Mở đầu cuộc họp, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự trên các chiến trường toàn quốc và Đông Dương, trình bày phương án tác chiến chiến lược cho cuộc quyết chiến sắp tới. Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu lúc bấy giờ là Bí thư quân sự của Tổng Tư lệnh, được phục vụ tại hội nghị nhớ lại: “Bác Hồ ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay, chăm chú lắng nghe báo cáo của anh Văn. Giữa chừng, Người bỗng giơ tay lên rồi nắm lại và nói, tôi nhớ đại ý là: Địch đang như nắm tay này. Chúng tập trung quân cơ động nhằm tạo nên sức mạnh thì ta sẽ buộc chúng phải xòe ra, phân tán binh lực để sức mạnh không còn”.

Trong báo cáo của mình, Đại tướng phân tích rõ những âm mưu của Pháp-Mỹ trong kế hoạch Navarre và nêu đề nghị của Tổng Quân ủy: Để giữ vững và phát huy quyền chủ động, dùng một bộ phận quân chủ lực, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương, mở cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải cơ động để đối phó. Khi thời cơ xuất hiện, sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung chủ lực, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Lắng nghe phát biểu của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, nhiều lần các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng yêu cầu thông tin rõ hơn. Được sự cho phép của Bác Hồ và chỉ đạo của Đại tướng, đồng chí Nguyễn Bội Giong thuần thục chỉ rõ các vị trí trên những tấm bản đồ (đều có tỷ lệ 1/100) khu vực thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, Thượng Lào, Trung Hạ Lào... mà ông mang theo và đã được Chánh văn phòng Phan Mỹ cho phép treo trong lán từ chiều tối hôm trước. Bộ Chính trị đã góp nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” trước khi thông qua bản đề án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân ủy. Cho đến cuối buổi trưa hôm ấy, sau khi phân tích các tình huống có thể xảy ra, Bộ Chính trị thông qua đề án. Đặc biệt, Bác yêu cầu Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại Đồng bằng Bắc Bộ. Người nói: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”.

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng. Ảnh tư liệu 

Ngay sau đó, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Theo đó, lần đầu tiên ta có một kế hoạch tác chiến phối hợp trên quy mô hầu hết bán đảo Đông Dương. Đến ngày 19-11-1953, tại Đồng Đau (Định Hóa, Thái Nguyên), Hội nghị quân chính toàn quân gồm đại biểu là cán bộ chủ chốt các mặt trận, quân khu từ Bắc vào Nam được triệu tập. “Cũng đã rất lâu mới có cuộc họp đông đủ nên gặp nhau ai cũng tay bắt mặt mừng. Mọi người mang đến ATK hơi thở của cuộc chiến đấu gian lao và anh dũng trên từng chiến trường. Cho đến tận đêm khuya, những cuộc chuyện trò vẫn râm ran khắp khu lán. Trong khi các cán bộ ở cơ quan tham mưu chúng tôi thì vẫn miệt mài ghi chép, tổng hợp gấp thông tin báo cáo mà anh em đưa về”, Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ lại.

Khi hội nghị quân chính họp sang ngày thứ hai thì có tin trinh sát báo cáo, phát hiện nhiều tốp máy bay địch bay về phía Tây Bắc, một số tiểu đoàn dù của chúng đã nhảy xuống Điện Biên Phủ. Trước đó, ngay sáng hôm khai mạc, bộ phận đi chuẩn bị chiến trường ở Tây Bắc cũng điện về, máy bay trinh sát địch lượn trên bầu trời Điện Biên Phủ. Trong hồi ký “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Cuộc hội ý Tổng Quân ủy được triệu tập ngay. Chúng tôi nhận định: Địch đã phát hiện 316 (Đại đoàn 316) đang tiến quân lên Tây Bắc. Chúng cảm thấy Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp nên đưa một bộ phận lực lượng lên Tây Bắc đối phó. Cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo cũng đã dự kiến: Nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng này, hoặc đánh rộng ra vùng tự do để phá cuộc tiến công của ta. Cần xúc tiến nhanh việc đánh Lai Châu, không để cho quân địch ở Lai Châu co về Điện Biên Phủ”. Vậy là ngay đêm 20-10-1953, một bức điện khẩn được gửi cho Đại đoàn 316 đang trên đường hành quân: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Tình hình căn bản có lợi cho ta. Lệnh cho Đại đoàn 316 tổ chức thành những tiểu đoàn hành quân cho nhanh, chậm nhất ngày 6-12-1953 phải có mặt ở Tuần Giáo”. Bất ngờ nhất là vào ngày Hội nghị quân chính toàn quân sắp kết thúc thì Bác tới. Người khen ngợi các đại biểu đã sôi nổi thảo luận và nhất trí với phương hướng, kế hoạch tác chiến. Bác nhấn mạnh phương châm chỉ đạo tác chiến của Trung ương và động viên cán bộ vượt mọi khó khăn giành thắng lợi. Sự xuất hiện và những lời huấn thị của Bác Hồ như tiếp thêm khí thế cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân trước khi bước vào trận chiến cam go.

leftcenterrightdel
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG 

Thực hiện kế hoạch đã được thông qua, chỉ huy các chiến trường đều phấn khởi nhận nhiệm vụ, tuy biết sẽ gặp nhiều khó khăn. Bước đầu tiên là Tổng Quân ủy ra quyết định thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Lai Châu-Phông Sa Lỳ. Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là Tư lệnh chiến dịch; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch. Ngoài ra còn có các đồng chí: Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo; Đặng Kim Giang, Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp; Đỗ Đức Kiên, Phó cục trưởng Cục Tác chiến... Trung tuần tháng 11-1953, trên 3 chiếc xe Jeep, Bộ chỉ huy tiền phương lên đường đi chiến dịch. Lúc này, đồng chí Nguyễn Bội Giong là Bí thư của Tư lệnh chiến dịch Hoàng Văn Thái kiêm phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu. Ông kể: “Sở chỉ huy dã chiến được lập tại khu vực cách Sơn La chừng 30km. Tôi được giao liên lạc thường xuyên với đồng chí Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc về tương quan lực lượng ta-địch, những chuyển biến của Pháp và lính lê dương trong khu vực, báo cáo các thủ trưởng và cơ quan tham mưu để phân tích. Suốt thời gian đó, chúng tôi hầu như làm việc không nghỉ”.

Qua theo dõi, liên tiếp nhiều ngày tại Điện Biên Phủ, Pháp cho quân nhảy dù xuống với số lượng lên tới 11 tiểu đoàn. Đến ngày 20-12-1953, ta được tin địch đã rút khỏi Lai Châu về Điện Biên và đang hết sức củng cố Điện Biên Phủ. Kẻ địch đã lựa chọn Điện Biên Phủ để xây dựng “điểm quyết chiến chiến lược”. Không hề bất ngờ, ta nhanh chóng làm chủ tình hình, sẵn sàng phương án tác chiến với địch. Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Lai Châu-Phông Sa Lỳ được lệnh chuyển hướng, trở thành cơ quan tham mưu tiền phương của Bộ Tổng chỉ huy chuẩn bị cho Chiến dịch Trần Đình (mật danh Chiến dịch Điện Biên Phủ) kết thúc thắng lợi vào ngày 7-5-1954...

SONG THANH