Chiến công của toàn dân
Cuốn sách “Hồ Chí Minh” của tác giả David Halberstam, do Nhà xuất bản (Nxb) Vintage Books, Mỹ, phát hành năm 1971, đoạt giải Pulitzer, đã viết về Việt Nam tại thời điểm đầy biến động chính trị và quan hệ quốc tế cuối năm 1954: Hồ Chí Minh đã tiến vào Hà Nội nhưng không như một kẻ chinh phục, cũng không như người thống lĩnh một đạo quân nghênh ngang, mà với phong cách bình dị vốn có của ông, trên một chiếc xe tải nhẹ-chiến lợi phẩm thu được của Pháp. Đây hẳn là một cách để làm người dân thấy rằng chiến thắng chính là của nhân dân và tinh thần của những người dân là nhân tố giành thắng lợi. Rằng Hồ Chí Minh là một trong số những người dân, đã giành chiến thắng trước người Pháp, rằng cuộc cách mạng của ông đã thành công, nhờ Đảng Cộng sản của ông đã gắn với chủ nghĩa yêu nước của đất nước này. Nhưng đây đâu chỉ là chiến thắng đối với đế quốc Pháp, mà đối với cả chế độ phong kiến.
… Nhưng hòa bình đã không đến một cách dễ dàng. Ở miền Nam, người Mỹ, sợ sự cố kết một khối quốc tế thuần cộng sản, căm hận vì cuộc chiến tranh ở Triều Tiên... đã quyết định triển khai chính sách ngăn chặn, vốn dĩ đã được vận hành có kết quả ở châu Âu. Nhưng họ không nhận thấy rằng các nguồn lực đã hỗ trợ họ ở châu Âu, nơi có các di sản và truyền thống Thiên chúa giáo, sẽ chống lại họ ở châu Á…
Ngoại trưởng Mỹ Dulles đã không thể sai lầm hơn: 9 năm chiến tranh đã chia rẽ Việt Nam nhiều hơn là Vĩ tuyến 17. Hầu như những người trai trẻ có sức sống và có năng lực nhất đều đi theo Việt Minh. Chính họ là những người đã kiểm soát được các lực lượng mạnh mẽ và rộng rãi nhất. Đồng thời cần phải nhận thấy rằng, nhân tố đã khiến người Mỹ dấn vào nỗ lực chống lại cuộc tổng tuyển cử, là vì họ biết Hồ Chí Minh sẽ thắng cử dễ dàng. Trong khi tiến hành kháng chiến, Việt Minh đã trui rèn được một hệ thống năng động-đó là một xã hội hiện đại.
Tại thành thị miền Nam, tình hình có khác. Đây là một xã hội gồm cả những ai từng đánh thuê ở phía người Pháp, hoặc đứng giữa dòng trong những năm bản lề của cuộc chiến tranh, hoặc còn trục lợi được từ cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Người Mỹ chọn Ngô Đình Diệm đứng đầu chế độ miền Nam. Đây là một sự lựa chọn đầy biểu tượng: Một người Thiên chúa giáo tại một nước theo Phật giáo, một người miền Trung ở miền Nam, một viên quan tại một vùng đất mà các phong trào cách mạng đã khiến giới quan lại phong kiến tan nát trong các biến động cách mạng. Diệm là một nhân vật bất cập đối với Việt Nam nhưng lại là con bài thích hợp đối với người Mỹ: Ông ta cùng lúc là một người vừa chống Pháp, vừa chống Cộng…
Các nỗ lực của Hà Nội
Năm 1969, Nxb Fredrick A.Praeger, Mỹ phát hành cuốn “Kết thúc một cuộc chiến tranh”. Các tác giả Jean Lacouture và Philippe Devillers đã viết về các nỗ lực đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử cuối năm 1954 tại Hà Nội. Hai nhà Việt Nam học nổi tiếng này cũng đồng ý với David Halberstam, là Washington tới lúc này đã mong muốn lập một “bức màn sắt” như ở châu Âu tại Vĩ tuyến 17 và xúc tiến triển khai chính sách ngăn chặn tại Đông Nam Á, sau khi không ký vào Hiệp định Geneva: Với việc nhìn nhận chế độ ở Sài Gòn như chính phủ hợp pháp ở Việt Nam… Washington muốn làm yếu vị thế của Việt Minh. Đó chính là chính sách “tái chinh phục” mà Ngoại trưởng Mỹ Dulles đã đặc tả với phái đoàn Pháp ở Hội nghị Geneva. Mỹ sẽ đối xử với Việt Nam như đã làm với Đức và Triều Tiên, là nơi mà Bonn và Seoul có “sứ mạng” đạt được thống nhất theo cách thức làm lợi cho “thế giới tự do”.
    |
 |
Lính Pháp rút khỏi Hà Nội trước Ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng cuộc chiến đấu để thống nhất đất nước Việt Nam vẫn tiếp tục. Ảnh: Tạp chí Life. |
Chính vì thế, mọi chuyện đã rõ. Tướng Võ Nguyên Giáp đã viết cho Ủy ban Quốc tế về giám sát và kiểm soát thi hành Hiệp định Geneva tại Việt Nam, ngày 5-12-1954, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết cho các đồng chủ tịch của Hiệp định Geneva, là Ngoại trưởng Anh Eden và Ngoại trưởng Liên Xô Molotov, ngày 8-12-1954. Cả hai bức thư đều lên án sự có mặt của phái bộ Collins (tướng Lawtons Collins, nguyên Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, được Nhà Trắng cử sang làm đại diện đặc biệt tại miền Nam Việt Nam) như “biểu hiện đầu tiên của các mục tiêu hiếu chiến của Hiệp định Manila”. Các bức thư đặc biệt tố cáo mưu toan của Mỹ trong huấn luyện và trang bị cho quân đội Nam Việt Nam. Các bức thư cũng chỉ rõ, khối SEATO là một tổ chức quân sự nhằm “cố kết ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á và biến Đông Dương thành thuộc địa và căn cứ của Mỹ”.
