QĐND - Giữa năm 1950, tôi ở Khu 4 ra Việt Bắc họp Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Hội nghị hoãn. Anh Lưu Văn Lợi giữ tôi ở lại để làm Báo Quân đội nhân dân. Tôi khi ấy mới 21 tuổi và Lê Phong (ở tờ Quân du kích về) là hai phóng viên trẻ nhất tòa soạn. Tôi được phân công phụ trách mục “Hạt lúa củ khoai”, lượm lặt thơ văn của bộ đội để giới thiệu trên báo.

Xin trích dưới đây một số đoạn nhật ký nói về những ngày đầu làm Báo Quân đội nhân dân.

Bản Thành Công ngày 16-11-1950:

Từ chiến dịch Cao Lạng trở về tòa soạn. Hôm về tới bản Quặng, nghe tin từ xa là Quặng đã bị 18 máy bay phá trụi rồi, té ra bản vẫn còn nguyên.

Vào nhà chị Mỹ, cùng với các anh Vũ Cao, Hồng Vũ, Tân Sắc, Thanh Bình, Nguyễn Bích… chị Cương đến. Mình được ngâm đôi bàn chân nứt nẻ bằng nước nóng và rắc bột thuốc xuyn-pha-mít.

Những tờ báo tiền thân của Báo Quân đội nhân dân. Ảnh tư liệu

Về đến tòa soạn, mừng vì thấy Quân đội nhân dân số 1 ra khả quan, anh Lợi và Tước (trình bày) cùng anh em ở nhà rất khổ tâm vì phải hủy đi một số tờ báo in hỏng, toàn bằng giấy Mỹ! Nghe tin Nguyễn Đình Tiên đau áp-xe, phải cáng về bệnh viện Phúc Triều.

Mai Văn Hiến sắp xuống nhà in in số 2. Từ Bích Hoàng đi hội nghị Hòa Bình ở Chiêm Hóa ngày 18. Rau cải tăng gia ở ven suối Thành Công đã cấy xong.

Tối qua, anh Lợi, Trần Việt và mình đến chỗ anh Nguyễn Chí Thanh nghe anh nói về việc Thường vụ Trung ương để anh Lê Liêm nghỉ vì yếu, anh Nguyễn Chánh (ở Khu 5 ra) làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Anh Thanh ngồi xổm trên ghế, chiếc khăn mặt trắng quấn bên cổ, nói: “Đảng đã giao công việc, chúng ta phải nghiến răng lại mà làm! Phải cướp lấy thời gian!”. Anh nhắc các đồng chí Cục trưởng (Cục trưởng Cục Tuyên huấn mới là anh Lê Quang Đạo) về ba việc lớn trước mắt: Đánh giặc-chuẩn bị Đại hội Đảng và Đại hội Việt Minh liên Việt.

Không khí vui vẻ, thân mật, anh Thanh mời mỗi người một điếu thuốc lá Job. Anh Chánh hiền hậu dễ thương, kêu cái rét dữ ở Việt Bắc. Anh tâm sự không biết tiếng Pháp, văn hóa kém, chân thành nhờ các đồng chí cộng tác và giúp đỡ trong nhiệm vụ mới.

Trăng thượng tuần. Sương mù. Lạnh buốt. Mình ngủ chung chăn với Mai Văn Hiến.

Bác Xuyến cấp dưỡng ốm, chị Khang phải nấu cơm, nấu cháo, gánh nước, rất chịu khó. Cháu Lượng (con trai lớn của anh Lợi), mới độ mười tuổi, ngồi bên mình sáng tác (!) nhạc và lời “Đông Khê giết giặc, Cao Bằng giải phóng”. Trẻ con bây giờ đáng sợ thật”!

18-11-1950:

Chiều 17-11, chuẩn bị đám tang em Phẩm. Phẩm là liên lạc của báo, bị chết đuối khi mải bắt cá ở vực sâu suối Thành Công. Đi kiếm hoa mào gà và lá rừng làm vòng hoa viếng em. Bác Xuyến chặt nứa làm cáng, khiêng Phẩm từ bờ suối lên. Các anh Tân Sắc, Nguyễn Ninh, anh Cao mặc quần áo cho Phẩm. Thương em quá. Em là con một nhà ở Cù Vân, còn bố già và dì ghẻ. Em vào bộ đội, mong được học thêm văn hóa, sau này độc lập đi làm công nhân. Anh Lợi đã dự định năm sau cho Phẩm đi học một lớp quân chính.

