Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995), tên thật là Lưu Văn Thi, là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta thụ phong quân hàm cấp tướng trước năm 1975. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1977-1982), từng giữ chức vụ chính ủy của nhiều đơn vị khác nhau nên còn được mệnh danh là “Vị tướng chính ủy”.
Anh Hoàng Anh Thi kể rằng, ngày cha anh vào Nam lần thứ nhất năm 1949, mẹ anh đã đóng một cuốn sổ nhỏ, bọc vải màu xanh lam, trên đó có thêu hai chữ O và T màu trắng lồng vào nhau nghĩa là Thi-Oanh (tên của hai người lúc bấy giờ), để ông ghi lại những cảm xúc trên đường đi. Cuốn sổ nhỏ ấy đã trở thành quyển nhật ký thân thương của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện suốt chặng đường đi từ Việt Bắc vào Nam Bộ (9-1949/8-1950) nhận công tác mới.
Dạt dào yêu thương
Gần 60 năm trôi qua từ khi Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cùng vợ (bà Hào Kim Oanh) đặt những dòng chữ đầu tiên trên quyển nhật ký nay đã nhuộm màu thời gian. Ngay trang đầu, bà ghi: “Anh Thi của Oanh. Em tặng anh quyển sổ này để anh ghi khi em và anh xa nhau. Anh hãy giữ cho đến khi em và anh gặp nhau nhé. Em sẽ chờ anh…”. Bà dán bức ảnh hai mẹ con và viết “Việt Bắc ngày 2-9-1949. Em và con đang chờ anh về”. Nhận được quyển sổ, ông cũng đáp lại ngay trang giấy kế tiếp. Ông vẽ nổi hai chữ cái T và L (Lan, một tên khác của bà) lồng vào nhau và viết: “Để ghi lại những ngày xa em”.
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Ảnh tư liệu.
Ngày đầu tiên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đặt bút ghi nhật ký là ngày 3-9-1949, ông ghi rõ: “Con được đúng 10 tháng. Q.T (Quốc Trung, tên con trai lớn của ông bà-PV) biết đánh đàn mồm. Nghĩ đến thời gian phải xa Trinh (Trần Thị Lệ Trinh, một tên khác của bà-PV) và con, lại buồn và lo. Liệu Trinh có đủ điều kiện nuôi con lớn khỏe không? Nhưng thôi, tin ở sự săn sóc của đoàn thể và các đồng chí. Em chịu khó và gắng chăm nom cho Q.T khỏe nhé”.
Ngày 6-10, nhân Tết Trung Thu năm đó, ông đã viết lá thư cho gia đình và ngẫm ngợi: “Thư này đến tay Trinh chắc có lẽ vào đầu hay cuối tháng 11-1949…Không biết con đã làm thêm được trò gì rồi. Có lẽ con đã đứng và đi được. Em nhớ viết thư dài cho anh nhé”. Ngày 16-10, khi thức dậy thấy trời trở lạnh, gió mùa Đông Bắc tràn về, ông lại nhớ đến con, không biết con đã được mặc áo ấm chưa? Nhiều lúc nhớ đến vợ con, ông kể lại những chuyện nằm mơ như “thần giao cách cảm”, và “có lúc anh mơ thấy bế Quốc Trung, ghì con chặt vào lòng, rồi cũng lại chẳng thấy gì”. Ông nghĩ bà vẫn mơ về ông do vậy trong mơ, hai người gặp nhau và ông quyết định ghi lại nhật ký để khi gặp nhau sẽ đối chứng.
