QĐND-Nhắc đến Quảng Trị những năm kháng chiến chống Mỹ, người ta thường nhớ đến đạn bom, chất độc da cam/đi-ô-xin, hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra… Nhưng cũng có một Quảng Trị thật “yên bình” với những người trong cuộc. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng xin trích đăng một phần nhật ký của Trung tá Lê Văn Dưỡng, nguyên Bí thư Đảng ủy-Chính trị viên Tiểu đoàn 2-Trung đoàn 27, để độc giả hiểu thêm về cuộc sống của bộ đội trong những năm tháng cam go, ác liệt ấy.

1-1-1971

Bước sang năm mới, một năm đầy hứa hẹn. Một năm sẽ có nhiều thắng lợi to lớn hơn. Bản thân cũng cố gắng trưởng thành trong thắng lợi chung đó.

4 giờ sáng nay mình và Sơn đi xuyên trong màn đêm trở về đơn vị công tác. Cũng nhờ có quyết tâm mà vượt qua gió rét, vượt qua khe suối nhiều lần về đến đơn vị đúng 6 giờ sáng. 10 giờ, chính ủy và phó chính ủy xuống thăm.

9 đến 10 giờ, làm việc với các đồng chí chính trị viên các đại đội. Nói về công tác Đảng, kế hoạch đón hoa của Bác Tôn. Thật vinh dự vô cùng cho đơn vị, đồng thời cũng là nhiệm vụ rất nặng nề mà Đảng, Bác tin cậy. Phải có nỗ lực vượt bậc mới xứng đáng với món quà cao quý đó.

3-1

Sáng nay nói chuyện thời sự, tình hình âm mưu của địch và nhiệm vụ chung riêng của đơn vị hiện nay.

11 giờ đi lên trung đoàn báo cáo tình hình trong bốn ngày qua. Đêm nay họp thường vụ phổ biến hướng dẫn của trên. Báo cáo một số dự kiến về thành phần, thời gian chuẩn bị.

10-1

Tấm ảnh Bác Hồ của dũng sĩ Lê Bá Dương được ông Lê Văn Dưỡng nhắc đến trong nhật ký. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Sáng chuẩn bị nghị quyết chiến đấu sắp tới. Chiều nay qua Đại đội 2, mỗi ngày một thay đổi. Đại đội 2 ăn ở tương đối tốt so với trước, đẹp nhất nhà ăn của các tiểu đội. Chỉ có Trung đội 1 chưa được hoàn chỉnh, nhưng so với các đại đội trong toàn tiểu đoàn thì cũng không kém. Một bước tiến bộ khá dài của Đại đội 2.

14-6

Về đến đơn vị lòng vui như hội. Tất cả đều khỏe mạnh, không khí sôi nổi đang chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới. Đợt chiến đấu này là quyết tâm nhổ bằng được cao điểm 544.

Ý định và ước mong của mình đợt này sẽ được tham gia nhưng có ngờ đâu phải ở nhà. Lịch sử của đơn vị này đánh công kiên mà mình chẳng được vinh dự. Nghĩ thật buồn! Có lúc mình tự động viên do Đảng phân công cơ mà.

24-6

Sáng nay cùng đồng chí Luật đi Đại đội 20 thăm anh em thương binh vừa ra. Đến ngõ Đại đội 20 không ngờ gặp lại Út Liên ở đây. Nó vẫn vui khỏe như xưa. Mình vào thăm thấy anh em vẫn lạc quan yêu đời, mặc dầu có đồng chí mang trên mình nhiều vết thương. Có một điều phấn khởi là Đảng viên lớp Hồ Chí Minh vẫn xứng đáng với lòng tin cậy của quần chúng. Lê Bá Dương là một trong những tấm gương đó, tuy bị thương nhưng vẫn giữ được tấm ảnh Bác Hồ kính yêu còn dính máu, phía sau tấm ảnh còn ghi rõ:

“Bác Hồ ơi!

Bắt đầu hôm nay 20/6, con cùng đồng đội đã bắt đầu nổ súng. Diệt địch dự chốt đến cùng.

