QĐND - Với truyền thống hơn 700 năm, trong đó có gần 150 năm là đất Đế đô, vùng đất Thuận Hóa, Phú Xuân (Huế), có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cũng vì thế, trong sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Huế được xác định là 1 trong 3 chiến trường đô thị trọng điểm để quân và dân ta thực hiện đòn tiến công chiến lược nhằm bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù.

5000 quân từ trong rừng đi ra

Kế hoạch tấn công Huế đã được quân và dân ta chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu vận chuyển vũ khí đến tổ chức dẫn đường. Việc hành quân được giữ bí mật tuyệt đối trước giờ nổ súng. Trong thời gian chiến dịch, chúng ta đã huy động hàng ngàn người tập trung huấn luyện chỉ cách trung tâm thành phố Huế chưa đầy 5km mà tình báo đối phương không hề hay biết. Lực lượng chính trị tham gia các mũi trong nội thành cũng được chuẩn bị chu đáo, mở đầu bằng việc hình thành liên minh các tổ chức dân tộc, dân chủ và hòa bình của thành phố Huế. Vào những ngày giáp Tết Mậu Thân, vũ khí được đưa vào thành Huế bằng xe lam, bằng các gánh hàng hoa quả hoặc theo những con thuyền hai đáy từ các ngã sông Bồ qua ngã ba Sình, từ Dương Xuân Hạ xuống, từ Phú Vang lên hoặc từ những khu chợ tấp nập vào thành.

Người dân Huế đi sơ tán trong sự kiện Mậu Thân 1968.

Ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, nguyên Thành ủy viên-Bí thư quận 1-Huế 1968, khẳng định: Lực lượng nổi dậy được chuẩn bị từ thành phố cho đến cơ sở. Cấp thành phố lúc đầu thực hiện chủ trương của Trung ương là phải làm thế nào thực hiện cho được liên minh các dân tộc, dân chủ và hòa bình, tổ chức này ngày càng thu hút càng đông các tầng lớp trí thức, nhân sĩ ở Huế.

Trong đêm đầu xuân mưa bay, giá lạnh và sương mù của Tết Mậu Thân 1968, một đoàn quân gần 5000 người lặng lẽ từ trong rừng đi ra, vượt sông, qua các làng mạc, không một tiếng động, tiến vào thành phố Huế bằng các ngả đường, các cửa thành đã được điều nghiên từ trước. 2 giờ 30 phút sáng 30-1-1968, tức rạng sáng Mồng Một Tết Nguyên đán, pháo binh của ta đồng loạt nổ súng bắn phá các mục tiêu của đối phương ở khu Tam Giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Đồng Toàn, Đông Ba. Theo kế hoạch, lực lượng chủ lực và bộ đội địa phương từ hai hướng tấn công vào phía Bắc và phía Nam sông Hương, mở đầu cho cuộc tiến công vào nội thành Huế.

Ông Nguyễn Văn Quang, nguyên Bí thư Thành ủy TP Huế, nguyên Đội trưởng Đội chính trị vũ trang quận 1-Huế 1968, kể lại: Thời điểm này, tôi nhận nhiệm vụ của Trung đoàn 6 làm hoa tiêu 1, anh Tùng là hoa tiêu 2, chúng tôi nổ súng bắn phá hàng rào bùng nhùng để mở cửa, tôi vừa nổ súng, vừa hô xung phong chạy vào bên trong. Khi anh em vào hết mới phân công mũi đánh về phía Tây Lộc, mũi đánh về phía Cột Cờ… Sau đó, chúng tôi đã hướng dẫn đưa được Trung đoàn 6 vào bên trong.

Tiếng súng tấn công của Quân giải phóng đồng loạt nổ giòn giã trong ngày đầu năm mới. 40 mục tiêu quan trọng của địch trong và ngoài thành phố Huế từ các ngả: Mang Cá, Tây Lộc, Đại Nội, Cột Cờ, Đông Ba, Thượng Tứ… Trong khoảng 3 giờ tiến công, Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Huế, các xã ở địa bàn ngoại thành từ khu vực Đồn Mang Cá, lực lượng địch với quân số khoảng 25.000 đến 30.000 quân gồm cả Mỹ và Việt Nam cộng hòa bị bất ngờ hoàn toàn. Đến sáng cùng ngày, lá cờ của lực lượng liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình của Huế đã phần phật tung bay khắp nơi trong khu vực nội thành.

Những ngày đầu của cuộc tấn công, tình hình khá lạc quan, Quân giải phóng kiểm soát tất cả các ngả đường vào khu vực nội thành, các lãnh đạo, chỉ huy thành phố có thể ra vào nội thành thị sát tình hình. Cuộc tấn công của Quân giải phóng đã tạo điều kiện để quần chúng nổi dậy lập chính quyền nhân dân ở những vùng vừa được giải phóng.

