QĐND - Đó là chí sĩ-liệt sĩ Nguyễn Đức Công, tức Hoàng Trọng Mậu.
Ông sinh năm 1874, tại xã Cẩm Trường, nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Là con trai thứ tư của cụ cử nhân khoa Quý Dậu 1873 Nguyễn Đức Tân-người đang làm quan “Hành tẩu” ở Huế, thấy triều đình “hòa” với thực dân Pháp xâm lược, đã một mạch cáo quan về nhà. Được cha rèn cặp chí hướng cùng chữ nghĩa ngay từ nhỏ, nên ông đã sớm và ngầm nuôi lòng yêu nước, mưu sự cứu nước trong suốt thời trai trẻ, không chọn con đường tiến thân bằng khoa cử, mặc dù rất giỏi tài văn chương, luôn đỡ đầu các cuộc thi sát hạch học sinh toàn tỉnh, được gọi là “Đầu xứ Công”.
Năm 1908, hưởng ứng lời kêu gọi và phong trào Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu, dù đã ở tuổi 34, ông rời quê hương, để lại ở nhà người vợ hiền và 4 con nhỏ, bí mật xuất dương sang Nhật. Từ tháng 5-1908, ông vào học ở Ban Đặc biệt của Đồng Văn thư viện Tô-ki-ô, tham gia Cống hiến hội làm Ủy viên Bộ Văn thư, viết lời bình cho sách “Việt Nam quốc sử khảo” của Phan Bội Châu…
Lớn tuổi hơn cả trong số gần 200 nhân vật Đông Du, ông cũng là người học rộng, biết nhiều hơn cả. Và đặc biệt là thiên và giỏi về quân sự.
 |
Chí sĩ, liệt sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu). Ảnh tư liệu |
Tháng 3-1909, tổ chức Đông Du ở Nhật bị giải tán. Ông Nguyễn Đức Công cùng các đồng chí về Trung Quốc. Ở đấy, ông tranh thủ vào học Trường Võ bị, học thêm các môn kinh tế-chính trị… Năm 1911, cuộc Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo thành công ở Trung Quốc. Tranh thủ thời cơ này, các nhà cách mạng Việt Nam, dưới sự chủ trì của Phan Bội Châu, thêm sự tham gia của Hoàng thân Cường Để, đã tụ hội được trên dưới 100 người tại ngôi từ đường của “Tướng Cờ Đen” Lưu Vĩnh Phúc ở Sa Hà, thành lập tổ chức Việt Nam Quang phục hội, từ tháng 3-1912.
Với biệt danh Hoàng Trọng Mậu, ông Nguyễn Đức Công được bầu làm Ủy viên phụ trách Quân sự trong Bộ Chấp hành.
Trở thành yếu nhân của tổ chức Việt Nam Quang phục hội, và liền đó là Việt Nam Quang phục quân, trong các năm từ 1912 đến 1915, “cánh tay phải” của Phan Bội Châu, khi thì dùng tên thực là Nguyễn Đức Công, khi mang biệt danh Hoàng Trọng Mậu, đã làm được nhiều việc quan trọng, như: Viết lời “Tuyên cáo” với tư tưởng “dân chủ cộng hòa”-lần đầu tiên được xác lập, cho đường lối cách mạng và thể chế tương lai của đất nước do hội tiến hành, trong đó có câu rất lạ với thời buổi bấy giờ, nhưng lại rành rẽ khẳng định: “Muốn cho ích nước lợi nhà/ Ắt là Dân chủ-Cộng hòa mới xong”; viết chính cuốn sách “Quang phục quân phương lược”-công trình lý luận và thực tiễn quân sự học Việt Nam thời cận đại; tham gia chế định Quốc kỳ, Quân kỳ và ký tên trên “Quân dụng phiếu”-một loại tín phiếu (của hội) giống như công trái (của Quốc gia) với tư cách là người kiểm phát…
Đặc biệt, vào đầu năm 1915-khi chí sĩ Phan Bội Châu đã bị thế lực quân phiệt Trung Hoa bấy giờ bắt giam-thì ông Nguyễn Đức Công, với biệt danh Hoàng Trọng Mậu, đã là thủ lĩnh và thủ xướng của kế hoạch đưa quân từ Vân Nam, Quảng Tây về đánh Pháp trên tuyến biên giới các tỉnh Lào Cai-Cao Bằng-Lạng Sơn, và thực tế đã tiến hành được trận công kích đồn Tà Lùng của Pháp ở Cao Bằng, ngày 13-3-1915, gây được tiếng vang.
