Giáo sư đã cho chúng tôi xem tập nhật ký có tiêu đề “Những ngày Paris” của người cha về sự kiện cách đây 50 năm. Chúng tôi xin trích phần nhật ký ghi lại những diễn biến ở giai đoạn đầu đàm phán song phương giữa ta và Mỹ.

7-5-1968: Lên đường. 6 giờ sáng, Xuân Thủy tới nhà khách 12 Ngô Quyền, ở đây đã có đông đủ các đại biểu Chính phủ, Quốc hội, đoàn thể chờ sẵn. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là người chủ trì cuộc tiễn đưa. Trời nắng đẹp. Xe qua cầu phao sông Hồng, đi sân bay Gia Lâm. Máy bay đặc biệt của ta (quà tặng của Liên Xô) chở đoàn đi, có chỗ ngồi, nằm lịch sự.

leftcenterrightdel
GS Nguyễn Trọng Yêm tại nhà riêng ở phố Phương Liệt, Hà Nội, phía sau là tượng bán thân cố Bộ trưởng Xuân Thủy. Ảnh: PHẠM QUANG.

13-5-1968: Phiên họp đầu tiên với Mỹ. 10 giờ, trong đoàn ai nấy đã âu phục chỉnh tề. Xuân Thủy đi đầu, với Phương (phiên dịch), Bắc (bảo vệ), các nhà báo đã chờ sẵn ở chân thang máy và cửa ngoài. Nhiều câu hỏi: Xin ngài cho biết cảm tưởng trước phiên họp đầu tiên? Ngài định nói gì trong phiên họp này?... Xuân Thủy chỉ mỉm cười, cảm ơn, chưa có gì để nói. Xe hơi chở Xuân Thủy (kiểu mới nhất của Pháp) cắm cờ đỏ sao vàng... Đi hộ tống đoàn có bốn mô tô, hai xe hơi cảnh sát Pháp, còi kêu vang. Nơi họp ở cạnh Khải Hoàn Môn là một ngôi nhà cổ kính, nhiều tầng mang tên Trung tâm Hội nghị quốc tế. Phòng họp rộng hình chữ nhật. Bàn họp cũng kê hình chữ nhật. Mặt bàn trải thảm dạ xanh. Đoàn Mỹ đến sau đoàn ta khoảng 2 phút. Đại sứ lưu động Harriman, đại diện Tổng thống Mỹ; Đại sứ Vance, đại diện thứ hai của Tổng thống Mỹ và một số nhân vật khác. Một đại diện lễ tân Bộ Ngoại giao Pháp giới thiệu tuổi Harriman với Xuân Thủy, là 75. Thoạt nhìn Harriman trẻ hơn tuổi, còn khỏe, tóc điểm bạc, song gương mặt thì luôn càu cạu.

Harriman: Thưa ngài đại diện Chính phủ Việt Nam DCCH, hình như ngài muốn nói trước? Xuân Thủy: Vâng, tôi xin nói trước. Thế là đọc một bài được chuẩn bị sẵn khoảng 10 trang đánh máy. Nội dung lên án Mỹ vi phạm Hiệp nghị Geneve 1954 về Việt Nam, xâm lược, gây chiến tranh ở hai miền Việt Nam. Nêu rõ lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam DCCH và Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam. Trước hết phải thực hiện mục đích của hội nghị này là chấm dứt vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam DCCH, sau đó bàn những vấn đề khác có liên quan đến hai bên. Harriman cũng đọc một bài chuẩn bị sẵn, vu cáo miền Bắc vi phạm Hiệp định Geneve, miền Bắc xâm lược miền Nam, còn Mỹ vì hòa bình, tự do giúp miền Nam chống xâm lược, giải quyết vấn đề Việt Nam phải theo diễn văn của Johnson ngày 31-3-1968...