Chị Lợi và cháu Lĩnh đều ốm, phải cho người khiêng theo quân y. Chị Khang, Ái đi về bản Quặng để thăm chị.

21-11-1950:

Dạy sớm, thắp đèn. Nguyễn Đức Mựu ăn cơm trước để xuống nhà in. Ngày kia, anh Cao và anh Lợi đi hội nghị tổng kết chiến dịch Cao Lạng, nhà lại vắng thêm.

22-11-1950:

Tin chị Lợi ốm nặng. Tin chị Phương Lâm, cán bộ Báo Phụ nữ Việt Nam, bị bom chết ở thị xã Tuyên Quang.

Tấn (Tân Sắc) đọc bản thảo “Giữ đất” của mình và phê bình: “Nhè nhẹ, bàng bạc, không nói được không khí chiến đấu ở cơ sở; tả cảnh nhiều quá!”. Mình rất cám ơn anh.

23-11-1950 (14-10 âm lịch):

Trời ẩm ướt, ai cũng ngạt mũi khó chịu. Sang tháng 12 tới, lại sẽ có một chiến dịch, không rõ về hướng nào. Quân đội nhân dân sẽ lập một Bộ biên tập tiền phương, liệu mình có được đi hay không?

25-11-1950:

Vắng vẻ. Ở nhà chỉ có chị Khang, cậu Đức (kế toán) ngồi tính tiền, Việt sốt rét nằm đắp chăn và mình. Làm xong việc, trò chuyện với bà mé, nhình Tiền, nhình Xương, noọng Thân, em Phương (cháu gái con chị Tiền) bên bếp lửa nhà sàn buổi tối, thật ấm cúng.

27-11-1950:

Từ Bích Hoàng về. Ở nhà bà Bường “phố” Thành Công, mình và Hoàng, Long, Ninh ăn cơm nếp thịt vịt một bữa mất 3.500 đồng tiền tài chính, thật là cắt cổ! Chính Hữu đến chơi, đi hội nghị quân chính với anh Lợi.

Trong các cuộc họp tòa soạn, anh Lợi hay nói: “Người làm báo không cho cái gì là khó ở đời! Phải khắc phục hoàn cảnh! Phải có sự tỉnh táo của người làm báo! Phải nhớ nguyên tắc này: Không có gì là khó ở đời, quả đất còn bóp bẹp được nữa là…”. Sau đó, anh em hay cười, nhắc lại câu “bóp bẹp quả đất” của anh Lợi.

Mình và Đức chung nhau đào một hầm cá nhân. Mình nhận thêm việc theo dõi thông tin viên của báo.

29-11-1950:

Chị Lợi mất 8 giờ tối qua ở quân y. Anh Lợi đang họp hội nghị, vội về. Khi hấp hối, chị gọi Ái vào giao tiền, trách đã đưa các cháu đi, mong gặp anh, lắp bắp đọc thơ cho mọi người nghe và chị đòi tắm, vì sốt nóng đến 41 độ…

Anh Lợi rất đau khổ nhưng rất bình tĩnh. Báo số 2 đã in xong. Bốn cháu bé bên mình: Lượng, Hoằng, Lĩnh, Luân, anh Lợi thật vất vả. Bề bộn vấn đề giản chính, chiến dịch sắp tới, lo số báo thứ 3. Thế là trong gia đình báo đã mất 5 người: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, chú Phẩm, chị Lợi (Hoàng Hương Bình). Báo Quân đội nhân dân sẽ in bài thơ “Bát cơm gạo đỏ” của chị.

Chợ Chu tối 4-12-1950:

Thứ hai. Đi chữa răng chỗ chị Trâm ở Giang Tiên. Bài cho số 3 đã xong.

Ăn phở cách Chợ Chu 2 cây số, phố có cà chua Tây. Gặp Hồng Vũ ở Kim Sơn. Anh đau phổi, phải nằm bệnh xá sau khi đi chiến dịch về. Mình đưa anh một tờ số 2.

11-12-1950:

Hôm qua, y sĩ Đào Văn Tường đến chơi, báo tin có lẽ Tân Sắc đã bị máy bay bắn chết ở Đu (?!). Anh Lợi cho biết ngày 20 tháng 12 tới bọn mình sẽ đi chiến dịch mới. Những người đi là: Lê Phong, mình và mấy đồng chí khác. Mong viết được nhiều và đặt thêm được thông tin viên cho báo.

Vũ Tú Nam