QĐND-Trên hướng tây nam vào ra kinh thành Thăng Long xưa, tất phải qua Ô Chợ Dừa.

Dẫn tới, hoặc đi ra từ cửa ô này, là con đường cổ “Lai Kinh”, mà đến thời cận đại thì người Pháp chuyển thành Quốc lộ 6. Còn ngày nay thì đó là đường Tây Sơn (thuộc quận Đống Đa của thủ đô Hà Nội).

Đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), cánh quân Tây Sơn do đô đốc Long chỉ huy, sau khi cùng nhân dân vùng “Ba làng gừng” (Khương Thượng, Khương Trung, Khương Hạ) làm “trận Rồng Lửa”, đánh tan đạo quân Thanh của tướng Sầm Nghi Đống án ngữ lối vào ra kinh thành Thăng Long ở mạn này, đã dùng con đường này, thần tốc qua Ô Chợ Dừa nhập đô, bất ngờ thọc mũi dao hiểm vào sau lưng đại bản doanh chủ tướng Tôn Sĩ Nghị của giặc xâm lược nhà Thanh, đóng ở cung Tây Long (khu vực Nhà hát Lớn hiện nay), giải phóng Thăng Long, trước khi đại quân của vua Quang Trung từ Ngọc Hồi ở mạn nam đánh lên, kết thúc vẻ vang, oanh liệt, chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa, vào trưa ngày mồng 5 Tết của “Xuân lửa Đống Đa”.

Đống Đa khi ấy là tên một “xứ” rộng, bao gồm nhiều gò, đống, đồng bãi, ở hai bên con đường “Lai Kinh”, trong đó có khu vực “Chùa Bộc” (Bộc Am) - nơi bộc lộ chồng chất những thây xác chết trận, có gò Núi Ốc (Loa Sơn) - nơi đóng trại và cũng là nơi treo cổ tự tử của tướng Sầm Nghi Đống (bây giờ ở mé sau Trường Đại học Công đoàn), và quả gò bây giờ đang mang tên “gò Đống Đa” (ở trong “Công viên văn hóa Đống Đa”).

Nhiều người và tài liệu, sách báo, thường vẫn coi đây là “quả gò thứ 13” thuộc hệ thống “thập nhị Kình Nghê quán” (12 quả gò làm bằng xác quân Thanh tử trận trên khắp “xứ Đống Đa”, được vua Quang Trung cho gom lại, đắp nên). Sở dĩ gọi gò bằng con số 13, là vì từ khoảng dăm chục năm nay có thuyết cho rằng: Vào năm Tự Đức thứ tư (1851), khi quan Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai cho mở đường, mở chợ qua “xứ Đống Đa”, vẫn thấy nhiều xương cốt, nên đã cho thu thập, đắp điếm thêm và thành một quả gò nữa. Chính là quả gò đang mang tên là Đống Đa bây giờ.

"Trung Liệt Miếu" trên đỉnh gò Đống Đa. Ảnh: Trung Nguyên.

Xin được cải chính những sai lầm này.

Trước hết, không có chuyện vua Quang Trung cho đắp xác giặc Thanh thành “Thập nhị Kình Nghê quán”, thậm chí còn là để “biểu dương chiến công của quân ta và cảnh cáo các thế lực ngoại xâm”!! như nhiều tài liệu gần đây đã viết. Vị chủ soái thiên tài của chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa chắc chắn là một vị “nhân tướng” (trên thang bậc “xếp hạng”

 các tướng lĩnh ngày xưa, từ “dũng tướng”, lên “trí tướng”, rồi mới tới được bậc “nhân tướng”). Bằng chứng là tấm lòng đau đáu xót thương những kẻ tử vong, nhân hậu chí tình đối với các tù hàng binh, thể hiện rất rõ trong văn bản “chiếu phát phối hàng binh nội địa” do Ngô Thì Nhậm soạn thảo, nhưng Quang Trung đứng tên và cho ban hành, thực hiện ngay sau khi kết thúc chiến dịch.