15-5-1968: Phiên họp thứ hai với Mỹ. Lần này, Harriman nói trước, không đi thẳng vào vấn đề chấm dứt ném bom vô điều kiện. Xuân Thủy đọc bài phát biểu nói trước hết Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam DCCH. Đấu khẩu nảy lửa sau hai bài viết sẵn. Nhưng khi rời phòng họp, Harriman vẫn chờ ngoài cửa để bắt tay Xuân Thủy. Đến phiên họp thứ ba (18-5) vẫn là đấu khẩu kịch liệt. Xuân Thủy đập bàn. Harriman dịu giọng xuống và ra cửa vẫn chờ bắt tay Xuân Thủy. Phiên họp thứ tư (22-5) vẫn đấu khẩu giằng co. Harriman vẫn ra cửa đợi: “Còn một việc chưa giải quyết là mọi hôm tôi cứ quen ra trước. Vậy hôm nay mời ngài”. Xuân Thủy: “Ra trước, ra sau không thành nguyên tắc, chấm dứt ném bom vô điều kiện mới là nguyên tắc”. Đến các phiên họp thứ 5 (27-5), thứ 6 (31-5) vẫn không khí căng thẳng như vậy.

3-6-1968: Đón anh Lê Đức Thọ. Anh Thọ mặc bộ đại cán đen, anh ôm hôn Xuân Thủy và anh em khi xuống thang. Sau đó vào trong phòng khách cảm ơn ngoại giao đoàn các nước XHCN. Trở ra lên xe về nhà, anh Thọ nói ý kiến Bộ Chính trị về tổ chức: Xuân Thủy, Bộ trưởng, đại diện Chính phủ; Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Xuân Thủy, người phát biểu với tư cách đại diện thứ hai của Chính phủ, sau Xuân Thủy. Về công tác Đảng, có một đảng ủy. Bí thư Lê Đức Thọ, Phó bí thư Xuân Thủy. Các ủy viên: Nguyễn Minh Vỹ, Hà Văn Lâu, Nguyễn Thành Lê.

5-6-1968: Họp phiên thứ 7 với Mỹ. Vẫn đọc bài viết sẵn, rồi lại đấu khẩu, lại uống trà. Xuân Thủy nói với Harriman: Thưa ngài, các ngài là đồ xâm lược! Đến phiên thứ 8 (12-6), anh Thọ cùng đi với Xuân Thủy một xe. Khi vào phòng họp, cả Harriman và Vance đều bắt tay Lê Đức Thọ sau khi Xuân Thủy giới thiệu. Khi về, anh Thọ nói: Trời, cái thằng Harriman sao mà chán thế. Chẳng có lý luận gì, cãi lăng nhăng. Mình ở thế thắng, thế tấn công. Mình có chính nghĩa có khác. Ở phiên họp thứ 9 (19-6), trong lúc uống trà, Harriman hỏi Lê Đức Thọ: Tù bao lâu, nghe nói ông bị đánh dã man lắm? Đánh dã man nhưng không bằng Ngô Đình Diệm, anh Thọ trả lời. Phiên họp thứ 17 với Mỹ (14-8). Nhà báo chờ ở cửa nhiều hơn. Công chúng đứng bên đường cũng nhiều hơn. Xuân Thủy vẫn đập lại với thái độ gay gắt. Harriman lần này im lặng. Chấm dứt phiên họp. Đến phiên 18 (21-8), Mỹ đề nghị gặp riêng bí mật, Xuân Thủy trả lời sẽ xem xét. Phiên 19 (28-8) rất đặc biệt. Harriman nhiều lần đề nghị họp riêng bí mật. Ông ta nói còn nhận được chỉ thị từ Washington phản đối phía Xuân Thủy đã cố ý tuyên truyền gây ảnh hưởng trong dân chúng Mỹ, như thế là can thiệp vào nội bộ Mỹ. Phiên thứ 20 (4-9), ông ta chỉ đọc bài ngắn một trang rưỡi. Xuân Thủy thì đọc bài dài mười trang phê phán chương trình của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ về vấn đề Việt Nam; phê phán hai ứng cử viên Tổng thống Nixon và Humphrey.

leftcenterrightdel
Cuộc họp bí mật giữa phái đoàn ta và phái đoàn Mỹ cuối năm 1968. Từ trái sang phải: Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn Xuân Thủy, Đại sứ Hà Văn Lâu. Ảnh tư liệu.

