Gần 200 tài liệu mà Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) giải mật và công bố vào năm 2005 và 2006, trong đó có tới hơn 140 tài liệu thuộc dạng tối mật, bao gồm cả ghi âm điện thoại, phỏng vấn trực tiếp, các bản tin tình báo và cả niên giám sự kiện Vịnh Bắc Bộ được thực hiện bởi Bộ Quốc phòng và NSA. Kết hợp với những cuốn băng ghi âm những cuộc gọi của các quan chức từ Nhà Trắng liên quan đến các sự kiện này được giải mật gần đây và sự thật đã được phơi bày. Các tài liệu này đã cung cấp một cách trọn vẹn bằng chứng về những quyết định chính thức đưa quân đội Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam.
Lúc 20 giờ 40 phút ngày 4-8-1964, tàu Maddox báo cáo rằng nó đang theo dõi những chiếc tàu không xác định được. Mặc dù cả hai tàu Maddox và Turner Joy của Mỹ đang hoạt động cách xa bờ biển miền Bắc Việt Nam hơn 100 hải lý, các tàu lạ chưa xác định đó dường như đang tiếp cận vào hai tàu khu trục từ nhiều hướng. Hơn 3 giờ sau đó, các tàu này thông báo rằng đã bị bắn bằng vũ khí tự động; có hơn 20 cuộc tiến công bằng ngư lôi; đã nhìn thấy lằn sóng của ngư lôi, đèn pha chiếu sáng và rất nhiều tín hiệu của ra-đa. Ngay lúc đó, hai tàu khu trục đã tiến hành “đòn phản công”. Họ đã bắn 249 quả đạn pháo 5 inch, 123 quả đạn pháo 3 inch và 4-5 quả bom chìm.
    |
 |
Đại tá John J.Herrick (trái) cùng Trung tá Herbet L.Ogier, Thuyền trưởng tàu khu trục Maddox. Ảnh: Trung tâm lịch sử Hải quân Mỹ. |
Trung tá Stockdale, phi đội trưởng phi đội VF-51 trên tàu sân bay Ticonderoga (CVA-14) đã bay một mình từ đó đến nơi sự kiện xảy ra vào lúc 21 giờ 35 phút. Trong khoảng 90 phút, ông ta bay song song với hướng tàu ở độ cao nhỏ (dưới 2.000 feet) để tìm kiếm tàu của đối phương. Sau đó, ông ta báo cáo: “Tôi đang có một chỗ ngồi tốt nhất để theo dõi sự kiện và các tàu khu trục của chúng ta đang bắn vào những mục tiêu ma-chẳng có tàu tuần tiễu phóng lôi nào ở đó cả… chẳng có gì ngoài nước biển đen ngòm và hỏa lực của tàu Mỹ”.
Đại tá Herrick, chỉ huy trưởng biên đội tàu khu trục 192 (gồm hai tàu trên) cũng bắt đầu nghi ngờ về vụ tiến công. Tàu Turner Joy không xác định được bất kỳ quả ngư lôi nào trong toàn bộ quá trình đụng độ. Herrick thì khẳng định rằng thủy thủ của tàu Maddox có khả năng nghe được tiếng động phản hồi từ bánh lái của tàu trong quá trình chân vịt quay. Còn hệ thống pháo chính trên tàu cũng không khóa được bất kỳ mục tiêu nào vì các pháo thủ phỏng đoán là ra-đa đã bắt vào các đỉnh sóng do biển động.
Lúc 1 giờ 27 phút ngày 5-8, nhiều giờ sau vụ “tiến công”, Herrick đã chất vấn thủy thủ đoàn và xem xét lại quá trình trước khi sự kiện xảy ra. Ông ta gửi đi một bức điện với mức ưu tiên cao nhất tới Honolulu. Bức điện này cũng đã tới Washington lúc 13 giờ 27 phút ngày 4-8 (giờ Washington). Trong đó, ông ta tuyên bố về mối nghi ngờ của mình: “… Thời tiết xấu đã ảnh hưởng tới ra-đa và nhân viên sô-na... Tàu Maddox thực sự không nhìn thấy cái gì bằng mắt thường. Đề nghị đánh giá một cách đầy đủ trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào”.
