Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa là Vàng Bả Cháy (có tài liệu gọi là Va Tủa Cháy, Giang Tả Chay, Giàng Pà Chay, Bát Chay), một thanh niên người Mông, quê ở vùng Điện Biên. Tương truyền, Vàng Bả Cháy hồi lên 10 tuổi đã bắn rất giỏi. Cậu thường áp đồng xu vào sườn núi, đứng xa giương nỏ bắn, trăm phát đều xuyên qua lỗ đồng xu cả trăm, hoặc tung trái bưởi lên đồi cao đợi bưởi lăn xuống bắn đón không sai phát nào. Năm 16 tuổi, bố mất, cậu bé Bả Cháy hằng ngày đánh dao kéo bễ kiếm gạo nuôi mẹ. Hai năm sau, mẹ bị lòa. Lúc này, thực dân Pháp bắt nhân dân các vùng phải đem nộp thuốc phiện và bạc trắng cho chúng. Dân chúng rất khổ cực, nhiều người phải bỏ bản, lìa nhà dắt díu nhau tránh đi nơi khác, nhưng đến đâu cũng thấy áp bức bóc lột thậm tệ. Trong khi đó, quân Pháp phái tay sai đi lùng bắt họ và phạt tiền, tịch thu tài sản.
Trước tình cảnh đó, Vàng Bả Cháy nghĩ cần phải đứng lên vũ trang đánh lại chúng, bèn vận động nhân dân với khẩu hiệu: “Đánh đuổi Pháp”, “Người Mông sẽ được tự do làm ăn, ấm no sung sướng”.
Đồng bào Mông trong vùng hưởng ứng tham gia hàng ngũ nghĩa quân, suy tôn Vàng Bả Cháy làm minh chủ. Đầu năm 1918, nghĩa quân tập trung ở khu rừng Thẩm Én, cách thị xã Lai Châu 3km, quân số lúc này mới có 375 người. Sau thời gian luyện quân thành thạo, nghĩa quân chích máu uống rượu ăn thề. Bả Cháy thân hành múc rượu cho từng người, đoạn cũng nâng cao chén lên trời thề nguyện.
Ngay đêm hôm đó, nghĩa quân đột kích Mường Mún, giết chết em tên tri châu. Sau đó, tên quan tư cai quản đạo quan binh Lai Châu phải xuống điều đình, hứa sẽ trả lại ngay bạc trắng, thuốc phiện, thịt lợn, cánh kiến cho người Mông.
Phát huy chiến thắng, nghĩa quân Bả Cháy tiến sang Điện Biên theo đường xuyên sơn, dọc đường kêu gọi đồng bào Mông tham gia nghĩa quân ngày một đông đảo, quân số lúc này lên tới hơn 700 người. Tháng 7-1918, phong trào lan rộng, lôi cuốn đồng bào Mông ở Điện Biên bổ sung vào hàng ngũ. Thanh thế rất mạnh. Thực dân Pháp hoảng sợ, ra lệnh cho tên thiếu tá Dez - cai quản đội quan binh thứ tư - cầm quân đi dẹp phong trào.
Ngày 14-11-1918, địch huy động một toán quân gồm 52 binh sĩ ở đại đội 6 thuộc trung đoàn 1 khố đỏ Bắc Kỳ, 17 lính ở đại đội 10 cũng thuộc trung đoàn đó, 20 lính công binh, 48 lính khố xanh và 58 lính dõng. Sau khi tập trung tại Mường Phăng, toán quân đó phân ra làm bốn đơn vị. Hai đơn vị chính do đại úy Viner và thiếu úy Gautier chỉ huy càn quét. Nghĩa quân phục kích sẵn các ngả đường đánh úp, giặc hốt hoảng tháo lui, bỏ lại một số vũ khí, đạn dược và 15 lính bị thương. Ngày 4-12-1918, nghĩa quân diệt được một đoàn xe tiếp vận ở bản Nậm Ngạn, thu được một số lớn lương thực, thực phẩm chuyển từ Yên Bái lên.
