QĐND - Trong những ngày học tập ở lớp cải huấn dành cho sĩ quan chế độ cũ, viên Chuẩn tướng xe tăng Trần Quang Khôi luôn tỏ ra mềm mỏng và là người khá kiệm lời. Vậy mà vào những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, trong “canh bạc” cuối, Tư lệnh Lữ đoàn 3 kỵ binh Trần Quang Khôi từng thực hiện ý định kéo quân về “giải cứu” Sài Gòn…

Viên tướng “kiêm” điền chủ

Xuất thân trong một gia đình điền chủ ở Rạch Giá (Kiên Giang), Trần Quang Khôi đã chọn cho mình con đường đi lính cho Pháp. Năm 1952, trong danh sách tốt nghiệp Khóa 6 Trường Võ bị Đà Lạt, Khôi được xếp hạng 6/181 học viên. Lọt vào “mắt xanh” của quan thầy, nên sau đó Trần Quang Khôi được chọn đi đào tạo ở nước ngoài.

Trần Quang Khôi khi đang là chuẩn tướng, Tư lệnh Lữ đoàn 3 kỵ binh. Ảnh tư liệu

 

Với “truyền thống” của một gia đình điền chủ giàu có nên khi leo lên tới cấp Đại tá - Lữ trưởng Lữ đoàn 3 kỵ binh - Khôi đã xin chính quyền Sài Gòn cấp cho mình 10ha đất rừng ở gần ngã ba Gia Rai cạnh Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai). Nhờ “nước sông công lính” mà vợ chồng Khôi đã biến số đất rừng này thành một điền trang rồi kiếm bộn tiền từ trồng cây ăn quả, hoa màu và chăn nuôi. Tháng 4-1974, ở tuổi 40, Khôi được phong chuẩn tướng, cũng trong thời điểm ấy trang trại của viên tướng một sao này đã trở nên “được giá” và vợ chồng Khôi đã quyết định bán đi để tậu cho mình một điền trang mới gần Thủ Đức. Là người giàu có, nhưng Khôi không phô trương, ồn ào. Cái “giàu ngầm” ấy của vợ chồng Khôi cũng giống như sự trầm tính của viên tướng xe tăng “kiêm” điền chủ Long Khánh.

Trần Quang Khôi bắt đầu khẳng định “tài năng” của mình khi chỉ huy Chiến đoàn 318 tham chiến tại chiến trường Cam-pu-chia trong các năm 1970-1971. Sau đó, Khôi được tướng Đỗ Cao Trí - Tư lệnh Quân đoàn 3 - giao cho nắm Lữ đoàn 3 kỵ binh. Đây là một lữ đoàn thiết giáp nòng cốt và là đơn vị khung của lực lượng xung kích Quân đoàn 3 từng thường xuyên chạm trán với các sư đoàn: 5, 7, 9 của Quân Giải phóng. Nằm trong đội hình ấy nên viên Tư lệnh Lữ đoàn 3 kỵ binh luôn “tự hào”: Trong Vùng 3 chiến thuật, chỗ nào “nặng” nhất thì Lữ đoàn 3 kỵ binh có mặt.