Sự nhầm lẫn ở Washington
Những bức điện được giải mật vào năm 2005 và những cuốn băng được công bố gần đây từ Thư viện Lyndon Baines Johnson đã tiết lộ sự nhầm lẫn của các nhà lãnh đạo ở Washington. Các cuộc gọi giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Trung tâm chỉ huy Quân sự quốc gia, Sở chỉ huy của Tư lệnh chiến trường Thái Bình Dương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara thường xuyên được trao đổi trong quá trình diễn ra “trận chiến ma quái”. Giờ Việt Nam trước 12 tiếng so với giờ ở Washington nên “trận chiến” diễn ra vào tối 4-8 ở Vịnh Bắc Bộ được giám sát ở Washington vào sáng hôm đó.
Ở Hawaii, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Grant Sharp nhận báo cáo bằng điện tín của Đại tá Herrick. Lúc 2 giờ 48 phút ở Vịnh Bắc Bộ, Herrick gửi một bản báo cáo khác mà trong đó ông ta đã thay đổi nội dung câu chuyện trước đó:
“Chắc chắn rằng cuộc phục kích ban đầu là có thật. Chi tiết của hành động tiếp theo đó cho thấy một sự nhầm lẫn”.
McNamara đã gọi điện cho Sharp lúc 16 giờ 8 phút (giờ Washington) nói rằng sự việc kết thúc rồi và hỏi: “Liệu có khả năng không có cuộc tiến công nào cả?”. Sharp thừa nhận là có một “khả năng rất mong manh” vì sóng vọng chập chờn, trắc thủ sô-na thiếu kinh nghiệm và không có một tín hiệu nhìn thấy bằng mắt thường nào về vệt lằn của ngư lôi. Ngài đô đốc còn nói thêm rằng, ông đang cố gắng thu thập thông tin và đề nghị chưa đưa ra bất kỳ mệnh lệnh về một cuộc tiến công trả đũa nào đối với miền Bắc Việt Nam cho đến khi “chúng ta có một dấu hiệu thật rõ ràng về những gì đã xảy ra”.
    |
 |
Bản đồ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ: Vị trí tàu Maddox bị tiến công ngày 2-8 và vị trí tàu Maddox, tàu Turner Joy theo tường trình phía Mỹ bị “tiến công” ngày 4-8. |
Một nguồn tin tình báo khác lại củng cố niềm tin rằng một cuộc tấn công đã xảy ra. Một bức điện tín thu được qua thông tin tình báo, hình như từ một trong các tàu tuần tiễu của Bắc Việt Nam đã báo cáo: “Đã bắn rơi hai máy bay trong khu vực chiến đấu. Chúng ta hy sinh hai đồng chí, số còn lại đều an toàn. Tàu địch có thể đã bị thương”. Bản báo cáo này là một bằng chứng nhỏ có sức thuyết phục. Lúc 17 giờ 23 phút ở Washington, trung tướng không quân David Burchinal, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã nhận được cuộc gọi của Sharp khi ông ta đang theo dõi các sự kiện từ trung tâm chỉ huy. Ông ta khẳng định rằng tín hiệu tình báo mới thu được “buộc phải thừa nhận là tốt hơn bất kỳ thông tin nào khác cho đến thời điểm này”.
McNamara đã xem xét bản báo cáo, kết hợp với niềm tin của đô đốc Sharp là có thực và được xem như là bằng chứng có sức thuyết phục nhất. Lúc 23 giờ 36 phút, Tổng thống Johnson xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia và thông báo về việc tiến công trả đũa miền Bắc Việt Nam: “Các hành động bạo lực được lặp đi lặp lại nhằm chống lại lực lượng vũ trang Mỹ không những phải được cảnh báo mà còn phải được đáp trả một cách kiên quyết. Hành động đáp trả được thực hiện ngay khi tôi đang nói với các bạn tối nay”.