Chính vì thế, và chính vào lúc này, đã diễn ra sự kiện lịch sử kỳ diệu: Từ hải ngoại, Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) đã “lọt mắt xanh” của nhà vua trẻ yêu nước Nguyễn Duy Tân ở trong Cấm thành Huế, và được nhà vua tự tay bí mật viết chiếu chỉ phong tướng, cho làm chức “Tả quân chánh đạo”, dành cho việc chỉ huy quân sự cuộc khởi nghĩa đang được tích cực chuẩn bị của nhà vua ở trong nước.
Vua Duy Tân, sinh năm 1900, là Hoàng tử bé Nguyễn Vĩnh San của nhà vua yêu nước Nguyễn Thành Thái-bị thực dân xâm lược và đô hộ Pháp hạ bệ, đưa từ Huế vào giam lỏng ở Vũng Tàu. Từ năm 1907, người Pháp đã chọn và đặt lên ngôi một hoàng tử 7 tuổi để thay thế vị vua cha “cứng đầu”, người Pháp đã chắc mẩm việc rồi sẽ dễ dàng khống chế, sai bảo. Không ngờ, Duy Tân-Nguyễn Vĩnh San, càng lớn lên, lại càng dốc chí, kiên tâm, bí mật đi theo con đường yêu nước của hoàng phụ.
Các chí sĩ của Việt Nam Quang phục hội ở miền Trung đã nhanh nhạy khai thác trường hợp này. Cuộc họp kín đại biểu các tỉnh Trung Kỳ của Việt Nam Quang phục hội vào tháng 9-1915 đã quyết định cử các chí sĩ: Thái Phiên, Trần Cao Vân tìm cách bí mật yết kiến, vận động vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa. Dự định trọng đại này đã nhắm vào ngày 14-4-1916, khi hai nhà chí sĩ giả làm người câu cá ở một con hồ trong kinh thành, chờ và được vua Duy Tân đến gặp. Nhà vua chấp nhận làm minh chủ cuộc khởi nghĩa, sẽ nổ ra vào giờ Tý ngày mồng một tháng Tư năm Bính Thìn, dương lịch là nửa đêm 2-5-1916.
Đúng hẹn, vua Duy Tân cải trang thành thường dân, bí mật xuất cung, xuống thuyền ở bến Thương Bạc, đi theo quân khởi nghĩa. Nhưng không may, gặp phải kẻ phản bội tố giác, sự việc bị bại lộ, cuộc khởi nghĩa vỡ lở ngay từ trong trứng. Người Pháp huy động tối đa lực lượng phòng bị, đồng thời ra sức truy lùng nhà vua và đã bắt được vị minh chủ cuộc khởi nghĩa đang ẩn náu ở núi Ngũ Phong, ngoại vi thành Huế vào buổi trưa 3-5-1916.
Một cuộc đàn áp khốc liệt đã diễn ra ngay sau đó. Hàng nghìn người bị bắt, hàng trăm án lưu đày được tuyên xử, hàng chục vụ trảm quyết được thi hành.
Các chí sĩ Thái Phiên, Trần Cao Vân dũng cảm bảo vệ vua Duy Tân, nhận hết trách nhiệm tổ chức khởi nghĩa về mình, nên bị hành hình man rợ. Vua Duy Tân-16 tuổi-nhờ đó, chỉ bị Viện Cơ mật do Pháp giật dây, kết tội “Vọng sính sàm ngôn, khuynh nguy xã tắc” (Nghe lời bậy bạ, làm nghiêng nguy đất nước), bị truất ngôi, phát lưu từ Huế vào Vũng Tàu-giống như vua cha của mình 10 năm trước, và gặp lại hoàng phụ của mình ở đấy-rồi cùng vua Thành Thái, lĩnh án biệt xứ lưu đày sang đảo Réunion!
