QĐND - Chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết của các nhà báo và nhà sử học nước ngoài về chính trường Pháp trong những ngày tháng 12-1946 để bạn đọc hiểu rõ hơn chính sách thực dân của Pháp lúc đó đối với Việt Nam và nguyên nhân bùng nổ cuộc chiến tranh.

Kết quả bầu cử Quốc hội tháng 11-1946 đã đưa Lê-ông Blum (Leon Blum) thuộc đảng Xã hội lên cầm đầu Chính phủ Pháp. Theo nhà sử học Pháp Phi-líp Đờ-vi-le (Philippe Devillers) viết trong cuốn “Lịch sử Việt Nam 1940-1952” xuất bản năm 1952, mầm hy vọng cho hòa bình ở Việt Nam nhú lên từ một bài báo mà Blum viết trên tờ Le Populaire, cơ quan ngôn luận của đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 10-12-1946. Blum viết: “Chỉ có một con đường, thậm chí là con đường duy nhất để duy trì tại Đông Dương uy tín, ảnh hưởng chính trị và tinh thần cũng như những lợi ích về vật chất hợp pháp của nước Pháp, đó là một hiệp ước với Việt Nam dân chủ cộng hòa về chủ đề độc lập”. Hưởng ứng tinh thần của quan điểm này, ngày 15-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức điện cho Thủ tướng Lê-ông Blum, kêu gọi: Quân đội các bên tại Hải Phòng và Lạng Sơn trở về vị trí đóng quân như trước ngày 20-11-1946; quân Pháp vừa đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 5-12-1946 phải rút ngay khỏi cảng này; Pháp chấm dứt ngay các cuộc càn quét tại Nam Bộ. Cùng thời gian đó, Xanh-tơ-ni (Sainteny), Thống đốc Bắc Kỳ, vừa chân ướt chân ráo từ Pháp sang đã điện về nhà một bức điện có nội dung tương tự, nhưng đã không được Pa-ri hồi đáp.

Thực tế, bức điện ngày 15-12 của Chủ tịch Hồ Chí Minh bị những người cầm đầu của Pháp tại Sài Gòn găm lại đó. Nó chỉ đến được Pa-ri vào ngày 26-12, khi Toàn quốc kháng chiến đã diễn ra được một tuần lễ.

leftcenterrightdel
 Chính phủ Lê-ông Blum, tháng 12-1946. Ảnh tư liệu.

Tác giả Mác A-lít-xtơ (McAlister), người Mỹ, viết trong cuốn sách “Việt Nam: Những cội nguồn của cuộc cách mạng” xuất bản năm 1969 nhận định rằng, thiện chí của Hà Nội lúc đó khác biệt với chính sách của Pa-ri. Dù có một chính phủ mới theo khuynh hướng nào đi chăng nữa, những yếu nhân của nước Pháp lúc đó vẫn mang nặng tư tưởng thực dân, không từ bỏ con đường duy trì một Việt Nam và Đông Dương thuộc Pháp như cũ, tiêu biểu là Đờ Gôn (Charles de Gaulle) và Đác-giăng-li-ơ (Thierry d’Argenlieu).

Giáo chủ áo xám và yêng hùng “Đại Pháp”

Mới đây, cuốn sách đoạt giải Pu-lít-dơ (Pulitzer) “Những viên than hồng của cuộc chiến: Sự sụp đổ một đế quốc và sự tạo tác một Việt Nam Cộng hòa” của tác giả người Mỹ Phri-đrích Lo-gi-vôn (Fredrik Logevall), do NXB Random House xuất bản năm 2012, đã dành nhiều trang phân tích sự kiện bùng phát chiến tranh Đông Dương năm 1946. Tại chương 14 mang tên “Các cuộc chiến tranh Đông Dương và Cuộc chiến tranh Lạnh”, Lo-gi-vôn nhận định: “Ở Việt Nam, Đô đốc Đác-giăng-li-ơ ngay từ đầu đã đưa cuộc xung đột lúc đó chỉ là cục bộ giữa Pháp với Việt Nam lên tới mức cao nhất trên trường quốc tế”.

