Ông được cử làm đại diện cho phía Chính phủ Pháp dự tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 và có những đóng góp nhất định trong kết nối kênh bí mật cho bàn đàm phán đi tới Hiệp định Paris 1973.

Trở lại Hà Nội

Năm 1939, ngay trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Jean Sainteny, nhân viên ngân hàng Pháp, học một khóa do thám đường không. Pháp đầu hàng Đức Quốc xã năm 1940 khiến Sainteny quyết định gia nhập phong trào kháng chiến Pháp. Ông nhiều lần thâm nhập vùng bị phát xít chiếm đóng, từng bị quân Đức bắt hai lần nhưng thoát được. Trong hoạt động bí mật, Sainteny lấy mật danh là Dragon (Con rồng), có thể do khi mới 22 tuổi, Jean Sainteny đã đến Đông Dương làm việc ba năm trong ngành ngân hàng ở Hà Nội. Do một mạng lưới lớn bị vỡ, ông bị bắt lần thứ ba và bị Gestapo tra tấn cực kỳ dã man. Bị thương tổn vô cùng nặng nề nhưng Sainteny vẫn vận động được một cai tù giúp ông vượt ngục thành công. Sau khi Pháp được Đồng minh giải phóng, Thiếu tá Sainteny được Paris giao nhiệm vụ trở lại Đông Dương hoạt động.

leftcenterrightdel
Nhà thương thuyết Sainteny và vợ về tới phi trường Orly, Paris, sau khi đạt được Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Ảnh tư liệu nước ngoài

Sách Việt Nam 1945: Cuộc tranh chấp quyền bính (Vietnam 1945: The quest for power) viết: Tháng 8-1945, tại Hội nghị Postdam, 3 nước Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ đã quyết định cắt Đông Dương làm hai tại vĩ tuyến 16 và quân đội của Tưởng Giới Thạch sẽ tiến vào Bắc Bộ để tiến công và giải giáp quân Nhật.

Tác giả sách này, David Marr, viết tiếp: Quan chức Pháp đầu tiên quan tâm lập tức đến việc lãnh đạo Đồng minh cho “Hoa quân nhập Việt” mà không đếm xỉa gì đến Pháp là Jean Sainteny, chỉ huy Đặc nhiệm Pháp MI5 (Mission 5- biệt kích và gián điệp) tại Côn Minh, Trung Quốc, thuộc quyền Cục Quân báo Viễn Đông của Pháp (S.L.F.E.O) đóng tại Ấn Độ. Theo Marr, “Sainteny loay hoay chắp vá các nguồn lực xoàng xĩnh có trong tay nhằm tái thiết chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Một khi quân Pháp đã không thể nhập cuộc chính quy và kịp thời, hãy còn một cách nữa là ném thẳng xuống Hà Nội một toán biệt kích để kiểm soát tình hình”. Tuy nhiên, Tổng tham mưu trưởng quân Tưởng Hà Ứng Khâm ra lệnh ngăn cản người Pháp trở lại miền Bắc Việt Nam.

Các nỗ lực tung đội đặc nhiệm vào Việt Nam (Hải Phòng, Tam Đảo, Huế, Tây Ninh…) của phái bộ Sainteny (Côn Minh) và Tình báo Pháp DGER (đóng tại Calcuta) đều thất bại. Các biệt kích đều bị bắt hoặc tử trận.

Ngày 22-8-1945, Sainteny đã bám càng được chiếc C-47 Dakota chở 13 thành viên OSS do A.Patti cầm đầu. Khi đáp xuống Hà Nội, quân Nhật bắt những người Pháp phải quay lại Trung Quốc, nhưng Patti đã bảo lãnh cho nhóm Sainteny. Quân Nhật đưa Sainteny về ở dinh toàn quyền, theo Marr, thực chất là giam lỏng.

Ký hiệp định đầu tiên với Việt Nam và đại sứ nước ngoài đầu tiên ở Hà Nội

Vào tuần lễ Việt Nam tuyên bố độc lập đầu tháng 9-1945, tiền trạm 20 vạn quân Quốc dân đảng đã vào Hà Nội, bắt Sainteny phải rời Bắc Bộ phủ.

Ngay từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Jean Sainteny, đại diện cho phía Pháp, thường xuyên đàm phán. Sainteny kể lại: “Những cuộc thương thảo của chúng tôi thường kết thúc khi đêm về khuya, với khói thuốc cuồn cuộn giống như trong tiệm hút, nhưng lại chẳng có khoái cảm gì”.

Để tránh thế cô lập giữa hai kẻ thù, Hồ Chí Minh tìm cách loại Quốc dân đảng bằng cách chấp nhận Việt Nam nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh tận dụng quan hệ với những chính khách, tới lúc này, có thiện cảm với nền độc lập của Việt Nam, là tướng Leclec và Sainteny, ký một bản hiệp định sơ bộ trong khi chờ dàn xếp một bất đồng.

Hiệp định sơ bộ 6-3 chính là một khung pháp lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh giữa hai dân tộc Pháp-Việt.

Tháng 5-1946, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán về các điều khoản chi tiết của bản Hiệp định sơ bộ. Các cuộc thương lượng chính thức đổ bể khi Thierry d’Argenlieu, cao ủy Đông Dương triệu tập hội nghị đơn phương định đoạt vận mệnh của xứ Nam Kỳ. Sách Hồ Chí Minh, một hành trình (Ho Chi Minh a journey) nhấn mạnh: De Gaulle muốn giành lại quyền lực của Pháp ở Đông Dương.

