Người tung ra không trung, ánh mắt nhìn theo chiếc trực thăng. Khi rơi xuống đất, tôi thấy chớp lửa lóe lên cùng khói rồi lịm đi…”.

Quả lựu đạn diệt trực thăng

Năm 1965, bị thất bại nặng nề ở thung lũng Ia Đrăng trong Chiến dịch Plây Me, quân Mỹ đã dùng trực thăng bắn rốc két, đạn cối và máy bay C130 ném bom napan hủy diệt nhằm cứu vãn tình hình. Trước sức tàn phá của bom napan, chiến sĩ Phạm Văn Đắc (hiện sống ở Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa) và nhiều đồng đội của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 bị cháy hết quần áo, thân thể bỏng loét. Ông Đắc được đồng đội dùng tấm dù băng bó và dìu vào một ụ mối nghỉ ngơi. Do bị thương, đói và mệt mỏi nên ông thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì trời đã tối, pháo sáng của địch phong tỏa trận địa lập lòe, ông thấy lính Mỹ ở cách vị trí của mình không xa. Để không bị kẻ địch phát hiện, ông lợi dụng pháo sáng bò đến một bụi le khá rậm trú ẩn và chuẩn bị tinh thần đối phó với địch. Lúc này, trong người ông còn một quả lựu đạn là vũ khí duy nhất để phòng thân.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phạm Văn Đắc (bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm.

Đêm đó, quân Mỹ đi lại sát bụi le nhiều lần nhưng chúng không phát hiện được ông. Tiếng trực thăng Mỹ lên, xuống liên tục ở khu vực bãi trống gần đó để thu gom xác đồng bọn, kéo dài đến cả hôm sau. Ông Đắc kể: “Khoảng 4 giờ chiều ngày 18-11-1965, khu vực tôi nằm có vẻ yên ắng. Tôi liền nhổm dậy, vạch cành le để quan sát xung quanh thì thấy còn nhiều lính Mỹ tập trung bên cây gỗ đổ ngang. Tôi vội vàng nằm xuống, vết thương chạm vào cành le đau quá, khiến tôi ngã xuống, tay phải cầm quả lựu đạn đeo bên sườn gần vết thương sẵn sàng hành động. Ba tên Mỹ nghe thấy tiếng động, tiến lại gần vạch cành le phát hiện ra tôi và la lên. Tôi định cho lựu đạn nổ để cùng chết với địch nhưng quan sát thấy cả 3 tên chỉ trỏ, nói với nhau chưa có biểu hiện muốn giết. Vì vậy, tôi lấy lại bình tĩnh, chờ hành động tiếp theo của chúng”.

Ba tên lính bắt, kéo lết ông Đắc về phía cây gỗ đang có đồng bọn ngồi, đứng gần nhau. Thấy vậy, ông kiên trì chờ thời cơ để tiêu diệt được nhiều địch hơn. Một lúc sau xuất hiện thêm 3 chiếc trực thăng hạ cánh ở bãi đất trống. Biết ý định của địch sẽ đưa người lên trực thăng nên ông chuyển ý định sang diệt trực thăng khi chúng đưa tù binh lên. Để qua mặt kẻ thù, ông thể hiện trạng thái đau đớn, mệt mỏi vì vết thương khắp người, tay phải vẫn giữ tấm dù che khuất quả lựu đạn bên vết thương. Khi địch đưa người lên trực thăng, ông bất ngờ vì thấy có hai đồng đội chưa bị thương bị địch bắt ở trên khoang. Ông nói nhỏ với họ ý định của mình và nhắc khi lên tiếng thì cả hai nhảy xuống. Ông dùng tay trái bấm vào đùi đồng đội để củng cố niềm tin, thể hiện ý chí quyết tâm.

Địch ra hiệu bắt ông Đắc và hai chiến sĩ đưa hai tay lên nắm lan can. Ông ra hiệu lại cho bọn chúng tay phải bị đau, không nâng lên được. Địch rút quân, 3 chiếc trực thăng khác cất cánh trước rồi đến chiếc trực thăng chở ông. Trong khoang có nhiều xác lính Mỹ, hai tên ngồi hai đầu, ông và hai đồng đội ngồi khoang giữa gần cửa lên xuống. Trực thăng vừa cất cánh cách mặt đất khoảng 3m, ông huých tay đồng đội, hô nhảy. Cả hai nhanh chân nhảy xuống mặt đất. Tên Mỹ phía sau liền nắm lấy tay trái của ông Đắc. “Theo phản xạ, tay phải tôi đưa quả lựu đạn lên, chân phải co thật nhanh và nghiêng người đạp mạnh tên phía trước, đồng thời rút chốt lựu đạn xoay người ném vào buồng lái trực thăng. Chân tôi đạp mạnh vào thành trực thăng, kết hợp kéo theo tên lính phía sau xuống nhưng bị trượt. Người tung ra không trung, ánh mắt nhìn theo chiếc trực thăng. Khi rơi xuống đất, tôi thấy chớp lửa lóe lên cùng khói rồi lịm đi…”, ông Đắc kể.

Chiến thắng tử thần

Khi tỉnh dậy, ông Đắc thấy mình đang nằm ở chỗ có nhiều lá khô trong cánh rừng khoọc. Toàn thân ê ẩm, cổ chân phải bị toác khá sâu ở gần mắt cá chân do chạm vào thành trực thăng. Tay phải bị trật khớp, xương đau buốt khó chịu. Hết sức cố gắng, ông lết được nửa người bên trái, dùng một tay làm lực kéo. Không nhớ đã lết được bao xa thì người ông cứ xỉu dần, xỉu dần. Khi gần tới đường mòn thì ông kiệt sức hoàn toàn. Nằm bất động tại chỗ, vết thương của ông đã nhiễm trùng, bốc mùi hôi, nước vàng, mủ chảy ra ngày càng nhiều do chưa được vệ sinh, băng bó. Trong đêm, ông nghe thấy tiếng nói của bộ đội ta đang hành quân khá gần nhưng không thể gọi được. Đến sáng hôm sau, Trung đoàn bộ Trung đoàn 66 hành quân đi qua và tạm nghỉ chân ở gần chỗ ông nằm. Một số đồng chí đi sâu vào bên trong đường mòn thì phát hiện ra ông. Ngay sau đó, Chính ủy trung đoàn Lã Ngọc Châu đã cử hai đồng chí chuyển ông về bệnh xá sư đoàn. Khi sức khỏe hồi phục, ông xin ra viện để về đơn vị tiếp tục chiến đấu...

Bài và ảnh: BIỆN CƯỜNG