Năm nay là tròn 610 năm ngày mất (1409-2019) của vị danh tướng thời Hậu Trần mà cái chết oan khiên của ông, nhiều người còn chưa tỏ…

Vị tướng văn thao, võ lược

Đặng Tất quê ở Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông sinh năm nào và nguồn gốc gia đình ra sao thì đến nay vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng, khi Hồ Quý Ly thay thế triều Trần đã giao cho ông chức Đại Tri châu Hóa Châu. Sau khi giặc Minh xâm lược và đô hộ nước ta, Đặng Tất nén mình chờ thời cơ và điều kiện để đứng lên giúp dân, cứu nước.

Ngày ấy, khi quân Minh đang phải lo đối phó và đàn áp các cuộc khởi nghĩa của dân ta thì từ biên giới phía Nam, một lực lượng xâm lược mới lại tràn vào đánh chiếm, cướp phá lộ Thăng Hoa (Quảng Nam), uy hiếp Hóa Châu. Trước tình hình đó, với lực lượng sẵn có trong tay, Đặng Tất đã chỉ huy chiến đấu, tiêu diệt và đẩy lùi quân xâm lược về bên kia biên giới, ổn định đời sống nhân dân. Từ đây, ông tiếp tục bí mật chiêu tập trai tráng, phát triển lực lượng, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Tháng 10-1407, Trần Ngỗi-một hậu duệ của nhà Trần đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh, khôi phục lại cơ đồ cho triều Trần. Trần Ngỗi chọn đất Ninh Bình làm căn cứ đứng chân và tự xưng là Giản Định Hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Sau đó không lâu, quân Minh đã tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt nghĩa quân. Quân Trần Ngỗi bị đánh tổn thất nặng nề và buộc phải rút chạy vào Nghệ An.

leftcenterrightdel
Phố Đặng Tất yên bình giữa lòng Hà Nội. Ảnh: TUẤN TÚ

Nhận tin này, Đặng Tất bí mật cho người giết hết bọn quan cai trị nhà Minh ở Hóa Châu, rồi đem toàn bộ lực lượng của mình tiến thẳng ra Nghệ An quy hợp với nghĩa quân Trần Ngỗi. Ông được Giản Định Hoàng đế xuống chiếu phong làm Quốc công và cùng với Nguyễn Cảnh Chân được bổ dụng vào bộ tham mưu nghĩa quân. Từ đây, Đặng Tất trở thành trụ cột của nghĩa quân Trần Ngỗi, vị tướng lập nhiều chiến công xuất sắc, nổi tiếng.

Tháng 7-1408, Đặng Tất chỉ huy quân từ Nghệ An tiến vào vùng Tân Bình, Thuận Hóa đánh tan toàn bộ quân của Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, sau đó tiến ra chiếm cả vùng từ Diễn Châu đến Thanh Hóa. Đến đây, căn cứ địa của nghĩa quân Trần Ngỗi đã được mở thông từ Hóa Châu ra tới Thanh Hóa, sau đó quyết định tiến công ra Bắc Hà.

Nói về vai trò của Đặng Tất trong chiến tích này, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Trước đây, Thế Căng nhận quan chức của nhà Minh, làm oan làm phúc, tiếm xưng Duệ Vũ đại vương, đến đây họp quân giữ núi An Đại (thuộc Lệ Thủy, Quảng Bình). Tất đánh dẹp được… Mùa đông tháng 10 (năm 1408), Quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô. Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thành (thuộc Ninh Bình ngày nay), các quan thuộc cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo. Tất cả chọn người có tài đều bổ cho quan chức…”.

Đặng Tất tiếp tục được Trần Ngỗi giao cho trọng trách chỉ huy một bộ phận lực lượng nghĩa quân đánh ra Bắc Hà. Bằng sức mạnh áp đảo, quân sĩ của Đặng Tất đã liên tiếp mở các trận tiến công, lần lượt tiêu diệt hệ thống đồn trại của quân Minh chiếm đóng tại Bình Than, Hàm Tử, đánh chiếm các vùng ngoại ô thành Đông Quan. Đặc biệt là phá được quân Minh ở kè Bô Cô (sau là xã Hiếu Cổ, thuộc huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định). Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại: “Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thạnh lấy tước Kiềm Quốc công mang ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô. Vừa khi vua (tức Giản Định Hoàng đế-Trần Ngỗi) cũng từ Nghệ An đem quân đến, quân dung nghiêm chỉnh, gặp buổi nước triều lên và gió mạnh, sai các quân đóng cọc giữ và lên hai bên bờ sông đắp lũy. Thạnh cũng chia ra quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, khiến các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân. Quân Minh thua chạy. Chém được Thượng thư binh bộ Lưu Tuy (có sách nói là Lưu Tuấn), đô ty là Lữ Nghị và quân mới, quân cũ hơn 10 vạn người. Chỉ một mình Mộc Thạnh được thoát, chạy đến thành Cổ Lộng (thuộc Ý Yên, Nam Định)…”.

