Trên cương vị Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 338, tranh thủ những giây phút tĩnh lặng ở chiến trường, chàng sĩ quan trẻ Trương Công Đại cầm bút ghi lại cảm xúc của mình về cuộc chiến cam go với quân thù.

Khắc tên đồng đội lên bia mộ

“Ngày 14-11-1972: Những dòng tôi viết sau đây trong nước mắt và lòng căm thù. 7 giờ 13 phút ngày 13-11, trước tình hình đơn vị thiếu gạo, mình dẫn bộ đội đi vét gạo ở Nậm Chắt. Bộ đội hôm nay đi có: Thìn-chiến sĩ liên lạc giàu tình cảm và cương nghị; Điền-một đoàn viên tích cực, tổ trưởng tổ 3 người có nhiều khả năng, cần cù chịu khó, có sức khỏe nhất trung đội; Thích-một đoàn viên quê Thanh Hóa. Dọc đường chúng tôi nói chuyện và suy nghĩ ước mơ đến ngày trở lại Tổ quốc thân yêu. Chúng tôi đi vội vàng để kịp về trước khi trời tối. 16 giờ, khi về đến gần trung đội, chiếc máy bay L-19 trinh sát và bắn chỉ điểm vào trước đội hình. Chúng tôi chạy được 150m thì L-19 đưa vào ống kính và siết chặt vòng vây. L-19 không chịu rời bỏ chúng tôi. Chúng tôi nằm và động viên nhau cố giữ bí mật. 16 giờ 30 phút, một quả bom xé không khí rơi vào sát đội hình. Tôi biết mình còn sống và tôi biết mình bị bắn cao lên rồi lại rơi xuống, tiếp theo đất cát và cây cối phủ kín toàn thân. Tôi gọi Điền. Điền gọi Thìn-liên lạc vẫn thông suốt. Một tiếng nổ gần hơn quả lúc nãy, tôi bị ù tai như điếc. Mắt hoa, đất cát rào rào rơi xuống đè lên ngực tôi như nghẹt thở. Tôi gọi Điền: Điền ơi, cố gắng chịu đựng nhé. Điền ơi!- Không thấy trả lời. Im lặng. Lại một quả nổ inh tai. Một cuộc oanh tạc kinh khủng. Chắc tôi ngất đi.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Trương Công Đại giới thiệu cuốn nhật ký “Vì lý tưởng cộng sản - Anh dũng tiến lên”.

Khi tỉnh lại thì tiếng động cơ L-19 vẫn còn chói tai. 10 phút sau tiếng động cơ xa dần, tôi kéo chân Điền và gọi, không thấy trả lời. Trời ơi! Đồng chí Điền đã hy sinh rồi. Thìn ơi! Chúng ta thề trả thù này cho đồng chí. Tôi gào lên.

Tôi ra lệnh cho Thìn đi báo cáo tiểu đoàn. Tôi cởi khuy áo đặt tay lên trái tim Điền. Tim ngừng đập nhưng vẫn còn nóng hổi. Và sức nóng đó đã truyền vào bàn tay qua máu căm thù thúc mạnh vào con tim tôi. Điền bị một mảnh bom phát quang khá lớn làm đứt toàn bộ mạng sườn bên phải. Máu thấm loang dày đất và thấm đầy vào quần áo tôi.

20 giờ, thi hài Điền được đưa lên xe ZIL-150. Xe đêm nay ra đi thầm lặng, nặng nề, đau xót và thương tiếc. 6 chúng tôi: Đan, Đại, Chiến, Thọ, Tứ, Bạ ngồi vây quanh thi hài, kết thành một khối đoàn kết vững chắc. Chúng tôi như lớp biểu bì, còn hài cốt kia là hạt nhân. Chúng tôi đưa Điền xuống xe lúc 2 giờ kém 15 phút ngày 14-11-1972 và đặt trên bãi cỏ xanh giữa một ngã ba lớn. 8 giờ 30 phút, liên hệ tìm được địa điểm, chúng tôi khiêng Điền ở đất nước Triệu Voi. Một đám tang ở chiến trường. Tôi làm cho đồng chí một tấm bia bằng gỗ thông lấy từ hòm đạn. Hàng chữ tôi khắc bằng dao găm trân trọng đơn giản nhưng đầy đủ: Nguyễn Viết Điền. 13-11-1972”.

