QĐND - Mùa thu 1967, Mỹ đưa hơn nửa triệu quân vào miền Nam, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã "leo thang” đến mức rất cao, ác liệt. Thời gian này ở Hà Nội liên tục báo động máy bay. Đồng bào sơ tán khỏi Hà Nội. Tôi tiếp tục công tác ở Báo Nhân Dân, ở lại Hà Nội.

Tháng 12-1967, anh Đạo (đồng chí Lê Quang Đạo, lúc này là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị-PV) chuẩn bị đi Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Dù không nói nhưng tôi biết anh sắp đi B khi nhìn thấy quân trang anh được phát: Võng dù, chăn dù, dép cao su... Tôi cẩn thận chuẩn bị hành trang cho anh. Tôi nghĩ rằng anh sẽ phải đi qua nhiều suối, nhiều sông. Chỉ đi đôi dép cao su thì không đủ. Tôi tìm mua cho anh một đôi bốt. Không cửa hàng mậu dịch nào có đôi bốt vừa chân anh. Chân anh nhỏ bằng chân tôi, chỉ đi cỡ 37. Chợt tôi nhìn thấy đôi bốt xanh của thiếu nhi Đức. Tôi mua đôi bốt ấy và tự nhủ: "Lội bùn nhiều chắc màu xanh sẽ phai bớt”. Bấy giờ lại đang là mùa đông, cần có chiếc áo khoác kiểu blu-dông, nhẹ mà ấm cho anh. Tôi tìm được cho anh chiếc áo mưa màu nâu đỏ bằng vi ni-lông cho nhẹ.

Từ trái sang: Đồng chí Nguyễn Kim Khôi - Thư ký, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Chính ủy, đồng chí Hóa - bảo vệ. Ảnh tư liệu.

Tuy điều kiện giao thông lúc đó rất khó khăn, nhưng vẫn có thể gửi thư từ chiến trường Quảng Trị ra Hà Nội. Thư đầu tiên, anh Đạo nhờ các đồng chí giao thông đưa về, chữ viết rất nhỏ. Anh muốn lá thư mang đi đường sao cho thật nhẹ. Anh kể: "Việc chuẩn bị ở nhà kể như là tốt, nhưng có thứ không hợp với anh như đôi bốt xanh, cái áo mưa thì đỏ quá. Để khỏi bị chú ý quá nhiều, anh liền đi dép và khoác ni-lông như mọi cán bộ, chiến sĩ. Vậy mà chiến sĩ ta tinh lắm, vẫn đoán là một cán bộ chỉ huy”.

Anh kể chuyện hành quân:

"Anh như vậy cũng đã được thử thách vài chặng đường trèo đèo lội suối, kể cũng khá gay go đấy. Nhưng xét ra đôi chân vẫn còn tốt, ôn luyện lại cũng không lâu. Đi kịp anh em, lại được biểu dương là đi nhanh, đi khỏe nữa.

Phong cảnh nhiều nơi rất đẹp, nhưng mải miết đi và mệt thở ra tai nên cũng chẳng thưởng thức được bao nhiêu. Bộ đội, thanh niên xung phong nô nức kéo đi như trẩy hội. Lớp thanh niên mới anh dũng, đáng yêu vô cùng. Qua đường họ chẳng biết anh là ai, một số chào: Bố ạ! Gặp một cậu chiến sĩ ở làng Phù Lưu gần làng mình, cậu ấy biết mình. Thế là họ bí mật giới thiệu nhau biết...”.

Thư viết ngày 23-1-1968. Khi đọc thư, tôi không biết rằng anh vừa thoát chết mấy hôm trước. Những chuyện gian khổ ác liệt anh ít kể trong thư.

Một tháng sau, tôi nhận được bức thư anh viết ngày 22-2-1968.

"Nhận được thư và chút quà ở đây ý nghĩa thật lớn. Càng phấn khởi bao nhiêu càng cảm ơn các đồng chí đã trèo đèo lội suối qua hàng ngàn cây số dưới bom đạn địch mang đến cho. Thật là “của một đồng, công một nén”. Các anh em cùng đi rất tận tụy, dũng cảm, nhiều khi làm cho anh rất xúc động. Tuệ ạ, trong lúc gian khổ, nguy hiểm mới thấy hết tình đồng chí với nhau. Gian khổ nhưng thật lạc quan, vui tươi, phấn khởi”.

