Tuy nhiên, vẫn còn một chiến dịch rất đặc sắc nữa, mà vì nhiều lý do, chưa được mấy nhận diện và nhận chân. Đó là: Chiến dịch giải phóng thành Đông Quan, đã diễn ra cách năm 2017 này đúng 590 năm chẵn.
Bấy giờ, thành Đông Quan - vốn là kinh đô Thăng Long thời Lý Trần, kinh thành Đông Đô thời nhà Hồ, bị giặc Minh chiếm đóng và đặt gọi bằng tên này, và từ năm 1407 - là căn cứ đầu não của toàn bộ lực lượng xâm lược và đô hộ nhà Minh trên toàn cõi nước Việt. Đến cuối năm 1426 thì lâm vào thế trận ngày càng bị khó khăn, lún sâu, chức Tổng binh của quân Minh là Vương Thông đã cố đem hết lực lượng 10 vạn binh mã dưới cờ, mở một cuộc hành quân - tiến công theo kiểu “hồ lô lăn” ra mạn tây nam Đông Quan, toan giành lại thế chủ động chiến trường bằng cách tìm diệt các đạo nghĩa quân Lam Sơn vừa từ xứ Thanh tiến ra đứng chân và hoạt động uy hiếp Đông Quan. Nhưng các tướng lĩnh Lam Sơn đã mưu trí, linh hoạt tổ chức và tiến hành thành công “Chiến dịch Tốt Động - Chúc Động” (nay thuộc địa bàn các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội), cản phá cuộc hành quân - tiến công của giặc, tiêu diệt đến 6 vạn binh lực quân thù, buộc Tổng binh Vương Thông phải thu thập tàn quân chạy lộn về Đông Quan, vơ vét thêm lực lượng, tổ chức một cuộc co cụm phòng thủ - với quân số 5 vạn - ở thành Đông Quan và vùng phụ cận.
Khai thác nhạy bén hình thái chiến trường vừa biến chuyển thuận lợi, thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn - Bình Định vương Lê Lợi - đã lập tức kéo ngay đại quân và đại doanh đang đóng ở Thanh Hóa, ngày đêm tiến gấp ra hướng Đông Quan. Hội sư cùng các cánh nghĩa quân đã có mặt từ trước đấy ở quanh vùng và vừa mới lập công lớn trong chiến dịch Tốt Động - Chúc Động, sau khi bỏ ra 10 ngày giữa tháng 11-1426 vừa chấn chỉnh quân ngũ, vừa định liệu các kế hoạch, đến ngày 21-11-1426, Đại bản doanh nghĩa quân Lam Sơn đã xong việc bố trí ở căn cứ Tây Phù Liệt (tức: Cổ thành Kẻ Vẹt, được xây đắp từ 5 thế kỷ trước, trong thời “Loạn thập nhị sứ quân”, ngày nay thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội), chỉ còn cách thành Đông Quan hơn 10km về phía Nam.
Từ căn cứ chỉ huy này, mệnh lệnh mở màn chiến dịch giải phóng thành Đông Quan được ban ra. Hôm ấy là ngày 22-11-1426: Giai đoạn thứ nhất của chiến dịch bắt đầu.
Xem xét lại các diễn biến chiến sự, có thể thấy nhiệm vụ chính yếu của giai đoạn này là nhằm trước hết bóc đi mảng căn cứ ngoại vi phòng thủ thành Đông Quan của giặc: Các doanh trại án ngữ những ngả đường dẫn vào nội thành, do tướng giặc Phương Chính chỉ huy.
Nửa đêm 22-11-1426, các đạo nghĩa quân trên cả ba hướng đã đồng loạt tấn công dữ dội vào kẻ địch. Trong cảnh “Khói lửa ngút trời” - như sử cũ chép - những cánh quân đóng giữ các căn cứ ngoại vi thành Đông Quan của tướng giặc Phương Chính bị đánh bại bất ngờ, phải bỏ các doanh trại đang bị hỏa công, bốc cháy. Và, vẫn theo sự mô tả của sử cũ: “Tranh nhau rút vào bên trong các cửa thành, xác chết gối lên nhau”. Nghĩa quân Lam Sơn vừa đuổi đánh giặc vừa giải phóng được rất nhiều người trước đấy đã bị giặc bắt giữ, đồng thời san bằng các đồn lũy của giặc và chiếm được của giặc hơn 100 chiến thuyền cùng rất nhiều khí giới.
