QĐND - Trong căn lán nhỏ giữa rừng nứa chỉ có một ngọn đèn dầu tỏa sáng. Thắng Lợi và Tây Bắc đang ngủ say trên chiếc giường tre. Tôi ngồi thức đọc sách chờ anh Lê Quang Đạo đi họp về.
Có tiếng ngựa hí ngoài rừng. Một lúc sau, anh Đạo bước vội vào. Khác hẳn mọi lần, anh không kịp thay quần áo, đi thẳng vào giường xốc hai đứa trẻ dậy, hôn tới tấp lên má con. Anh quàng vai tôi, siết nhẹ và hôn lên má. Rồi vẫn giọng nói bình thường như mỗi khi đi công tác, anh bảo tôi:
- Lần này mình đi hơi lâu, ở nhà có khó khăn gì, nhờ anh chị em trong cơ quan nhé.
Anh ra đi trong đêm cùng mấy đồng chí cán bộ, hình như có đem ngựa theo. Tôi không nghĩ rằng, tiễn anh đi chiến dịch lần này để gần một năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau trên đường về Thủ đô vừa giải phóng…
Trung tướng Phạm Hồng Sơn, ngày ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 của Đại đoàn 308, kể lại:
“Nghe tin Đại đoàn 308 tiến quân sang Lào, quân địch bỏ phòng tuyến Nậm Hu, chạy về Mường Sài. Trung đoàn vượt sông Nậm Hu, tiến công đuổi đánh địch. Quân ta chiếm đồn với cả kho tàng quân trang, quân dụng, súng đạn. Tối ngày 2-2-1954, đúng Giao thừa, tôi đi ngựa cùng anh Lê Quang Đạo dừng lại bên bờ sông Nậm Bạc và cho toàn trung đoàn dừng lại ăn Tết. Đêm Giao thừa tối đen. Dưới ánh sao, chúng tôi xuống ngựa, cùng cán bộ, chiến sĩ ăn Tết với toàn bộ đồ hộp chiến lợi phẩm. Không rượu, mứt, bánh chưng, pháo nổ nhưng rất vui”.
 |
Những bức thư Trung tướng Lê Quang Đạo gửi vợ. Ảnh: Tuấn Tú. |
Những ngày nghỉ ở Nậm Bạc, anh Đạo viết thư cho tôi. Anh kể: “trèo đèo lội suối theo đơn vị truy kích địch cũng vất vả nhưng anh em chiến sĩ vất vả và gian khổ hơn nhiều lắm. Có đơn vị đi năm ngày đêm không ngủ. Mỗi người chỉ ăn hai nắm cơm và một ít gạo rang. Nhưng tinh thần chiến đấu của bộ đội rất anh dũng. Một tổ mà đánh tan cả một tiểu đoàn địch. Có đơn vị đã vây chặt địch bắt sống cả chỉ huy. Địch chạy tan tác, tàn binh rải rác khắp nơi”. Anh còn khoe, hôm Mồng Một Tết, cả đơn vị ăn Tết bằng chiến lợi phẩm, tuy mười ngày không có rau ăn nhưng không ai ốm cả.
Theo kế hoạch ban đầu, Bộ tư lệnh Mặt trận và các chuyên gia Trung Quốc định “đánh nhanh, thắng nhanh”, tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng sau khi nghiên cứu đầy đủ tình hình địch ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ đổi kế hoạch thành “đánh chắc, tiến chắc”. Bộ tư lệnh cử Đại đoàn 308 tiến quân sang Lào làm lạc hướng phán đoán của địch, thu hút không quân địch, tạo điều kiện cho quân ta ở Điện Biên Phủ có thời gian chuẩn bị thêm. Đại đoàn 308 là đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Chính ủy 308, anh Song Hào bị ốm. Anh Đạo được giao nhiệm vụ làm chính ủy thay anh Song Hào. Đi theo Đại đoàn 308 ra mặt trận có một số văn nghệ sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà báo Phú Bằng…
Giữa tháng 2-1954, Đại đoàn 308 nhận lệnh quay về Điện Biên Phủ. Trung đoàn 88 của đại đoàn do anh Thái Dũng làm Trung đoàn trưởng, được phân công phối hợp đánh đồi Độc Lập, một trong ba trung tâm đề kháng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Đồi Độc Lập do tiểu đoàn lính lê dương An-giê-ri thiện chiến chiếm đóng, phòng ngự rất chặt chẽ.
Ban chỉ huy trận đánh gồm: Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng; Lê Quang Đạo, Chính ủy; Quang Trung, Đại đoàn phó 312; Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó 308 là Chỉ huy phó. Các chiến sĩ Trung đoàn 88 nhanh chóng tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập. Hơn một trăm binh lính và sĩ quan bị bắt sống, trong đó có viên quan tư chỉ huy cứ điểm. Trận đánh trên đồi Độc Lập kết thúc thắng lợi. Ngày 19-3-1954, anh Đạo viết thư kể chuyện cho tôi: “… Máy bay địch bị bắn rơi quanh Điện Biên Phủ, bị bắn hỏng và cháy nằm ngổn ngang ở sân bay. Sân bay đã bị đại bác bắn phá lỗ chỗ, máy bay không xuống được chỉ thả dù. Bộ đội anh dũng vô cùng. Trận Him Lam, đồng chí Phan Đình Giót, cố nông người Hà Tĩnh bị thương hai lần nhưng không bỏ nhiệm vụ. Anh đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Ta tiêu diệt hai D (tiểu đoàn) của địch ở Him Lam, Độc Lập. Địch khiếp sợ vì đại bác của ta và vì tinh thần tiến công mãnh liệt của bộ binh ta…”.