Trong khi nghĩa quân ở Điện Biên thắng lợi liên tiếp thì một bộ phận khác dưới sự chỉ huy của Cắm Xú, một tỳ tướng của Vàng Bả Cháy cũng ráo riết hoạt động bên Long Hẹ (Thuận Châu). Cả sợ, tên Tháo Khua Nu, thống lý Mông ở Long Hẹ trốn xuống thị xã Sơn La để báo với Pháp. Chúng phái một đội và 40 lính khố xanh cùng lính dõng lên tuần tiễu. Nghĩa quân chặn đánh địch ở Tò Pú Cạu (dốc cách Long Hẹ 5km). Qua hai ngày giao chiến, quân địch buộc phải rút lui, bỏ lại 2 xác chết và 5 lính bị thương.
Hơn hai tháng sau, một trận đánh nữa xảy ra tại Sình Thàng, nghĩa quân giết chết tên thông ngôn do viên công sứ Sơn La cử lên để phủ dụ cùng hai chục tên lính chết và bị thương, buộc địch phải tháo chạy.
Tiếp đến, ngày 16-1-1919, một trận đánh rất ác liệt xảy ra tại bản La Viếng, ngày 17 ở Ba Xúc và ngày 21 ở dãy núi đá hiểm trở Long Hẹ. Quân địch có hơn 300 tên do đại úy Chatry cầm đầu. Nghĩa quân mai phục trên các khe núi, lúc ẩn lúc hiện, làm cho quân địch hoảng sợ. Nghĩa quân tiêu diệt được 37 tên và 46 tên khác bị thương (trong đó có tên quan một Gautier và 1 chánh đội Pháp). Sau mấy trận đó, nghĩa quân chuyển cả lên Điện Biên.
Đến tháng 4-1919, thanh thế của nghĩa quân Bả Cháy đã lan rộng khắp miền. Đồng bào Mông dọc hai bên sông Nậm U, Điện Biên Phủ, Sầm Nưa, Trấn Ninh (Thượng Lào) đều nổi dậy. Từ Lai Châu, Sơn La sang tới Thượng Lào, nghĩa quân làm chủ một vùng đất đai rộng lớn. Tháng 9-1919, nghĩa quân đánh úp một đội quân Pháp ở Sênêphôn, giết chết tên trung úy Distanti cùng hơn 50 lính Pháp và tay sai, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Cánh quân này do tên ủy viên quân sự Chính phủ Pháp ở Luang Prabang điều khiển phải tháo chạy.
Với những thắng lợi đó, quân số của nghĩa quân từ hơn 2.000 đã lên tới gần 6.000 người, đa số là người Mông rồi đến người Lào, Dao, Thái... Vũ khí từ thô sơ giờ đã có rất nhiều súng trường, súng ngắn, lưỡi lê, bao đạn tước được của địch. Nghĩa quân đóng ở đâu đều tích cực giúp đỡ nhân dân ở đó trồng trọt hoa màu, dựng lại nhà cửa cho đồng bào bị giặc tàn phá, cướp bóc, cùng sẻ chia no đói với bà con. Ở đâu, từ già tới trẻ, khi nhắc tới thủ lĩnh Bả Cháy, mọi người đều kính trọng, trìu mến, coi ông là vị cứu tinh.
Tháng 11-1919, sau bốn ngày tấn công dữ dội, nghĩa quân giải phóng hoàn toàn Mường Hợp (Tây Bắc). Hàng nghìn đồng bào mấy nơi bị dồn sống tập trung đã thoát khỏi nanh vuốt của địch.
Tiếp đó, từ cuối tháng 12-1919 đến đầu năm 1920, rất nhiều trận đánh đã xảy ra giữa nghĩa quân và quân Pháp, gây cho địch nhiều thiệt hại. Quân Pháp tức tối, huy động một lực lượng khá lớn gồm một tiểu đoàn lê dương, một trung đoàn lính khố đỏ ở miền xuôi lên tăng cường cho lực lượng quân sự của cả hai tỉnh Lai Châu và Sơn La đã có, cả lính khố xanh và lính dõng, tổng số 1.850 tên dưới quyền chỉ huy trực tiếp của viên trung tướng Puypeyroux.
