QĐND - Tháng 8-1964, dù nhận thấy “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” sẽ nới rộng một cách không cần thiết quyền lực Tổng thống, Thượng viện Mỹ đã thông qua nó tương đối nhanh, với đa số áp đảo 88/2. Hai phiếu chống là của các dân biểu Ơ-nét-xtơ Gru-ninh (Ernest Gruening), Thống đốc bang Alaska, và Oây-nơ Moóc-xơ (Wayne Morse), bang O-ri-gơn (Oregon), đều thuộc Đảng Dân chủ.
Trong thảo luận tại Thượng viện để thông qua nghị quyết bê bối “Vịnh Bắc Bộ”, phản pháo sự thúc ép của chóp bu diều hâu, Thượng nghị sĩ (TNS) Oây-nơ Moóc-xơ đưa ra cảnh báo, sẽ được nhớ lại muôn ngàn lần về sau:
“Tôi tin chắc rằng sử sách sẽ ghi nhận rằng chúng ta đang mắc một lỗi lớn trong phá hoại và xuyên tạc Hiến pháp của Hoa Kỳ. Tôi tin chắc bản nghị quyết này là một sai lầm lịch sử. Tôi tin chắc rằng trong thế kỷ tiếp theo, các thế hệ sau sẽ có cảm nhận đầy e ngại và thất vọng ghê gớm về một Quốc hội, lúc này đang sắp sửa mắc một sai lầm lịch sử như thế này"[1]
Khai hỏa
Các cuộc “tiến công nghị trường" của Oây-nơ Moóc-xơ đã bắt đầu trước “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Từng nhiều năm giảng dạy tại Khoa Luật Đại học O-ri-gơn, ông trở thành “người hay cau mày dữ dội nhất” của cơ quan lập pháp Hoa Kỳ suốt các nhiệm kỳ trong giai đoạn 1945 - 1969.
 |
Thượng nghị sĩ, luật gia Oây-nơ Moóc-xơ: “Nguyên tắc cao hơn chính kiến” (Principle over politics). Ảnh tư liệu. |
Ngày 4-3-1964, Moóc-xơ bị xem là “con chiên lìa đàn”, khi yêu cầu Quốc hội Mỹ tường trình về cơ quan lập pháp này đang hậu thuẫn chính sách về Việt Nam của bộ ba Giôn-xơn - Rát-xcơ - Mắc Na-ma-ra (Johnson - Rusk - McNamara). Để xoa dịu, Tổng thống Mỹ đã mời các thủ lĩnh Thượng viện, trong đó có Moóc-xơ, vào Nhà Trắng hội kiến về Việt Nam. Nhưng suốt từ mùa Xuân “ảm đạm” 1964, cả trong lẫn ngoài nghị trường, Moóc-xơ không ngừng công kích sự dính líu vào Việt Nam. “Cuộc chiến tranh của Mắc Na-ma-ra”, Moóc-xơ nhấn mạnh, là một cuộc “chiến tranh phi pháp”, và cuộc can thiệp đơn phương của Mỹ vào Việt Nam là hết sức ngu ngốc (sheer stupidity), sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh lớn hơn. “Quốc trưởng” Việt Nam cộng hòa thời đó, Nguyễn Khánh, chủ trương đưa quân Mỹ vào miền Nam, từng gọi Moóc-xơ là “kẻ phản bội”.
TNS Gru-ninh, cặp bài trùng của Moóc-xơ kể từ đầu năm 1964 cũng quyết liệt cảnh báo công luận về mưu đồ mới của phe Giôn-xơn: “Cuộc leo thang đẫm máu và càn rỡ”. Ông cáo buộc Tổng thống Giôn-xơn là phản bội nhân dân Hoa Kỳ, khi đòi Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết “trái hiến pháp” (unconstitutional) Mỹ: Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ…
Chim đầu đàn
Năm 1965, Sách trắng về Việt Nam - ghi chép về các chiến dịch chinh phục miền Nam của miền Bắc Việt Nam (Aggression from the North - Record of North Vietnam’s Campaign to Conquer South Vietnam) “xuất xưởng”. Moóc-xơ gọi nó là “thứ pho mát Thụy Sĩ” (mềm, có nhiều lỗ thủng), mở đầu cho một loạt phê phán khốc liệt cuốn “sách đen” (black book) này trên truyền thông Mỹ và thế giới…
Khi các làn sóng teach-in (hội thảo của sinh viên theo chủ đề chống chiến tranh Việt Nam) trùm lên các trường đại học ở Mỹ khoảng giữa 1965, Ngoại trưởng Rát-xơ lên án các hoạt động “khờ dại (gullibility) của những người có học và sự coi thường các sự kiện đã rõ ràng”. Moóc-xơ đáp lại bằng đòi hỏi cả Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức.