Bô Cô là trận thắng lớn nhất của nghĩa quân, gắn liền với tên tuổi và tài năng, lập chiến công xuất sắc của Đặng Tất kể từ ngày dựng cờ khởi nghĩa.

Bất đồng, bị gièm pha và chết oan

Rất tiếc sau chiến thắng Bô Cô vang dội, trong nội tình bộ chỉ huy nghĩa quân xuất hiện những ý kiến trái ngược nhau. Trần Ngỗi muốn “Thừa thế chẻ tre, đuổi theo một mạch, như sét đánh không kịp che tai, tiến đánh thành Đông Quan (tức thành Đông Đô, nơi phủ trị Giao Châu của quân Minh), tất phải phá được”. Ngược lại Đặng Tất lại cho rằng: Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót để trừ mối lo về sau. Bởi vì, Bô Cô là trận thắng lớn song nghĩa quân cũng bị tổn thất, cần phải có thời gian củng cố lại lực lượng để chuẩn bị cho những trận đánh sau chắc thắng hơn.

Bàn về chủ trương của Đặng Tất, nhiều nhà sử học đời sau cho rằng ông đã có lý. Ông là một vị tướng cầm quân, có mưu lược, biết tính toán hơn thiệt, biết tiến, biết dừng khi nào cho hợp khi phân tích âm mưu, thủ đoạn của địch, so sánh tương quan địch ta… Lúc này cần phải có thời gian, tổ chức củng cố lại lực lượng cho những bước tiếp theo là hợp lý nhất. Tuy nhiên, sự bất đồng ý kiến giữa Trần Ngỗi và Đặng Tất, cộng với bọn gian nịnh gièm pha đã dẫn đến việc: Tháng 3-1409, Trần Ngỗi sai người giết hại hai danh tướng của mình là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, làm cho lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng tan rã, mọi người từ bỏ Trần Ngỗi đi theo các cuộc khởi nghĩa khác.

Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại: “Khi ấy vua đóng ở Hoàng Giang, nội nhân là Nguyễn Quỹ (hoặc là Trách) và học sinh là Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan hoặc cất chức, nếu không tính sớm, sau này khó lòng kiềm chế. Vua cho gọi hai người đến, sai người bóp cổ giết Tất; Chân chạy lên bờ, lực sĩ đuổi theo chém chết”.

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên có phân tích như sau: “Vua may thoát nguy hiểm cầu người giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng; cha con Cảnh Chân có mưu lược, đủ lập được công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng. Trận thắng Bô Cô, thế nước lại đầy, lại nghe lời gièm pha của kẻ hoạn quan, một lúc giết hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay, vây cánh, thì làm sao nên việc được. Cho nên đức của người làm vua cần phải cương quyết, sáng suốt vì có cương quyết mới xử đoán được, có sáng suốt mới xét đoán được. Nếu khi vua gọi hai người đến, đem hai đứa ấy ra kể rõ tội gièm đại thần mà chém ngay đi, thì uy lệnh được nghiêm, thì bọn Tất sức mạnh càng hăng, cảm kích càng sâu, nếu có manh tâm chuyên quyền, há chẳng sợ uy mà chịu nén, có lo gì khó kiềm chế? Đã không làm được như thế thì chìm đắm đến chết mà thôi”.

Đặng Tất là một trong những nhân vật hàng đầu của nghĩa quân Trần Ngỗi, vị tướng có tài thao lược, lập nhiều chiến công vang dội. Công tích của ông được nhân dân ghi nhớ và tôn thờ. Nhân dân vùng Thuận Quảng và nhiều địa phương khác đã xây dựng đền thờ Đặng Tất quốc công…

TRẦN PHI LONG