7-9-1968: Gặp bí mật với Mỹ lần đầu tiên. Phía Mỹ có Harriman, Vance, Habib, phía ta có Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, Hà Văn Lâu. Từ 10 giờ sáng, hội đàm 3 giờ đồng hồ. Phiên họp thứ 21 (11-9), là phiên họp ngắn nhất, ta nói 30 phút, Mỹ nói lại 15 phút. Ta đập lại 30 phút. Kết thúc không có gì mới. Ngày 12-9 thì có cuộc gặp bí mật với Mỹ lần hai trong vòng 3 giờ đồng hồ. Phải đợi đến cuộc gặp bí mật lần ba (15-9) có thêm điều kiện: Harriman đòi ta ngừng xâm phạm khu phi quân sự để Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Tiếp đến lần bốn (20-9), Harriman vừa từ Washington sang đưa thêm điều kiện mới, yêu cầu ta chấp nhận chính quyền Sài Gòn trong cuộc nói chuyện tiếp theo sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Xuân Thủy bác bỏ, Harriman cáu, rồi ông ta xin bỏ qua thái độ nóng nảy.

Phiên họp thứ 25 (9-10) đã có những dấu hiệu mới, Mỹ có dấu hiệu buộc phải nhượng bộ ta. Mọi người đều mặc âu phục màu đen theo thời trang Paris. Riêng anh Thọ mặc bộ đại cán (tuy có âu phục nhưng anh không mặc). Khi đoàn Mỹ tới nơi và vào phòng họp, đoàn ta mới ra. Theo lệ thường, Harriman và Vance đều đứng dậy cúi đầu chào. Xuân Thủy phát biểu với 10 trang đánh máy sẵn, nhìn lại 5 tháng qua của cuộc nói chuyện chính thức giữa hai bên, vạch ra những luận điệu gian dối, bịp bợm và ngoan cố của Mỹ, bên cạnh đó cũng nói về những thắng lợi của nhân dân Việt Nam và sự thất bại của Mỹ ở cả hai miền Nam Bắc. Harriman trả lời miệng, không phải Mỹ có mưu đồ thực dân và lập căn cứ quân sự ở Việt Nam và Mỹ đến Paris là để tìm kiếm hòa bình. Rồi hắn đề nghị nghỉ uống trà. Cuối buổi, Harriman yêu cầu Việt Nam DCCH cho tù binh phi công Mỹ được nhận quà tết Noel năm nay...

31-10-1968: Gặp bí mật với Mỹ lần cuối cùng. Xuân Thủy đi dự chiêu đãi về lúc gần 22 giờ đêm 30-10 thì nhận được tin phía Mỹ xin gặp vào 1 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau. Xuân Thủy họp với các cố vấn, nhận định xem chúng còn giở trò gì và sẵn sàng cho gặp. Harriman đến đúng giờ, mặc áo choàng ấm, cởi ra móc ngoài hiên, Vance phải mặc áo của người bệnh tê thấp, còn Habib thì mặc như thường ngày. Hai bên ngồi đối diện nhau. Harriman giở trang giấy đánh máy sẵn và đọc: Thưa các ngài, tôi được phép thông báo với các ngài rằng, Tổng thống Mỹ sẽ ra lệnh chấm dứt vào đầu buổi tối 31-10, tức 7 hoặc 8 giờ tối giờ Washington mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân, pháo binh và mọi hành động khác có liên quan đến việc sử dụng vũ lực trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam DCCH. Lệnh đó sẽ hoàn toàn có hiệu lực sau 12 tiếng đồng hồ...

Từ 11 giờ đêm 31-10-1968, nhiều anh chị em trong đoàn thức để nghe tin Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. 8 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau Xuân Thủy họp đoàn nói chuyện về những cuộc tiếp xúc với Mỹ và kết quả. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân cả nước, là thắng lợi của phe XHCN và các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ.

Cố Bộ trưởng Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2-9-1912 tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), mất ngày 18-6-1985. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ông đã giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc. Ông được đánh giá là nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ có tên tuổi của nước ta.

PHẠM QUANG ĐẨU (biên soạn)