Vị Tư lệnh nói 1 làm 10
Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm (tên thật Nghiêm Nghị) sinh năm 1922, tại xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Trung đoàn trưởng, Tỉnh đội trưởng tỉnh Bình Thuận, chỉ huy nhiều trận đánh, giỏi vận dụng chiến thuật đặc công, lập chiến công vang dội. Tháng 3-1967, đang là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 305, ông được giao trọng trách Tư lệnh Binh chủng Đặc công đầu tiên. Cuốn “Lịch sử Bộ đội Đặc công” viết: “Đồng chí Nguyễn Chí Điềm đã cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy xây dựng phát triển bộ đội đặc biệt tinh nhuệ, chi viện kịp thời cho các chiến trường; đồng chí trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo lực lượng đặc công trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào; Chiến dịch Trị Thiên; Chiến dịch Hồ Chí Minh...”.
Trong ký ức của Đại tá Đàm Trọng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Đặc công (Binh chủng Đặc công) thì Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm là một con người của thực tiễn. Trong quá trình hình thành, xây dựng chiến đấu của binh chủng, Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm luôn là người đi đầu, có mặt rất sớm ở các chiến trường ác liệt, như: B5, Đường 9-Nam Lào, cực Nam Trung Bộ...
Không chỉ là con người của thực tiễn, đồng chí Nguyễn Chí Điềm còn là vị tư lệnh có tác phong miệng nói tay làm, nói 1 làm 10. Đại tá Đàm Trọng nhớ lại: “Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm xuống tận đơn vị cùng cán bộ, chiến sĩ thực hành các kỹ thuật, chiến thuật cơ bản. Ông cũng luyện tập lăn lê bò toài, bơi lội qua sông, leo trèo các công trình và nhà cao tầng, vượt qua bùng nhùng dây kẽm gai trước khi công đồn... Những kỹ thuật, chiến thuật cơ bản ấy là tác phong đòi hỏi rất cao với mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc công trong chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế thương vong. Có lúc ông còn tự mình thực nghiệm là chiến sĩ quân y trong chiến đấu và cấp cứu thương binh. Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm còn chủ trì nghiên cứu cụ thể từ cái cáng để đưa thương binh, liệt sĩ ra ngoài vòng chiến đấu sao cho an toàn nhất, cơ động dễ dàng và nhanh nhất. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu rất kỹ, cụ thể về địch như: Công sự, các dạng lô cốt, bố trí hàng rào, dây kẽm gai, các loại mìn, pháo sáng, công tác tuần tra canh gác của địch ở các căn cứ để chỉ đạo sát sao. Vì vậy, thao trường huấn luyện 133, thao trường Bông Suối được xây dựng rất sát với thực tiễn chiến trường. Thao trường huấn luyện như thế nào thì vào chiến trường bộ đội đánh như vậy, rất hiệu quả”.
Ngoài công việc chỉ huy, Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm rất ham mê nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật. Đích thân ông viết, biên soạn tài liệu giảng dạy, huấn luyện Bộ đội Đặc công. Trung tướng Nguyễn Anh Đệ, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công những năm 1983-1985, mỗi khi nghiên cứu tài liệu của đồng chí Nguyễn Chí Điềm, đều bày tỏ sự khâm phục bởi chúng được viết từ thực tiễn chiến đấu lăn lộn ở chiến trường nên nội dung, phương hướng, nghệ thuật tác chiến đặc công rất sâu sắc. Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm là người chủ trì công tác nghiên cứu khoa học quân sự đặc công; công tác tổng hợp tư liệu các trận đánh ở khắp các chiến trường từ Nam Bộ, Liên khu 5, Khu 6, lên Tây Nguyên, về Đà Nẵng, Trị Thiên-Huế, Đường 9, chiến trường các nước bạn Lào, Cam-pu-chia... Nhằm rút ra những kinh nghiệm, đề xuất phương án, phương hướng để tổng kết thành lý luận, vận dụng vào huấn luyện sát thực tế chiến đấu của Bộ đội Đặc công trên các chiến trường.
Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1975. (Trong ảnh: Tư lệnh Binh chủng Đặc công Nguyễn Chí Điềm ngồi giữa). Ảnh tư liệu
Học Bác "Dĩ công vi thượng"
Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm làm việc không kể ngày đêm, khi đi chiến dịch, khi ra thao trường huấn luyện. Ông dồn toàn bộ trí lực, khắc phục khó khăn, toàn tâm toàn ý xây dựng binh chủng ngày càng lớn mạnh. “Nhớ về ông là nhớ về một cán bộ quân đội luôn làm đúng lời Bác dạy: “Dĩ công vi thượng”-Đại tá Đàm Trọng xúc động bày tỏ.
