Chúng tôi cảm nhận được niềm kiêu hùng của vị tướng già ở tuổi 87 khi kể về những chiến công vang dội của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 trên mảnh đất Trị Thiên.

Cuối năm 1967, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 nhận nhiệm vụ bao vây đánh lấn căn cứ tập đoàn phòng ngự của Mỹ-ngụy ở cụm cứ điểm Tà Cơn trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh.

Cụm cứ điểm Tà Cơn trải dài chừng 5km, tại đây có đường băng dã chiến lát bằng ghi sắt dài đến 3km bảo đảm cho máy bay vận tải cỡ lớn C130 của địch cất và hạ cánh thuận tiện. Trong căn cứ, địch bố trí nhiều tuyến chiến hào, giao thông hào liên hoàn và có các công sự chiến đấu vững chắc với gần 10.000 quân. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại: “Mỹ tập trung củng cố căn cứ Tà Cơn với mục đích đợi quân ta đến sẽ dùng hỏa lực pháo bầy, pháo hạm và máy bay hỗ trợ tiêu diệt. Để đối phó với âm mưu của địch, mặt trận chủ trương dùng lực lượng nhỏ, bao vây, đánh lấn, ép địch ra ngoài công sự và đưa quân đến ứng cứu để tổ chức tiêu diệt”.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bên những trang hồi ký.

Theo kế hoạch, 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 9 chia làm 5 chốt vây lấn sân bay Tà Cơn. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Đức Huy nhận lệnh triển khai đơn vị ở hai chốt trên hướng đông và đông nam của sân bay Tà Cơn, với nhiệm vụ lấn sâu vào bên trong hàng rào của địch. Những ngày vây lấn căn cứ Tà Cơn là những ngày cực kỳ gian khổ và ác liệt của bộ đội ta. Có ngày ta phải chịu tới 300 lượt máy bay oanh tạc và hàng chục lần B-52 rải thảm, cộng với hàng nghìn quả đạn pháo bầy, pháo hạm của địch.

Sau một tuần vây lấn, tại nhiều nơi, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 đã đào được chiến hào chui qua lớp hàng rào thứ hai và thứ ba (tính từ ngoài vào) của địch. Càng tiến quân vào sâu trong hàng rào lại càng an toàn và ít phải chịu bom, đạn pháo. Đặc biệt, vừa vây lấn, vừa tiêu diệt địch bằng các loại hỏa lực, chỉ trong hai ngày 11 và 12-3-1968, riêng Tiểu đoàn 3 đã tiêu diệt 150 tên địch, phá hủy nhiều lô cốt khiến cho địch hoang mang, hoảng sợ không dám cơ động trong cứ điểm Tà Cơn. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể: “Ngày 11-3, lệnh của mặt trận: Tiểu đoàn 3 tiếp tục áp sát tiền duyên, nếu ngày 23-3 địch chưa ra thì phải tổ chức đánh lấn một đoạn tiền duyên của địch”.

Lúc này, đội hình Tiểu đoàn 3 đang cách địch chỗ gần nhất gần 200m. “Để cơ động đánh địch trong thời gian hơn 20 ngày thì phải đào chiến hào áp sát tiền duyên khoảng vài chục mét. Nhưng hỏa lực của địch ở trên cao. Làm sao hạn chế đến mức thấp nhất thương vong? Sau khi bàn bạc và thống nhất, tiểu đoàn chọn phương án đào hầm trong lòng đất như trước kia bộ đội đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ. Nhưng ngày đầu đào cũng chỉ được 3-5m, không thể đáp ứng được khoảng cách tối thiểu để tác chiến. Chính vì vậy, tôi đề xuất thành lập các đội xung kích do cán bộ trung đội và đại đội làm đội trưởng, làm các con cúi bằng bao cát để tạo chướng ngại vật che đỡ. Xẻng, cuốc phải mài thật sắc, cứ tối đến thì tổ chức đào. Bên cạnh đó, sử dụng hỏa lực để yểm trợ, đè đầu địch. Nhờ vậy mà mỗi ngày cũng đào được hơn chục mét”-Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.

Ngày 23-3, đội hình Tiểu đoàn 3 còn cách hàng rào thứ hai (tính từ trong ra) khoảng 30m và sẵn sàng cho trận tiến chiếm tiền duyên. Phó tư lệnh Sư đoàn 304 Hoàng Đan trực tiếp chỉ huy trận đánh. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy trực tiếp chỉ huy mũi chính ở chốt 1. 11 giờ trưa cùng ngày, pháo binh bắn đè đầu địch, tạo điều kiện cho bộ đội xung phong tấn công. Chỉ trong hơn 10 phút, một lớp hàng rào đã bị phá. Sau giây phút hoảng loạn, địch điều xe tăng bịt cửa mở và tập trung hỏa lực chặn đường phát triển tiến công. Nhận thấy khả năng đánh chiếm tiền duyên khó thành công nên mặt trận cho Tiểu đoàn 3 lùi ra chốt để củng cố lực lượng. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho biết: “Tuy không chiếm được tiền duyên, nhưng sự tiến công của Tiểu đoàn 3 đã làm cho địch hốt hoảng sa vào bẫy của ta. Sân bay Tà Cơn bị chia cắt. Máy bay địch không thể xuống và tiếp tế. Tiếp phẩm vũ khí, lương thực bằng thả dù hầu hết bị ta tịch thu. Do vậy, ngày 26-3, địch cho hai đại đội Mỹ vượt tiền duyên hòng đánh bật quân ta ở các chốt Trung đoàn 9. Tuy nhiên, hàng trăm tên địch đã bị tiêu diệt ngay trước chiến hào. Càng vùng vẫy, địch càng sa lầy. Tháng 4, chúng cho sư đoàn kỵ binh số 1 và một lữ đoàn thủy quân lục chiến đến giải cứu Khe Sanh. Do có sự chuẩn bị từ trước nên ta đã tiêu diệt hơn 4.000 tên, bắn cháy hàng trăm máy bay, buộc địch phải rút...”.

Bài và ảnh: NGỌC GIANG