 |
Vợ chồng Trung tướng Lê Quang Đạo và nhà văn Nguyệt Tú (ảnh chụp năm 1962). Ảnh chụp lại. |
Kể về công việc của mình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh Đạo viết thư cho tôi:
“Chuyến này anh đi chiến dịch làm nhiều nghề lắm: Chính ủy hậu cần, sếp ga điều khiển xe chạy, làm bộ đội, làm dân vận. Hiểu thêm bộ đội, học thêm kinh nghiệm rất thích. Có khi đi công tác, cách địch độ bốn cây số trong tầm pháo của nó. Nó bắn vượt qua đầu y như quang cảnh Thủ đô mới kháng chiến. Có lúc hành quân hàng trăm cây số, theo bộ đội truy kích. Có đi mới thấy rõ thêm sự vất vả và tinh thần chịu đựng gian khổ của bộ đội thật là cao”.
Anh không biết lúc này tôi đã gửi hai cháu nhỏ Thắng Lợi và Tây Bắc-một cháu được hai năm rưỡi, một cháu chưa đầy năm ở Cơ quan Tổng cục Chính trị để đi tham gia cải cách ruộng đất ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên theo sự điều động của Trung ương Hội. Tôi xa các con đã sáu tháng.
Không thể nào quên buổi trưa hôm ấy vào tháng 5-1954. Hội nghị tổng kết các xã thí điểm cải cách ruộng đất đang diễn ra ở huyện Đại Từ. Đang giờ nghỉ bỗng có tiếng reo:
- Ta giải phóng Điện Biên rồi!
Ào ào như ong vỡ tổ, hàng trăm con người chạy cả ra sân. Ai vớ được cái gì là đánh, là gõ: Ống bơ, đũa, bát sắt… Tất cả tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn lẫn với tiếng cười, nói. Mọi người cùng hô:
- Hoan hô! Hoan hô! Điện Biên giải phóng rồi!
Tất cả những người ở đây đều có chồng, con, anh chị em đi bộ đội hoặc dân công hỏa tuyến. Có người cười, có người nước mắt rưng rưng, có người khóc thút thít.
Cuối tháng 9-1954, tôi về dự hội nghị tổng kết của đoàn. Vừa thấy tôi, các anh ở bộ phận văn phòng báo tin:
- Có thư tiền tuyến đấy.
Nhưng khi về đội, các anh lại nói:
- Đâu? Làm gì có thư nào?
Các anh cười ồ lên khi thấy tôi thất vọng. Họ đưa ngay ba bức thư liền của anh. Ba bức thư viết cách nhau cả mấy tháng.
“Ngày 28-6-1954
Anh về nhà, thoạt đầu các con không nhận ra bố. Chúng nó khác trước nhiều. Thắng Lợi nói đủ thứ, hát nhảy cả ngày. Hôm nào cũng cùng lũ trẻ bắt chước các cô chú văn công, nhảy múa ầm ầm ở hội trường. Tây Bắc ta làm theo, cũng chạy, nằm bắn, nhưng thỉnh thoảng lại ngã như đập đất. Tây Bắc đã biết gọi Ba tức là “Bắp à” và chỉ lên bàn thức ăn đòi thứ này thứ khác.
Tây Bắc ít theo anh, nhưng Thắng Lợi tối nào cũng quấn lấy bố. Bố đi công tác thì không cho đi, cứ một mực:
- Ở nhà chơi với “Tắng ợi” cơ.
Khi anh giải thích đi đánh Tây, mang kẹo đầu tây về cho thì vui vẻ bằng lòng ngay. Thỉnh thoảng hai anh em giành nhau đồ chơi, đánh nhau. Tây Bắc cục lắm, lôi thôi là đánh anh liền. Bố phải đến giảng hòa mới nghe. Tây Bắc ăn khỏe hơn Thắng Lợi nhiều nhưng không được khỏe bằng. Thắng Lợi thấy bố nằm là cùng nằm hát: “Con gà cục tác lá chanh”, rồi lại hát rất láu: “Bao giờ nó đẻ trứng để ăn?” Tây Bắc liền chen vào nằm giữa. Anh định đến thăm Tĩnh ở trại, nhưng không có thì giờ. Tĩnh nhắn với con anh Dũng được về chơi nhà: Có gặp bố Tĩnh bảo bố Tĩnh đến chơi với Tĩnh. Tĩnh nhớ bố lắm. Anh nghe con nói thương quá. Chị Hồng viết thư về nói nó ngoan hơn trước, đỡ gan hơn nhưng hay thích chơi với người lớn hơn bạn.
Chúng mình xa nhau đã chín, mười tháng rồi. Nhiều lúc nhớ Tuệ lắm. Có dịp gặp được nhau thì tốt nhỉ! Anh đi qua Phú Bình nhưng không biết Tuệ ở chỗ nào mà tìm. Tuệ họp hội nghị tổng kết ở đâu, có gần thị xã không?”.
Anh Lê Quang Đạo được giao nhiệm vụ Chính ủy 308 trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng tôi không biết vì sao anh không bao giờ nhắc đến chức vụ đó. Trên mặt trận, nhiều người tưởng anh chỉ là phái viên cấp trên cử xuống với tư cách Phó chủ nhiệm Chính trị Mặt trận. Cuốn sử Sư đoàn 308 xuất bản lần đầu, anh được gọi là phái viên mặt trận. Trong cuốn sử mới của Đại đoàn Quân Tiên Phong xuất bản năm 2000 đã có tên anh trong hàng ngũ chính ủy thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau này mỗi lần Tết đến, Sư đoàn 308 đều cử người đến chúc Tết người chính ủy năm xưa.
Nhà văn NGUYỆT TÚ