Căn cứ này được xây dựng rất vững chắc, bên trong địch bố trí hệ thống lô cốt, hầm ngầm kiên cố với hỏa lực dày đặc chi viện cho nhau khi bị tiến công. Bên ngoài căn cứ là hàng rào kẽm gai từ 6 đến 10 lớp, xen kẽ giữa các hàng rào là bãi mìn chống bộ binh và xe tăng. Đặc biệt, bao quanh căn cứ là lớp tường hộp bằng bao cát chắn bằng các thanh ghi thép, dày từ 1,5 đến 2m, cao tới 2m tạo thành vật che chắn vững chắc cho quân địch.

Sau khi Buôn Ma Thuột bị mất, tàn quân địch chạy về co cụm ở đây rất đông, chúng quyết tử thủ giữ bàn đạp này chờ lực lượng phản kích của Sư đoàn 23 đổ xuống để tái chiếm Buôn Ma Thuột. Ngày 14 và 15-3, một trung đoàn của Sư đoàn 316 và một phân đội bộ đội đặc công tiến công vào đây, nhưng trận đánh không thành. Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho Sư đoàn 10 phải tiêu diệt quân địch ở Căn cứ 53, đập tan ý đồ lấy đây làm bàn đạp để tái chiếm Buôn Ma Thuột của chúng. Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 nhận nhiệm vụ cấp tốc hành quân từ Đức Lập vào vị trí chiếm lĩnh. Khoảng 17 giờ 30 phút được pháo binh chi viện, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 bắt đầu mở các đợt tiến công từ hướng tây và tây bắc vào căn cứ. Do phải vận động gần 2km trên mặt đất trống không có vật che khuất, che đỡ, giữa ban ngày nên địch phát hiện hướng tiến công của ta, chúng dùng mọi loại hỏa lực đánh trả, bộ đội ta thương vong khá nhiều mà không giải quyết được.

leftcenterrightdel
Đánh chiếm Sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột), tháng 3-1975. Ảnh tư liệu 
Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 do anh Bạch Công Nghĩa làm Tiểu đoàn trưởng; anh Nguyễn Duy Chinh làm Chính trị viên, tiếp tục cho bộ đội vận động. 21 giờ, Tiểu đoàn 9 cách hàng rào khoảng 150m phải dừng lại củng cố đội hình. Ban chỉ huy tiểu đoàn phân công nắm địch phía trước, động viên bộ đội giữ vững quyết tâm, bám sát đội hình giữ bí mật, chuẩn bị mở cửa tiến công. Khoảng 1 giờ ngày 17-3, bộ đội tiếp cận được hàng rào, dùng bộc phá mở được 2 lớp rào ngoài cùng. Địch phát hiện hướng cửa mở của ta, chúng cho pháo, cối bắn rất dữ dội, đạn từ các lô cốt bắn ra xối xả, Tiểu đoàn 9 tổn thất nặng nề. Anh Nghĩa, Tiểu đoàn trưởng bị thương nặng, anh Chinh sau đó cũng bị thương, anh Bế Xuân Bình, Đại đội trưởng Đại đội 11 mở cửa, một trung đội trưởng và một số chiến sĩ hy sinh.

Tuy bị tổn thất nặng nề nhưng cán bộ, chiến sĩ còn lại vẫn trườn lên bám sát cửa mở, quyết tâm không rời vị trí để tìm cách tiếp tục mở thông cửa mở. Đường dây thông tin hữu tuyến từ Tiểu đoàn 9 về trung đoàn lúc này đã được tổ đường dây đi cùng hướng Tiểu đoàn 9 nối thông. Anh Phạm Chào, Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 66, đi với Tiểu đoàn 9 cầm máy báo cáo với Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Kiệp tình hình của Tiểu đoàn 9. Anh Kiệp liền giao nhiệm vụ ngắn gọn cho anh Chào: “Anh trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9, động viên bộ đội bình tĩnh, không rời cửa mở, trung đoàn sẽ chi viện ngay cho tiểu đoàn khắc phục khó khăn”.

Nghe trung đoàn trưởng nói vậy, Phạm Chào rất mừng vì được cấp trên tin tưởng giao trách nhiệm chỉ huy Tiểu đoàn 9, nhưng anh cũng rất lo làm sao mình phải là chỗ dựa cho bộ đội vững tin để mở cửa thành công, hoàn thành nhiệm vụ. Phạm Chào quan sát trên gương mặt cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn, thấy anh em tỏ ra rất quyết tâm, Chào thêm vững tin.

Phạm Chào lùi về phía sau đội hình để kiểm tra và động viên bộ đội. Anh gặp khẩu đội 12,7mm do đồng chí Nguyễn Văn Phả, Khẩu đội trưởng của Đại đội 12 đến tăng cường. Anh động viên Phả cho anh em khẩu đội bò thật thấp để tránh thương vong khi tiếp cận vào vị trí chiến đấu. Kiểm tra tình hình xong, Chào bò lên trung đội mở cửa gặp Tam, Ngọ và một chiến sĩ nữa, anh em vẫn còn 3 quả bộc phá. Anh thông báo cho họ biết tình hình của đơn vị. Nghe xong, anh em đều hứa sẽ chi viện cho nhau quyết tâm mở thông cửa, đánh chiếm bằng được Căn cứ 53, một căn cứ “cứng đầu” và “ngoan cố” duy nhất còn lại này.