Hơn hai tháng sau, ngày 21-1-1973, trong một trận chiến đấu ác liệt trên đất bạn Lào, Trung đội trưởng Trương Công Đại lại tự tay khắc bia mộ bằng gỗ cho hai đồng đội là Nguyễn Bá Hoa và Nguyễn Đại Đồng...

Lời hứa thiêng liêng

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nếu còn sống, tôi sẽ về với gia đình đồng chí bằng tất cả những hình ảnh tự hào nhất mà tôi đã từng chiến đấu cùng đồng chí”. Những dòng cuối của trang nhật ký viết ngày 14-11-1972 cứ đeo đẳng trong tâm trí CCB Trương Công Đại. Danh sách trích ngang cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 ngày ấy ông Đại vẫn lưu giữ cho đến tận hôm nay, nhưng không có tên Nguyễn Viết Điền, Nguyễn Bá Hoa và Nguyễn Đại Đồng (3 đồng chí Điền, Hoa, Đồng biên chế về trung đội sau nên chưa kịp bổ sung-PV). Ông Đại chỉ nhớ Điền quê ở tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), Hoa quê ở Hà Tĩnh, còn Đồng quê ở Hà Tây. Ngày ấy, đơn vị di chuyển liên tục nên các đồng đội còn sống cũng không nhớ rõ địa chỉ cụ thể của 3 liệt sĩ Điền, Hoa, Đồng.

leftcenterrightdel
Danh sách trích ngang cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 338 năm 1972, vẫn được ông Đại lưu giữ cẩn thận.

Ông Đại liên hệ với sở lao động, thương binh và xã hội các tỉnh đề nghị giúp đỡ tra cứu danh sách các liệt sĩ trên và được biết hài cốt đã được quy tập về Việt Nam vào năm 2005. Đầu tháng 11-2018, sau khi tìm ra địa chỉ cụ thể của liệt sĩ Điền, biết ông Nguyễn Xuân Đông là em trai và cũng là người đang thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Viết Điền, ông Đại liên hệ với cán bộ xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, bày tỏ ý định sẽ về địa phương thăm gia đình và thắp nén hương tưởng nhớ người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trận năm nào.

Vào ngày 8-10-2018 (âm lịch), đúng ngày giỗ của liệt sĩ Điền, ông Đại cùng 3 đồng đội được con rể lái xe chở về Nam Định thắp hương cho đồng đội. Đến nhà thì cửa đóng, then cài, thấy có khách, hàng xóm ra gọi ông Đông đang làm ở ngoài đồng về. Sau khi giới thiệu và thắp nén nhang trên bàn thờ, CCB Trương Công Đại hỏi ông Đông: “Chú có biết hôm nay là ngày gì không?”. Ông Đông thưa là ngày giỗ của anh trai mình nhưng gia đình đã làm tuần trước. Ông Đông thật thà nói thêm, ngày trước, do không biết ngày hy sinh nên gia đình lấy ngày 25-12 (ngày sinh của liệt sĩ Điền) và ngày 27-7 hằng năm làm ngày giỗ cho anh Điền. Năm 2005, xem giấy báo tử biết anh hy sinh ngày 13-11 nên lấy đó làm ngày giỗ. Mấy năm trở lại đây, sau khi nhờ người tra cứu lịch dương ra lịch âm nên lấy ngày 8-10 âm lịch hằng năm là ngày giỗ cho anh.

Ông Đại đã thực hiện lời hứa với đồng đội Điền và Đồng. Ông biết tôi quê ở Hà Tĩnh nên đã ngỏ ý nhờ tôi dẫn đường cho ông cùng một số CCB về xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh để thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Bá Hoa, dự kiến vào cuối tháng 6 này, như lời hứa ông viết trong nhật ký cách đây 47 năm về trước. Tôi rất vui và đã nhận lời.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA