Trong khi đó, địch buộc phải rút đi quá nửa quân dù để ứng cứu cho Bình Long. Thời cơ mới xuất hiện. Bộ tư lệnh chiến dịch liền chỉ thị cho Tư lệnh và Chính ủy Mặt trận Cánh Đông Nguyễn Mạnh Quân và Đặng Vũ Hiệp tổ chức tiến công căn cứ Tân Cảnh của địch, giải phóng khu vực đảm nhiệm, hoàn thành giai đoạn 1 chiến dịch tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972 ở chiến trường Tây Nguyên.

leftcenterrightdel
Xe tăng ta trên đường xuất kích tham gia tiến công căn cứ Tân Cảnh. Ảnh tư liệu 
Căn cứ Tân Cảnh (còn gọi là Căn cứ 42) nằm trong cụm phòng thủ Đăk Tô-Tân Cảnh được Mỹ-ngụy dày công xây dựng từ lâu. Đầu năm 1972, phán đoán ta sẽ chọn Tây Nguyên làm hướng đột phá chính nên địch đã tăng cường lực lượng cho cụm phòng thủ này lên tương đương một sư đoàn tăng cường, nâng cấp nó thành tuyến phòng ngự mạnh phía bắc Kon Tum. Đặc biệt, căn cứ Tân Cảnh-trung tâm chỉ huy của tuyến phòng ngự được chúng củng cố xây dựng khá kiên cố. Căn cứ có hình lục lăng, diện tích 240.000m2 nằm ở nam Đường 18, cách thị trấn Tân Cảnh và Đường 14 khoảng 1km về phía tây nam; bên trong chia làm 13 phân khu với hệ thống lô cốt, hầm ngầm, công sự chiến đấu vững chắc liên hoàn; xung quanh có 8 đến 14 hàng rào kẽm gai được gài dày đặc mìn chống tăng, mìn sát thương và mìn chiếu sáng để ngăn chặn và báo động khi bị đối phương tiến công. Địch trong căn cứ gồm có: Sở chỉ huy Sư đoàn 22, khu cố vấn Mỹ, sở chỉ huy Trung đoàn 42 bộ binh, sở chỉ huy Trung đoàn 14 thiết giáp, Tiểu đoàn 4 bộ binh, 1 tiểu đoàn xe tăng M41, 1 tiểu đoàn pháo binh… với quân số khoảng 1.500 tên.

Sau khi nghiên cứu thảo luận, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Cánh Đông quyết định giao cho Trung đoàn 66 do Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường và Chính ủy Lưu Quý Ngữ chỉ huy, được tăng cường Tiểu đoàn 37 đặc công, 1 đại đội xe tăng T54, 1 đại đội hỏa tiễn B72 tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, phức tạp nhưng chỉ huy Trung đoàn 66 và các đơn vị tăng cường đều hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Để tiêu diệt căn cứ này, Trung đoàn 66 đã sử dụng cách đánh: Bí mật, bất ngờ, đột phá trận địa phòng ngự của địch bằng sức mạnh hợp đồng binh chủng. Đêm 21-4, dưới làn pháo chi viện, từ vị trí tập kết cách mục tiêu 2-3km, các chiến sĩ Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 37 bí mật hành quân len lỏi qua các chốt điểm dày đặc của địch vào vị trí chiếm lĩnh trận địa.

8 giờ ngày 22-4-1972, các cụm pháo binh chiến dịch của Trung đoàn Pháo binh 40, 675 và Đại đội 29 được lệnh tập trung bắn phá các mục tiêu trong căn cứ Tân Cảnh. Pháo ta đã bắn từng loạt chính xác xuống sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy, khu cố vấn Mỹ, khu truyền tin; các trận địa pháo bắn thẳng đã phá hủy hầu hết lô cốt boong ke vòng ngoài căn cứ địch. Quân địch trong căn cứ vô cùng hoảng loạn và bối rối.

Chớp thời cơ đó, chỉ huy Trung đoàn 66 ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 2 ngụy ở Đồi Chùa và khu trường học thị trấn Tân Cảnh. Được pháo binh chi viện, chỉ hơn một giờ chiến đấu, Tiểu đoàn 9 do Tiểu đoàn trưởng Hứa Kính chỉ huy đã diệt gọn tiểu đoàn địch, mở rộng hành lang cho ta đưa pháo và lực lượng xung kích vào hướng chính.

Đêm 23-4, từ ngầm Pô Cô hạ, 9 xe tăng T54 của Đại đội 7 (Tiểu đoàn Xe tăng 297) xuất kích. Theo Đường 50k do Trung đoàn Công binh 7 mới mở, xe tăng ta tiến ra Đường 14, thọc qua quận lỵ Đăk Tô hướng về căn cứ Tân Cảnh. Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 do Tham mưu phó Hoàng Anh Tài chỉ huy đã làm thành những lộ tiêu sống dẫn đường cho xe tăng. 1 giờ sáng 24-4, xe tăng ta tiến vào thị trấn Tân Cảnh. Quân địch trong thị trấn sửng sốt, bàng hoàng, không kịp đối phó. Chớp thời cơ địch đang hoang mang, Tiểu đoàn 9 được đội công tác vũ trang tỉnh Kon Tum do đồng chí Hồ Thị Lục phụ trách dẫn đường đã nhanh chóng bao vây, nổ súng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây gồm 1 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, thu toàn bộ vũ khí trang bị. 4 giờ 55 phút ngày 24-4, thị trấn Tân Cảnh hoàn toàn được

giải phóng.

