QĐND - Cuốn tiểu thuyết “Không phải huyền thoại” của nhà văn Hữu Mai (Nxb Quân đội nhân dân, 2007) được ra đời trong cuộc “Vận động sáng tác văn học sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân” (2001-2004) của Bộ Quốc phòng. Đây là một trong 10 cuốn sách xuất sắc nhất được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

Nhà văn Hữu Mai. Ảnh tư liệu.

"Không phải huyền thoại” ra đời cách nay đã cả chục năm, nhưng dư âm của nó vẫn như còn lắng đọng, tươi mới trong tâm trí bạn đọc, nhất là những bạn đọc quân nhân, những người yêu lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và kháng chiến, những người kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người ta nói: Đây là cuốn tiểu thuyết viết về Đại tướng, là cuốn sách chân dung Đại tướng đầu tiên và là cuốn truyện danh nhân đặc sắc về vị tướng Việt Nam huyền thoại... Những nhận định đó theo tôi là chưa thật chính xác!

Tôi được biết, sau khi hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết một thời gian, nhà văn Hữu Mai lâm bệnh nặng. Nhà thơ Hữu Việt-con trai ông, hiện công tác ở Báo Nhân Dân đã nộp bản thảo lần một cho Ban vận động sáng tác. Đây là bản thảo “thô”-tác giả chưa kịp hoàn thiện thì mất, ngày 17-6-2007, tại Hà Nội (bản do Nxb Quân đội nhân dân in đã được nhà thơ Hữu Việt chỉnh sửa lại khá kỹ).

"Không phải huyền thoại” là một trong những cuốn tiểu thuyết sử thi đồ sộ nhất viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung, trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật trung tâm. Nhà văn Hữu Mai tâm sự: “Tôi vốn là một nhà văn quân đội đã có ý nguyện dành trọn vẹn cuộc đời viết về cuộc chiến tranh 30 năm và may mắn đã có nhiều năm được giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện những hồi ức về kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”. Ông cũng từng sống và lăn lộn ở chiến trường Điện Biên Phủ nên những gì ông viết trong cuốn tiểu thuyết được xem như một góc nhìn riêng của mình về chiến thắng của nhân dân Việt Nam và một góc nhìn riêng của nhà văn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng trong cuốn sách, chúng ta được tìm hiểu kỹ hơn về “quyết định khó khăn nhất” của Đại tướng, hoãn cuộc tổng tiến công, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thực hiện đúng lời dặn của Bác Hồ trước lúc lên đường ra trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh!”. Giá trị của cuốn sách mang tựa đề "Không phải huyền thoại” chính là ở ý nghĩa đó. Qua cuốn sách, chúng ta hiểu thêm được về thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp bằng xương bằng thịt với những trăn trở, suy tư cùng những quyết định đúng đắn. Đọc cuốn sách ta được biết thêm, Đại tướng còn là người đã biết tổng hợp và phát động, nhân lên sức mạnh của toàn quân, toàn dân cũng như thấy được sự sáng tạo của từng người lính, từng người dân để làm nên chiến thắng. Sức mạnh, sức sáng tạo kỳ lạ của những người lính bình thường ở những thời điểm quyết định. Bằng sự cần cù và những sáng kiến tưởng “lặt vặt”, họ đã tạo ra những cách đánh mới, vô hiệu hóa những vũ khí tối tân của đối phương. Chẳng hạn như sáng kiến dùng con cúi để chống đạn bắn thẳng; đào hào “đánh lấn” xuyên qua hàng rào dây thép gai dày đặc của địch, rồi bất ngờ đội đất chui lên tiêu diệt địch… Rồi xe đạp thồ, dân công tải lương tiếp đạn, những anh hùng lấy thân mình chèn pháo, lấp lỗ châu mai. Trong phần tự bạch của cuốn tiểu thuyết hơn 800 trang, bao gồm 31 chương này, tác giả cuốn sách viết: “Tôi được Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân mời tham gia cuộc vận động với gợi ý: Viết thêm những điều gì thấy cần viết (kể cả những điều có thể chưa in ngay được-TG nói rõ thêm ý của ban tổ chức cuộc vận động) về kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là giai đoạn Chiến dịch Điện Biên Phủ... Yêu cầu mà Ban vận động sáng tác đã gợi ý cho tôi một công việc mà tôi có thể đóng góp. Tôi không mong đưa ra những phát hiện mới về lịch sử chiến tranh Việt Nam hiện đại mà chỉ mong làm rõ thêm, bổ sung thêm, cụ thể hóa thêm thực tế cuộc chiến, may chăng có thể mang lại điều gì đó bổ ích đối với những vấn đề người đọc quan tâm” (“Không phải huyền thoại”, tr.7, 8).

Bìa cuốn tiểu thuyết.

Là cuốn tiểu thuyết mà nhân vật trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; là lần đầu tiên hình ảnh Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp được vào tiểu thuyết với tư cách là một nhân vật văn học (trước đó, ông đã đi vào lịch sử, đi cùng quân sử), nhưng “Không phải huyền thoại” lại không phải là cuốn sách chân dung về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời Võ Nguyên Giáp!

Bên cạnh nhân vật trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiểu thuyết còn dành nhiều chương, nhiều trang viết về các tướng lĩnh thân gần và tài năng bên cạnh Đại tướng Tổng Tư lệnh, những sĩ quan trong Tổng hành dinh Mường Phăng rồi cả các binh sĩ, các cố vấn quân sự nước bạn...

Tôi đặc biệt tâm đắc với Chương XVI mang tựa đề Tiếng hát, từ trang 345 đến trang 362. Tôi vẫn nghĩ, cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào và chiến sĩ ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có công của những người “nông dân mặc áo lính” khắp mọi miền, có công của những đoàn dân công, của cả những “nhà giàu yêu nước”, của bạn bè quốc tế... và những trí thức đã “lên ngàn” trong phong trào “toàn dân kháng chiến”, trong đó có các văn nghệ sĩ. Nhưng đây là lần đầu tiên nhân vật văn nghệ sĩ được tiểu thuyết hóa một cách vừa sinh động vừa chân thật. Nhà văn Hữu Mai đã dành hẳn một chương viết về các nhà văn, nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi (tác giả của tác phẩm “Mẹ con đồng chí Chanh”), Trần Dần (tác giả tiểu thuyết “Người người lớp lớp viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ”), Xuân Huy, Chính Hữu (tác giả “Giá từng thước đất”), Đỗ Nhuận (tác giả ca khúc “Giải phóng Điện Biên”), Hoài An, Lý Đăng Cao... và qua đó, thấy được quan hệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Anh Văn, với văn nghệ sĩ thời kháng chiến, thời Điện Biên Phủ chưa xa.

Sinh thời, nhà văn Hữu Mai có lần tâm sự: “Tôi ít có tham vọng văn chương vì thế hệ chúng tôi không đủ thời gian để làm việc này!”. Vâng, cho đến hôm nay thì nhà văn yêu quý của chúng ta, một đời cầm bút, một đời lao động đã vĩnh viễn không còn được lao động, được viết nữa cả một thập niên rồi! Những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết sử thi viết về Điện Biên Phủ của Hữu Mai-cái “cao điểm”… cuối đời như ông đã có lần “bật mí” với chúng tôi đã đi vào lòng bạn đọc, đi vào lịch sử văn học nước nhà với tư cách là một áng văn viết về một nhân vật như huyền thoại, nhưng lại “không phải huyền thoại”-Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Thập Tam trại, 6-2016
NGÔ VĨNH BÌNH