QĐND - 60 năm trôi qua, từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi hoàn toàn, nhưng không phải ai cũng biết được rằng, trong chiến dịch đó chúng ta đã có ba lần thay đổi Sở chỉ huy. Ngoài Sở chỉ huy Thẩm Púa, là sở chỉ huy đầ=u tiên và Mường Phăng là sở chỉ huy cuối cùng của chiến dịch, chúng ta còn có sở chỉ huy thứ hai là Huổi Hẹ Ộ. Chính tại đây đã diễn ra cuộc đấu trí quyết liệt trong công tác tham mưu của Tổng hành dinh qua việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.
Ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh đi Tây Bắc. Sáng 12-1-1954, đoàn đến Tuần Giáo. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch ra đón, đưa đoàn vào trạm nghỉ ở nhà dân trong một bản, xa đường cái; báo cáo tình hình và phương án tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”. Chiều ngày 12-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Sở chỉ huy Thẩm Púa ở chân dãy núi Pú Hồng Cáy, xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên là Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tư lệnh đồng thời là Sở chỉ huy thứ nhất Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, đã diễn ra hội nghị đảng ủy bàn phương án tác chiến. Đại tướng không nhất trí với phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được đa số thành viên trong đảng ủy và tất cả cố vấn đồng tình, cũng không còn thời gian xin ý kiến Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đồng ý triệu tập hội nghị cán bộ vào ngày 14-1-1954 để triển khai công tác chuẩn bị.
Ngày 14-1, trên một sa bàn lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, binh chủng. Rạng sáng ngày 18-1, Sở chỉ huy chiến dịch chuyển đến một địa điểm mới gần bản Nà Tấu cũ, huyện Điện Biên. Địa điểm mới là Sở chỉ huy thứ hai của chiến dịch. Các thành viên chia nhau kiểm tra, đôn đốc các đơn vị làm đường, kéo pháo, tìm hiểu địch và đến ngày 19-1, pháo vẫn chưa vào vị trí. Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn nổ súng đến ngày 25-1.
 |
Các thành viên đoàn khảo sát (từ trái sang): Tác giả Đào Duy Nam, ông Vũ Nam Hải, ông Cứn, Đại tá (nay là Thiếu tướng) Lê Mã Lương, Đại tá Nguyễn Huy Văn. Ảnh: Hoàng Lâm
|
Văn phòng thông báo cuộc họp Đảng ủy mặt trận. Bí thư đảng ủy Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ từ lâu về cách đánh tập đoàn cứ điểm, về các khó khăn mà ta không thể vượt qua, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa đến nay. Ta vẫn giữ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ nhưng phải thay đổi cách đánh. Ngay sau hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Tham mưu trưởng ra lệnh cho các đơn vị bộ binh lui quân, tự mình ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho Đại đoàn 308. Đại tướng viết thư hỏa tốc báo cáo Bác Hồ và Bộ Chính trị, giao cho trợ lý tác chiến Nguyễn Công Dinh mang thư về Việt Bắc. Chiếc xe Zeep chở ông Dinh chạy suốt đêm. Trong thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Chính trị và Bác Hồ nhất trí phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch.
Sở chỉ huy thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều sự kiện quan trọng như trên nhưng cho đến năm 2003 vẫn chưa được khảo sát, bảo tồn. Nhiều người, nhiều tài liệu còn nhầm lẫn Sở chỉ huy thứ hai với Sở chỉ huy thứ nhất. Năm 1994, ông Hoàng Minh Phương và tổ làm phim “Ký ức Điện Biên” có đến Sở chỉ huy thứ hai ghi một vài hình ảnh. Ông Phương cho biết, khu vực Sở chỉ huy thứ hai vẫn còn cây ngải cứu.
Ngày 7-6-2003, Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khảo sát Sở chỉ huy thứ hai Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân chứng có Đại tá Nguyễn Huy Văn, nguyên Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn thông tin 303, trực tiếp bảo đảm thông tin hữu tuyến từ Sở chỉ huy chiến dịch đến Sở chỉ huy các đại đoàn. Từ TP Điện Biên Phủ, theo đường 279, hướng đi Tuần Giáo, đoàn khảo sát đến đầu bản Nà Tấu cũ, Đại tá Huy Văn ra hiệu dừng lại. Cả đoàn xuống xe, nhìn không gian bên trái, dòng sông Nậm Rốm hơi xa đường ô tô, cách một cánh đồng mới tới chân núi, Đại tá Huy Văn lắc đầu: Không phải, sông và đường phải sát nhau, lội qua sông là gặp rừng. Ông ra hiệu lùi lại. Đến cột số 15, tính từ TP Điện Biên Phủ, ông ra hiệu dừng xe. Quan sát phía bên trái: Sông Nậm Rốm liền đường, một cầu treo bắc qua. Bên kia cầu là đồi có nhiều nhà dân. Chân đồi là các thửa ruộng bậc thang. Dưới thấp có dòng suối uốn lượn. Đại tá Huy Văn mời cả đoàn qua cầu treo.