Năm 1972, Khôi tiếp tục sang Mỹ du học, đó cũng là thời điểm lực lượng xung kích Quân đoàn 3 bị giải thể và Lữ đoàn 3 kỵ binh của Khôi bị phân tán ra từng mảng nhỏ. Khôi từng thừa nhận: “Hồi đó, Tư lệnh Quân đoàn 3 Nguyễn Văn Minh đã phạm sai lầm rất lớn về tổ chức và sử dụng lực lượng, việc làm ấy đã khiến cho Quân đoàn 3 bị suy yếu trầm trọng và hoàn toàn bị mất đi tính cơ động”. Tháng 7-1973, Khôi về nước và được Tư lệnh Quân đoàn 3 Phạm Quốc Thuần (vừa lên thay Nguyễn Văn Minh) giao cho nắm lại Lữ đoàn 3 kỵ binh ở Biên Hòa. Được cấp trên tin tưởng, việc đầu tiên Khôi tiến hành là gom các đơn vị thiết giáp bị phân tán về Lữ đoàn 3 và trình Phạm Quốc Thuần phương án tổ chức lại lực lượng xung kích của quân đoàn theo mô hình từ thời Đỗ Cao Trí. Đến cuối tháng 3-1974, lực lượng xung kích Quân đoàn 3 đã được Khôi tổ chức lại thành một lực lượng quy củ gồm: Thiết giáp, biệt động, pháo binh, công binh và trở thành một lực lượng cơ động sẵn sàng tham chiến. Khôi còn đề nghị Bộ tư lệnh Quân đoàn trang bị cho tất cả các đơn vị địa phương quân ở Biên Hòa súng chống tăng M72 và huấn luyện họ phối hợp tác chiến với thiết giáp, đồng thời tích cực tổ chức địa thế chống xe tăng Quân Giải phóng quanh thành phố Biên Hòa. Các đường xâm nhập vào thành phố đều được Khôi thiết kế đặt mìn và hầm hào chống tăng…

Khoảng 5 ngày trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, Trần Quang Khôi vẫn “thể hiện” với quân lính và cấp trên sự “can trường” của mình. Sáng 30-4-1975, khi thấy Biên Hòa đã không còn là mục tiêu bị tấn công bởi Quân Giải phóng đang tập trung tiến về Sài Gòn, trong “canh bạc” cuối, Trần Quang Khôi đã họp bàn với chỉ huy các đơn vị thuộc lực lượng xung kích Quân đoàn 3 để đi đến quyết định: Kéo toàn bộ lực lượng về tiếp cứu Sài Gòn.

Leo lên trực thăng để bay về Sài Gòn theo hướng Gò Vấp, chính mắt Khôi đã nhìn thấy hàng dài những đoàn xe chở quân, chở vũ khí của Quân Giải phóng đang tiến về Sài Gòn theo hướng xa lộ Biên Hòa và Quốc lộ 13… Sáng 30-4, sau khi đáp trực thăng xuống Trại Phù Đổng - nơi đặt Bộ chỉ huy thiết giáp của Quân đội Sài Gòn - Khôi đã tìm cách liên lạc với Biệt khu Thủ đô và Bộ Tổng tham mưu nhằm mục đích thông báo rằng: “Chúng tôi đang tiến về Sài Gòn” để tránh cho các cánh quân của Khôi khỏi bị bắn nhầm. Trong lúc đang cố gắng liên lạc nhiều lần mà không thấy trả lời, Trần Quang Khôi và thuộc cấp chợt nghe trên Đài Phát thanh lời kêu gọi đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.

Nỗi niềm trong trại cải huấn

Sau ngày 30-4-1975, Trần Quang Khôi trở thành học viên trong những lớp cải huấn dành cho sĩ quan chế độ cũ. Các cán bộ cải huấn của ta nhận thấy, Trần Quang Khôi không giống như số đông những viên tướng trẻ đồng cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khôi mang dáng dấp của một kẻ trí thức, luôn tỏ ra mềm mỏng và là người khá kiệm lời. Viên tướng “kiêm” điền chủ luôn tỏ vẻ tiếc nuối chế độ tư bản phương Tây từng nhiều năm được chính quyền Sài Gòn rập khuôn, trong đó các bà vợ tướng có thể tự do làm giàu bằng nhiều cách. Trần Quang Khôi kể rằng, trong xã hội kim tiền ấy, với chiếc xe hơi mang nhãn hiệu Méc-xê-đéc, tòa biệt thự lớn ở Sài Gòn, điền trang ở Thủ Đức, cùng sự tháo vát của cô vợ Lâm Tú Anh, Khôi đã sớm gia nhập vào giới thượng lưu của nền “Đệ nhị cộng hòa”.

