QĐND - Đầu chương về Đường Hồ Chí Minh trong sách “Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày" (Nxb Avon Books, 1982), Đường mòn Trường Sơn được ví như một con trăn lớn đang nuốt mồi và ngày một phình to ra. Tác giả M.Mắc-clia (Michael Maclear) đã chọn cách này để mô tả tổ chức hoạt động chống chiến lược ngăn chặn của Mỹ và gia tốc phát triển lực lượng của Đoàn 559…
I-van Đen-bíc, một lính lực lượng đặc biệt Mỹ tham gia các cuộc đột kích đường mòn, nói rằng “có những lúc trên Đường Hồ Chí Minh xe cộ như mắc cửi, không khác gì Xa lộ Long Ai-lơn (Long Island) vào giờ cao điểm”. Đại úy Đây-vơ Krít-xtơn chiêm nghiệm: “Thực ra đây đâu phải là đường mòn. Đã có tới hàng nghìn con đường mòn, hàng nghìn bãi khách dọc theo đường mòn, nơi quân của đối phương trú ẩn, và chấn chỉnh đội hình. Tôi phải đưa ra nhận định sau: Đó là những người lính thiện chiến”. Nhưng có người Mỹ sẽ hỏi ông ta: “Vậy thì sao không chặn con đường mòn ấy?”…
… Một nghiên cứu chỉ ra, không kích bằng B-52, một thứ vũ khí có sức phá hoại khủng khiếp nhất, đáng sợ nhất, về tổng quát, lại là một cuộc chơi đắt giá chống một mục tiêu như đường mòn. Ném bom tọa độ, một chiếc B-52 có thể thả xuống hơn 100 quả bom 750 pao (khoảng gần 400kg) chỉ trong vòng 30 giây, phát quang một dải rừng rậm chiều dài 1 dặm (1,6km), và 1/4 dặm chiều rộng. Với tỷ lệ khoảng 1 tấn bom sát thương một lính Bắc Việt thâm nhập qua đường mòn, sẽ mất tới 2 tỷ USD để loại 1.500 lính đối phương khỏi vòng chiến. Như vậy, để chống lại một kẻ thù trong rừng, hiệu lực của các vũ khí chiến tranh quy ước hùng mạnh nhất của Hoa Kỳ tỏ ra đáng ngờ: Các B-52 phải không kích dựa vào các cơ sở dữ liệu cung cấp ngay lập tức, hơn là các không ảnh thông thường. Với những phát hiện mặt tiêu cực như trên, Tổng thống Giôn-xơn đã yêu cầu Tập đoàn Gia-xơn tìm kiếm các giải pháp chống tuyến đường mòn bí hiểm.
 |
Đường Hồ Chí Minh thời kỳ trước Tết Mậu Thân. Ảnh: Nguồn quân sự phương Tây.
|
Tập đoàn Gia-xơn là một viện nghiên cứu chiến lược bán công đã hoạt động được một vài năm, gồm các nhà khoa học hàng đầu của các trường đại học, các nhân vật được giải thưởng Nobel, các nhà kỹ trị, các chuyên gia máy điện toán, và các chiến lược gia quân sự. Tới năm 1967, viện này đã phình ra ghê gớm, và cố thu mình lại ở Oa-sinh-tơn với tên gọi mới có vẻ “vô thưởng vô phạt”: Tập đoàn quy hoạch hệ thống thông tin quốc phòng (DCPG)… Suốt 5 năm cho tới ngày cuối cùng của sự dính líu vào Việt Nam (1973), Viện Gia-xơn đã tham gia triển khai và hoàn thiện chiến tranh bằng công nghệ điện tử (electronic warfare - gọi tắt là chiến tranh công nghệ). Chính họ đã phát minh ra Hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra. Các bộ cảm biến được thiết kế cho hàng rào này nay được ném xuống đường mòn cùng với những trái mìn nhỏ, có hình như chiếc lá, các đầu dò - các thiết bị về sau sẽ thành vũ khí của các phần tử khủng bố quốc tế. Một số “bộ óc” thời đầu của Viện Gia-xơn đã gặp tai nạn trong quá trình thiết kế - thử nghiệm.