Cũng trong khi tiến hành cuộc đàn áp này, còn có một sự việc khiến người Pháp bàng hoàng.
Ấy là, do cũng bắt được cả viên quan Thị vệ hộ giá vua Duy Tân xuất cung đêm 2-5-1916 là Tôn Thất Đề, khai thác viên này, người Pháp đã tìm thấy một tài liệu cực kỳ quan trọng, cất giấu dưới nền cung điện trong Cấm thành, vào sáng ngày 14-5-1916. Đó là một bản thủ chiếu, do vua Duy Tân tự tay viết, đóng dấu kiềm “Ngự tiền chi bảo”, và đề ngày “22 tháng Ba năm Duy Tân thứ 9”, tức là ngày 5-5-1915, trước khi có cuộc tiếp xúc với nhóm Thái Phiên-Trần Cao Vân, trước khi vỡ lở cuộc khởi nghĩa đêm 2-5-1916 đến cả năm trời! Ở văn bản lịch sử vô cùng đặc sắc và hiếm có này, vua Duy Tân-ở tuổi mới 15-đã khẩn thiết kêu gọi mọi thần dân nước Đại Nam nổi dậy khởi nghĩa, và quyết định phong tướng cho 4 người, trong đó, ở hàng đầu và chức lớn nhất chính là Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu)!
Điều kỳ lạ là: Vua Duy Tân, trong suốt 9 năm ngồi ngai, và cả lúc tự tay viết chiếu chỉ giữa Cấm thành Huế, giữa cuộc bao vây và giám sát ngặt nghèo của thực dân Pháp, đã bí mật phong tướng cho một nhân vật vô cùng xứng đáng, nhưng lại chưa từng một lần có liên lạc, càng chưa từng bao giờ gặp mặt.
Vì thế mới có sự thể còn kỳ lạ hơn, là: Đúng vào thời gian được vua Duy Tân mật phong làm tướng và cả mãi mãi về sau nữa, tướng Nguyễn Đức Công vẫn không hề hay biết mảy may. Bởi vì, ngay sau trận đánh đồn Tà Lùng, ngày 13-3-1915, tướng Nguyễn Đức Công đã có một chương trình hành động tiếp theo, rất quan trọng nhưng cũng hết sức nguy hiểm, là: Đi từ Nam Ninh sang Hồng Công, rồi từ đấy đáp tàu thủy đến Thái Lan, gặp sứ quán Đức ở Băng Cốc để nhận một khoản viện trợ tài chính cho Hội và Quân Việt Nam Quang phục tiếp tục tiến hành sự nghiệp chống Pháp! (Do lúc này nước Đức đang địch đối với nước Pháp, trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, 1914-1918). Trong khi chờ tàu ở Hồng Công, tướng Nguyễn Đức Công đã bị mật thám Pháp-đã theo dõi, rình mò từ lâu, phối hợp với mật thám Anh và bọn Hán gian chỉ điểm, bắt được. Ông bị bọn chúng giải ngay về biệt giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Từ đấy cho đến hết năm 1915, là nửa năm của thời gian tướng Nguyễn Đức Công hết bị hành hạ, đọa đày lại bị mua chuộc dụ dỗ trong tù ngục. Và tới ngày 24-1-1916 thì để lại câu đối tuyệt mệnh hết sức sáng giá mà hiên ngang ra pháp trường ở “Trường bắn Bạch Mai”, nhìn thẳng vào 10 họng súng hành hình của thực dân Pháp-theo đúng “nghi thức” xử bắn đối với tướng lĩnh đối phương-mà vẻ vang về cõi vĩnh hằng:
Yêu nước tội gì? Duy có tinh thần là chẳng chết.
Ra quân chưa thắng! Xin đem tận sử gửi đời sau…
GS LÊ VĂN LAN