Đầu tháng 5-1920, một trận đánh ròng rã 7 ngày 7 đêm rất ác liệt diễn ra. Quân địch vây chặt xung quanh dãy núi Senchita. Biết rõ âm mưu của địch hòng đẩy nghĩa quân vào tình thế cạn kiệt lương thực tất phải ra hàng, thủ lĩnh Bả Cháy một mặt phân nửa lực lượng mai phục trên mấy trái núi Senchita, mặt khác bố trí một lực lượng gồm những nghĩa quân tinh nhuệ nhất bí mật án ngữ các khe núi hiểm hóc cao hơn ở gần xung quanh để sẵn sàng đối phó với giặc. Qua 4 ngày đêm, trên núi Senchita không thấy động tĩnh gì, Puypeyroux ngờ vực, cho một tiểu đội xung kích lên núi thám thính. Nhưng tốp lính này bị nghĩa quân phục kích giết và tóm gọn.
Trong lúc địch hết sức hoang mang, từ trên dãy núi xung quanh, một lực lượng nghĩa quân đang đêm bất ngờ đánh tập hậu vào đội hình địch. Lúc này, lực lượng nghĩa quân trên núi cũng ập xuống như thác đổ đánh giáp lá cà. Bị đánh bất ngờ, địch trở tay không kịp, rơi vào tình trạng hỗn loạn. Gần sáng, nghĩa quân rút cả vào núi. Trận này nghĩa quân giết được 40 lính Pháp (trong đó có 2 sĩ quan), làm trọng thương 75 tên và bị thương 264 tên.
Chiến thắng đó vang dội khắp nơi, tác động mạnh đến đồng bào Dao ở Bảo Hà thuộc châu Văn Bàn (Yên Bái) cũng nổi dậy đánh Pháp.
Để tiêu diệt phong trào và nghĩa quân do Vàng Bả Cháy lãnh đạo, ngày 23-9-1920, tướng Puypeyroux đệ trình lên toàn quyền Pháp kế hoạch tác chiến: Một là tập trung lực lượng gồm một số lượng lớn các đại đội ở Luang Prabang, Xiêng Khoảng và Mường Hợp đến bao vây chặt chẽ xung quanh chặng núi Pú Chom Chích và Pú Chom Chạng, đại bản doanh của nghĩa quân, với mục đích bắt sống hoặc đánh bật được toàn bộ ra khỏi vị trí đó. Hai là bố trí sẵn sàng các đại đội ở Điện Biên Phủ và Sầm Nưa (Lào) phục kích chặn đường rút của nghĩa quân về phía bắc hay phía nam và truy kích trong trường hợp cần thiết.
Tháng 2-1921, vì có kẻ trong hàng ngũ làm phản, nghĩa quân bị đánh úp bất ngờ, một số chỉ huy bị bắt, 30 người bị thương.
Tháng 7-1921, trận đánh cuối cùng giữa nghĩa quân Bả Cháy và địch đã diễn ra vô cùng khốc liệt tại dãy núi Pú Chom Chích. Tên, đạn hai bên bắn ra như mưa. Ròng rã một tuần nghĩa quân vẫn giữ vững trận địa, càng đánh càng hăng, khiến quân giặc bắt đầu nao núng. Sau 9 ngày đêm chiến đấu anh dũng, nhận thấy lương thực của nghĩa quân đã gần cạn, Bả Cháy hạ lệnh mở đường máu đánh thốc xuống.
Vị lãnh tụ phong trào khởi nghĩa của đồng bào Mông tới lúc thất thế cũng không để thân mình lọt vào tay giặc, ông cùng một số người thân tín rút theo đường bí mật sang Lào. Một bộ phận còn lại của nghĩa quân vẫn tiếp tục đánh du kích, mãi đến cuối năm 1922, phong trào mới tan rã hẳn. Cũng có tài liệu nói rằng, đến năm 1922, Vàng Bả Cháy bị sát hại và cuộc khởi nghĩa hoàn toàn chấm dứt.
ĐẶNG VIỆT THỦY