Từ nấc thang đầu tiên...

Suốt thời niên thiếu, cô bé Phượng hầu như chỉ được gặp cha khi ông về thăm nhà vội vã, thậm chí chỉ ở trong... giấc mơ. Bởi khi ấy, quê hương Đại Hòa, xã Triệu Bình (nay là xã Triệu Đại), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị còn bị giặc chiếm đóng. Mỗi lần cha ghé về nhà đều vào ban đêm, đó là những lần ông đi đánh bốt địch. Sáng dậy, Phượng chỉ được nghe bà nội và mẹ kể lại, kèm theo lời dặn: “Hễ có ai hỏi ba đâu thì phải bảo ba mất rồi, đừng nói ba đi bộ đội theo Việt Minh nhé!”.

Trong trí nhớ của Phượng, cha đẹp trai, tầm thước, khuôn mặt rất hiền lành, phúc hậu. Thời gian cha con bên nhau không nhiều nhưng đó luôn là những kỷ niệm đẹp. Khoảng thời gian Phượng được ở với cha lâu nhất chính là khi tập kết ra Bắc năm 1954, nhưng cũng chỉ được mấy tháng rồi hai cha con lại phải xa nhau vì cô đi học trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Cha lại thường thay đổi nơi làm việc, khi ở Quảng Trị, lúc ở Quảng Bình, rồi chuyển ra Nghệ An công tác ở Quân khu 4. Những lá thư đã trở thành sợi dây nối kết tình cảm cha con, để ông Nguyễn Hữu Thọ có thể chỉ dạy cho người con gái lớn trong 4 người con của mình mọi điều hơn lẽ thiệt trong cuộc sống.

leftcenterrightdel
Nguyễn Thị Phượng (ngoài cùng, bên phải) cùng ba mẹ và em gái thứ hai, năm 1957. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bác sĩ Phượng nhớ rằng, ngay từ khi còn học lớp 1, rồi những ngày học tập tại trường học sinh miền Nam đã thường xuyên nhận được thư của cha. “Nhưng rất tiếc, do nhà bị trúng bom của địch mà những lá thư ấy không còn nữa. Tôi chỉ giữ lại được những lá thư ba gửi khi tôi sang Trung Quốc học tập và những ngày ba chiến đấu ở chiến trường miền Nam”, bà Phượng cho biết.

Năm 1965, ở tuổi 19, Nguyễn Thị Phượng có quyết định sang học tập tại Vũ Hán, Trung Quốc. Viết thư cho con, ông Nguyễn Hữu Thọ dặn: “Việc con xa Tổ quốc để học tập cũng làm cho gia đình thương nhớ, nhưng vẫn đấu tranh được vì chúng ta nhận thấy điều đó là cần thiết”, “con cố gắng vui vẻ học tập, thời gian đầu có nhớ nhung, lâu nó quen dần, có đấu tranh, có nghị lực sẽ được”. Coi con gái như một người đồng chí, ông dành cho Phượng những lời chỉ dạy hết sức cần thiết và rõ ràng về một người “có giác ngộ chính trị và đạo đức”: “Bây giờ là sinh viên ngoại quốc, phải giữ gìn quốc thể, nhưng phải tiết kiệm mọi mặt. Vì truyền thống dân ta là cần cù, giản dị và dũng cảm. Ba rất mừng khi thấy con chú trọng nhiều đến vấn đề tu dưỡng và kinh nghiệm. Bản thân ba thấy rằng đi đâu, làm việc gì, con người có giác ngộ chính trị, có đạo đức là cái căn bản. Bác Hồ có dạy: Trung với Đảng, hiếu với dân. Đảng với dân gần nhất là chi bộ và tổ chức cơ sở trong đó mình sống hằng ngày. Đó là nấc thang đầu tiên để bước lên những bước tiến bộ khác” (thư ngày 11-10-1965); “Con càng phải thấy trách nhiệm của mình..., phải suy nghĩ làm sao học được bằng hai, bằng ba để nhanh chóng về nước, kịp thì tham gia kháng chiến, xong rồi thì ra sức kiến thiết sao cho bù kịp những năm tàn phá và trì trệ của chiến tranh” (thư ngày 28-2-1966).  

Sẽ đến ngày chiến thắng!

Trải qua các cương vị từ Huyện đội trưởng Huyện đội Triệu Phong, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Trị, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, rồi Trưởng phòng Động viên dân quân Quân khu 4, Phó tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhiều lần chia sẻ với con gái về niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng mình đã lựa chọn qua những lá thư. Trong lá thư đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1965, ông viết: “Quân đội ta năm nay tròn 21 tuổi. Ba viết thư cho con để nói với con nỗi vui mừng của ba khi nhìn lại mình cũng được hơn 18 năm trong Quân đội. Ba mong sao tròn được 20 tuổi quân và hơn nữa, càng nhiều bao nhiêu càng vinh dự bấy nhiêu...”. Được vào Trị Thiên công tác, trực diện đối mặt với quân thù chính là “ước mơ bấy lâu nay đã đạt được” của ông. Tháng 3-1966, viết cho con gái, ông nhắn nhủ: “Từ nay ba đã trở thành chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam. Ba ở trong lòng miền Nam, trên đất quê hương Trị Thiên thân yêu. Thật là vô cùng tự hào và phấn khởi!”.

leftcenterrightdel

Những bức thư của cha vẫn được bác sĩ Phượng trân trọng giữ gìn. Ảnh: KHÁNH AN

Dù cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt bởi phải sinh hoạt nơi rừng thiêng nước độc, địch khủng bố dã man, ác liệt, nhưng người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Thọ lại tràn đầy sự lạc quan: “Với bàn tay và trí óc của người cách mạng, bao giờ cũng phải xoay xở, tạo không thành có, biến đói thành no để có sức chiến đấu”. Có sự lạc quan ấy có lẽ chính bởi hiện thực cuộc chiến sục sôi mà ông đang trực tiếp nếm trải. Đặc biệt, khi lăn lộn với phong trào, hòa mình với nhân dân, “rớt nước mắt” khi thấy “mỗi nhà là một bó khăn tang, một cuốn sách đen ghi tội ác giặc”, ông càng củng cố quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Cuối tháng 11-1967, trong một bức thư, ông khẳng định khí thế sục sôi đánh Mỹ của quân, dân Trị Thiên: “Mỗi giờ phút quân dân Trị Thiên ở đây cùng toàn thể đồng bào miền Nam và cả nước đang làm những việc hết sức trọng đại để đánh bại ý chí xâm lược của một triệu hai quân Mỹ và tay sai, giải phóng Tổ quốc. Giờ tận số của địch sắp đến. Kèn chiến thắng của dân tộc ta sắp vang dậy non sông”. Với ý chí và niềm tin chiến thắng ấy, ông đã bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...

leftcenterrightdel

Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng xem lại những kỷ vật về cha mình. Ảnh: KHÁNH AN

Bác sĩ Phượng nhận được bức thư cuối cùng của cha đề ngày 15-12-1967, gần hai tháng trước khi ông hy sinh ngày 13-2-1968 tại xóm Guốc, thôn An Ninh Hạ, xã Hương Bình, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Hương Long, TP Huế). Bức thư cuối cùng ông viết cho con gái không dài như những lá thư trước, chỉ vài dòng ngắn ngủi, nhưng là những tâm sự rất xúc động về niềm tin chiến thắng. Thế rồi từ đấy ông bặt tin! Cho đến mùa hè năm 1969, khi đã về nước học tập tại Trường Đại học Y Hà Nội, Phượng mới được biết thông tin cha hy sinh qua đồng đội của ông. “Mỗi lần nhớ ba là tôi lại lấy thư ra đọc. Đó là niềm tin và sức mạnh cho tôi nghị lực vượt qua những lúc cuộc sống khó khăn nhất, để tôi và các em sống, vươn lên, đi đúng hướng theo lời dạy của ba. Trong lòng chúng tôi, ba sống mãi!”, PGS, TS Nguyễn Thị Phượng xúc động cho biết.

THỦY TIÊN