Thôn An Để xưa là một làng thuộc hương Mần Để, quận Giao Châu-vùng đất vốn có nguồn thư tịch cổ phong phú. Ông Đặng Đình Dung, người trông coi từ đường hai vị tiến sĩ và là hậu nhân đời thứ 46 dòng họ Đặng say sưa kể với chúng tôi về nguồn gốc của dòng họ. Bắt đầu từ thời cụ Đặng Phúc Mãn (sinh năm 1128), là cha của Tiến sĩ Đặng Nghiêm, cụ của Tiến sĩ Đặng Diễn, vốn giữ một chức quan nhỏ dưới triều Lý Anh Tông. Cụ Đặng Phúc Mãn là một trong những người đầu tiên khai hoang vùng đất đầu nguồn sông Cự Lâm, lập ra làng An Để.

leftcenterrightdel
Từ đường thờ Tiến sĩ Đặng Nghiêm, Tiến sĩ Đặng Diễn ở thôn An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: LA QUANG)
leftcenterrightdel
Ban thờ Tiến sĩ Đặng Nghiêm tại từ đường. (Ảnh: LA QUANG)

Ngay từ nhỏ, ông Đặng Đình Dung đã được ông, cha mình kể lại những công danh của hai vị tiến sĩ. Tiến sĩ Đặng Nghiêm sinh năm 1170, là con trai của cụ Đặng Phúc Mãn. Năm Ất Tỵ (1185), vua Lý Cao Tông mở khoa thi chọn nhân tài, Đặng Nghiêm tham dự kỳ thi và được xếp là một trong hai người đỗ đầu. Năm 1203, Đặng Nghiêm được cử giữ chức Thị lang Bộ Công chịu trách nhiệm cai quản, trông nom việc xây dựng, tu bổ và tôn tạo các cung điện, dinh thự trong hoàng thành. Khi vua Lý Cao Tông mất (1210), ông được vua Lý Huệ Tông trọng dụng. Đầu triều vua Lý Huệ Tông, Đặng Nghiêm được điều về các địa phương chuyên lo việc khuyến học, ông ra sức động viên, khuyến khích và rèn luyện các sĩ tử học tập. Sau đó, ông được triệu về kinh giữ chức Thuyết thư (giảng nghĩa kinh sách cho thái tử ở Đông cung). Khi Trần Thủ Độ điều hành chính sự, Đặng Nghiêm cáo quan về quê sống ẩn dật và mất năm 1234.

Tiến sĩ Đặng Diễn là cháu của Tiến sĩ Đặng Nghiêm. Năm 1227, Đặng Diễn được tuyển vào học tại Ngự Diên. Nhờ văn tài kiệt xuất, phẩm hạnh khả kính nên chưa gặp kỳ thi Đặng Diễn vẫn được vua Trần Thái Tông đặc cách cho vào nội phủ, lĩnh chức Ngự tiền bút thư, giúp triều đình soạn thảo các sắc chỉ, chiếu lệnh, văn tế liệt tổ, liệt tông nhà Trần. Khoa thi Nhâm Thìn (năm 1232) thi Thái học sinh, Đặng Diễn dự thi đỗ đệ nhị giáp. Năm 1237, Đặng Diễn được cử giữ chức Tá thư ở Quốc Tử Giám vừa giúp việc đào tạo nhân tài cho đất nước, vừa có nhiều điều kiện để tiếp xúc với tài liệu sách vở, say sưa nghiên cứu đạo pháp. Khi Đặng Diễn xin xuất gia và được triều đình đồng ý, ông đã đóng góp một phần công lao trong việc mở đường cho dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển rực rỡ về sau. Những năm cuối đời, ông xin về tu tại gia và tổ chức hoằng dương Phật pháp tài chùa Phúc Lâm. Cũng như thủy tổ Đặng Phúc Mãn, Tiến sĩ Đặng Nghiêm và Đặng Diễn sau khi mất cũng được an táng tại miếu Đồng, xứ Đức Hiệp (nay thuộc xã Hiệp Hòa).

leftcenterrightdel
Ông Đặng Đình Dung giới thiệu phả hệ của dòng họ Đặng. (Ảnh: LA QUANG)

Để thờ phụng tổ tiên và các vị đại khoa trong họ, năm 1887, dòng họ Đặng xây dựng Từ đường Tiến sĩ Đặng Nghiêm, Đặng Diễn. Trong kháng chiến chống Pháp, từ đường được sử dụng làm cơ sở kháng chiến, địa điểm nuôi giấu cán bộ nên sắc phong, bài vị, cốt chủ và nhiều đồ tế khí trong từ đường được dòng họ nhất trí chuyển về nhà riêng của ông trưởng tộc cất giấu. Giặc Pháp đi càn đã đập phá bát hương, đồ thờ và bắn cháy ngôi nhà của ông trưởng tộc họ Đặng, làm vĩnh viễn mất đi di vật, đồ thờ thiêng liêng của một dòng họ khoa bảng. Hiện nay, từ đường hai vị tiến sĩ là tòa nhà 3 gian hình chữ nhất. Phía trước có hiên rộng, bậc tam cấp chỉ được xây ở hai gian cạnh lấy lối ra vào, lên xuống, phần chính gian xây một bể hình chữ nhật, thành bể phía ngoài đắp lưỡng long chầu nhật. Ngoại thất từ đường xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái chảy lợp ngói mũi. Từ đường trổ cửa ở cả 3 gian, cửa có hệ bạo, ngưỡng đều được làm bằng gỗ lim, soi chỉ kép, lắp cánh cửa khay chân quay 4 cánh. Trên câu đầu gian trung tâm từ đường khắc hai dòng chữ Hán, nét khắc sâu, mềm mại được sơn màu đen tạo thành hai dòng đăng đối, đẹp mắt ghi lại niên đại xây dựng và trùng tu của ngôi từ đường: Tự Đức Đinh Sửu niên quý xuân tân tạo, Bảo Đại Đinh Mão niên quý đông trùng tu.

Ngày 12-10-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 3439/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích Từ đường Tiến sĩ Đặng Nghiêm, Đặng Diễn là di tích quốc gia. Hằng năm, lễ giỗ tại đây được tổ chức vào ngày mồng 9-9 âm lịch nhưng từ ngày mồng 8, con cháu họ Đặng khắp nơi trong cả nước đã về từ đường tổ chức dâng hương; dâng lễ kính ngưỡng tổ tiên. Đây cũng là một địa chỉ giáo dục truyền thống, trao truyền tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ của tỉnh Thái Bình ngày nay.

LA DUY