Qua từng ngày, từng chặng đường, nỗi nhớ thương vợ con của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện càng dâng trào mạnh mẽ. Tuy vậy, chiến tranh ác liệt, thư từ đi lại khó khăn và nhất là ông đang trong những ngày Nam tiến. Vì vậy, ngày 4-11, ông viết:“Bắt đầu từ ngày hôm nay, anh nghĩ được một cách có thể làm anh đỡ nhớ em. Từ trang nhật ký này, anh của em sẽ ghi lại những phút êm đẹp của cuộc tình duyên hai ta từ lúc mới chớm nở ở thị xã Thái Nguyên xa xôi kia, ở TP Hải Phòng thân yêu và ở Thủ đô yêu dấu. Anh sẽ ghi lại với tất cả cảm xúc mạnh mẽ của anh. Có lúc anh nghĩ, nên để lúc tới nơi, anh sẽ viết cho em một thư dài kể lại đoạn đường anh đi và nói lại tình cảm anh trong những ngày ấy. Nhưng anh lại sợ rằng như vậy nó mất đi những rung động thành thật nóng hổi của từng ngày nên anh quyết ghi vào từ đây. Em ơi, em hãy chờ đọc những bức thư yêu quý nhé. Em yêu quý, chờ anh về, chờ anh về”.
Vậy là từ hôm sau, những trang nhật ký bắt đầu dài hơn, tỉ mỉ hơn, là những dòng thấm đẫm yêu thương. Trong đó có kỷ niệm lần đầu được gặp vợ hay những ngày Tết buồn khi bà về lại Hà Nội còn ông ở lại thực hiện nhiệm vụ, hay những lúc ông phát biểu trên bục, bà lặng lẽ đứng ở một góc hội trường nhìn ông như tiếp thêm động lực cho ông… Ngày 26-11, khi đến Chiến khu Thủy Ba (Vĩnh Linh, Quảng Trị), có thời gian nghỉ ngơi, ông viết:“Trên đường đi đã đánh rơi cái ba toong, con dao và cái bàn chải răng là những thứ kỷ niệm khi đi của anh. Nhất là cái bàn chải răng của em. Anh thật đáng trách, nhưng nếu em biết rằng anh đánh rơi cái bàn chải trong lúc nằm sát đường Tỉnh lộ 2 Quảng Bình mà trên đường 7 xe cam-nhông của Pháp đang chạy. Anh lại mặc quần áo trắng nên sợ lộ phải thay áo màu đen và do đó anh làm mất cái bàn chải yêu quý”. Khi hay tin sáp nhập Liên khu Việt Bắc, ông cũng bày tỏ băn khoăn về công việc của vợ, việc nuôi con rồi ông động viên: “Gần thắng lợi, càng nhiều gian khổ, em hãy cố gắng nhé”, “Anh của em cũng reo lên những đường tơ êm đềm của nhớ nhung và dào dạt của tin tưởng ngày về với em trong vui mừng, vinh quang của dân tộc. Em ơi, đợi anh về em nhé”, hay như “Tưởng tượng đến ngày Huế giải phóng, Hà Nội giải phóng, anh lại mơ thấy ngày về cùng em”.
Những trang nhật ký được ghi chép đều đặn. Ông kể lại những câu chuyện gặp trên đường, chuyện leo qua những dốc cao, những chặng đi thuyền rồi đi bộ, rồi những suy nghĩ, lo toan với khó khăn của vợ ở nơi xa vừa công tác vừa nuôi con nhỏ trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn… Và ông quả quyết, tin tưởng rằng:“Tình yêu tha thiết, mạnh mẽ, không bao giờ phai nhạt của anh với em, của em với anh sẽ giúp cho em vượt qua mọi trở ngại, khó khăn” và khẳng định: “Vào đến Nam Bộ công tác trong đó có thể đến 1, 2 năm hay lâu hơn nữa, anh sẽ chống lại với mọi xô đẩy, cám dỗ để khi về với em, anh vẫn là anh của em, anh vẫn là người chồng xứng đáng của em mà nhất là vẫn xứng đáng một người chiến sĩ cách mạng”...
Lửa nhiệt huyết
Gần 11 tháng đi từ Bắc vào Nam, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trải qua nhiều chặng đường nguy hiểm, đi bằng nhiều loại phương tiện, phải vòng tránh hoạt động của địch. Bên cạnh tình yêu gia đình, vợ con, những dòng nhật ký của ông còn thể hiện lửa nhiệt huyết, tinh thần cách mạng sâu sắc bằng khẳng định: “Thêm tiếng gọi của bổn phận, hình em và con tăng sức mạnh cho anh trên đường công tác…”.