Đồng chí Quán đã diệt 7 tên. Con và Hòe cùng trung đội càng ghi sâu lời Bác dạy: Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi.

Bác ơi! Quyết tâm của chúng con, trách nhiệm của chúng con là dự chốt”.

Càng xem mà lòng càng tự hào cho thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh vĩ đại. Vừa ngồi chơi với anh em được 5 phút thì Tuấn báo vào nhận được tin quân ta đã tràn vào 544 lúc 23 giờ ngày 23-6. Thật không sung sướng nào bằng đơn vị làm cho địch mất hẳn một mắt! Thật nức lòng hả dạ cho quân dân Trị Thiên!

22-10

Hôm nay kỷ niệm 31 năm ngày sinh của Lê Văn Dưỡng.

Ba mươi mốt năm đã trôi qua kể từ khi lọt lòng mẹ cất tiếng khóc chào đời. Suốt một quãng đường dằng dặc từ buổi ngây thơ cho đến tuổi trưởng thành như hôm nay. Biết bao nhiêu vui sướng, khổ nhục đến với bản thân.

Mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi. Từ đó đến nay sống với người mẹ kế hiền hậu, đã bù đắp một phần nào tình cảm đã mất của bản thân. Đó là nguồn động viên cổ vũ cho bản thân rất nhiều.

28 tuổi thì vợ không còn nữa, để lại hai đứa con trai còn nhỏ dại. Tội cho hai đứa trẻ mẹ không còn, cha đi vắng. Lắm lúc nghĩ mà rã rời chân tay. Tuy không khóc nhưng nước mắt nó vẫn cứ trào ra. Người ta thường là cảnh gà trống nuôi con. Nhưng ở đây mình còn khổ sở hơn nhiều. Cha đường cha, con một nẻo. Sao mà hoàn cảnh éo le đó đến với mình quá sớm? Thật là… đã làm cha nhưng muốn như lòng người mẹ yêu thương con bằng lẽ sống hàng ngày. Nhưng phong ba bão táp nó cũng đã tạo cho mình có sức mạnh, có sự trưởng thành nhanh chóng, có sự hiểu biết về đời sâu rộng.

Cảm ơn Đảng, cảm ơn tập thể Quân đội nhân dân, cảm ơn cha mẹ đã dạy bảo tôi thành người. Kính dâng lên Đảng lòng biết ơn sâu sắc! Xin hứa với Đảng, với Bác trung thành vô hạn với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, thực hiện bằng được Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng. Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Mỗi lần đọc lại nhật ký, Trung tá Lê Văn Dưỡng lại bồi hồi nhớ đến đồng đội một thời.

31-12

Một ngày cuối cùng kết thúc năm 1971. Một năm đã trôi qua nhanh chóng. Sự trưởng thành của bản thân cũng theo với nhịp bước của thời gian. Nó đã in sâu trong tâm hồn biết bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp và buồn tủi.

Mỗi lần ngã là một lần biết dại. Trong những cái buồn vui ấy cũng làm cho con người rắn chắc hơn, hiểu biết cuộc sống hơn, bước đi sẽ chững chạc hơn, xác định tinh thần trách nhiệm của mình càng sâu sắc hơn, nặng nề phức tạp hơn nhưng cũng rất vẻ vang. Địa vị của người cộng sản lúc này là toàn tâm, toàn ý, là ở nơi chiến trường ở trận tuyến đánh Mỹ và tay sai, chứ có phải là chuyện nghỉ ngơi hưởng thụ.

Mong rằng những cái gì đã vấp thì không bao giờ trở lại nữa. Kiên quyết khắc phục những mặt còn tồn tại, phát huy những mặt tốt của bản thân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao, xứng đáng là đảng viên ưu tú của Đảng, người con của nhân dân, của gia đình.

Tất cả sẽ chiến thắng.

Về nghỉ hưu tại xã Bắc Sơn (Đô Lương, Nghệ An) với quân hàm trung tá, cựu chiến binh Lê Văn Dưỡng luôn ấp ủ ước mơ một ngày nào có điều kiện sẽ xuất bản tập nhật ký, dành tặng đồng đội một thời Quảng Trị anh hùng.

Nguyễn Sỹ Long