Ngày 19-3-1965, Ngoại trưởng Đin Rát-xcơ (Dean Rusk) đăng đàn tại thành phố Xôn-tơ Lếch-cơ (Salt Lake), phản công túi bụi vào những người “sao lãng việc nước”. Rát-xơ cảnh báo “nếu để cho những kẻ này tung tác, thì Hoa Kỳ sẽ dọn cỗ cho quân địch”. TNS Moóc-xơ đáp lại rằng những toan tính chụp mũ “phản quốc” sẽ vô dụng. Về sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam, Moóc-xơ tiếp tục nhấn mạnh, “Chúng ta không bao giờ được bước chân vào Việt Nam. Chúng ta không bao giờ được ở lại. Chúng ta phải rút đi!”.
Ngày 5-4-1965, Tổng thống Giôn-xơn lại yêu cầu nghị viện thông qua khoản viện trợ ngoài kế hoạch cho các nỗ lực “phát sinh” của Mỹ ở Việt Nam. Cần bày tỏ “trước sau như một, với các nỗ lực của chúng ta trong ngăn chặn sự xâm lăng của cộng sản”, Giôn-xơn kiến giải, đây “không hẳn là tiền, mà là thông điệp”, rằng Hoa Kỳ “làm mọi thứ để bảo đảm an ninh cho Nam Việt Nam khỏi sự xâm lược”.
Không ít ông nghị tỏ vẻ quan ngại. TNS Gia-cốp Gia-vít-xơ (Jacob Javits) (Cộng hòa - bang Niu Yoóc) cho rằng, một phiếu thuận không nên hiểu là “tán thành quân lệnh triển khai quân đội Mỹ trên chiến trường trên bộ ở Việt Nam”. Một số dân biểu khác chia sẻ phiếu thuận đâu phải là ký ủy nhiệm chi cho việc triển khai quy mô lớn lục quân Mỹ… Tuy nhiên tới khi bỏ phiếu, ngoài Moóc-xơ và Gru-ninh bỏ phiếu chống, chỉ có thêm TNS Giây-lo-tơ Nen-xơn (Gaylord Nelson) (Dân chủ, bang Uýt-con-xin), vẫn bức bối từ “vụ Vịnh Bắc Bộ”, lần này ra mặt phản đối.
 |
Sinh viên Mỹ giương cờ Việt Nam dân chủ cộng hòa và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tại Công viên Lớn, Chi-ca-gô, tháng 8-1968. Ảnh tư liệu. |
Trên đà thức tỉnh của công luận, tháng 5 và tháng 6-1965, nước Mỹ có những biến động khác thường. Rầm rộ những hội thảo và tuần hành chống mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, cuốn hút hàng chục ngàn người tham gia, như teach-in (hội thảo) mang tên Ngày Việt Nam tại Đại học Béc-cơ-lây (Berkeley), Ca-li-phoóc-ni-a (California), với 3 vạn người (từ 21 đến 22-5). Ngày 8-6, tại Quảng trường công viên Madison, nơi tổ chức sự kiện truyền thống tại Niu Yoóc, 17 ngàn người đã dành sự hoan nghênh nhiệt liệt nhất cho diễn giả Oây-nơ Moóc-xơ, người phê phán chính sách của Giôn-xơn. Moóc-xơ nhắc lại lời kêu gọi từ thời “Vụ Vịnh Bắc Bộ”, là cần đưa vấn đề giải quyết xung đột cho Việt Nam ra Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Sự nhất trí tại Nghị viện Mỹ về vấn đề Việt Nam, theo TNS Moóc-xơ, không phải là sự nhất trí của người dân Mỹ, của các tổ chức xã hội ở Mỹ, mà là sự đồng lõa của “Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, CIA, và các quan chức Nhà Trắng”.
Năm 1966 đến với một luồng gió mới tại các phiên điều trần dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Uy-li-am Phun-brai-tơ (William Fulbright). Nhờ Phun-brai-tơ mà tiếng nói quyết liệt “Out now” (rút ngay) của Moóc-xơ thêm lừng vang trong công luận. Người ta vẫn nhớ những truy cản quyết liệt của ông trong buổi Tướng Mắc-xoen Tay-lo (Maxwell Taylor), vừa rời ghế đại sứ Mỹ ở Sài Gòn về, điều trần trước Ủy ban đối ngoại thượng viện (17-2-1965). Các sách về phong trào hòa bình Mỹ cho rằng, Moóc-xơ đã chạm vào những “dây thần kinh tủy” của chính quyền Giôn-xơn. Những câu chống đỡ của Tay-lo, vừa “thiếu tinh thần yêu nước, vừa quá ấu trĩ (naiveté)”, gây cảm tưởng Nhà Trắng như lô cốt (có lỗ châu mai và chĩa họng súng) vào người dân Mỹ đang xem truyền hình, theo Nan-xy Da-ru-lít (Nancy Zaroulis), tác giả sách về phong trào phản chiến.
Ngày 26-8-1968, đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ nhóm họp tại Chi-ca-gô trong không khí chia rẽ chưa từng có (Giôn-xơn đã bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng trong tiếng vọng của sự kiện “Tết Mậu Thân”), rối ren về chính trị, náo động trong dân chúng (bạo loạn xảy ra ở trên 100 thành phố nước Mỹ).