Thực ra thì 12 gò hài cốt quân Thanh là do Tổng đốc Đặng Văn Hòa, vào thời Nguyễn Thiệu Trị (1840-1847) sau thời Quang Trung cả nửa thế kỷ đã cho gom đắp nên. Những “đống xương vô định” này, nhỏ thôi, cho nên đã dễ bị đời sau san bằng. Còn quả gò Đống Đa rộng hơn 6000m2, cao hơn 10m làm sao thành đống mồ đắp bằng xương xác giặc được? Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai, vào năm Tự Đức thứ tư (1851) chỉ cho chôn (cài) những chiếc tiểu sành đựng cốt người tìm thêm được - mà ngày nay thỉnh thoảng vẫn thấy lộ ra ở một vài chỗ quanh rìa (chân) gò thôi. Bởi vì, đây mới là điều quan trọng, quả gò Đống Đa này, vốn là một cao điểm tự nhiên, ít nhất thì cũng đã có mặt, được nhận diện ở đây từ thế kỷ 17 rồi. Tấm bia chùa Càn An, mang niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) hiện ở phía bắc quả gò và chỉ cách gò khoảng 300m còn đang có câu nói rõ về cao điểm này, là: “Trước mặt (chùa) có ngọn núi đất (thổ sơn) ở về phía nam”.

Ngọn núi đất này, vào năm 1963 đã được Bộ Văn hóa, bằng quyết định số 313-VH/VP xếp hạng là Di tích Quốc gia, gọi tên là gò Đống Đa, bởi ý nghĩa và giá trị của chính nó: Là cao điểm duy nhất còn sót lại được trên chiến trường “xứ Đống Đa” xưa. Và xếp hạng luôn cả một di tích kiến trúc tín ngưỡng ở trên đỉnh núi (đỉnh gò) nữa.

Di tích kiến trúc này, ngày nay không nguyên vẹn, chỉ còn một chiếc cổng ở lưng chừng quả đồi, hướng mặt ra đường (phố) Tây Sơn chạy qua trước gò, với ba chữ Hán đại tự ở trên vòm cổng: “Trung Liệt Miếu”. Đây chính là chiếc “nghi môn” dẫn lên tòa kiến trúc xưa ở trên đỉnh gò, vẫn được quen gọi là “Đền Trung Liệt”, mà nay chỉ còn lại vài hàng gạch nền làm di tích. Những người đi trên đường Tây Sơn, qua gò Đống Đa ngày nay, không mấy ai biết chủ đề tín ngưỡng của (di tích) ngôi đền (miếu) Trung Liệt này. Hoặc giả có người còn cho đây là nơi “phối thờ” vua Quang Trung, từ năm 1946!

Thực ra, đây là nơi thờ ba vị tướng của triều Nguyễn: Đoàn Thọ, tử trận ở Lạng Sơn, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, đều chết theo trận đánh (mất) thành Hà Nội.

Con số 3 của những nhân vật “thành thần” ở đền (miếu) Trung Liệt trên gò Đống Đa như thế này, sở dĩ có, là vì người xây đền muốn chắp nối (tiếp nối) chủ đề tín ngưỡng ở đây, với sự thờ phụng ở ngôi “Đền Tam Trung”, xây dựng từ thời Hậu Lê, ở khu vực bây giờ là phố Nguyễn Khuyến.

Đó là dụng ý của “Phó vương” - Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải. Dinh thự viên quan lớn của triều đình bù nhìn nhà Nguyễn và thực dân xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 này - còn gọi là “Ấp Thái Hà”, ở sát ngay cạnh gò Đống Đa. Đứng ra hưng công xây dựng đền (miếu) Trung Liệt trên đỉnh gò, dụng ý của họ Hoàng là muốn biến kiến trúc tín ngưỡng này thành nơi thờ phụng chính ông ta. Cho nên lúc đầu, nơi đây chỉ thờ có “Tam Trung” họ Đoàn, Nguyễn, Hoàng. Nhưng sau, phát triển theo công thức “Song trung, nhị liệt” (để thành tên gọi “Trung Liệt”), Hoàng Cao Khải đã cho thờ thêm ở đây cả Trương Quốc Dụng, một đồng hương của ông ta, chết trong lần đi trấn dẹp cuộc nổi dậy của “giặc” Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên.

Bị nhân dân và “sĩ phu Bắc Kỳ” kịch liệt phản đối, ý đồ của Hoàng Cao Khải không thực hiện được. Và ngôi đền (miếu) Trung Liệt, xây khiên cưỡng trên gò Đống Đa, sau thời gian “xuống cấp” thì cũng được “hạ giải”. Tuy nhiên, những tình huống, nhận thức, kinh nghiệm... tế nhị, tinh vi, phức tạp - trong sự và thế ứng xử đối với những người đã tử vong trong trận mạc ngày xưa, thì vẫn còn đó.

GS Lê Văn Lan