Khai thác thắng lợi của giai đoạn mở đầu chiến dịch như thế, nghĩa quân Lam Sơn chuyển luôn chiến dịch sang giai đoạn thứ hai: Tấn công trực diện và liên tục vào thành, trong suốt tháng 12-1426.
Ở giai đoạn thứ hai này, Đại bản doanh của nghĩa quân đã theo đà phát triển của chiến dịch mà chuyển từ Tây Phù Liệt sang Đông Phù Liệt (nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì). Tại đây, chủ tướng nghĩa quân Lê Lợi đã: “Tự mình đốc thúc các tướng sĩ ngày đêm đánh thành. Bọn tướng địch là Vương Thông, Sơn Thọ, đánh trận nào thua trận ấy, mất vía nản lòng, thế đã hết, viện không có, tình hình mỗi ngày một cùng quẫn” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Thời gian chuyển sang đầu năm 1427. Những đòn đánh thẳng vào thành giặc của nghĩa quân đã làm cho quân Minh điêu đứng. Nhưng chúng vẫn còn tới 5 vạn binh mã ở sau những tường lũy và hào thành kiên cố, luôn được bồi đắp, với bọn tướng lĩnh đầu sỏ gian hiểm, tuy hoang mang tột độ những vẫn rất ngoan cố, mà những trận tấn công của nghĩa quân chưa thể khiến chúng quỵ gục ngay được.
Tình hình này quyết định một trạng thái phát triển mới của chiến dịch, xuất hiện vào tháng 1-1427, khi Tổng binh Vương Thông của giặc, phái “sứ giả” là tướng Nguyễn Nhậm, ra ngoài thành, gặp nghĩa quân, xin bàn việc “giảng hòa”.
Âm mưu của giặc là muốn tránh hành động giao chiến để cố thủ mà chờ đợi viện binh từ chính quốc kéo sang. Còn Bộ chỉ huy Lam Sơn thì thấy cũng chưa thể nhanh chóng kết thúc chiến dịch bằng cách đánh hạ ngay tòa thành đầu não của giặc, cho nên cần một thời gian để vừa “hòa đàm”, vừa tạo những chất lượng mới cho chiến dịch bằng những cố gắng làm chuyển biến tình hình chiến trường trên toàn bộ đất nước. Vì thế, từ tháng 1-1427, Chiến dịch giải phóng thành Đông Quan đã chuyển sang giai đoạn thứ ba, với nội dung diễn biến là bao vây chặt chẽ kẻ địch và “vừa đánh vừa đàm”.
Trong giai đoạn này, về mặt quân sự, bộ chỉ huy nghĩa quân đã cho củng cố vành đai vây hãm thành giặc, tăng cường lực lượng ở các trọng điểm chiến trường là bốn cổng thành Đông Quan.
Để tiện việc chỉ huy vây thành, đồng thời giao thiệp với địch, cũng như để thêm hiệu quả trong việc chẹn đường liên lạc và cứu viện của giặc, Đại bản doanh của nghĩa quân trong giai đoạn thứ ba này của chiến dịch cũng được chuyển từ Đông Phù Liệt lên và sang Dinh Bồ Đề (nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên), đối diện với thành Đông Quan, ở bên kia sông Hồng.
Những trận đánh không kém phần dữ dội vẫn diễn ra, mặc dù “hòa đàm” đang tiến hành. Có lần, nghĩa quân đã mai phục, đánh bắt các đội quân giặc nống ra ngoài thành tìm kiếm lương thực, được đến 3.000 lính và 500 ngựa. Có lần, vào ngày 16-3-1427, ở cầu Sa Đôi (Mễ Trì - Từ Liêm) giặc kéo từ trong thành ra tập kích lực lượng bao vây, nghĩa quân và nhân dân kiên quyết giáng trả, đã phải dùng đến cả mảnh vỡ của nồi niêu chum vại mà đánh địch.
Trong các tháng 6, 7 và 8-1427, những cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Tại bãi Cơ Xá (dọc bờ sông Hồng, thuộc quận Hoàn Kiếm) nghĩa quân vừa đánh địch từ trong thành ra cướp bóc, vừa đắp dựng thêm chiến lũy, chặn giặc ở vành đai bao vây mạn Đông. Đến cuối tháng 9-1427, nghĩa quân lại đã từ Dinh Bồ Đề, vượt sông sang nhổ căn cứ Vạn Xuân của giặc vừa nống ra thiết lập (ở đê Vĩnh Tuy - Lương Yên, quận Hai Bà Trưng), đồng thời, trong một đêm, đắp xong chiến lũy, chặn cứng đường nống ra phía Nam của giặc.
Lúc này, 15 vạn viện binh triều Minh, do các tướng Liễu Thăng, Mộc Thạnh chỉ huy, chia hai đường sang cứu nguy cho Tổng binh Vương Thông, đã vượt biên, vào cõi. Cuộc vây hãm thành Đông Quan, ở giai đoạn thứ ba của chiến dịch giải phóng tòa thành này, tuy diễn biến phức tạp, nhưng vẫn buộc được lực lượng quân sự của Vương Thông không thể nào liên lạc được với các đạo quân cứu viện của Liễu Thăng và Mộc Thạnh. Do đó, tạo điều kiện cho nghĩa quân Lam Sơn mở Chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang (trên địa bàn hai tỉnh Lạng Sơn - Bắc Giang ngày nay) và mặt trận ải Lê Hoa (mới được đoán định là ở vùng huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ bây giờ), đánh tan và tiêu diệt toàn bộ lực lượng chi viện của triều Minh, kể cả việc trừ khử tại trận chủ tướng Liễu Thăng, trong các tháng 10 và 11-1427.
Sang đến những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1427 thì đã rõ cuộc định đoạt số phận của giặc ở trong thành Đông Quan. Hy vọng được cứu viện tiêu tan, trong khi nghĩa quân Lam Sơn: Sau khi kết thúc thắng lợi kỳ vĩ Chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, đã quay về, dồn sức vây ép quân thù, khiến chúng - đúng như “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi sau đấy đã nói “trí cùng lực kiệt”!
Tuy nhiên, giữa giai đoạn thứ tư của chiến dịch này, giặc vẫn còn một lần giãy giụa cuối cùng nữa: Mở cửa thành, dốc hết binh mã, đánh một trận thí mạng ở mạn Nam thành. Nhưng nghĩa quân đã bố trí sẵn trận địa, giáng trả dữ dội, không chỉ đánh tan quân sĩ mà còn khiến Tổng binh Vương Thông ngã ngựa, suýt bị bắt sống!
Truy kích lũ quân tướng giặc Minh sống sót chạy lộn về thành, nghĩa quân Lam Sơn thừa thắng, đắp ngay một chiến lũy bịt sát cổng Nam thành. Đồng thời, ở mạn Bắc, chủ tướng Lê Lợi cũng thân chinh chỉ huy các chiến binh đắp thêm một chiến lũy mới, chạy từ phường Yên Hoa (Yên Phụ) thẳng tới cửa Bắc thành, chỉ một đêm là xong.
Cuộc vây hãm thành Đông Quan ở giai đoạn thứ tư của chiến dịch giải phóng thành Đông Quan trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Hoảng loạn tránh đòn tiêu diệt cầm chắc, trong khi những chỉ huy tối cao của nghĩa quân vẫn kiên trì dụ hàng, chủ trương kết thúc chiến dịch không phải bằng một trận đánh đẫm máu mà bằng một “Hội thề” hòa bình - “Cổ kim chưa từng thấy” - cuối cùng, toàn bộ quân tướng nhà Minh đã phải hạ hết vũ khí, cúi đầu vào cuộc “Hội thề Đông Quan” ở ngoài thành phía Nam, ngày 10-12-1427.
Sau đó, bắt đầu từ ngày 20-12-1427 và chấm dứt vào ngày 3-1-1428, cuộc tháo quân ra khỏi thành Đông Quan, cũng như ra khỏi toàn bộ nước Đại Việt, của tất thảy bè lũ quan quân thảm bại nhà Minh đã được thực hiện.
GS LÊ VĂN LAN