm 1985, thầy đi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Charles-Praha (Tiệp Khắc). Năm 1991, thầy về nước công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy nhận bằng Tiến sĩ (2002), Phó giáo sư (2007) và được giao đảm nhiệm các cương vị tại Đại học Quốc gia Hà Nội như: Phó chủ nhiệm Khoa Báo chí, Tổng biên tập-Phó giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội... Ngoài giảng dạy, thầy còn xuất bản hàng chục đầu sách, tài liệu tham khảo về nghiên cứu lịch sử văn học, lý luận báo chí cũng như biên dịch các tác phẩm văn học của Nga và các nước Đông Âu.

leftcenterrightdel

PGS, TS Phạm Thành Hưng (ngoài cùng, bên phải) trong một lần đến thăm nhà đồng đội từng công tác tại Sư đoàn 308.  Ảnh: MẠC YÊN 

Nhắc đến PGS, TS Phạm Thành Hưng, nhiều thế hệ sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không sao quên được hình ảnh người thầy khiêm nhường, giản dị với những bài giảng lay động lòng người. Với suy nghĩ bản thân đã may mắn hơn đồng đội vì còn sống trở về nên ông đặt quyết tâm phải sống thật tốt, sống hộ và làm việc thay cho những đồng đội đã nằm lại chiến trường. “Vết thương đã ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của tôi. Nhưng nó cũng là sự nhắc nhớ, là “gợi ý” để tôi quyết định đưa những câu chuyện chiến tranh vào bài giảng của mình và may mắn là các học trò đã đón nhận. Có lẽ, họ cảm nhận được điều tôi muốn truyền đạt sâu sắc nhất chính là tình yêu đất nước, lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để có cuộc sống hôm nay”, thầy Hưng nói.

Là một sinh viên từng được học thầy, tôi cũng chưa từng quên "giáo trình" đặc biệt là những câu chuyện bi tráng thời chiến trong bài giảng và sự chia sẻ thẳng thắn của thầy là muốn lan tỏa giá trị nhân văn tới hàng nghìn sinh viên. Mỗi lần lên lớp, thầy không bao giờ điểm danh nhưng sinh viên luôn có mặt đông đủ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy trong nụ cười hồn hậu của PGS, TS Phạm Thành Hưng, hình bóng một chiến sĩ quả cảm, một người thầy giáo thương binh khiêm nhường nhưng đầy nhiệt huyết. Vượt lên tất cả, thầy đã bền bỉ nỗ lực trở thành một nhà giáo, một nhà khoa học với khát vọng trao truyền chưa bao giờ dừng lại.

Hiện nay, mặc dù đã nghỉ công tác nhiều năm, thầy vẫn tham gia một số hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội; nhận hướng dẫn các nghiên cứu sinh, sinh viên thực hiện đề tài khoa học. Đặc biệt là các hoạt động nghĩa tình tri ân đồng đội, thầy rất tích cực tham gia. Khi viết bài này, tôi lại nhớ tới bài viết có tựa đề "Nhắm mắt chờ chồng” thầy gửi cho chúng tôi đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng số đặc biệt phát hành tháng 8-2019. Bài viết là một câu chuyện xúc động về người vợ một đồng đội của thầy ở Sư đoàn 308. Toàn bộ nhuận bút của bài viết, thầy dành mua báo để tặng đồng đội và nhân vật trong bài viết đang sống tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Qua bạn bè của thầy, cũng là những lính sinh viên năm ấy, tôi được biết hiện nay, thầy là một trong những người tiên phong cùng các cựu chiến binh trong Hội sinh viên chiến sĩ 6971 và các tổ chức, cá nhân vận động xây dựng đài kỷ niệm sự kiện cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tham gia quân ngũ, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.

Công trình dự kiến hoàn thành năm 2022 và sẽ được đặt trong khuôn viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội-nơi diễn ra cuộc đưa tiễn lịch sử năm nào. Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng), một người bạn thân thiết của thầy Hưng chia sẻ: "Là thương binh nặng nhưng Hưng rất nhiệt tình, chân thành trong các hoạt động của Ban liên lạc Hội sinh viên chiến sĩ 6971. Anh luôn đi trước và là người tích cực nhất, làm gương để chúng tôi cùng cố gắng. Anh thường bảo, hãy vì những đồng đội đã về miền mây trắng yên bình mà sống thật vẹn tròn!".

SONG THANH