Đác-giăng-li-ơ là đô đốc, tháng 8-1945 được cử làm Cao ủy Pháp tại Đông Dương, một chức vụ mới thay thế danh hiệu Toàn quyền Đông Dương trước đây. Ông chống lại nhóm Lơ-cléc - Xanh-tơ-ni (Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương và Thống đốc Bắc Kỳ) chủ trương ôn hòa. Ông ta đóng vai trò quan trọng trong cuộc bùng nổ chiến tranh Đông Dương.

Tại chương 6 “Bùng phát”, Lo-gi-vôn viết: “Dù người Việt Nam có là phía đã bắn những phát súng đầu tiên trong đêm 19-12-1946 đi nữa, về căn bản chính Pháp mới là phía phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột. Đác-giăng-li-ơ được báo chí cánh tả gắn cho cái tên “Thầy tu đẫm máu”, có được quyền bính ghê gớm, thường hành động không hề hỏi ý kiến Pa-ri. Ông ta đã ngăn chặn triển vọng của Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 đã được ký kết giữa đại diện Pháp và Việt Nam. Đác-giăng-li-ơ khi về Pa-ri một thời gian ngắn cuối năm 1946, đã nguyền rằng Pháp sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi của nước này ở Đông Dương. Ông ta tuyên bố trên tờ Le Monde ngày 27-12-1946 rằng, việc trao trả độc lập cho Việt Nam như “là một cuốn tiểu thuyết hư cấu chỉ phương hại cho lợi ích của các bên”.

Tuy nhiên, ám ảnh toàn bộ tiến trình Pháp trở lại Việt Nam là cái bóng lớn của Đờ Gôn. Dù về danh nghĩa lúc đó đã rời khỏi chức Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Pháp, nhưng ảnh hưởng của ông ta vẫn rất lớn. Theo sử gia Pháp Phrê-đrích Tuếch-panh (Fredric Turpin), trên thực tế, chính sách của Đờ Gôn là tái khẳng định Đông Dương là thuộc Pháp, với lập luận căn bản là Đại Pháp quốc (grandeur).

Chính Đờ Gôn đã bổ nhiệm Đô đốc Đác-giăng-li-ơ làm Cao ủy Đông Dương. Cũng chính Đờ Gôn đã chỉ thị cho Đác-giăng-li-ơ và Lơ-cléc phải không khoan nhượng trong giao thiệp với những người yêu nước ở Việt Nam, sẵn sàng dùng vũ lực. Trong tiến trình hội đàm ở Phông-ten-nơ-bờ-lô (Fontainebleau), Đờ Gôn ép Bi-đôn (Bidault), Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ở Pháp lúc đó, chống lại các đề xuất của Phái đoàn Việt Nam. Đờ Gôn công khai tuyên bố trên tờ Le Monde số ra ngày 26-8-1946, rằng ông ta tin tưởng nước Pháp vẫn “gắn kết với các lãnh thổ hải ngoại mà nước Pháp từng mở đường cho họ đến với nền văn minh”, bằng không, Pháp sẽ mất vị thế cường quốc của mình. Trong suốt mùa thu năm 1946, ông ta bám chặt lấy lập trường này.

Trong tác phẩm “De Gaulle, những môn đệ của ông ta và Đông Dương những năm 1940-1956”, Tuếch-panh viết: “Ngày 17-12-1946, Đờ Gôn đã tiếp Đác-giăng-li-ơ tại nhà riêng của mình, và đi xa đến mức nói rằng, chính Đác-giăng-li-ơ chứ không phải chính phủ đương thời ở Pa-ri đang đại diện cho nước Pháp ở Đông Dương”.

Những cái đầu nóng

Trở lại với bài báo của Blum cùng các bức điện của Hồ Chí Minh và của Xanh-tơ-ni tháng 12-1946. "Chẳng ai khẳng định được rõ liệu một lời kêu gọi trực diện đối với Thủ tướng mới của Pháp có ngăn chặn được cuộc đụng độ hay không”, nhà sử học Pháp Đờ-vi-le hoài nghi sự “thực dụng” nhuốm màu sắc thực dân của chính trường Pa-ri năm 1946, dù chính quyền Mỹ lo ngại những người cộng sản sẽ lên nắm quyền ở Pháp.