30 năm sau, năm 1998, khi nhớ lại và suy ngẫm về Chiến dịch Khe Sanh, anh Đạo kể: "Một ngày sau khi vào, chúng tôi đã mở được hội nghị đại diện các đơn vị, binh chủng tham gia chiến dịch để bàn kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ chiến đấu cho từng đơn vị. Các đại biểu ra về khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch với quyết tâm rất cao. Mấy ngày sau, máy bay địch đến ném bom bắn phá dữ dội khu vực Sở chỉ huy suốt ngày đêm, làm đứt hết đường dây thông tin liên lạc. Chúng tôi vô cùng sốt ruột vì không nắm được tình hình bộ đội. Tư lệnh Trần Quý Hai và tôi, Chính ủy, bàn nhau quyết định đi đến Sở chỉ huy dự bị. Vào khoảng hơn hai giờ sáng hôm ấy, lúc ngớt bom, chúng tôi và anh em bắt đầu ra khỏi hang đá, đi thành hai tốp. Vừa ra khỏi hang, B-52 lại ném bom rải thảm toàn bộ khu vực. Cây cối đổ rạp, đá hai bên sườn núi sạt lở chắn lấp cả lối đi. Do vậy, các đồng chí giao liên cũng không xác định được đúng đường đi nữa, cứ đi loanh quanh trong khe núi, dưới pháo sáng và bom đạn địch. Có một số đồng chí đã bị tử vong do đá văng vào người. Một bác sĩ đi cùng tôi tụt chân xuống một khe đá, may mà có chiếc ba lô con cóc to đeo đằng sau giữ lại, nếu không đã bị nguy hiểm đến tính mạng. Chợt thấy tiếng bom nổ rất to bên cạnh, lập tức chúng tôi nằm sấp xuống khe đá tại chỗ. Đồng chí Hóa, cán bộ bảo vệ và một chiến sĩ đi cùng đã nằm đè lên che chở cho tôi, trên lưng mỗi người đều đeo một ba lô con cóc. Nhờ đó, tôi được an toàn. Nhưng hai đồng chí đều bị thương do đá văng vào. Lúc ấy tôi không kìm được xúc động trước tấm lòng và tinh thần dũng cảm của anh em, đồng chí”.

Sau khi anh mất, bác sĩ Trung trong đoàn của Bộ tư lệnh (sau này là người chăm sóc sức khỏe cho anh Đạo) kể lại, thoát bãi bom B-52, cả đoàn bị lạc mấy hôm. Mọi người nhịn đói hai ngày. Một đồng chí tìm được nắm gạo thính trong túi, chia ra thành 13 suất, ăn cho đỡ đói. Mỗi suất chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Anh Đạo chia đôi phần gạo thính của mình cho đồng chí liên lạc vừa dậy sau cơn sốt rét.

Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh kéo dài. Gần 7 tháng liền, bộ đội ta vây hãm Tà Cơn. Mỹ hoàn toàn không biết đây là một chiến dịch nghi binh. Ngoài Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch, không ai biết nhiệm vụ chiến lược thực chất của Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Mặt trận này có nhiệm vụ thu hút và giam chân càng nhiều càng tốt các lực lượng tinh nhuệ của Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Sau này, anh Đạo nói với tôi: “Khe Sanh, đó là một đòn nghi binh chiến lược”.

Sau mấy tháng chiến đấu liên tục và quyết liệt, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp với quân và dân ta tấn công nổi dậy trên chiến trường toàn miền Nam, trực tiếp là Thừa Thiên-Huế, giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi chính của Mặt trận Khe Sanh là ta đã làm cho kẻ địch phải phân tán lực lượng và bị bất ngờ về hướng tiến công chiến lược chủ yếu của ta trong mùa xuân 1968.

Nhà văn NGUYỆT TÚ (Nhà văn Nguyệt Tú là phu nhân đồng chí Lê Quang Đạo)