QĐND - Cựu chiến binh Lê Huy Tuyên sinh năm 1949, tại Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 7-1967 tại Trung đoàn 138, Sư đoàn 338. Sau thời gian huấn luyện, Lê Huy Tuyên được biên chế về Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên) cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông cùng đơn vị trực tiếp đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

Trên mỗi chặng đường chiến đấu, Lê Huy Tuyên đều lưu lại trên giấy. Cuốn nhật ký dày hơn 100 trang toát lên bản lĩnh, khí phách, sự mưu trí, sáng tạo của người chiến sĩ trên chiến trường cùng những tình cảm thân thương, khắc khoải nhớ quê nhà. Ở đó còn là bức tranh chân thực nhịp sống gian khổ nhưng kiêu dũng của những người lính Bộ đội Cụ Hồ…

Tết chiến trường, nhớ mẹ

Sau 45 ngày hành quân từ Quảng Trị, vượt Trường Sơn, trèo đèo lội suối, cơm vắt, cơm đùm với chiếc võng đu đưa, đơn vị của Lê Huy Tuyên vào đến Kon Tum đúng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Dậu.

Ngày 12-2-1969: Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm Mậu Thân. Đơn vị đang làm lán ở và chuẩn bị đón Tết. Đây là lần đầu tiên mình ăn Tết ở chiến trường Tây Nguyên. Chế độ của chiến sĩ năm nay không có gì ngoài 5 lạng gạo nếp và 5 lạng đậu nhưng anh em vẫn rất vui.

Ngày 15-2-1969: Một cảm giác buồn, vui lẫn lộn. Đêm tất niên mình cùng chính trị viên đại đội tổ chức cho anh em hái hoa dân chủ, văn nghệ đón giao thừa trong hầm giữa rừng già âm u, tối rích. Mấy chiến sĩ mới nhớ nhà khóc thút thít làm mình cũng nao lòng nhớ thầy u, nhớ không khí Tết gia đình ấm cúng. Thầy u ơi, giờ này chắc cả nhà đã ngủ say rồi. Đêm nay thể nào u cũng khóc và nhớ con trai. Hết chiến tranh con sẽ về cùng thầy u và các em ăn Tết. Lúc đó nhà mình chắc vui lắm!...

Một trang nhật ký của CCB Lê Huy Tuyên.

Ngày 18-2-1969: Thế là mình đã thêm một tuổi. Hôm nay là ngày mùng Ba Tết Kỷ Dậu. Đơn vị hành quân vào chiến trường từ đêm qua. Hậu quả của mấy chiếc bánh rán mốc lại thêm dầu lạc và môn thục nên mình bị say, sức khỏe giảm sút, tay chân bủn rủn. Trên đường hành quân leo dốc, Bẹo và Mầm liên lạc phải dìu mình. Nỗ lực lắm và nhờ sự giúp sức của đồng đội mình mới vào được chiến trường. Ôi, một cái Tết nhớ đời!

Sau một năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên với bao hiểm nguy, vất vả, Chính trị viên phó đại đội Lê Huy Tuyên cùng đồng đội trui rèn trong mưa bom, bão đạn. Mùa xuân lại tới. Họ đã đón hơn một cái Tết ở Tây Nguyên.

Ngày 6-2-1970: Ngày cuối cùng của năm Kỷ Dậu. Chiều nay cả đơn vị đi phát rẫy về. Chẳng chuẩn bị thêm được gì cho anh em ăn Tết. Tối 30, chỉ huy đơn vị tập hợp bộ đội dưới gốc cây to nói chuyện, nghe đài và nghe Bác Tôn chúc Tết. Ai ngờ, được một lúc thì pháo của địch bắn dữ dội nên anh em phải phân tán về hầm. Nằm trong hầm tối mới nhớ nhà làm sao, nhớ đến nao lòng nhưng nghĩ tới nhiệm vụ và tội ác của quân Mỹ mình lại thấy bình tâm trở lại.

Ngày 26-1-1971: Qua giao thừa rồi, tối nay anh em tổ chức hái hoa dân chủ, vui và thật ý nghĩa. Đã 4 năm mình không được ăn Tết với thầy u. Chẳng biết dạo này thầy u có khỏe không? Xin u đừng buồn, con vẫn bình an và luôn nhớ thầy u, nhớ lắm!

Ngày 30-1-1971: Hôm nay mình lại đi phái viên với Tiểu đoàn 3. Hành quân 3 ngày mới đến Khe Cau, tiếp tục vào truy kích Tiểu đoàn 22 biệt kích của địch, rồi cơ động vào điểm cao 830. Cứ như vậy suốt 20 ngày đêm đi và đánh mà vẫn không tiêu diệt được bọn chúng. Buồn và tức chưa từng thấy.