Để đình hoãn xung đột, Hồ Chí Minh đã mềm dẻo ký được với Bộ trưởng thuộc địa Marius Moutet một Tạm ước vào 14-9-1946 (Tạm ước này về mặt chính trị xác nhận các nội dung của Hiệp định sơ bộ 6-3; yêu cầu các bên đình chỉ xung đột; về mặt kinh tế có những nhượng bộ về nguồn thu rõ rệt cho Pháp tại Việt Nam). Nhưng theo Sainteny, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Nếu cần phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Nhưng vào hồi kết, chính các ông lại là kẻ kiệt sức”.

Hồ Chí Minh cùng Sainteny trở về Hà Nội, tiếp tục thương lượng trong khi phía Pháp ngày càng lấn tới trong hoạt động gây hấn. Ngày 19-12-1946, cuộc chiến giữa Quân đội

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quân Pháp bùng nổ (Toàn quốc kháng chiến). Chiếc chiến xa chở Sainteny vấp phải một quả mìn, Sainteny bị thương nặng.

Tháng 3-1947, Sainteny được gọi trở về Pháp để điều trần trước Quốc hội. Ông dự báo thất bại quân sự không thể tránh khỏi của Pháp tại đây, nếu không thương lượng về chính trị với Chính phủ Hồ Chí Minh-điều làm phái diều hâu khó chịu. Từ tháng 12-1947, Sainteny được cho nghỉ dài hạn.

Sau Hiệp định Geneva (tháng 7-1954), Chính phủ Mendes France muốn cải thiện quan hệ Pháp-Việt. Ngày 7-8-1954, Jean Sainteny được bổ nhiệm Trưởng phái đoàn đại diện Pháp tại miền Bắc Việt Nam.

Sau khi tái ngộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm 18-10, Sainteny viết báo cáo về Paris cho rằng Pháp nên đầu tư vào nền kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giữ vị thế của Pháp, rằng ý đồ chia cắt lâu dài Việt Nam sẽ chỉ dẫn tới một cuộc xung đột mới.

Truyền thông điệp của Hồ Chí Minh

Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ còn lưu một bức điện của Đại sứ quán Mỹ gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, thư đề ngày 21-7-1966, về việc trao đổi với Sainteny, đặc sứ của Chính phủ Pháp vừa thăm Hà Nội về. (Sainteny đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh và Nạn nhân chiến tranh Pháp cho tới tháng 1-1966-ND). Thư có đoạn viết:

“Sainteny cho hay, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã nói rõ với ông ta trong những lần gặp là lãnh đạo Việt Nam không cự tuyệt ý tưởng về các dạng thức đàm phán. Tuy nhiên, ông không chắc liệu phía Việt Nam sẵn sàng đến ngay một hội nghị hay cuộc đàm phán công khai nào. Sainteny cảm thấy rằng phương pháp duy nhất phải là một kênh bí mật thông qua một cá nhân không quá nổi tiếng, có thể ở đây, Paris, hoặc ở một số thủ đô trung lập khác…”.

Từng là đại diện cho Cộng hòa Pháp tại tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sainteny dành các năm tiếp sau để thực hiện mong muốn của Người. Như ông đã từng viết trong Lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu đích thực, duy nhất, trước sau như một của Hồ Chí Minh là: Nước Việt Nam độc lập”.

Sách Không hòa bình, chẳng danh dự của Larry Berman, trang 37, viết: Đến sân bay quốc tế Dulles ngày 14-7-1969 trên chuyến bay hàng không Pháp có một hành khách đăng ký tên là Edward McCarthy, thuộc công ty dụng cụ quang học Hoa Kỳ. Đó chính là Jean Sainteny bí mật đến Mỹ với một vỏ bọc mới.

Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger muốn Sainteny tới Washington lần này để đánh giá lại tình hình Việt Nam và dàn xếp gặp gỡ giữa Kissinger và ông Lê Đức Thọ. Không ai được biết Sainteny xuất hiện tại Washington. Ngay cả Phó tổng thống Spiro Agnew cũng được chỉ thị không tiết lộ thân phận thực sự của Sainteny.

Sau khi hội kiến với Đại sứ Mai Văn Bộ và Bộ trưởng Xuân Thủy ở Paris, Sainteny gửi thư ngay cho Kissinger. Sainteny viết: “Thư của tổng thống gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trao cho Xavier (Bộ trưởng Xuân Thủy) với sự hiện diện của Maurice (Đại sứ Mai Văn Bộ). Những người nói chuyện với tôi nhắc đi nhắc lại rằng, họ tỏ ra nghi ngờ khi tôi nói rằng các ông muốn chấm dứt chiến tranh bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên…”.

Với nỗ lực của các bên, ngày 4-8-1969 đã diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Kissinger và Bộ trưởng Xuân Thủy tại căn hộ của Sainteny ở Paris…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hồi đáp thư trên của Tổng thống Nixon, trong thư đề ngày 15-7-1969. Cũng là văn bản cuối cùng in trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập. Thư được viết bằng hai thứ tiếng là Việt (là văn bản được Người ký) và Pháp.

Ở Nhà Trắng, các bản gốc của lá thư này nằm trong hồ sơ ký hiệu là “Ông S.”. Vào thời ấy, nhân thân của người trung gian đàm phán “Ông S.” chỉ được hai người phía Mỹ biết rõ, đó là Tổng thống Nixon và ông Henry Kissinger.

Jean Sainteny đã đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: Dường như không có cả đến đời sống riêng, ông đã nguyện vì nền độc lập và công cuộc tái thống nhất của Việt Nam mà trọn đời dâng hiến.

LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)