Theo Ph.Lo-gi-vôn, sẽ quá lời nếu gọi cuộc xung đột này là “cuộc chiến tranh của Đác-giăng-li-ơ”. Mục tiêu cốt lõi của viên cao ủy này là không để mất xứ Đông Dương thuộc Pháp, điều được chia sẻ rộng rãi cả trong giới chính khách Pa-ri lẫn trong giới thực dân ở Sài Gòn và Hà Nội. Hôm nay, người ta vẫn phải giật mình trước cấp độ của giới chính trị tại Pháp trong giai đoạn 1945-1946 rằng Đông Dương nhất thiết phải được giữ lại trong thành phần thuộc địa của Pháp. Lo-gi-vôn nhận định: Dù các đảng viên đảng Xã hội Pháp tỏ ý phản kháng các nỗ lực nhằm phá hoại Hiệp định 6-3 của Đác-giăng-li-ơ, nhưng trên thực tế họ thừa nhận các hành động này của viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương, cũng như khoan thứ cho các hành động khiêu khích của tướng Va-luy ở Hải Phòng và Hà Nội.

Trong hội đàm với Phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Phông-ten-nơ-blô, các đảng viên Xã hội Pháp tỏ ra không khoan nhượng như bất kỳ thành viên nào khác của phía Pháp trên bàn đàm phán. Mặc dù đảng Cộng sản Pháp (PCF) giành được vị thế là đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử tháng 11-1946 (với 28% cử tri bầu cho PCF và đảng này giành được 170 ghế tại nghị viện), nhưng các lãnh đạo đảng đã không nhấn mạnh chủ đề Đông Dương trong những tuần lễ hiểm nghèo tiếp sau cuộc bầu cử, chỉ lo tiếp tục tỏ diện mạo khi tranh cử của mình như một lực lượng ôn hòa và ái quốc.

Ph.Lo-gi-vôn khảo sát báo chí Pháp trong thời kỳ này để đi đến kết luận rằng, năm 1946 đã không có một sự chống đối rõ rệt trên công luận Pháp đối với việc sử dụng lực lượng quân sự của Pháp ở Đông Dương. Đồng thời theo ông, thông tin xác thực dù có cũng khó mà lọt được về đến Pa-ri. Vào năm 1946 ấy, các báo Pháp nói chung không có phóng viên thường trú tại Đông Dương, nên phải dựa vào hãng thông tấn AFP để viết bài. Cao ủy Đông Dương Đác-giăng-li-ơ lại được chính quyền Pháp tạo quyền lực kiểm soát chặt chẽ AFP, biến hãng tin này thành vũ khí tuyên truyền cho phe thực dân.

Vì thế theo Lo-gi-vôn, không có gì lạ khi 6 tờ báo chính ở Pa-ri lại cáo buộc phía Việt Nam đã làm bùng nổ bạo lực. Sau khi Pháp ném bom Hải Phòng và san phẳng một số vùng của thành phố này, phóng viên Rê-muy Rua-rơ (Remu Roure) viết trên báo Pháp Le Monde số ra ngày 28-11-1946, vẫn cam đoan với độc giả Pháp rằng “phía Pháp đã không bắn một phát súng nào, mà có đi nữa, thì chỉ để tự vệ mà thôi”! 

Càng về sau, “những cái đầu nóng” ở Pháp càng lịm đi. Lo-gi-vôn viết: “Tới năm 1954, ngay cả Đờ Gôn, con người không khoan nhượng, đã tuyệt vọng về chủ đề chiến thắng quân sự ở Đông Dương”. Nhưng như ta đã biết, đến lượt diều hâu Mỹ lại “nóng đầu” nhảy vào “vũng lầy” này. 

LÊ ĐỖ HUY (dịch)