Gặp một người đàn ông khoảng 65 tuổi đang đắp lại bờ ruộng, Đại tá Huy Văn hỏi: - Chào bác, bác có biết chỗ đầu con suối có thác nước đổ xuống không? Người đàn ông ngạc nhiên nhìn đoàn người trả lời giọng lơ lớ: - Có biết, nhưng hơi xa đấy! - Nhờ bác dẫn đường giúp chúng tôi nhé. Đại tá Huy Văn nói.
 |
Khu vực Sở chỉ huy Huổi Hẹ Ộ hôm nay.
|
Người đàn ông nhìn chiếc cuốc lưỡng lự. - Sáng mai bác làm tiếp cũng được, chúng tôi cần bác dẫn đường tới chỗ có thác nước. Chúng tôi sẽ “bồi dưỡng” cho bác. Đại tá Huy Văn nói tiếp.
Người đàn ông (tên là Cứn) đồng ý dẫn đường, ông cho biết: Năm 1954, ở đây là rừng rậm, chỉ có lối mòn. Sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, dân bản Nà Tấu cũ sang đây khai phá làm ruộng, làm nhà, dần dần thành bản mới. Ngày trước, sông Nậm Rốm ở đoạn này nước cạn, lội qua dễ dàng. Từ khi có công trình Thủy điện Thác Bay, nước dâng cao, lội qua không được nữa, địa phương phải bắc cầu.
Đi men theo sườn núi được khoảng 1,5km, gặp suối, hết suối lại luồn rừng, đi khá xa lại gặp suối. Cạnh bờ suối là những thửa ruộng bậc thang trồng lúa. Qua các thửa ruộng bậc thang lại luồn rừng. Cuối cùng lại gặp suối ở phía tay trái. Bờ suối rất cao, lòng suối có nhiều đá cuội. Lội suối một lần nữa sang bờ bên kia. Quãng đường vừa đi khoảng hơn 2km. Quan sát thấy trước mặt là nương lúa xanh mượt, ngước nhìn núi phía bên phải: Một thác nước ba tầng trắng xóa, thơ mộng. “Đây rồi”! thác nước đúng như trong bức ảnh ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, mang số đăng ký P.1109, trong ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang làm việc (tháng 1-1954). Cả đoàn đều đã nhìn thấy thác nước, hăm hở men theo bờ suối, lội ngược lên. Nước trong vắt, lòng suối có những tảng đá cuội to như chiếc bàn lớn, giống hệt những tảng đá lớn có trải bản đồ. Đại tá Huy Văn ngồi lên các tảng đá quan sát lòng suối, bờ suối, nương lúa, nương ngô mà năm 1954 là rừng nguyên sinh, bên bờ suối, dưới tán cây rừng có lán ở, làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch.
Trở lại mô đất cao bên bờ suối, các thành viên trong đoàn tản ra khảo sát thêm. Qua một khe tụ thủy, cách hơn 100m, ở quả đồi mé trái, có nhà một gia đình trẻ người Thái ở bản Cầu Treo (bản Huổi He) chuyển vào. Chủ nhà cho biết: Khu vực nhà bếp hiện nay, trước đây có nhiều cục pin to. Đại tá (sau là Thiếu tướng) Lê Mã Lương nhận xét: Vị trí này là nơi đặt cơ quan thông tin của Sở chỉ huy. Hỏi ông Cứn: Suối có thác này là suối gì? Thác gì? Khu vực đang đứng có tên là gì? Suối này là “Huổi Hẹ Ộ” (tiếng Thái là Suối Nách To), thác này là “Tát Cây” (tiếng Thái là Thác Rêu). Khu vực này là Huổi Hẹ Ộ (theo bản đồ tỉnh Điện Biên năm 2005, khu vực Huổi Hẹ Ộ thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ông Cứn trả lời.
Đối chiếu ảnh cũ, trí nhớ của nhân chứng với thực địa, Trưởng đoàn khảo sát kết luận: Khu vực đầu nguồn Huổi Hẹ Ộ thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là Sở chỉ huy thứ hai Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch lãnh đạo, chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ chuẩn bị chiến đấu từ ngày 18-1 đến ngày 30-1-1954: Kéo pháo vào trận địa, bố trí hướng tiến công của các đại đoàn, trung đoàn, quyết định chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, lui quân, kéo pháo ra, chuẩn bị lại chiến trường… lãnh đạo, chỉ huy cuộc tiến công trên chiến trường cả nước (trừ Đồng bằng Bắc Bộ), chiến trường Lào. Từ tháng 2 đến giữa tháng 5-1954, khu vực Huổi Hẹ Ộ là địa điểm đóng quân của Đội điều trị 1 (Bệnh viện dã chiến). Hiện nay, thác vẫn đổ nước xuống trắng xóa, lòng suối ở chân thác còn nguyên những tảng đá to.
Ngay sau đó, toàn bộ hồ sơ chuyến khảo sát đã được đoàn hoàn chỉnh thành văn bản gửi về báo cáo Tổng cục Chính trị. Đồng thời đề nghị Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ phối hợp cùng các cơ quan chức năng phục dựng, tôn tạo di tích “Huổi Hẹ Ộ” trở thành một địa chỉ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hiện nay và mai sau. Theo thông tin chúng tôi mới nhận được từ đồng chí Vũ Nam Hải, một thành viên đoàn khảo sát, nay là Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, rất có thể trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, “Huổi Hẹ Ộ” sẽ góp mặt trong danh sách địa chỉ tham quan của cụm di tích Điện Biên…
ĐÀO DUY NAM