Khi tìm hiểu về đơn vị, chúng tôi được biết, ngay sau ngày thành lập (21-10-1967), do đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Khoa Công trình quân sự đã hai lần phải sơ tán toàn bộ đơn vị khỏi vị trí đóng quân đến vị trí mới cách xa nhau hàng trăm cây số. Mỗi lần di chuyển như vậy kéo theo bao khó khăn, vất vả mới ổn định được tổ chức. Song nội dung giảng dạy của các giảng viên vẫn bảo đảm được tính cơ bản để học viên khi tốt nghiệp ra trường có thể thích ứng ngay với tình hình của quân đội, đồng thời bảo đảm để phát triển lâu dài, không lạc hậu. Đặc biệt, chủ trương dạy cho học viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu; gắn lý luận với thực hành, gắn nhà trường với chiến trường và yêu cầu thực tế đơn vị đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Một số học viên của Khoa mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng đã lên đường phục vụ chiến trường miền Nam và chiến trường tại nước bạn Lào. “Trong quá trình tham gia chiến đấu, nghiên cứu tại các chiến trường, đã có nhiều tấm gương cán bộ, giảng viên chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Đó là các đồng chí: Đào Văn Nhiên, học viên Lớp Cầu đường vượt sông khóa 2, hy sinh tại đường Trường Sơn; Nguyễn Trí Thành, học viên Lớp Công sự khóa 2, hy sinh tại Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào); Lưu Quang Quý, học viên tốt nghiệp Lớp Cầu đường khóa 3, hy sinh tại Mặt trận Quảng Trị...”-Đại tá Vũ Ngọc Quang ngậm ngùi nhắc nhớ.

Theo đồng chí Quyền Viện trưởng Viện Kỹ thuật CTĐB, những thành tích đạt được hôm nay của đơn vị là sự kế thừa và phát huy kết quả mà các thế hệ đi trước dày công bồi đắp. “Trong đó đặc biệt ấn tượng là khoảng thời gian 10 năm đầu khai mở trong điều kiện đất nước còn chiến tranh với muôn vàn khó khăn, thách thức. Điều này đã được Đại tá Nguyễn Bỉnh Chân, người có 10 năm đứng đầu đơn vị (1967-1976) kể lại với chúng tôi trong mỗi lần gặp mặt truyền thống cũng như trong hồi ký của ông”-vừa tiếp lời đồng đội, Đại tá, TS Nguyễn Văn Tú, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật CTĐB vừa cho chúng tôi xem những trang viết đã cũ theo thời gian được chỉ huy Viện trân trọng giữ gìn trong phòng trưng bày truyền thống. Chúng tôi xúc động khi đọc những kỷ niệm mà Đại tá Nguyễn Bỉnh Chân chia sẻ, trong đó có đoạn: “Đại bộ phận cán bộ, giáo viên của khoa đã đi thực tế để khảo sát tình hình đánh phá của địch vào những trọng điểm giao thông, các thành phố, nhà máy, các khu vực phòng thủ suốt từ Hà Nội vào Vĩnh Linh để rút kinh nghiệm cho giảng dạy và để rèn luyện toàn diện giáo viên... Tháng 5-1968 sơ tán lên Hàm Yên, Tuyên Quang. Tối tối, từng giáo viên và cả chủ nhiệm khoa xách đèn đi xuống nhà dân có học viên ở để theo dõi tình hình học tập, kịp thời giải đáp những thắc mắc cho anh em. Việc rút kinh nghiệm về phương pháp học tập của học viên cũng được chú ý thường xuyên. Trình độ của học viên khá tốt...”.

leftcenterrightdel

Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, tháng 10-2020. Ảnh: NGỌC ANH

Qua những trang hồi ký của Đại tá Nguyễn Bỉnh Chân, chúng tôi phần nào mường tượng được một thời kỳ gian khổ nhưng không kém phần tự hào của lớp giáo viên hết lòng vì học viên, vì sự nghiệp giáo dục-đào tạo ở Viện Kỹ thuật CTĐB thuở ban đầu. Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, dẫu biết có thể đối mặt với những nguy hiểm, thậm chí cả hy sinh, các cán bộ, giảng viên và học viên của đơn vị vẫn đoàn nối đoàn tình nguyện lên đường ra tiền tuyến. Xác định “chiến trường cũng là giảng đường”, vừa xây dựng vừa đào tạo, đơn vị đã có ngay những sản phẩm đáp ứng yêu cầu cấp bách về cán bộ khoa học kỹ thuật công trình quân sự của cuộc chiến tranh. Họ tham gia huấn luyện công sự, ngụy trang... cho các phân đội công binh và bộ đội địa phương ở Gio Linh, Quảng Trị; khảo sát cầu đường, bến bãi; tham gia xây dựng sở chỉ huy, phá dỡ bom, mìn ở khu mới giải phóng; nghiên cứu công sự, khí tài, vũ khí của địch.

Qua quá trình khảo sát nghiên cứu, các cán bộ, giảng viên của đơn vị đã rút ra được một số kinh nghiệm quan trọng, từ đó tiến hành thành công những thí nghiệm quy mô để khảo sát tác dụng, sự công phá của các loại bom đạn và hỏa lực của địch lên kết cấu công sự. Kể về một lần “thử lửa” trong những năm tháng ấy, Đại tá Nguyễn Bỉnh Chân đã viết: “Ngày 9-10-1972, khoảng 10 giờ sáng đang ở trong nhà thì nghe tiếng máy bay ngày càng rõ. Kẻng báo động, mọi người đều xuống hầm. Tiếp sau đó là tiếng bom nổ ầm ầm sau đồi. Ngồi trong hầm, tôi có cảm giác bị sức ép và dự đoán khả năng bom ném xuống vị trí Bộ môn Công trình quân sự sơ tán. Dứt tiếng bom, chúng tôi chạy ngay ra khỏi hầm. Một bộ phận xem xét tình hình có phải cứu chữa gì không, một bộ phận ngay lập tức cầm các thiết bị chuyên môn đi đo đạc. Rất may đơn vị không có thương vong. Mọi hoạt động diễn ra một cách nghiêm cẩn giống như chưa từng có tình huống nguy hiểm vừa xảy ra. Ai cũng bình tĩnh và cần mẫn với công việc được giao”.

Tháng 12-1972, máy bay Mỹ tập kích bầu trời Hà Nội và vùng phụ cận bằng máy bay chiến lược B-52. Đơn vị phải di chuyển về khu vực chợ Lồ (Vĩnh Phúc). Phần đông cán bộ, giảng viên có gia đình ở Hà Nội. Dù rất lo lắng cho người thân nhưng không ai rời vị trí, bình tĩnh xác định trách nhiệm trong trận đánh quyết định này. Ngay khi địch vừa đánh xong, đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi đo vẽ các vết bom, tính toán quy luật phân bố các dải bom B-52 để nghiên cứu về mức độ tàn phá, tính chất tản mát của bom B-52. Các kết quả nghiên cứu của họ sau đó được sử dụng làm tài liệu tham khảo khi thiết kế các công trình chống tác dụng của B-52. “Đi thực tế chiến trường, ngoài những thu hoạch về địch, về tổ chức và kỹ thuật phòng tránh... trong xây dựng công trình để đưa vào tài liệu giảng dạy, một thu hoạch lớn nữa là anh em thấy được sự hy sinh to lớn của nhân dân trên suốt chiều dài đất nước. Lòng yêu thương, gắn bó với nhân dân trong mỗi chúng tôi càng mãnh liệt hơn, thái độ và trách nhiệm trong các mặt công tác được nâng cao rõ rệt”-Đại tá Nguyễn Bỉnh Chân nhiều lần khẳng định như vậy khi trò chuyện với tuổi trẻ Viện Kỹ thuật CTĐB.

leftcenterrightdel
 

Cán bộ, giảng viên Bộ môn Xây dựng nhà và công trình công nghiệp, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt thảo luận trước giờ lên lớp. Ảnh: ĐÌNH XUÂN

55 năm đã trôi qua, các cán bộ thời kỳ đầu xây dựng Viện Kỹ thuật CTĐB đều đã nghỉ hưu nhiều năm, có người không còn nữa nhưng câu chuyện về những năm tháng khai mở, đặt nền móng cho sự phát triển của đơn vị ngày nay vẫn được trao truyền qua các thế hệ bằng nhiều hình thức. “Chúng tôi luôn tự hào và biết ơn những đóng góp của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đã và đang công tác tại Viện Kỹ thuật CTĐB trong hơn nửa thế kỷ qua. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, Viện tiếp tục có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn dịch vụ khoa học-công nghệ của Quân đội nói chung và của Học viện Kỹ thuật Quân sự nói riêng”-PGS, TS Vũ Ngọc Quang khẳng định.

BÍCH TRANG