Ngày 18-2-1974: Hôm nay đã 26 Tết. Vậy là mình cùng đồng đội đã đón 7 cái Tết ở vùng đất Tây Nguyên đầy lửa đạn. Cả đơn vị được lệnh rút về khu E16 chuẩn bị đón năm mới. 9 giờ tối mới tới nơi. Hầm, hào, lán trại chưa có gì, anh em lại lao vào chuẩn bị. Tuy mệt và gấp rút nhưng vừa thắng trận trở về nên ai cũng hăng hái. Ngày mai chắc mình phải tranh thủ biên thư về thăm thầy u và các em. Lâu quá rồi không nhận thực tin nhà! Ở quê mùa này rét lắm, vậy mà u vẫn phải nhổ mạ, cấy lúa chẳng được nghỉ ngơi. U ơi…

Ngày 25-2-1974: Cả đơn vị bước vào chuẩn bị thao trường huấn luyện bổ sung. Không khí Tết dường như ngay lập tức bị quên lãng, thay vào đó là tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao….

Bản lĩnh lính chiến trường

Suốt 9 năm nơi tuyến lửa, giữa cái sống và cái chết cận kề, trải qua nhiều cương vị, từ Tiểu đội trưởng đến Chủ nhiệm chính trị trung đoàn, đối diện với nhiều tình huống chiến đấu, Lê Huy Tuyên luôn thể hiện bản lĩnh, sự mưu trí, sáng tạo để cùng đơn vị lập nhiều chiến công.

Ngày 5-8-1968: Khoảng 12 giờ trưa, địch ở trên đồi mò xuống. Chúng không đi theo đúng phương án bố trí của trung đội mà sục ngay vào hầm giữa mình với Việt. Nguy hiểm quá, không thể chần chừ được nữa, mình nghiến răng bóp cò hết sạch một băng đạn AK. Thằng lính Mỹ đổ sụp, lấp cả cửa hầm. Không biết Việt thế nào? Mình vừa lắp băng đạn mới vừa nhoài sang cửa hầm bên kia thì phát hiện mấy thằng lính đang lôi Việt chạy xềnh xệnh. Lựa địa hình mình đã bóp cò và tung quả lựu đạn diệt thêm được 4 tên. May quá, Việt cũng lợi dụng địa hình trốn thoát. Trận này, mình diệt 5 tên lính Mỹ ngon ơ.

Sau chiến công này, Lê Huy Tuyên được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ba và được tặng Bằng khen. Ngay sau đó, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Tây Nguyên.

Ngày 25-2-1969: Cả ngày cùng trung đội chốt trên điểm cao 783. Căng thẳng quá! Trời nóng, máy bay địch quần lượn liên hồi. Đại đội đã rút đi rồi, mình là Trung đội trưởng, chỉ huy cao nhất ở đây nên phải tự lo tất cả. Nào là tác chiến, nào là công tác bảo đảm cho đơn vị… Chốt độc lập giữa bốn bề là địch, lo lắng quá nhưng nhất định phải kiên cường bám chốt. Cũng may có tổ Đảng cùng bàn bạc, lãnh đạo nên cũng thấy yên tâm đôi chút.

…13 ngày chốt ác liệt, gian khổ cũng qua. Hôm nay mình bàn giao chốt cho đơn vị công binh. Hai trận đánh biệt kích thắng lợi, đẩy bật được chúng ra khỏi điểm cao. Tất cả anh em trong trung đội đều quyết tâm cho dù hiểm nguy, vất vả. Sau lần này mình thấy vững vàng hơn.

CCB Lê Huy Tuyên (thứ tư, từ phải sang) cùng đồng đội trong một lần gặp mặt. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ngày 4-11-1969: Sáng nay, được lệnh của Tiểu đoàn trưởng, mình chỉ huy trung đội bố trí trận địa phục sẵn đợi địch cơ động qua. 1giờ 30 phút, 32 thằng địch đi qua nhưng không được bắn, phải giữ an toàn vì đó chỉ là tụi thám báo đi đầu. 3 phút sau, một tiểu đoàn của chúng cơ động vào đúng phương án. Mình chọn chính xác thời cơ, hạ lệnh nổ súng. Bọn địch bị đánh bất ngờ chạy tán loạn. Mìn nổ, B41 bắn, các loại súng nhả đạn liên hồi. Kết thúc trận đánh, trung đội mình diệt được 1 trung đội địch mà chỉ bị thương vong 2 người.

Ngày 7-11-1969: Gần đến khu vực 804 rồi, pháo địch bắn dữ quá. 11 giờ 30 phút đơn vị dừng lại ăn trưa thì bị địch phục kích. Không kịp ăn gì, đội hình của Đại đội 11, 13 ùn lên. Nằm giữa bãi đất trống nguy hiểm thật nhưng mình là cán bộ phải thật bình tĩnh chỉ huy đơn vị cơ động tránh bom, pháo địch, rồi lại tiếp tục hành quân.

Ngày 10-11-1969: Sáng nay lại có quyết định chuyển sang làm chính trị viên phó. Mình cũng đã xác định trước, việc gì làm cũng được miễn là hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Những năm cuối của cuộc chiến tranh, Lê Huy Tuyên được bổ nhiệm giữ chức Chính trị viên tiểu đoàn, rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 28. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1988, ông về hưu với cấp hàm trung tá, sống cùng gia đình tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Những năm tháng trên chiến trường Tây Nguyên ác liệt là khoảng thời gian mãi in đậm trong tâm trí ông và được lưu giữ qua cuốn nhật ký mà ông nâng niu giữ gìn mấy chục năm qua.

HOÀNG THÀNH