“Cả thế giới đang nhìn” về Chi-ca-gô - những tiếng hô phản chiến làm rung tường phòng họp lớn Đảng Dân chủ. Ngày 28-8 đi vào lịch sử như ngày “bạo động cảnh sát”, khi cảnh sát Chi-ca-go đụng độ với một vạn người phản chiến, phất cờ “Bắc Việt” và “Việt Cộng” (ý nói cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh). Các đảng viên dân chủ chống chiến tranh, gồm cả các TNS như Oây-nơ Moóc-xơ và Clai-boóc-nơ Peo-lơ (Claiborne Pell), đòi chấm dứt ngay ném bom miền Bắc, rút ngay quân đội nước ngoài khỏi Nam Việt Nam, thành lập ngay chính phủ liên hiệp gồm cả Mặt trận giải phóng. Các đảng viên diều hâu phe Hơm-phrây (Humphrey), dưới áp lực toàn diện, cũng đưa ra đòi hỏi tương tự về nội dung, nhưng kèm theo những mặc cả này nọ với Hà Nội.
Tháng 11 đến, phong trào phản chiến bị giáng một đòn mạnh. Ních-xơn (Nixon) thắng cử sít sao (giành 43,4% so với Hơm-phrây được 43% số phiếu). Dự báo của Mắc Giốc-giơ Bân-đi (McGeorge Bundy), một diều hâu thuộc nhóm thông thái (Wise Men - chuyên cố vấn cho Tổng thống), nay chuyển sang chống đối sự có mặt “tốn kém” của Mỹ ở Việt Nam, là chiêu trò “Việt Nam hóa” chiến tranh của Ních-xơn sẽ không bị lật tẩy trong giai đoạn bầu cử, đã trúng phóc. TNS Moóc-xơ thất cử trong cuộc chạy đua lần thứ 5 vào thượng viện, O-rin-gơn trở thành nơi có hai TNS thuộc Đảng Cộng hòa cầm quyền. Đồng đội của ông trên mặt trận phản chiến, Gru-ninh cũng mất ghế TNS bang Alaska…
Nhưng từ 13-11-1969, vẫn rầm rập bước chân hàng chục vạn người trong Tuần hành chống tử thần (March against death), đòi chính quyền điều tra các tội đồ của vụ thảm sát Mỹ Lai. Tại Oét-xtơ Câu-xtơ (West Coast), Ca-li-phoóc-ni-a, đã xảy ra tuần hành chưa từng có, cuốn hút tới 250 nghìn người tham gia. Tại đây đã vang vọng tiếng của nhiều người chống chiến tranh, từ các đảng viên Báo đen, đòi “xử” Ních-xơn, đến các giọng nói ôn hòa hơn đòi đình chiến, đến từ MOBE (Mobilization Committee to end the War in Vietnam - Ủy ban vận động đình chiến ở Việt Nam). Tràng vỗ tay dài nhất được dành cho diễn giả - “cựu binh” đi đầu trên mặt trận phản chiến tại nghị trường, Oây-nơ Moóc-xơ. Ông chỉ rõ, thế hệ người Mỹ hiện tại không hiểu thấu, rằng chính “Ai-xen-hao-ơ, Đan-lét và Ních-xơn đã lôi người Mỹ vào cuộc chiến này”. Ông nhắc lại: Quân lực Mỹ phải triệt thoái khỏi Việt Nam, ngay lập tức.
Đến hơi thở cuối
Sức ép công luận, hun đúc bởi các tiếng nói phản chiến đầy sức thuyết phục, như Oây-nơ Moóc-xơ, đã buộc Ních-xơn vào tháng 1-1971 phải ký sắc luật bãi bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Tháng 11-1973, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết buộc Tổng thống phải tham vấn với Quốc hội trước khi ra quyết định điều quân viễn chinh (War Powers Resolution - Nghị quyết về quyền hạn chiến tranh), bất chấp phủ quyết của Ních-xơn. Lao vào chiến dịch tái tranh cử vào Nghị viện, Moóc-xơ đột tử vì trụy thận giữa năm 1974. Lời điếu ông trên tờ The New York Times viết, “tử thần vừa cướp đi một công bộc (public servant) tuyệt vời trên Nghị trường Mỹ”. Tập tiểu sử “Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ" ra năm 2002 gọi Oây-nơ Moóc-xơ là “lương tâm của Thượng viện Mỹ”[2]. Trang điện tử của Thượng viện Mỹ suy tôn ông là “con hổ trên nghị trường”[3].
Cổ nhân dạy: Những người can đảm và thông minh thực sự thì không bao giờ phải hồ nghi về những nghĩa cử của mình. Nhân dân tiến bộ Mỹ và thế giới không bao giờ quên “ngọn cờ phản chiến” Oây-nơ Moóc-xơ.
LÊ THÀNH
[1] Thảo luận dự thảo Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ (6,7-8-1964). http://vietnam.vassar.edu/overview/doc9.html
[2] http://books.google.com.vn/books?
[3] http://www.senate.gov/artandhistory/history/minute/Wayne_Morse_Sets_Filibuster_Record.htm