Viện Gia-xơn chế ra cảm biến chống xâm nhập bằng đo địa chấn (SID), và bom Răng rồng chỉ nặng khoảng 40 gam, được rắc lên tuyến đường mòn từ một quả bom mẹ. Cùng với Không quân Mỹ, Gia-xơn chế tác bom nổ sát mặt đất Đây-ri - Cắt-tơ (Daisy - Cutter), một hỗn hợp chất nổ nhiều loại. Cuối năm 1967, Gia-xơn chế tạo ra một siêu vũ khí, mà họ cho rằng làm thay đổi cán cân của chiến tranh quy ước. Đó là một hệ thống làm chiến tranh điều khiển từ xa gọi là Chiếc lều mái tròn của thổ dân Ét-xki-mô “I-glu Goai-tơ” (Igloo White). Hệ thống này gồm các bộ cảm biến trên mặt đất, và một thiết bị bay có đặt rơ-le được duy trì trong một quỹ đạo bay trên vùng có chiến sự, để phát các tín hiệu thu từ các cảm biến, tới một máy tính ở xa, máy này sẽ tức thời phát động các cuộc ném bom tọa độ. Để cảnh giới 24/24 giờ đối với các mục tiêu di động, đã phát minh ra phương tiện chiến tranh Tìm diệt đêm (INFANT) - một loại máy bay trực thăng dùng hồng ngoại khuếch đại ánh sáng mặt trăng và sao tới 50 ngàn lần, nhờ đó mà bám theo các mục tiêu di động, nhờ vào một màn hình vô tuyến. Một chuyên gia về thiết bị I-glu Goai-tơ từng nói: “Tuyến đường mòn trên thực tế là hiện trường thí nghiệm để kiểm chuẩn và hoàn thiện các thiết bị của chiến trường tác chiến bằng công nghệ điện tử”.
Trong lịch sử, không gì sánh được với hỏa lực chiến tranh quy ước từng triển khai (chống đường mòn). Chỉ riêng số bom (ném xuống đường mòn) trong cuộc chiến này đã vượt lên những số lượng đã sử dụng trên mọi chiến trường trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tổng lượng bom đạn ném xuống là 2 triệu tấn. Còn từ năm 1965 đến 1971, đã có 2.235.918 tấn bom được ném lên các con đường vào miền Nam qua Lào. Nỗ lực ném bom chống đường mòn nhanh chóng vượt lên số lượng 500 đợt không kích mỗi ngày.
Kể từ đầu năm 1968, khi thảm kịch dồn dập trên các đô thị miền Nam Việt Nam, bộ máy chiến tranh công nghệ của Mỹ đã không thể mở rộng hữu hiệu để trùm lên vô số những đường thâm nhập từ Bắc vào Nam. Nhưng thành tố đầu tiên của tác chiến điện tử là 20 ngàn bộ cảm biến trên “hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra” đã triển khai xong. Được ném xuống trên những chiếc dù “không nhìn thấy được”, những bộ cảm ứng ghi âm đã mắc sẵn trên các vòm cây cao, để thu tiếng động của chuyển động con người và ô tô. Các cảm biến ghi địa chấn, có dạng cây que, cắm xuống đất nơi chúng rơi, ghi nhận sóng áp suất lan truyền trên bề mặt trái đất từ một nhóm người, hoặc xe cộ.
Còn có những Máy ngửi hơi người (People sniffer) - một loại ra-đa có “vòi” gắn vào các máy bay trực thăng để ghi nhận hơi ấm, hoặc mùi vị cơ thể con người. Được chính thức gọi là Máy phát hiện người (Personnel Detector), chúng được đánh giá bởi Tạp chí Quân nhu (Ordnance magazine), là “vô giá trong phát hiện kẻ thù không nhìn thấy được”. Thay vì được tăng viện quân, tướng Oét-mo-len đã nhận được thứ đồ chơi “thông thái” này, và đã vỡ mộng… Cấp phó cho Oét-mo-len, tướng Đờ Puy nói: “Chúng không hề tỏ ra hữu ích. Việc chúng tôi không dùng chúng hiện nay chứng tỏ điều đó. Những máy ngửi này đánh hơi được a-mô-ni-ac tiết từ cơ thể người, nhưng vấn đề là những con thú và những yếu tố gây nhiễu khác làm chúng mất hiệu lực”. Những yếu tố gây nhiễu đây bao gồm cả những biện pháp đối phó cực kỳ sơ khai của Bắc Việt Nam. Chẳng hạn họ treo các túi đựng nước tiểu của trâu dọc theo các khu vực không hoạt động của đường mòn, để nhử các máy bay B-52, nhao đến như những đàn ruồi. “Họ là những người lính rất cứng rắn, rất bền bỉ”, tướng Oét-mo-len nhìn nhận, “đây là một khuôn mẫu điển hình trên mọi cấp, ngành, từ Bộ Chính trị ở Hà Nội, đến những vị trí thấp hơn. Cấp chỉ huy của họ là những người rất kỷ luật, được huấn luyện tốt, cực kỳ nghiêm khắc trong đòi hỏi thực hiện mệnh lệnh”.
