Nhà văn của chúng ta cho biết thêm, ông Ma Văn Nho cũng không phải là người dân tộc thiểu số mà là người Kinh, quê ở Yên Bái! Và ông-Ma Văn Kháng-tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936, người làng Kim Liên (Hà Nội). Ông là người Kinh, mà là “Kinh Hà Nội!”.
Tác phẩm đầu tay của Ma Văn Kháng viết năm 1961, in trên Báo Văn học có tên là “Phố cụt”. “Phố cụt” được ông viết trong căn nhà trọ của giáo viên ở một khu phố trung tâm thị xã Lào Cai (nay là TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) ven bờ sông Nậm Thi-con sông vùng biên ải đêm ngày chở phù sa cuồn cuộn về xuôi. Truyện kể về một con phố ở Lào Cai những năm hòa bình vừa lập lại, cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, nhưng là một cuộc sống mới rất ấm áp và đầy ắp tình thương yêu. Trong con ngõ nhỏ heo hút miền núi, tình yêu và hạnh phúc đã bắt đầu nhen nhóm một cách giản dị từ những mảnh đời đơn chiếc, những số phận buồn đau dưới chế độ cũ vừa trải qua. Nhà thơ Chế Lan Viên viết thư khen phong cách viết của Ma Văn Kháng giống như nhà văn Pháp Alphonse Daudet.
|
|
Nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: HÒA BÌNH. |
Ma Văn Kháng là nhà giáo trước khi trở thành nhà văn. Trong tác phẩm mang đậm chất hồi ký-tự truyện “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” xuất bản năm 2009, nhà văn cho biết, trong chặng đường 21 năm (1955-1976) đầu của đời công chức nhà nước (ở tỉnh biên giới Lào Cai), ông có hơn một nửa thời gian công tác trong ngành giáo dục. Trước đó, từ năm 1952 đến 1954, ông là giáo sinh Trường Sư phạm trung cấp tại Khu học xá Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), được đào tạo bài bản để sau khi tốt nghiệp làm giáo viên tiểu học về các môn khoa học xã hội. Ông đã trải qua các cương vị trong ngành giáo dục: Giáo viên cấp I, II; hiệu trưởng trường cấp II, cấp III thị xã Lào Cai; rồi Trưởng phòng chuyên môn (thuộc Ty Giáo dục tỉnh Lào Cai).
Có thể nói, “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” là một chân dung tự họa của nhà giáo, nhà văn Ma Văn Kháng. Gần nửa số trang của cuốn hồi ký, tác giả nói về những chuyến đi của một người thanh niên Hà Nội “lên miền Tây”, lên với Lào Cai “vời vợi nghìn trùng”. Ông cùng học sinh vừa học vừa dựng trường, dựng lớp; đóng bàn, đóng ghế và… cả việc “tìm kiếm” học sinh. Ở nơi đó, ông còn tham gia tất cả các hoạt động trong đời sống: Vận động giác ngộ quần chúng, phát triển sản xuất, chống hạn cứu lúa, cùng nhau đi bắt sâu cắn lúa trên những rẻo đồng heo hút… Những công việc đó được nhà giáo trẻ làm một cách say sưa, nhiệt tình, không tính toán. Đó là hiện thân của con người mới xã hội chủ nghĩa. Có lẽ, chính tình yêu cuộc sống, sự lạc quan yêu nghề đã giúp Ma Văn Kháng vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện hoài bão, ước mơ của mình.
Hồi tưởng những ngày cuối năm 1954, đầu năm 1955 khi đi tới quyết định tình nguyện lên Tây Bắc dạy học, ông viết: “Đối với tôi, trong sự hình thành những cơ sở đầu tiên của một nhà văn, tất cả đều là nhờ thầy cô”. “Và nếu hôm nay tôi được bạn đọc công nhận là nhà văn thì công lao tạo nên tôi, trước hết là thuộc về nhà trường, nơi trau dồi lý tưởng sáng đẹp, nơi dạy tôi tình yêu đối với tiếng Việt” (“Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”, tr.39, 40). Hơn mười năm trong nghề làm thầy ở vùng cao, sống cùng người miền ngược dựng lớp, mở trường, khai tâm văn hóa nơi vùng sâu, hẻo lánh, nghề dạy học đã giúp ông “thai nghén” các tác phẩm góp phần giữ gìn, bồi đắp đạo học, đạo làm người và tình nghĩa thầy-trò.
Với đề tài thầy giáo và nhà trường, về tiểu thuyết, ông có “Đám cưới không có giấy giá thú” (1989), khắc họa hình ảnh những nhà giáo tài hoa, giỏi nghề, yêu học trò, sống có lý tưởng nhưng lại bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu, bị tước đoạt… thậm chí cả việc dạy học như thầy giáo Đặng Trần Tự-nhân vật chính của tiểu thuyết. Đọc “Đám cưới không có giấy giá thú”, người đọc thấy hiện lên hình ảnh một lớp, một thế hệ người thầy, một đội ngũ giáo viên vừa ra trường sẵn sàng rời thành phố lên “cắm bản” trên vùng núi biên cương xa xôi và còn lạc hậu, đói nghèo; đồng thời cũng “sản sinh” ra những nhân vật nhà giáo với đầy đủ tính cách, tốt-xấu, thấp hèn-cao thượng.
