QĐND - Trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tại Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân), tôi được gặp Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 238, người đã trực tiếp chỉ huy đơn vị hành quân từ miền Bắc vào chiến trường Vĩnh Linh, tìm cách tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ…
Trên đường mưa bom, đạn nổ
Tháng 4-1966, Trung đoàn 238 được lệnh hành quân từ Nghi Lộc (Nghệ An) vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) tìm cách tiêu diệt B-52. Ngày đó, để đưa được một đơn vị tên lửa vào đến Vĩnh Linh là vô cùng gian khổ. Bởi có hơn 60 xe kéo, khí tài cồng kềnh, có cái nặng vài chục tấn, dài hàng chục mét. Trong khi đó, đơn vị hành quân theo Đường 15, một con đường khá hiểm trở, phải vượt qua nhiều “tọa độ lửa” như: Đồng Lộc, Khe Tang, Xuân Sơn, Ngầm Bùng, phà Long Đại, địch điên cuồng đánh phá suốt ngày đêm. Trung đoàn được chia làm nhiều nhóm và chỉ hành quân vào ban đêm theo một cự ly an toàn, ban ngày tìm chỗ cất giấu khí tài và ngụy trang kín đáo để che mắt địch…
|
Đại tá Nguyễn Văn Hội (giữa) tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của Trung đoàn 238. |
Quãng đường hành quân hơn 600km, đơn vị phải vượt qua đèo dốc quanh co, hai bên đường hố bom chi chít, đất đá dựng lên như thành. Dọc đường, trung đoàn bị bom đạn địch tấn công dữ dội, cả 4 tiểu đoàn đều bị địch đánh tổn thất nặng, hai Tiểu đoàn 84 và 83 bị mất sức chiến đấu. Có lúc, cả một hệ thống tên lửa bị lăn xuống bìa rừng ở Khe Tang. Lại có lúc, cả một đài điều khiển bị lao xuống biển ở đèo Lý Hòa… Sau nhiều tháng hành quân vất vả, cuối tháng 1-1967, các đơn vị của trung đoàn mới vào đến Vĩnh Linh. Mọi người đều vui mừng phấn khởi bởi hành quân vào được đó cũng là một thắng lợi to lớn…
Việc triển khai khí tài tìm cách đánh B-52 là một vấn đề rất cấp thiết mà cán bộ, chiến sĩ trung đoàn phải đối mặt. Bởi trên vùng đất này, máy bay địch quần thảo suốt ngày đêm, pháo từ bờ Nam sông Bến Hải, từ hạm tàu của địch ngoài biển bắn vào như cơm bữa, mọi hoạt động ở đây hầu như đã chuyển xuống lòng đất. Trong khi đó, khí tài vận chuyển qua một quãng đường xa, lại đưa xuống dưới lòng đất nên thường phát sinh hỏng hóc. Vì vậy, trung đoàn đã tổ chức ngụy trang, nghi binh để tránh bom đạn địch, cứ một trận địa thật đi kèm với nhiều trận địa giả giống hệt nhau, trận địa giả cũng hầm, hào, cũng “xe”, “tên lửa”, “ra-đa”… tất cả đều bằng tôn hoặc cót ép, rồi cho xe xích quần làm ra vẻ như kéo khí tài thật. Để hong khô khí tài, trung đoàn tập trung tháo từng khối máy ra, vừa phơi, vừa dùng bông và giẻ chấm khô, lại vừa phải ngụy trang trên đầu chống địch phát hiện. Để bảo đảm bí mật, trung đoàn cấm không cho xe ra khỏi hầm, quản lý phát gạo hằng tuần cho từng bộ phận lẻ tự nấu ăn lấy. Mỗi ngày, bếp chỉ được đỏ lửa hai lần: 4 giờ sáng và 6 giờ tối, còn trưa ăn cơm nguội.
Cuối tháng 8-1967, trung đoàn quyết định ghép hai Tiểu đoàn (83 và 84) làm một để tiêu diệt bằng được B-52. Khi Tiểu đoàn 83 hành quân sang hợp nhất với Tiểu đoàn 84, đến ngã ba Hạ Cờ thì trúng bom tọa độ của địch, một số đồng chí trong kíp chiến đấu hy sinh, một số đồng chí bị thương nặng phải đưa về tuyến sau. Ngay đêm đó, trung đoàn bổ sung kíp chiến đấu và tiếp tục hành quân sang Tiểu đoàn 84 dồn ghép khí tài, hợp nhất ổn định chiến đấu. Sửa chữa đồng bộ xong thì địch lại đánh vào trận địa. Đơn vị lại phải cơ động vào trận địa T5 gần Nông trường Quyết Thắng, triển khai khí tài sẵn sàng chiến đấu.
Chiến thắng đi vào lịch sử
Ngày 17-9-1967, vào lúc 4 giờ chiều, Tiểu đoàn 84 nhận được lệnh báo động và được thông báo khả năng B-52 hoạt động vùng trời đông nam sông Bến Hải. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên ra lệnh cho đơn vị kiểm tra chức năng khí tài. Lúc này, đài ra-đa của tiểu đoàn thông báo: “Bờ Nam có nhiễu cường độ mạnh… có mục tiêu”. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển Lê Hỷ hạ cao áp, mở ăng-ten thu nhiễu. Sau khi kiểm tra, Lê Hỷ khẳng định ngay là nhiễu của B-52. Trên mặt hiện sóng của các trắc thủ góc tà, phương vị, cự ly cũng hiện lên những dải nhiễu đậm.
Tín hiệu B-52 lờ mờ hiện trên nền nhiễu to gấp đôi mục tiêu bình thường, toàn kíp chiến đấu đồng thanh hô: “Tiêu”! “Kiểm tra mục tiêu”! “Đúng mục tiêu”! Sĩ quan điều khiển Lê Hỷ thao tác nhanh chóng đưa đường tâm năng lượng cánh sóng vào mục tiêu và giao tay quay, đồng thời hô: “Bám sát”!…
Tiểu đoàn trưởng ra lệnh: Tiêu diệt B-52…
Sĩ quan điều khiển thông báo:
- Quả một phóng phương vị… cự ly…
- Quả hai phóng phương vị… cự ly…
Mặt đất rung chuyển! Hai con “rồng lửa” nối đuôi nhau vọt lên không trung. Trên màn viko hiện lên hai chấm sáng. Các trắc thủ, sĩ quan điều khiển đồng thanh reo to:
- Hai đạn, điều khiển tốt!
Ánh chớp lóe lên trên mặt hiện sóng. Quả đạn thứ nhất, nổ! Quả đạn thứ hai, nổ! Mục tiêu tan ra như những hạt cát, lấp lóe, lả tả trên màn hiện sóng. Cùng lúc, đài quan sát mặt trận thông báo: “B-52 bốc cháy, lao xuống biển!”. Lúc đó là 17 giờ 5 phút, ngày 17-9-1967. Toàn kíp chiến đấu ôm chầm lấy nhau hô đến khản giọng: “Pháo đài bay bị ta tiêu diệt bằng tên lửa SAM-2 rồi…!”.
Tin vui như cánh chim nhanh chóng bay đi. Bác Hồ đã gửi thư khen và quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì cho Tiểu đoàn 84.
Bài và ảnh: LƯƠNG KIÊN CƯỜNG (Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Hội)