Tới thăm nhà riêng của ông tại khu C7 - Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), tôi ngạc nhiên khi thấy ông khá rành vi tính, internet và cả... chuyện thương trường. Ông bảo, từ ngày về hưu, rồi cùng cô con gái mở công ty riêng, người ta vẫn hay gọi ông là doanh nhân, nhưng với ông, hai chữ “doanh nhân” vẫn cần phải bàn thảo nhiều. Gặp và trò chuyện với ông, ít ai nghĩ rằng Đại tá, Cựu chiến binh Phạm Xuân Phương đã ở tuổi 81 và từng là cán bộ tiền khởi nghĩa...
Cuộc đối thoại thú vị với tướng Pháp Bi-gia
Ông Phạm Xuân Phương là người được sinh ra trong một gia đình viên chức có nghề thợ nhuộm ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Khi mới 16 tuổi và đang học trường Tây, cậu học sinh Phạm Xuân Phương được bạn bè rủ tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh cứu quốc của Hà Nội. Có tên trong số hai chục thanh niên được chọn lên Chiến khu hoạt động, Phạm Xuân Phương đã bí mật bỏ nhà đi theo cách mạng. Được biên chế vào trung đội Giải phóng quân, ông là người ít tuổi nhất. Ông tâm sự: “Ngày ấy, chúng tôi hiểu rất rõ điều gì đã thôi thúc các cô, cậu học trò sớm trở thành những chiến sĩ Việt Minh, đó là vì dân ta chết đói quá nhiều, vì dân ta đang phải chịu ách áp bức “một cổ hai tròng” của Pháp, Nhật,… Cảnh tượng ấy đã thôi thúc chúng tôi đi theo cách mạng và nhiều người đã trở thành những “ngòi nổ” mạnh mẽ trong các cuộc kháng chiến”.
 |
Tấm ảnh ông Phương chụp với tướng Bi-gia tại Hà Nội được đăng trên tạp chí truyền hình “Telé 7 ngày” của Pháp (số ra ngày 1-7-1994).
|
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử đi học tại Trường Quân chính kháng Nhật rồi trưởng thành từ một cán bộ tiểu đội ở địa bàn Chiến khu 3. Là người lính trải qua hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Cam-pu-chia và bảo vệ biên giới phía Bắc, ông vinh dự có mặt ở nhiều chiến dịch lớn. Ông kể với tôi kỷ niệm trong lần trở lại Điện Biên Phủ năm 1994, khi ông được Trung ương Hội Cựu chiến binh giới thiệu đi cùng đoàn khách du lịch Pháp tới thăm lại chiến trường xưa, trong đoàn có tướng Mác-xen Bi-gia (Marcel Bigeard) - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù 6 - người từng bày tỏ nguyện vọng sau khi chết được rải tàn tro xác mình xuống chiến trường Điện Biên Phủ. Khi đi cùng, ông mới biết mục đích chuyến đi của họ là làm bộ phim tài liệu về tướng Bi-gia. Sau khi được phép của các cơ quan chức năng, đoàn làm phim đã mời ông Phương cùng cộng tác với vai trò người đối thoại với tướng Bi-gia. Ông Phương là người sành tiếng Pháp, qua những cuộc trò chuyện với đoàn làm phim, ông đã làm họ ngạc nhiên bởi thứ tiếng Pháp ông đang dùng là một thứ ngôn ngữ cổ điển, giàu hình ảnh, phong phú về từ vựng, đôi lúc ông còn dùng cả tiếng lóng của quân đội Pháp. Họ hỏi ông học tiếng Pháp ở đâu, ông bảo: “Tôi học ở Việt Nam, chính người Pháp các anh dạy tôi đấy!”. Hôm tới cứ điểm Hồng Cúm, tướng Bi-gia hỏi ông Phương:
- Ông có nhớ sự kiện ngày 16-3-1954?
- Đó là ngày ba tiểu đoàn dù của các ông đổ bộ xuống Điện Biên Phủ và có một tiểu đoàn đổ bộ ở đây, không biết đó có phải tiểu đoàn của ông?
- Chính tôi là người chỉ huy tiểu đoàn đó.
- Ông nhớ nhất điều gì?
- Khi tôi lơ lửng trên trời, thấy những làn đạn của các ông bắn lên và lúc đáp xuống bãi đổ bộ là những loạt đại bác…
- Tôi chính là người có mặt trong Trung đoàn đang bao vây Hồng Cúm. Hồi đó, may mà chúng tôi… bắn trượt ông đấy.