Trong “Đám cưới không có giấy giá thú”, nếu như nhân vật Hiệu trưởng Cẩm “phản diện” thiếu năng lực và nhân cách, thì thầy giáo Đặng Trần Tự vẫn giữ cho mình một sự mực thước mô phạm, “mô phạm mà vẫn không mờ nhạt lòng nhiệt thành, tinh thần triệt để”, “mực thước mà vẫn sâu sắc, đôn hậu mà vẫn uyển chuyển, đa cảm mà vẫn rắn rỏi, không dễ uốn mình và luôn cảm thông với mỗi sa sảy, yếu đuối của học trò”. Anh luôn dành cho nghề dạy chữ, nghề làm thầy một sự kính trọng, yêu mến, say sưa, bởi theo anh, chỉ khi bước chân lên bục giảng, đáp lại lời chào của học trò, anh mới thấy mình “đẹp đẽ và cao quý”. Thầy Tự tập viết hàng chữ cho thẳng, học thuộc một câu thơ để viện dẫn, sưu tầm một danh ngôn, tra cứu một điển cố, chữa một câu văn sai, sửa một lỗi chính tả… Anh như dành toàn bộ tâm trí của mình vào việc dạy học. Dường như Tự đã bén duyên với cái chữ, cái nghiệp này bắt đầu từ khi anh lọt lòng và mang cái chữ trong tên. Là thế, hai mươi năm sau, người học trò cũ của Tự vẫn còn biên thư cho thầy khi nhớ về những câu thơ thầy từng dạy. Tự là người đánh thức cái đẹp, cái xúc động, là người vẽ ra, định hướng cho cuộc tìm kiếm bản thân của học trò. Với thầy giáo Tự, dù có là con ông đồ tể vô học hay là con trai của bí thư thị ủy đều bình đẳng và vẫn sẽ bị thẳng tay phạt về sự hỗn hào, ngỗ ngược… Tự trở thành hình ảnh của lý tưởng trong mắt học trò, phụ huynh và dân bản. Thế nhưng, ít ai biết thầy Tự một thời là một “kẻ bấp bênh về chính trị, một phần tử cần phải luôn luôn cảnh giác”. Giậu đổ bìm leo, tội nọ đẻ thêm tội kia. “Ngoại tình” và “kiêu ngạo” vì hay tham gia dịch thuật và bàn bạc văn chương với anh nhà báo Kha. Rồi cả cái nghèo túng khốn quẫn của anh, sau tám năm từ chiến trường về với tấm thân tàn, không có của nả gì lại đang khủng hoảng trong quan hệ với Xuyến… Anh bị quy kết đủ thứ và bị tước đoạt đến như là “trắng tay”. Thôi làm chủ nhiệm lớp; thôi hẳn việc dạy mẫu cho sinh viên hằng năm đến kiến tập; không còn được dạy lớp bồi dưỡng học sinh giỏi… Rồi mất cả chức Tổng biên tập báo tường (của Công đoàn trường), miễn nhiệm vai trò tổ phó chuyên môn và tổ trưởng Công đoàn! Giấy giới thiệu cảm tình Đảng từ đơn vị bộ đội gửi về trường đã mười năm, không một ai đoái hoài tới. Trần trụi, Tự chỉ còn là ông giáo dạy văn cho một lớp cuối cấp-một việc chẳng thể đừng. Nhưng có lần Tự bảo với người bạn tên Kha: “Hết mà chưa hết! Kha ạ. Còn giá trị tự thân của mình, kẻ nào tước đoạt được!”. Anh thường nghĩ: “Nghề thầy mang bản chất nhân hậu, hữu ái. Tài năng lớn nhất là tài năng sư phạm, vì tài năng này tạo nên của cải lớn nhất thế gian: Con người. Nghề thầy, do vậy cũng là nghề cực kỳ khó. Thầy vừa phải có năng lực, vừa phải có phẩm đức cao. (“Đám cưới không có giấy giá thú”).
|
|
Bìa cuốn tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú”. |
Những gì xảy ra trong “Đám cưới không có giấy giá thú” là chuyện có thật và đã từng xảy ra trong việc dạy, việc học của một thời. Trong đó có hình ảnh của chính tác giả-thầy giáo, nhà văn Ma Văn Kháng.
Trong tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” cùng các tập truyện ngắn và các tác phẩm: “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn” (2001), “Trăng soi sân nhỏ” (1995), “Mùa lá rụng trong vườn” (1985), “Côi cút giữa cảnh đời” (1989)… đều ít nhiều có hình ảnh những nhân vật nhà giáo, những người luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, những người không chỉ dạy kiến thức chuyên môn mà còn dạy cách làm người, làm công dân tốt cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước. Bên những hình ảnh đẹp, Ma Văn Kháng đã chỉ ra những hình ảnh chưa đẹp trong ngành giáo dục: Bất tài, hại người, đố kỵ nhỏ nhen, tham tiền, cũng như những vấn nạn trong ngành giáo dục như: Sự lạc hậu, giáo điều, bệnh thành tích, khoa trương, hình thức v.v..
Nhà văn Ma Văn Kháng đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật (năm 2012) cho các tác phẩm: “Truyện ngắn chọn lọc”, “Mưa mùa hạ”, “Côi cút giữa cảnh đời”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”.
Thập Tam trại, tháng 10-2018
NGÔ VĨNH BÌNH