Cùng lúc với tiếng súng đánh địch của Tiểu đoàn 9 trong thị trấn Tân Cảnh, ở hướng chủ yếu phía đông, vào lúc 4 giờ 30 phút, các chiến sĩ Đại đội 3 (Tiểu đoàn 7) do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Lục chỉ huy xông lên dùng bộc phá đánh tung hàng rào kẽm gai cuối cùng, mở thông cửa mở. Địch cho bộ binh và xe tăng ra phản kích bịt cửa mở. Đại đội 3 đã đánh lui các đợt phản kích của địch. Địch cho máy bay đến ném bom bi, bom xăng, bắn đạn 20mm trùm lên cửa mở. Già nửa quân số của Đại đội 3 hy sinh nhưng cửa mở vẫn giữ vững. 

Trên hướng Tây Bắc, các chiến sĩ Tiểu đoàn 8 do Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Xuyên chỉ huy, bị địch chống trả quyết liệt. Một số chiến sĩ bộc phá của Đại đội 6 hy sinh, Đại đội trưởng Nguyễn Phúc Hậu và Trung đội trưởng Nguyễn Văn Vinh trực tiếp ôm mìn ĐH30 lao lên phá tiếp được một hàng rào nhưng vẫn còn ba hàng rào trong cùng chưa phá được. Địch cho xe tăng ra phản kích. Chiến sĩ B40 Bùi Viết Nhần lao lên diệt ngay chiếc xe tăng M41 của địch. Chớp thời cơ, các chiến sĩ bộc phá đánh liên tiếp mở thêm được 2,5 hàng rào nữa. Còn nửa hàng rào cuối cùng, đồng chí Phú-Chính trị viên đại đội cùng liên lạc dùng gỗ đặt lên làm cầu cho bộ đội xung phong đánh chiếm đầu cầu.

Ở hướng nam, Tiểu đoàn 37 đặc công do Tiểu đoàn trưởng Đỗ Công Mùi chỉ huy bí mật cắt rào mở hai cửa mở. Mũi phụ đã mở xong, trong khi mũi chính gặp khó khăn. Chỉ huy Trung đoàn 66 lệnh cho tiểu đoàn đưa lực lượng theo cửa mở của Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 tiến vào đánh chiếm các mục tiêu được phân công.

5 giờ 10 phút ngày 24-4, sau đợt pháo dữ dội cuối cùng của ta giáng xuống căn cứ địch, cùng lúc các chiến sĩ Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 37 vượt qua cửa mở đồng loạt xung phong. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Trên hướng chủ yếu, các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 được ba xe tăng 328, 903, 937 dẫn dắt tập trung đột phá. Xe tăng ta bắn mạnh vào hai bên sườn đội hình phản kích của địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong vào bên trong. Đạn pháo xe tăng, đạn B40 và thủ pháo của bộ binh lần lượt phá sập từng lô cốt địch. Bọn địch điên cuồng cho các loại máy bay ném bom, phóng rốc-két, bắn đạn 20mm dữ dội xuống các khu vực ta mới chiếm. Địch trong căn cứ phóng chất độc hóa học, bắn hơi cay, hơi ngạt hòng chặn bước tiến quân ta. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh. Nhiều đồng chí bị thương vẫn không rời trận địa. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Phan Văn Vượng bị thương nhưng vẫn dẫn đầu đội hình thọc sâu vào sở chỉ huy địch. Giữa lúc tình huống diễn ra phức tạp, khẩn trương, Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường đã có mặt trong căn cứ trực tiếp chỉ huy bộ đội. Từ đó, các hướng tiến công đều phát triển thuận lợi. Đến 9 giờ, hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 đã gặp nhau tại sở chỉ huy địch.

Đúng 11 giờ ngày 24-4-1972, Trung đoàn 66 hoàn toàn làm chủ căn cứ Tân Cảnh. Lá cờ giải phóng do Tỉnh ủy Kon Tum trao cho trung đoàn trước lúc xuất quân được đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 2 kéo lên, phấp phới tung bay trên nóc sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy. Toàn bộ quân địch trong căn cứ bị diệt và bị bắt làm tù binh. Tên Đại tá Lê Đức Đạt, Tư lệnh Sư đoàn 22 và tên đại tá cố vấn Mỹ bị diệt tại trận. Tên Đại tá Vi Văn Bình, Phó tư lệnh Sư đoàn 22 chạy trốn bị tóm cổ. Trung đoàn 66 và các lực lượng tăng cường bắt 429 tù binh, bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105mm và 155mm, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả đạn pháo và toàn bộ kho tàng, phương tiện chiến tranh trong căn cứ...

Trung tâm chỉ huy tuyến phòng ngự bị tiêu diệt đã làm cho quân địch như rắn mất đầu, chớp thời cơ, Bộ tư lệnh Cánh Đông đã ra lệnh cho các đơn vị nhanh chóng tiến công đánh chiếm sân bay Phượng Hoàng và căn cứ Đăk Tô 2 do Trung đoàn 47 ngụy chốt giữ. Tuyến phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh của địch nhanh chóng bị đánh sập hoàn toàn. Bọn địch ở các căn cứ xung quanh như: Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua, Tri Lễ, quận lỵ Đăk Tô, Kông Hơ Rinh… bỏ chạy tán loạn. Một vùng đất rộng lớn từ Diên Bình qua Tân Cảnh đến Đăk Tô về Đăk Mót với hàng chục ngàn dân được giải phóng.

NGUYỄN HÙNG TẤN