5 giờ 15 phút ngày 17-3, cửa mở hướng Tiểu đoàn 9 đã cơ bản mở thông, chỉ còn một hàng rào bùng nhùng, bộ đội có thể khắc phục vượt qua được.

Trên hướng Tiểu đoàn 7 do anh Hoàng Ngọc Toái làm Tiểu đoàn trưởng, anh Phạm Quang Vinh làm Chính trị viên chỉ huy, Đại đội 3 mở cửa nhưng gặp khó khăn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Kiệp đã quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu từ Tiểu đoàn 7 sang hướng Tiểu đoàn 9. Đồng thời tăng cường cho Tiểu đoàn 9 ba chiếc xe tăng, dùng Đại đội 9 cùng xe tăng thọc sâu vào trung tâm căn cứ.

Khi Đại đội 9 tổ chức thọc sâu mới vượt qua các lớp rào dây thép gai thì phải dừng lại do vướng bức tường hộp vừa cao, vừa chắc. Lúc này bộc phá cũng không còn, quân địch bên trong điên cuồng chống trả, anh Hà Văn Tư, Chính trị viên Đại đội 9 bị thương nặng và một số chiến sĩ thương vong...

Trong khi đang tìm cách khắc phục bức tường cản trở thì chiếc xe tăng đi đầu vừa bắn vừa lùi lại lấy đà, bằng hai cú húc liên tiếp, bức tường chắn bị phá tung, bụi bay mù mịt. Bộ đội vô cùng vui sướng ào ạt xông lên cùng xe tăng đánh chiếm từng căn hầm, lô cốt, công sự của địch. Địch hoảng sợ tháo chạy tán loạn, nhiều tên bị tiêu diệt, nhiều tên bị bộ đội ta bắt sống, tổ địch vận của Tiểu đoàn 9 kịp thời dùng loa kêu gọi địch bỏ súng đầu hàng. Mấy chục tên liền bỏ súng chạy về phía ta giơ tay xin hàng. Mũi thọc sâu của Đại đội 9 đánh vào sở chỉ huy, mũi của Đại đội 11 đánh tạt sang phía có hầm ngầm và trận địa pháo. Trên đường đánh vào sở chỉ huy, anh Nguyễn Văn Gia, Đại đội trưởng Đại đội 9 dẫn đầu đội hình cùng xe tăng đột phá tiêu diệt các mục tiêu còn lại.

10 giờ ngày 17-3, các mũi tiến công của Tiểu đoàn 9 đã đến sát các mục tiêu cần chiếm. Bỗng anh Gia ngã gục xuống, một viên đạn AR15 của địch găm trúng ngực trái của anh, viên đạn bắn ở cự ly rất gần nên chỉ xuyên không phá phía sau lưng anh Gia. Y tá đơn vị có mặt kịp thời băng bó vết thương cho anh. Máu anh chảy lênh láng khắp người, khi anh em đưa anh lên võng để cáng về phía sau, anh Gia bỗng ngồi nhỏm dậy, nhảy ra khỏi võng tiếp tục vớ lấy khẩu AK chạy lên đầu đội hình chỉ huy bộ đội đánh địch cho tới khi anh ngất đi lần nữa, anh em vận tải mới đưa được anh về đội phẫu. Khoảng gần 11 giờ, Đại đội 9 cùng xe tăng đã chiếm được sở chỉ huy, diệt và bắt vô số địch làm chủ căn cứ.

Lá cờ cách mạng được các chiến sĩ Đại đội 9 cắm tung bay trên nóc nhà chỉ huy Căn cứ 53. Bộ đội tỏa ra xung quanh tiễu trừ tàn quân địch. Bỗng trong hai chiếc thùng sắt lớn (như công-ten-nơ) có tiếng kêu: “Cứu chúng tôi với”. Chiến sĩ Trung, quê Hà Nội, khi nghe tiếng kêu trong thùng sắt thì hét lên: “Để tôi bắn chết chúng nó đi”. Lúc đó, anh em kịp thời ngăn lại: “Không được giết tù binh”. Bộ đội phá khóa, có ba người mặc quần áo rằn ri được đưa ra. Hỏi ra thì được biết ba người là bộ đội của Đoàn Đặc công 198 bị địch bắt từ hôm trước đang bị chúng nhốt ở đây. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9  hết sức vui mừng vì đã cứu sống được đồng đội của mình. Khoảng 12 giờ ngày 17-3, các mũi của Tiểu đoàn 9 cùng các mũi tiến công của Tiểu đoàn 7 hợp nhau ở khu vực hầm ngầm trong Căn cứ 53 và sân bay Hòa Bình-vị trí cuối cùng phòng ngự của địch, đập tan hy vọng biến nơi đây làm bàn đạp phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột của chúng.

LÊ HẢI TRIỀU