Trung tá Stockdale đã được lệnh chỉ huy cuộc tập kích của 18 máy bay vào một kho chứa dầu ở Vinh, gần nơi được cho là có “cuộc tiến công” vào tàu Maddox và Turner Joy. Mặc dù cuộc tập kích thành công (kho chứa dầu bị phá hủy hoàn toàn và 33 trong tổng số 35 tàu bị bắn trúng), nhưng 2 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, 1 phi công chết và 1 bị bắt.
Ngày 7-8, Quốc hội Hoa Kỳ, với sự nhất trí gần như hoàn toàn, đã phê chuẩn Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ và được Tổng thống Johnson ký thành luật 3 ngày sau đó. Nghị quyết này đã cho phép Tổng thống “thực thi mọi biện pháp cần thiết để đẩy lui bất kỳ cuộc tiến công vũ trang nào chống lại quân đội Mỹ và ngăn chặn một cuộc xâm lược từ xa”.
Các phân tích về chứng cứ
Các nhà sử học trong một thời gian dài đã nghi ngờ rằng cuộc tấn công thứ hai ở Vịnh Bắc Bộ chưa bao giờ xuất hiện và nghị quyết của Quốc hội Mỹ đã dựa trên những bằng chứng không chính xác. Nhưng không có một thông tin đã được giải mật nào cho rằng McNamara, Johnson hoặc bất kỳ ai khác trong quá trình ra quyết định đã dịch sai một cách có chủ định các thông tin tình báo liên quan đến sự kiện ngày 4-8. Tất cả đã thay đổi với sự công bố gần 200 tài liệu liên quan đến sự kiện Vịnh Bắc Bộ và các băng ghi âm từ Thư viện Johnson. Các bằng chứng đã cho thấy một âm mưu làm nhiễu loạn một cách có chủ ý bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara nhằm xuyên tạc chứng cứ và đánh lừa Quốc hội.
Một nghiên cứu về sự kiện Vịnh Bắc Bộ của nhà sử học Robert J. Hanyok của NSA đã phân tích một cách toàn diện các hồ sơ về tình báo tín hiệu từ những đêm xảy ra các vụ tiến công và kết luận rằng có một cuộc tiến công thực sự vào ngày 2-8, nhưng vụ tiến công vào ngày 4-8 là hoàn toàn không có.
Hanyok đã khẳng định rằng thông tin tình báo tín hiệu không chính xác đã trở thành “bằng chứng quan trọng của một cuộc tiến công thứ hai và Johnson cùng McNamara đã sử dụng nhằm biện hộ các cuộc tiến công trả đũa và càng củng cố vững chắc thêm yêu cầu của Chính phủ đòi Quốc hội phải thông qua nghị quyết cho phép Nhà Trắng tự do hành động ở Việt Nam”.
Hầu như 90% các thông tin tình báo tín hiệu bắt chặn được đã chứng tỏ rằng những đánh giá trái chiều đã bị bỏ ra ngoài các bản báo cáo gửi về Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Ngoài ra, các bức điện được chuyển tiếp đều chứa đựng “những lỗi phân tích trầm trọng, những thay đổi trong bản mã dịch không được giải thích, và có sự kết nối giữa hai bản điện vào một bản mã dịch”. Những tín hiệu bắt chặn rất quan trọng khác đã biến mất một cách bí ẩn. Hanyok đã xác nhận rằng: “Phần lớn nội dung của các bản báo cáo, nếu được sử dụng, thì sẽ cho thấy rõ ràng là không có cuộc tiến công đó”.
Đại tá, PGS, TS ĐẶNG THANH BÌNH (Lược dịch từ bài viết của Thiếu tá Pat Paterson trong Tạp chí Lịch sử Hải quân Mỹ, tháng 2-2008)