Trong cuốn “Nguyễn Chí Điềm-Vị Tư lệnh Đặc công đầu tiên”, tác giả Đinh Quang Lân kể lại: “Đầu năm 1967, đang lúc tập hợp các đơn vị để hợp thành Bộ tư lệnh, hình thành cơ quan và lực lượng, nhất là vấn đề cán bộ để thành lập Binh chủng Đặc công thì Đại tá Nguyễn Chí Điềm nhận được tin cụ thân sinh từ trần. Nhiều lãnh đạo trong cơ quan đến chia buồn, động viên và giục Tư lệnh về lo việc ma chay cho cụ… Suy nghĩ khá lâu, Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm nói: “Cảm ơn các đồng chí! Việc đó là việc gia đình riêng. Trong lúc này, để sớm thành lập Binh chủng Đặc công và đưa binh chủng đi vào ổn định là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và quân đội giao, nên tôi không thể về”.
Trong những ngày đỏ lửa tại chiến trường Trị-Thiên năm 1972, gia đình Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm có 5 người có mặt, chiến đấu trên mỗi cương vị khác nhau. Trong cuốn hồi ký “Thử lửa”, Thiếu tướng Nghiêm Sỹ Chúng, con trai của Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm kể lại: Năm 1971, khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, “tôi được chú Lệ chuyển cho một bức thư. Đó là thư của bố tôi. Ông viết chỉ có vài dòng: “Cuộc chiến đấu trên chiến trường đang diễn ra rất ác liệt. Con hãy giữ vững tinh thần, không sợ gian khổ, hy sinh, anh dũng tiến lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Hẹn gặp lại sau ngày chiến thắng”.
Bạn đọc hẳn đều cảm thấy bức thư trên dường như không phải của cha gửi cho con trai mình mà như là lời của một cán bộ chính trị nói với cấp dưới, không hỏi han tình hình sức khỏe, tâm tư nguyện vọng... chỉ có những lời động viên tinh thần ngắn ngủi, mạnh mẽ và khô khan. Thế nhưng nó lại khiến người đọc xúc động. Bởi trong hoàn cảnh chuẩn bị bước vào chiến dịch ác liệt, Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm đã phải kìm nén tình cảm cha con, ông nói với con với tư cách người đồng chí, đồng đội.
Cũng trong cuốn sách viết về vị Tư lệnh Đặc công đầu tiên, tác giả Đinh Quang Lân còn kể lại cuộc gặp với bà Trần Thị Ngọ, vợ của Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm. Bà kể: “Vợ chồng sống bên nhau không nhiều vì anh có nhiều năm vào miền Nam chiến đấu. Những lúc bên nhau, chưa bao giờ tôi nghe anh nói chuyện cơ quan. Nếu ngày mai anh đi chiến đấu thì tối nay anh mới nói với tôi: “Sáng mai anh đi công tác”. Cũng có lúc tôi phàn nàn về anh mải công việc, đi suốt, ít quan tâm việc nhà, con cái. Anh không phản ứng gì, chỉ gọn lỏn mỗi câu: “Đã là bộ đội thì phải đánh giặc thôi”. Ngày 10-4-1975, tôi có nhận được một bức thư của anh Điềm. Theo tôi, bức thư của chồng tôi có lẽ “ngắn nhất thế giới”. Bức thư của người chồng đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam gửi cho vợ đang sống và công tác ở thủ đô Hà Nội, vỏn vẹn chỉ có... 4 chữ: “Anh vẫn còn sống”.
Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, mỗi gia đình đều mang những nỗi đau riêng. Cả cuộc đời Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm, dường như những chiến công, vinh quang luôn gắn liền với mất mát, hy sinh; hạnh phúc đi liền khổ đau. Vợ đầu của ông là liệt sĩ, hy sinh năm 1950. Hai người con của ông bà phải gửi người quen nuôi giúp. Tám năm sau, ông đi bước nữa với bà Trần Thị Ngọ. Người con riêng của bà mà ông hết lòng thương yêu, noi gương ông ra trận rồi hy sinh năm 1968 (bà Trần Thị Ngọ sau được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng-TG). Năm 1972, Tư lệnh Nguyễn Chí Điềm lại nhận được tin em trai ông hy sinh. Năm 1976, chỉ một năm sau ngày đất nước thống nhất, chưa được hưởng những ngày tháng đoàn tụ gia đình thì ông lâm bệnh hiểm nghèo. Khi ấy, ông đang dành tâm huyết để chuẩn bị cho Hội nghị Tổng kết đặc công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Bao lo toan, công việc đã choán hết thời gian của ông, đến khi phát hiện thì bệnh của ông đã ở vào giai đoạn cuối. Ông từ trần vào ngày 7-11-1976.
VÂN HƯƠNG