Đồn Mang Cá và bài học xương máu

Án ngữ ở vị trí yết hầu, nhằm bảo vệ cửa chính Bắc thành nội Huế, khu vực Đồn Mang Cá gồm Mang Cá lớn và Mang Cá nhỏ là một trong những mục tiêu mà Quân giải phóng không thể đánh chiếm được trong các cuộc giao tranh ác liệt và dữ dội với Mỹ-ngụy vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Khu vực này là địa danh từng bị người Pháp chiếm đóng và trú quân sau sự kiện kinh thành Huế thất thủ từ năm 1858, sau này, chính quyền Sài Gòn tiếp tục dùng làm khu quân sự và là nơi đồn trú của Sư đoàn 1 cùng các đại đội bảo vệ, quân y, chiến tranh tâm lý thuộc Vùng 1 chiến thuật. Mục tiêu này được bố phòng chặt chẽ mà Quân giải phóng đã không lường hết được các khả năng.

y bay RF-4C bị Quân giải phóng phá hủy. Ảnh tư liệu.

Vào Tết Mậu Thân 1968, Quân giải phóng đã sử dụng Đại đội 1, Tiểu đoàn 12 Đặc công và Đại đội 2 của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 tấn công Đồn Mang Cá. Vì không nắm được sơ đồ của khu vực này nên các đơn vị tham gia phải sử dụng sức mạnh để đột phá vào cổng chính. Ngay từ những phút đầu, một số chiến sĩ của Quân giải phóng đã lọt được vào bên trong nhưng bị xe tăng địch chặn đánh và anh dũng hy sinh. Được sự yểm trợ của B40, Quân giải phóng tiếp tục tấn công vào đánh chiếm nhà quân y, nhà chiến tranh tâm lý nhưng hỏa lực của địch quá mạnh, các lực lượng bên ngoài không thể đột phá vào tiếp ứng. Đến 11 giờ trưa thì toàn bộ lực lượng của ta phải rút ra. Trận đánh vào Đồn Mang Cá không thể tiếp tục.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4, nguyên Chỉ huy trưởng cánh Bắc-Huế 1968, nói: Một khu vực có chiều dài gần 1km mà ta đưa có một lực lượng nhỏ lên chiến đấu, trong khi có hai đồn Mang Cá, đây là sự chủ quan lúc đầu của ta, không đánh giá được toàn bộ địa hình, địa vật, chính diện, bề rộng, chiều sâu của đồn để tăng cường thêm lực lượng, nhưng thực chất lúc đó có muốn tăng lực lượng cũng không có. Tuy không đánh được Mang Cá nhưng ta giải phóng được nhiều nơi, trong đó cả Nhà lao Thừa Phủ.

Đánh bại tham vọng của địch

Ngày 31-1, Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã điều quân về giải vây tái chiếm Huế. Tiểu đoàn 7 Dù và Chi đoàn 3 Thiết giáp từ An Lỗ xuống, Tiểu đoàn 3 từ Bồn Phổ lên cùng với 2 tiểu đoàn dù được tăng cường vào Mang Cá, Tây Lộc. Đến ngày 3-2, một tiểu đoàn kỵ binh Mỹ từ Đồng Lâm vào Liễu Cốc Thượng để phản kích. Các tướng lĩnh Mỹ và Việt Nam cộng hòa hô hào binh lính quét sạch Việt cộng, đẩy lùi Việt cộng ra khỏi Huế. Nhưng tham vọng đó không thực hiện được. Quân giải phóng với sự tăng cường của Trung đoàn 8 đã tổ chức phản công khóa chặt các ngả đường vào khu vực nội thành. Ban chỉ huy Quân giải phóng quyết định dùng hỏa lực tập kích sân bay Phú Bài và Động Toàn, hạn chế tối đa hỏa lực địch để chi viện cho thành phố Huế.

Ngọ Môn Huế- nơi bị đánh phá ác liệt trong sự kiện Mậu Thân 1968.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu cho biết: Địch đưa vũ khí trang bị kỹ thuật càng hiện đại vào thì lại càng không thể triển khai được. Chúng ta chỉ cần một tổ 3 người cũng có thể giữ được cả một khu phố. Nhất là khi xe tăng hành quân vào, ta chỉ cần tiêu diệt cái đi đầu là toàn bộ đoàn xe, đoàn quân ách lại. Thành phố tạo điều kiện địa hình hết sức tốt đẹp cho ta đánh du kích, đánh ngăn chặn địch từ nhiều phía…

Huế là một trong ba chiến trường chính và là một trong ba trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau 26 ngày đêm chiến đấu và làm chủ thành phố Huế, quân và dân ta đã diệt, bắt sống, bức hàng và làm tan rã 25.000 tên địch, bắn rơi và phá hỏng hơn 200 máy bay, bắn cháy 41 tàu chiến, phá hủy 533 xe quân sự, giải phóng 210.000 dân, 20 xã, 271 thôn, thành lập chính quyền ở 200 thôn, được Bác Hồ khen tặng 8 chữ vàng: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Tết Mậu Thân 1968, chiến trường Huế được xem là trận đánh đẫm máu nhất đối với quân đội Mỹ, vụng về trong cách đánh tay đôi ở khu vực nội thành đã khiến nhiều lính Mỹ phải bỏ mạng trong việc giành giật từng ngôi nhà, từng góc phố với Quân giải phóng, điển hình như Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mỹ, tham chiến từ ngày 12-2 nhưng chỉ sau 9 ngày giao tranh, đội hình 10 trung đội của tiểu đoàn này đã bị Quân giải phóng “nghiền nát”. Thiệt hại của lính thủy đánh bộ Mỹ nặng đến mức phải lấy quân số bổ sung thẳng từ các trại huấn luyện bên Mỹ sang.

PHONG LAN