Địch vận trong lòng địch
Hồi ấy, Đường 21 là một trong những tuyến giao thông chính ở miền Trung-Tây Nguyên, Mỹ-ngụy sử dụng để vận chuyển phương tiện chiến tranh, lương thực, thực phẩm từ Nha Trang lên Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột và thường xuyên bố trí một trung đội lính ngụy đi tuần dọc tuyến đường. Bộ tư lệnh B3 chỉ đạo, phải tác động vào tinh thần, tư tưởng của những người lính ngụy, tạo yếu tố thuận lợi cho việc ta đánh phá các đoàn xe đưa phương tiện chiến tranh của Mỹ tới vùng này.
Được cấp trên giao nhiệm vụ, một đêm đầu tháng 4-1968, tổ trinh sát do anh Nguyễn Văn Lét phụ trách đã tiếp cận trạm dã chiến của quân tuần đường, gặp lúc lính ngụy đang hát, kiểu “giải khuây”. “Tương kế tựu kế”, anh Thắng dùng bút nét đậm viết một “thông điệp” trên tờ giấy “phê đúp” rồi treo ở chỗ bếp ăn: “Chúng tôi là Quân Giải phóng, nghe các anh ca cải lương bên bếp lửa mà thấy xúc động tình đồng bào. Chúng tôi chỉ đánh phá phương tiện chiến tranh do đế quốc Mỹ đưa đến xâm lược nước Việt Nam ta. Chúng tôi không đánh các anh, vì các anh cũng có mẹ già, vợ mọn, con thơ... Quan trọng nhất là chúng ta đều chung tổ Việt, máu đỏ, da vàng. Bởi vậy, khi chúng tôi nổ súng, các anh hãy im lặng hoặc bắn chỉ thiên. Hãy yên tâm”.
Vợ chồng cựu chiến binh Trịnh Văn Thắng năm 2017.
Một hôm khác, vào buổi tối, anh Thắng mang theo quả lựu đạn US (loại nổ tức thì) và anh Vinh (quê Hải Phòng) mang súng ngắn K59 nhập đồn điền 48 để nắm tình hình. Áp sát vách quán bà má, không thấy tiếng ra-đi-ô phát thanh chương trình của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (mật hiệu) thì hiểu ngay rằng trong quán có địch. Hai viên sĩ quan, đồn trưởng và đồn phó đồn Chư Cúc với hai chai rượu rum đang đợi đồ nhậu. Bằng động tác kín kẽ với sự hỗ trợ bí mật của chủ quán, hai anh đột ngột xuất hiện ngay sát bàn nhậu. Anh Thắng nắm chặt quả lựu đạn US, giơ ra trước mặt, buộc đối phương tự để hai khẩu côn 6 lên bàn. Anh nói đanh, chắc: “Nếu ai manh động, quả US này sẽ nổ tức thì”. Rồi anh chuyển giọng điềm đạm nhưng nghiêm nghị khi tuyên truyền. Sau đó anh yêu cầu: “Chúng tôi không giết các ông, chỉ yêu cầu không cản trở công việc của chúng tôi”. Anh Thắng, tay vẫn nắm chặt quả US, ra lệnh: “Bây giờ tất cả khóa súng lại, cho vào bao. Ai về nhà ấy”...
Lừa đoàn xe địch
Trung tuần tháng 4-1968, Bộ tư lệnh Tây Nguyên triển khai kế hoạch đánh chặn một đoàn xe địch vận chuyển lương thực, vũ khí theo Đường 21 lên Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn đóng tại Buôn Ma Thuột.
Anh Thắng trong tổ 6 người thực hiện nhiệm vụ đặt mìn trước khi đoàn xe địch đi vào khu quyết chiến điểm được ta chọn, từ cây số 70 (gần cầu Khánh Dương thuộc quận Khánh Dương, tỉnh Khánh Hòa) đến cây số 48 (thuộc quận lỵ Buôn Hồ-Buôn Ma Thuột). Anh Thắng và anh Lét cùng với anh Nông Văn Đại (người Cao Bằng) khóa đầu đoàn xe (tại cây số 48), chôn 3 quả mìn chống tăng (loại mìn do Liên Xô chế tạo, chỉ khi vật nặng từ 90kg trở lên chèn qua mới nổ). Cự ly, vị trí, độ sâu của cụm mìn được tính toán rất kỹ lưỡng. Chôn mìn xong, các anh lấy phân trâu tống đầy vào ruột tượng vải (túi đựng gạo hành quân của bộ đội) rồi treo túi thẳng đứng đúng chỗ chôn mìn, tháo cửa dưới, dùng tay điều khiển cho phân rơi. Dọc đoạn đường, quân địch đi dò mìn đã dừng lại ở những chỗ có dấu hiệu cần xem xét nhưng bên dưới chỉ là những vỏ hộp sắt, các mảnh kim loại do các chiến sĩ ta nghi binh. Và chúng đã bị những bãi phân trâu giả làm “mù mắt”.
Đúng giờ quy định, mìn chờ nổ. Bộ đội Trung đoàn 66 phục kích sát hai bên đường đoạn quyết chiến điểm. Ba chiếc xe tăng dẫn đầu lần lượt “dính” mìn chống tăng, đứt xích, tạo thành “tổ tam tăng” như bức tường thép chặn đứng cả đoàn xe. Sau tiếng nổ thứ ba, bộ đội hai bên đường độn thổ xông lên tiêu diệt từng tên giặc. Chiếc GMC chở lính hộ tống đi sau cùng bị quân ta kết liễu bằng hỏa khí B40… Chưa đầy một giờ, 260 xe chở đầy hàng quân sự của địch đã bị phá hủy. Bộ đội ta kịp thời rút khỏi trận địa. Ngay sau đó, đài BBC đưa tin về thảm bại nói trên của Mỹ-ngụy, gây nao núng tinh thần quân địch ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Ngày 15-5-1973, anh Thắng rời đất Tây Nguyên về Đoàn An dưỡng 587 (Ái Mỗ, Sơn Tây), cách làng Tuy Lộc quê anh 3km. Khoảng một tháng sau, duyên trời đưa đẩy, anh gặp chị Kiều Thị Nho, cô gái làng, thợ làm đậu phụ ở Trường Công an vũ trang (Học viện Biên phòng ngày nay). Chị Nho mới 17 tuổi, xinh đẹp và có duyên thầm. “Sơn Tây đất lính”, không ít chiến sĩ đã để ý chị nhưng chị chưa nhận lời ai. Anh Thắng ngày nào cũng đến chỗ chị Nho làm để... xin bã đậu, có lúc lại giúp chị vắt đậu. Một hôm, người bạn cùng làm với chị Nho gợi ý anh Thắng kể chuyện chiến trường. Anh Thắng liền kể lại hai câu chuyện nói trên. Hệ quả là, chị Nho bị chuyện “hút”, quên chế nước chua vào nồi nấu nguyên liệu, thành ra dung dịch đậu không kết tủa, hỏng hẳn. Anh Thắng thương chị, mượn xe đạp đưa chị ra chợ Nghệ mua đậu về thế vào. Chuyện ấy không ai biết!
Hiện tại, cựu chiến binh Trịnh Văn Thắng và vợ, là chị Kiều Thị Nho, đang sống cùng gia đình tại quê hương, ở làng Tuy Lộc, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG