Trong chiến dịch “Clo clo” mùa đông năm 1947, quân xâm lược Pháp tiến công lên Việt Bắc đã bị tự vệ chiến đấu của thị xã Tuyên Quang phục kích ở km số 7 đường số 2 tiêu diệt hơn 100 tên. Trận đánh này được Tư lệnh mặt trận xác định là một trong mười trận thắng lớn, góp phần quan trọng bẻ gãy gọng kìm hướng tây bắc, làm thất bại âm mưu chiếm Việt Bắc, tiêu diệt cơ quan đầu não của ta của thực dân Pháp. Đây cũng là trận đánh có quả địa lôi to và nặng kỷ lục từ trước đến nay.

Nha nghiên cứu kỹ thuật (NCKT) là cơ quan nghiên cứu khoa học về sản xuất vũ khí, khai thác, hướng dẫn sử dụng vũ khí chiến lợi phẩm lúc đó sơ tán về trường tiểu học thị xã Tuyên Quang. Đồng chí Bế Sơn Cương, trung đoàn trưởng trung đoàn Hà - Tuyên gặp đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới, đề nghị giúp đỡ tận dụng số vũ khí Nhật để lại dùng vào chiến đấu chống Pháp tiến công. Đồng chí Trần Đại Nghĩa giao nhiệm vụ cho Nha NCKT.

Cán bộ Nha NCKT vào kho xem thì thấy vũ khí của các nước Pháp, Nhật, Mỹ, Anh… với nhiều chủng loại khác nhau. Ngoài số súng đạn bộ binh có mìn nổ chậm, mìn nhẩy, đạn chống tăng của Anh, đạn chống tăng AT của Pháp phóng bằng súng trường đều mới sản xuất cuối và sau đại chiến thứ hai. Ngoài ra còn ngòi nổ đạn pháo, cối 60, 75, 81, ngòi nổ bom tạ có cánh quạt tự tháo chốt an toàn khi bom rơi trên không. Thuốc nổ thì có TNT, mê-li-mít, đy-na-mít gây nổ, dây cháy chậm. To nhất là đầu đạn đại bác đường kính 320mm, nặng khoảng 300kg còn nguyên thuốc nổ, chỉ không có ngòi nổ. Số vũ khí mới này rất quý đối với công tác nghiên cứu của Nha NCKT. Chủng loại thì nhiều, nhưng số lượng mỗi loại quá ít, đặc biệt là không đồng bộ, có đạn thì không có súng, thiếu đầu phóng đạn PIAT và AT chống tăng. Để đáp lại đề nghị của trung đoàn Hà Tuyên, Nha NCKT thống nhất với đồng chí Bế Sơn Cương là cải tiến ngòi nổ của bom thành ngòi nổ điện, cho nổ theo ý muốn và dùng đạn 320mm làm địa lôi.

Việc cải tiến ngòi nổ bom tạ, loại ngòi nổ thường thành ngòi nổ điện là việc lần đầu tiên làm, khó và nguy hiểm. Đơn vị mới được thành lập đã đi sơ tán, điều kiện phương tiện làm việc hầu như không có gì.

Ngòi nổ điện phải có bộ phận tạo lửa bằng nguồn năng lượng là điện của pin làm đỏ dây điện trở. Nhưng ở tỉnh miền núi thì làm gì có dây điện trở. Tưởng không thực hiện được, thì rất may anh Kim và Tĩnh ở đài Tiếng nói Việt Nam cũng sơ tán về thị xã chủ động đem cho dây điện trở và tặng cả đồng hồ đo điện. Hai thứ đó lúc ấy là vô giá. Tạo được lửa lại phải truyền lửa đến ngòi làm cho khối thuốc nổ chứa trong lòng bom, đạn pháo cối, địa lôi nổ. Phải có thuốc mồi cháy, dây dẫn lửa. Biết tính năng một số loại thuốc phóng đạn pháo, cối, các cán bộ của Nha NCKT đã lấy thuốc phóng con bài (NITRO Cellulose) tạo thành sợi rồi tán nhỏ làm thuốc mồi cháy, qua thử nghiệm nhiều lần đều cho kết quả tốt, đủ tiêu chuẩn lắp vào đầu đạn làm địa lôi.

Nha NCKT tiến hành thử với yêu cầu cao nhất là theo chế độ thủy lôi thử dưới nước. Bến phà Lô là địa điểm thử. Việc thả thủy lôi xuống sông đã khó lại phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Sau khi thuỷ lôi đã nằm dưới đáy sông thì phải thử ngay xem mạch điện có thông không? Mọi con mắt đều tập trung vào đồng hồ đo điện. Kim đồng hồ chuyển động báo mạch thông. Mọi người vỗ tay, thở phào.

Chỉ huy cuộc thử là đồng chí Hoàng Đình Phu, Phó giám đốc Nha NCKT và các đồng chí Dục, Hoàng, Thu, Kha, Sâm..., những người đã trực tiếp nghiên cứu cải tiến ngòi nổ làm địa lôi. Trung đoàn Hà Tuyên có đồng chí Bế Sơn Cương và một số đồng chí cán bộ, bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ, trật tự. Nhân dân ven bờ sông gần chỗ thử và người đi trên đường thấy lạ, lại nghe nói thử thủy lôi nên số người xem khá đông.

Cuộc thử bắt đầu. Đồng chí Phu ra lệnh kiểm tra thông mạch. Sau khi kiểm tra báo cáo mạch thông, đồng chí Phu phát lệnh cho nổ. Đồng chí Thu chập hai đầu dây dồn vào hai cực của khối pin 6 chiếc. Tiếng nổ không to vì bị cản của nước, nhưng Lô Giang nổi sóng thần, cột nước to và cao tới mấy chục mét. Sóng xô, vỗ mạnh vào hai bờ. Cá chết nổi trắng mặt nước. Cuộc tổng thử thành công. Ngày 22-10-1947, khi quân Pháp đi qua nơi ta phục kích, quả địa thủy lôi đã nổ, hơn 100 tên bỏ mạng.

Đồng chí Bế Sơn Cương đã đề nghị Nha NCKT làm cho 10 bộ ngòi nổ điện. Để đáp ứng yêu cầu của đồng chí Trung đoàn trưởng và góp phần bảo vệ Tuyên Quang, một đợt thi đua đột xuất được phát động. Sau một tuần đã bàn giao cho đơn vị, hướng dẫn việc lắp vào đạn 320mm, cách chống ẩm, chống thấm….

Ngày nay, tại nơi diễn ra trận đánh địa lôi ngòi nổ điện ngày 22-10-1947 đã được dựng bia kỷ niệm và trận đánh đã lưu danh vào lịch sử Đảng bộ thị xã Tuyên Quang. Trong đó ghi rõ có sự đóng góp của Nha NCKT và hai đồng chí Kim, Đỉnh của đài Tiếng nói Việt Nam.

NGUYỄN VĂN MAI