Một trang nhật ký của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Ảnh TRẦN TUYẾT.
Suốt chặng đường dài dọc đất nước, tận mắt thấy cảnh đồng bào đau thương vì sự tàn ác của giặc thù, ông xót thương: “Ở đây, đất địch tạm chiếm bao nhiêu tang tóc đau khổ, đồng bào trú trong những túp lều lụp xụp lẫn trong rừng rậm. Một ánh lửa, một ngọn khói, một tiếng động mạnh cũng có thể lộ mục tiêu cho địch và như thế là bom đạn ở máy bay, đại bác ở tàu thủy có thể bắn lên rồi. Tất cả là tranh đấu, đau khổ và anh dũng”.
Càng vào sâu, ông càng cảm nhận tinh thần, khí thế, tình cảm của quân, dân Nam Bộ. “Các bà má chiến sĩ mời bọn anh đi chào cờ rồi ăn cơm ở các gia đình. Cảm động vì sự săn sóc và tình mến bộ đội của các bà mẹ chiến sĩ nhưng cảm thấy vương vấn buồn. Thế là một Tết xa nhau. Anh cho rằng Tết sang năm, chúng ta vẫn còn phải xa nhau. Có thể Tết năm 1955, anh, em và con mới được gần nhau hưởng một cái Tết tươi đẹp đầy hạnh phúc dưới bóng cờ đỏ rợp trời của Thủ đô Hà Nội”.
Là người con đất cảng Hải Phòng, lần đầu hành quân vào vùng đất phương Nam, Hoàng Thế Thiện đã có những bỡ ngỡ, vỡ òa khi chứng kiến cảnh vật nơi đây. Qua dòng nhật ký của ông, Nam Bộ hiện ra nên thơ, con người nghĩa tình. Ông mô tả khá chi tiết trong nhật ký những mong bà đọc được cũng thấy sống động. Ngày 20-5, đến Khu 8, ông ngạc nhiên:“Ở đây phong cảnh thật là Nam Bộ. Các con sông chằng chịt, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, thẳng tới chân trời. Hai bên sông dừa và dừa. Những chiếc cầu khỉ dài và gập ghềnh. Chiều tới, hàng trăm chiếc xuồng ba lá tung tăng trên mặt nước. Những cái búi tó choàng chiếc khăn ca-rô (khăn rằn) rộng lớn. Có cả một gia đình có đầy đủ ba má anh chị em nhỏ trên một chiếc ghe. Có chợ đông nghịt người với mọi thứ hàng”.
Chặng đường đi của ông cuối cùng đã có kết quả khi ngày 1-8-1950: “Anh chính thức bắt đầu nhận công tác. Thế là kém 5 ngày đầy 11 tháng đi đường để nhận một công tác mới. Đời anh chưa bao giờ có chuyện này. Các anh ở trên đã biệt phái anh làm Phái viên kiểm tra Bộ tư lệnh Nam Bộ. Anh sẽ được đi các tỉnh của Nam Bộ để học tập kinh nghiệm của Nam Bộ, để nhận xét những điểm đặc biệt của Nam Bộ chuẩn bị cho công tác của mình sau này. Anh nghĩ đến việc ghi lại những cái gì đặc biệt của miền Nam nước Việt để sau này trở về kể lại cho em nghe”...
Năm 1953, ông và bà đoàn tụ ở miền Tây Nam Bộ, khi ông là Chủ nhiệm Chính trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne- vơ năm 1954, ông bà cùng con tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, theo yêu cầu nhiệm vụ và tình hình kháng chiến, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tiếp tục xa nhà, thêm hai lần Nam tiến. Ông từng chỉ huy một cánh quân phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dù ở cương vị nào, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cũng luôn là một cán bộ giỏi, với tấm lòng bao dung, yêu thương cấp dưới; đồng thời là một người chồng, người cha mẫu mực.
HỒNG GIANG (lược ghi)