Truyền thống là bệ phóng

Cách đây 62 năm, ngày 12-10-1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Cục Nghiên cứu kỹ thuật, sau này phát triển thành Viện Nghiên cứu kỹ thuật rồi Viện Kỹ thuật Quân sự, tiền thân của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự ngày nay. Ban đầu, số lượng cán bộ ít, trình độ chuyên môn kỹ thuật quân sự còn hạn chế, song với phương châm vừa học vừa làm, cán bộ, chiến sĩ của Cục Nghiên cứu kỹ thuật đã đoàn kết, chủ động bắt tay ngay vào xây dựng các đề tài nghiên cứu. Từ năm 1960 đến 1964, 19 đề tài phục vụ chiến đấu, 20 đề tài phục vụ giao thông, 20 đề tài phục vụ sản xuất và bảo quản đã hoàn thành.

Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Quang Linh, con trai duy nhất của Đại tá Hoàng Đình Phu-người có nhiều năm đứng đầu đơn vị. Giới thiệu những tư liệu về cha mình, ông Linh

kể: “Sinh thời, cha tôi luôn nhắc nhớ về những năm tháng công tác ở Viện Nghiên cứu kỹ thuật. Đây là giai đoạn thực hiện nhiệm vụ vất vả nhất, nhưng cũng không kém phần vinh quang. Từ chỗ chỉ có khoảng 80 người với một số phương tiện thí nghiệm đơn giản, thư viện còn nghèo nàn, không có xưởng chế thử... đến năm 1969, tổng quân số của đơn vị đã lên đến 279 người; cơ sở vật chất được tăng cường đáng kể, thông tin, thư viện phát triển nhanh, xưởng cơ điện hình thành, bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong nghiên cứu”. Theo lời của ông Hoàng Quang Linh, kỷ niệm mà Đại tá Hoàng Đình Phu nhiều lần kể với con trai là lần ông và các cán bộ của viện đã “tạo ra” hỏa tiễn A12 từ bệ đất và túi cát, trang bị cho bộ đội thực hành tấn công hệ thống đồn bốt nhiều tầng của Mỹ-ngụy.

Thời ấy, ta được Liên Xô viện trợ loại đạn phản lực BM-14 đặt trên giàn phóng. Với điều kiện chiến trường sử dụng loại vũ khí này bị hạn chế, vì pháo thủ không thể mang vác, luồn sâu vào trận địa địch. Tư lệnh Pháo binh Nguyễn Thế Lâm đã đặt ra cho Viện trưởng Hoàng Đình Phu giải quyết bài toán sao cho loại vũ khí trên trở nên gọn nhẹ, dễ mang vác, sử dụng. Và nhóm nghiên cứu của viện dưới sự chủ trì của kỹ sư Hoàng Đình Phu đã có một phương án táo bạo: Bỏ giàn, bệ phóng, thiết kế mới ống phóng và đặt ống phóng ngay trên... ụ đất. Khi chuẩn bị bắn, đặt ống phóng, giá đỡ lên một ụ đất và đặt thêm một túi cát lên ống để giữ ổn định cho viên đạn phóng đi đúng tầm, hướng. Như vậy, xạ thủ chỉ cần mang ống phóng gọn nhẹ và chiếc túi vải nhỏ, đến trận địa lấy đất, cát tại chỗ. Cơ cấu điểm hỏa được thiết kế để phóng 6 quả đạn cùng một lần, mỗi tiểu đội có hai cụm, tức 12 quả đạn. Vì vậy, hỏa tiễn cải tiến mang tên mới là A12. A12 được đưa vào chiến trường, ngay trận đầu tiên đánh sân bay Đà Nẵng đêm 27-2-1967 đã phá hỏng 13 máy bay địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch...

leftcenterrightdel

 Đại tá Hoàng Đình Phu (thứ hai, từ trái sang) 

 giới thiệu cácsản phẩm nghiên cứucủa đơn vị với

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1973. Ảnh tư liệu

Tiếp đó, trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, viện đã cùng các lực lượng nghiên cứu, triển khai thành công nhiều đề tài quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta chuyển sang giai đoạn mới. Nổi bật là: Nghiên cứu nối tầng tên lửa ĐKB để nâng cự ly bắn; thiết kế thiết bị KC70 khống chế bom từ trường; nghiên cứu, đề xuất biện pháp chống máy bay AC-130 và các máy gây nhiễu của B-52; nghiên cứu thiết kế, cải tiến mìn phóng cháy, tên lửa K13, tên lửa K5; nghiên cứu, khảo sát, biên soạn tài liệu và hiệu chỉnh tên lửa phòng không vác vai A72 và tên lửa chống tăng điều khiển bằng dây B72 do Liên Xô viện trợ... Theo thống kê từ các tài liệu lịch sử của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, chưa đầy 10 năm sau ngày thành lập, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, thậm chí là cả hy sinh, viện đã triển khai 131 đề tài nghiên cứu, mở gần 200 lớp huấn luyện cho hơn một vạn người, cử 68 đoàn cán bộ với 231 lượt người tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Trong đó, 6 cán bộ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ là các liệt sĩ: Quách Ngọc Hồ, Hoàng Kim Giao, Ngô Trọng Tài, Lê Hoài Tuyên, Nguyễn Kim Chi và Nguyễn Văn Bình. Những cống hiến, hy sinh của các nhà khoa học áo lính đã góp phần vào thành tích chung của tập thể viện, trở thành truyền thống quý báu, là bệ phóng để thế hệ hôm nay phấn đấu, noi theo.

Phát huy tinh thần cách mạng tiến công

“Trải qua nhiều biến động, dù tên gọi, tổ chức lực lượng có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và sự phát triển của quân đội, nhưng chức năng chủ yếu của viện luôn được xác định là: Tổ chức nghiên cứu những vấn đề khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự để áp dụng vào thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu”-Đại tá Dương Nhật Dân, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự khẳng định.

Cho đến nay, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự đã đi qua một chặng đường lịch sử hơn 6 thập kỷ. Và như lời của Trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từng đảm nhiệm Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự nói với chúng tôi tại nhà riêng ở quận Ba Đình (Hà Nội) mới đây, với những người làm công tác khoa học thì đây mới là “độ tuổi sung sức” nhất. Ông bảo: “Thời kỳ tôi làm lãnh đạo viện, đất nước mới giải phóng và bước vào công cuộc xây dựng, khắc phục hậu quả chiến tranh, thì tiếng súng lại nổ ra ở hai đầu biên giới. Theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng, viện cử hơn 10 đoàn với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lần lượt thay phiên nhau lên điều tra tình hình, cùng tham gia chiến đấu với các đơn vị. Điển hình là ở hướng Cao Bằng, Phân viện Điện tử đã đưa bộ khí tài điều khiển nổ từ xa (ĐK-1) vào chiến đấu, lập công xuất sắc, được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Tại Quảng Ninh, Phân viện Vật lý kỹ thuật và Phân viện Điện tử đã đưa khí tài nhìn đêm, radar trinh sát chấn động và máy thông tin vào phục vụ chiến đấu kịp thời, hiệu quả. Thật tự hào!”.

Trực tiếp đến Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, tham quan Viện Công nghệ mới, đơn vị vừa vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Hình ảnh những nghiên cứu viên miệt mài bên các thiết bị thí nghiệm và cùng nhau trao đổi các thông số thu được cho thấy sự làm việc nghiêm túc, hiệp đồng chặt chẽ. Đã quá giờ nghỉ trưa mà không một ai có ý định dừng làm việc. Trung tá, Tiến sĩ Phạm Kiên Cường, Phó viện trưởng Viện Công nghệ mới cho biết, việc quá tập trung vào nhiệm vụ mà ăn nghỉ thất thường, thậm chí nhiều ngày không về thăm nhà dù ở rất gần đơn vị là “chuyện cơm bữa” của họ. “Ai cũng muốn những đề tài nghiên cứu của mình sớm hoàn thành, có kết quả tốt. Các đề tài được nghiệm thu, sản xuất loạt “0”, rồi sản phẩm được nghiệm thu, đưa vào ứng dụng thực tiễn huấn luyện, công tác của bộ đội là động lực để chúng tôi quên hết những vất vả đã qua, tiếp tục bước vào các nhiệm vụ mới”-Tiến sĩ Cường chia sẻ.

leftcenterrightdel

 Ban Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự báo cáo kết quả công tác nghiên cứu khoa học   

 với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: QUANG BÍCH

Đến Viện Tự động hóa kỹ thuật Quân sự (TĐHKTQS)-một trong những tập thể điển hình nhiều năm liền của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Đại tá Vương Đức Thấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện TĐHKTQS, cho biết: “Những năm qua, phát huy sức mạnh tập thể, đơn vị đã chủ động triển khai toàn diện các nội dung công tác, tạo chuyển biến đồng bộ, với những thành tựu nổi bật là: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống SCADA đặc thù, diện rộng trong điều kiện môi trường khắc nghiệt; cải tiến hệ thống pháo 37mm-2N tác chiến ngày và đêm; cải tiến thành công máy chỉ huy K59-03 theo hướng hiện đại hóa; chế tạo và thử nghiệm thành công hệ thống điều khiển từ hỏa lực cho xe tăng T54B; chế tạo thành công tổ hợp phóng tên lửa A72 trên phương tiện cơ động và cải tiến nâng cấp tổ hợp phòng không tầm thấp ZSU-23-4...”.

Đó chỉ là hai trong số nhiều tập thể có bề dày thành tích ở Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công vào khoa học, công nghệ, ở đâu cũng thấy hình ảnh các nhà khoa học đang cần mẫn, hăng say bên những công trình. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự đã triển khai thực hiện thành công gần 1.000 dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, trong đó một số đề tài đạt loại xuất sắc, có nhiều sản phẩm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, được các cơ quan, đơn vị đánh giá cao. Công tác nghiên cứu khoa học của viện đã hướng vào việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm có giá trị thực tiễn, hàm lượng khoa học cao. Nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng do viện thực hiện, qua kiểm nghiệm thực tế cho thấy tính hiệu quả cao, kết quả tin cậy, tiết kiệm chi phí, khả năng ứng dụng rộng rãi. Những năm qua, viện đã đào tạo 310 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thuộc 13 chuyên ngành, cùng hàng trăm thạc sĩ. “Đảng ủy, chỉ huy viện luôn chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ theo đúng quy trình, bám sát định hướng phát triển của đơn vị. Cùng với đó, viện cũng tổ chức khai thác hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị; thường xuyên đầu tư, bổ sung, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị của phòng thí nghiệm với nhiều trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn”-Đại tá Dương Nhật Dân cho biết thêm.

BÍCH TRANG