Bản ghi lời khai của Trần Quang Khôi trong thời gian ở trại cải huấn. Ảnh: Quang Huy

 

Giàu có, lại đa tình nên ngay cả khi đã bị sa cơ, Khôi vẫn có “em út” tới thăm nuôi trong trại cải huấn. Ở địa điểm nhận thư, quà của học viên cấp tướng, các cán bộ cải huấn đã gặp một cô gái 26 tuổi rụt rè tới gửi thư và quà cho Khôi. Sau khi được khuyên là nên có thái độ rõ ràng trong quan hệ với người phụ nữ này, Trần Quang Khôi đã thừa nhận đó là một cô vợ… không chính thức. Khôi kể rằng, họ đã tình cờ gặp nhau khi cô gái có việc lên ngã ba Gia Rai. Bị số binh lính Việt Nam Cộng hòa chòng ghẹo, nhờ gặp Khôi mà cô được giải vây, rồi sau đó chính viên tướng trẻ đã tự tay lái xe hơi đưa cô về Sài Gòn…

Những ngày ở trại cải huấn, khi được hỏi ngoài số binh lính thuộc diện bị bắt đi quân dịch theo lệnh tổng động viên, vì sao chế độ Việt Nam Cộng hòa vẫn có thể tổ chức, lôi kéo được một lực lượng khá đông thanh niên tham gia quân đội để chống lại cách mạng? Khôi cho rằng: Quân đội Sài Gòn luôn duy trì, xây dựng một lực lượng sĩ quan, binh lính tình nguyện làm nòng cốt nhằm kiềm chế số lính quân dịch. Trong số lính tình nguyện gia nhập quân đội, Quân lực Việt Nam Cộng hòa lại tiếp tục chú trọng cất nhắc những sĩ quan hiện dịch (sĩ quan thường trực) tốt nghiệp Trường Võ bị Đà Lạt vào nắm giữ những chức vụ then chốt, và hầu hết trong số này đều là những thành phần xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản, được xuất ngoại du học, thích lối sống phương Tây. Ngoài ra, trong các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên đều có tổ chức Tuyên úy và chính tổ chức này đã khai thác triệt để số quân nhân theo các tôn giáo, phát huy tinh thần tôn sùng đạo giáo, lợi dụng tín ngưỡng của họ để tuyên truyền, xây dựng số này trở thành những lực lượng cốt cán chống lại cách mạng.

Theo Khôi, một nguyên nhân khác để chế độ Sài Gòn lôi kéo được thanh niên gia nhập quân đội còn là nhờ vào những khoản viện trợ của Mỹ. Chính các khoản viện trợ này đã bảo đảm cho quân nhân trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa có một đời sống vật chất tương đối ổn định. “Khi ấy, sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam có một tác dụng tâm lý lớn với binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn, họ tin tưởng mình chiến đấu không đơn độc mà đã có sự yểm trợ mạnh mẽ của một siêu cường”, Trần Quang Khôi đã trình bày trong bản tự khai của mình như vậy. Viên cựu Tư lệnh Lữ đoàn 3 kỵ binh cũng đã cay đắng thừa nhận: Kể từ sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, khi Mỹ cắt giảm viện trợ, khi các phong trào đấu tranh phản chiến nổi lên ở Sài Gòn và một số địa phương, phần lớn binh lính, sĩ quan Sài Gòn đã mất lòng tin vào chế độ của Tổng thống Thiệu. Chính mắt Khôi đã từng chứng kiến tại Gò Đậu (Bình Dương) một nhóm binh lính Trung đoàn 1 Thiết giáp từng được Quân Giải phóng móc nối đã có cuộc đột kích và đoạt 3 xe tăng M41 của trung đoàn rồi đưa về hậu cứ của Quân Giải phóng…

“Chiến sự càng gia tăng, sự mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng sâu sắc. Nội bộ lủng củng, hậu phương rối loạn… những điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần chiến đấu của binh lính ở mặt trận. Sau Hiệp định Pa-ri, phần lớn binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn đã không còn muốn chiến đấu nữa”.

Đó là những “nỗi niềm” mà “học viên” Trần Quang Khôi từng có dịp giãi bày trong thời gian ở trại cải huấn.

Bùi Vũ Minh