Câu nói dí dỏm của ông Phương và cuộc đối thoại sau 40 năm của hai người lính từng ở hai chiến tuyến sau đó đã được phát trên truyền hình Pháp. Rất nhiều người thân, bạn bè ở Pháp đã nhận ra ông Phương - người chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên khi ở tuổi 25…
“Dấn thân” vào chốn thương trường
Sau 48 năm quân ngũ, năm 1992, ông Phương về nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Khi biết bố mình tuy nghỉ hưu nhưng vẫn còn trăn trở với cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, cô con gái cả Phạm Thị Lan Anh đã khởi xướng ý tưởng lập công ty riêng và mời ông Phương đảm đương vai trò quản lý. Ông nhớ lại: “Vào những năm đầu thập kỷ 90, cả hai cha con tôi còn mang nặng tư duy và lối sống bao cấp, hiểu biết về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến doanh nghiệp cũng còn giản đơn, nhưng tôi coi đây là một sự “dấn thân” trên trận tuyến mới”. Sau những khó khăn ban đầu, Công ty TNHH Anh Phương do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, con gái ông là Giám đốc đã dần đứng vững với thương hiệu bê tông thương phẩm và dịch vụ công nghiệp. Giờ đây, sau hơn 10 năm, công ty do cha con ông gây dựng đã trở thành Công ty cổ phần Bê tông và xây dựng A&P với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức 20-25%, lương bình quân của người lao động đạt 3,4 triệu người/tháng. Ông bảo: “Một công ty do hai cha con cùng khởi nghiệp, nhưng chính con gái tôi là người táo bạo khởi xướng, khác hẳn với công ty gia đình kiểu phương Tây trong đó người cha gây dựng, quản lý và điều hành rồi chuyển giao cho con cái”.
 |
Ở tuổi 81 nhưng hằng ngày ông Phương vẫn miệt mài làm việc bên máy vi tính. |
Không muốn là người đóng vai trò “danh dự” trong công ty, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, giúp con gái định hướng, tổng kết hoạt động. Thông qua các mối quan hệ cũ, mới ở trong và ngoài nước, ông trực tiếp phụ trách các hoạt động xã hội, từ thiện và mảng chấp hành chính sách với người lao động. Doanh nghiệp của ông đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện như: viện trợ xây dựng Bệnh viện Bình Gia (Lạng Sơn); hỗ trợ nuôi dạy trẻ em đường phố Đà Nẵng; đóng góp, tôn tạo di tích làng cổ Đường Lâm và chùa Mía (Sơn Tây, Hà Nội). Như ông tự nhận: “Tôi chỉ làm chỗ dựa tinh thần cho con gái và đảm đương vai trò “người cầm trịch” trong công ty”, nhưng với ý thức trách nhiệm của một đảng viên làm kinh tế tư nhân, ông còn đóng góp ý kiến, tham luận tại một số diễn đàn, hội thảo.
Năm 1998, tại cuộc gặp gỡ 800 doanh nghiệp tiêu biểu do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phương đã có bài phát biểu được nhiều người đánh giá cao. Ý kiến của ông khi đó có nhiều điểm khá mới bởi ông đã mạnh dạn đề cập tới chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân. Theo ông, mặt trận chống đói nghèo đòi hỏi đảng viên phải là người tiên phong bởi mình là đảng viên mà nghèo, lại không biết làm ăn thì khó có thể vận động được người khác. Bởi vậy, người đảng viên không những phải tự mày mò, tìm bước đi để thành công trong việc làm kinh tế mà còn phải tự đổi mới tư duy để chiến thắng cái cũ kỹ, lạc hậu. Ông nêu lên những trăn trở của mình về hai chữ “doanh nhân”, khi mà những người từ tầng lớp “con buôn” trước đây đã trở thành lớp người được trọng thị và có nhiều đóng góp trong xã hội. Theo ông, các cấp, ngành cần dày công nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về họ, phải nhận diện doanh nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau và đi sâu tìm hiểu những nét khác biệt của từng thành phần kinh tế trong một cộng đồng doanh nhân đa dạng về quy mô, tính chất, từ đó mới có thể đưa ra được nhiều đường lối, chính sách “đúng và trúng” về đội ngũ này.
Như lời ông tâm sự, cả đời ông trước sau vẫn chỉ là một người lính, một đảng viên bình thường với niềm tự hào nho nhỏ là đã đem hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ ở mỗi “trận tuyến”. Những năm tháng thử sức trong cơ chế thị trường đã đem lại cho ông nhiều niềm vui, nhưng đó cũng là quãng thời gian ông da diết nhớ tới đồng chí, đồng đội, những người đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi và mãi mãi nằm xuống để ông, gia đình ông và tất cả chúng ta có được ngày hôm nay...
Bài và ảnh: Minh Tuệ