Các mối quan ngại được tăng cường bởi lập trường cứng nhắc và độc tài của Ngô Đình Diệm. Diệm đã khước từ vấn đề cùng tồn tại trong hòa bình ngay tại hình thức căn bản nhất của nó: Cuối tháng 11, Diệm đã bác bỏ yêu cầu của Hà Nội về thiết lập trở lại liên lạc qua bưu điện giữa miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tìm cách thiết lập quan hệ kinh tế với miền Nam như một nhiệm vụ quan trọng hơn là cải thiện quan hệ với Pháp. Theo ông Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Miền Bắc và miền Nam Việt Nam là các phần không thể tách rời của Việt Nam. Phù hợp với Hiệp định Geneva, đường ranh giới chạy dọc theo sông Bến Hải chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời, không thể nhìn nhận như một trở ngại trong giao dịch thương mại dọc theo Vĩ tuyến 17 giữa hai miền” (theo Báo Le Monde của Pháp, ngày 17-12-1954).
Ngày 30-12-1954, Thủ tướng Phạm Văn Đồng công bố chính sách của Chính phủ với các phóng viên phương Tây ở Hà Nội. Thể hiện sự tin tưởng vào cùng tồn tại hòa bình ở châu Á, Thủ tướng cho biết: “… Chính quyền nhân dân ở Hà Nội chân thành mong muốn thiết lập quan hệ kinh tế với Pháp, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế, phục vụ cho lợi ích của chúng tôi cũng như của nước Pháp. Chúng tôi cũng thiết lập quan hệ với các nước bạn bè khác, như Trung Quốc, nhưng vì chúng tôi đã từng làm việc với Pháp nên chúng tôi có thể tiếp tục việc này trên cơ sở của bình đẳng và đôi bên cùng có lợi”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng lấy làm tiếc rằng chính phủ Mendes-France đã không tiếp tục chính sách của mình “từng đem lại những kết quả tuyệt vời” tại Geneva. Ông nói tiếp: “Pháp cần lựa chọn giữa Washington và Hà Nội và chỉ có Hà Nội mới có khả năng tạo điều kiện cho Pháp duy trì vị thế chính trị và kinh tế của Pháp ở khu vực Thái Bình Dương. Nhưng Pháp lại dịch chuyển về hướng Mỹ. Pháp đã sang Manila tham gia ký một hiệp ước xâm lược (thành lập khối quân sự SEATO). Pháp hiện đang “nước đôi”, nhưng một chính sách đòi hỏi phải có những điểm tựa vững chắc. Không thể cứ tung hứng mãi… Người Việt muốn có bạn bè và chúng tôi mong muốn được nhìn nhận Pháp là bạn. Việc Pháp dấn bước tới hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ với Việt Nam là nằm trong lợi ích của nước Pháp”.
Khi được hỏi về những tin tức Sài Gòn đang chuẩn bị công bố lời từ chối tiến hành cuộc tổng tuyển cử năm 1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết: “Đây là một quyết định nghiêm trọng nhưng chính nước Pháp cũng phải chịu trách nhiệm, vì chúng tôi ký Hiệp định Geneva với nước Pháp và người Pháp phải có những bước đi nhằm chắc chắn được rằng các điều khoản của Hiệp định Geneva là điều được mong đợi. Việt Nam sẽ giành được thống nhất bằng con đường tổng tuyển cử hay bằng một con đường khác, cùng với nước Pháp hoặc không cùng với Pháp. Nếu Pháp cố tình cản xu thế này, nước Pháp sẽ bị phương hại vì không thể chặn được tiến trình của lịch sử. Người dân Việt Nam đòi hỏi tổng tuyển cử và mong muốn cuộc tổng tuyển cử phải diễn ra. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với bất kỳ người Việt nào, vì chúng tôi cần sự hỗ trợ của tất cả trong tái thiết đất nước. Kẻ thù duy nhất của chúng ta là những ai chống lại hòa bình và thống nhất” (theo Báo Le Monde của Pháp, ngày 3-1-1955).
Trong thông điệp đầu năm 1955 gửi nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định rằng Việt Nam vẫn mong muốn thiết lập quan hệ kinh tế và văn hóa với Pháp dựa trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng không thể để Việt Nam tiếp tục bị chia cắt: “Chúng ta cần thiết lập liên lạc giữa miền Bắc và miền Nam và giúp đỡ đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ, theo tinh thần của Hiệp định Geneva. Chúng ta cần khuyến khích các liên kết về kinh tế và văn hóa, thúc đẩy liên lạc giữa đồng bào hai miền Bắc và Nam. Tất cả những nhiệm vụ trên cần được thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước. Chúng ta sẵn sàng đồng hành với mọi cá nhân, mọi tổ chức có nguyện vọng hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ” (theo Báo L’Information của Pháp, ngày 4-1-1955).
Trong một phỏng vấn dành cho tờ Người quan sát của Anh, ngày 2-1-1955, Hồ Chí Minh khẳng định sẽ không thể tiến hành bầu cử riêng rẽ trên từng miền trước ngày tổng tuyển cử vào năm 1956, theo đúng tinh thần của Hiệp định Geneva. “Cuộc tổng tuyển cử phải là phổ thông, tự do, dân chủ, theo nguyên tắc bỏ phiếu kín”…
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)