… Với khoản viện trợ về quân sự và kinh tế của phe Xô-Trung vượt lên con số 1 tỷ USD/năm, việc thay thế các xe vận tải bị bắn cháy trên đường mòn trở nên tương đối nhỏ so với số 500 máy bay Mỹ chính thức công nhận là bị mất tại đây (bằng 1/7 tổng số máy bay Mỹ bị tổn thất tại miền Nam Việt Nam) trong thời kỳ chiến tranh bằng không quân của Mỹ. Tới thập niên 1970, khi “chiến trường tác chiến điện tử” được triển khai gần xong, thì Mỹ lại phải rút quân ra. Loại bom hủy diệt mới Hô-bốt (viết tắt của Homing Bombs), và bom “thông minh” được chùm tia la-de dẫn vào mục tiêu, đã dùng trong những ngày cuối của cuộc tham chiến trực tiếp của quân Mỹ. Nhưng các tên lửa SAM-2 của Liên Xô cũng bắt đầu thòi lên từ các khu rừng rậm trên đường mòn, và hệ quả của cuộc chiến công nghệ trên đấu trường “không nhìn thấy” (trường điện từ) này là không thể đo đếm. Nhân tố quyết định vẫn là: Bao nhiêu xe tải có thể chạy thoát khỏi “chiếc găng tay” (ý nói hoạt động không kích ngăn chặn của Mỹ)…
Năm 1967, Lầu Năm Góc ước tính, để duy trì cuộc chiến chống chế độ Sài Gòn, miền Bắc cần cung ứng vẻn vẹn 60 tấn hàng/ngày (mặc dù có những chuyên gia đưa ra những con số còn nhỏ hơn nhiều). Năm 1970, khi cuộc chiến trên bộ của Mỹ đang uốn khúc theo chiều giảm xuống, Thủ trưởng Bộ Không quân Mỹ trích dẫn các số liệu: “68 ngàn tấn trang bị đã được (Bắc Việt) xếp lên xe ở đầu đường mòn, và 21 ngàn tấn đã tìm được đường tới đích của chúng” - vậy con số 60 tấn hàng tiếp tế cho một ngày là gần đúng.
Sự bền chí của con người là nhân tố thắng lợi duy nhất của tuyến đường mòn. Đây hẳn là lần cuối cùng, trong một cuộc chiến tranh quy ước trọng đại, con người tỏ ra có sức trường tồn hơn, mưu lược hơn là máy móc. Những người lính kỳ cựu trên đường mòn, như tướng Oét-mo-len đã chỉ ra, là một tập hợp cứng cáp, kiên trì, đến mức những nỗ lực khủng bố của Tập đoàn Gia-xơn không là gì nếu so với những gì thuộc bản chất của đường mòn. Trong báo cáo khoa học triển vọng của mình, tác giả Pôn Đíc-xơn phản ánh những giọng nói của người Bắc Việt Nam, được các cảm biến ghi lại trên đường mòn và dội về Oa-sinh-tơn vào khâu phân tích khẩn cấp, đã đa dạng đến mức nào. Pôn Đíc-xơn dẫn lời cấp Phó giám đốc Tập đoàn Gia-xơn: “Chúng tôi rất háo hức tìm hiểu đối phương của chúng ta sẽ phản ứng ra sao (với các cảm biến). Họ đã bắn hỏng một số bộ cảm biến, đốt một số bộ khác, và trong một trường hợp mà chúng tôi cho là cao điểm của sự chế nhạo, chúng tôi thấy có tiếng tiểu tiện lên bộ cảm biến của chúng tôi”.
Tới đầu năm 1968, hàng ngàn thiết bị cảm biến đã thu được thứ gì đó phi thường hơn nhiều: Toàn bộ tuyến đường mòn như đang rít lên, duỗi dài ra, như con mãng xà sắp sửa quật con mồi.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)